6. Cấu trúc luận án
4.2.2. Kết cấu có nội dung vào vấn đề trung tâm của câu chuyện
Đó là một dạng kết cấu tiêu biểu trong sáng tác của Trương Tửu. Nhà văn muốn thể hiện cái khốn cùng, tuyệt vọng của những người khổ, ở đầu thiên tiểu
thuyết Khi người ta đói tác giả đã gợi ra một không gian nhốn nháo, tiêu điều với
những gương mặt bơ phờ vì đói, rách. Họ van lơn qua ánh mắt đau thương và tuyệt vọng, họ đem đi cầm cố manh áo cũ, sờn, vàng ố và nhàu nát để mong có vài xu nhỏ lo rau cháo qua ngày:
“-Đồng bẩy! - Hai đồng tư!
- Bốn đồng sáu hào ba xu! - Ba đồng!
- Không cầm thì mang về!…
Những lời đánh giá, những câu gắt gỏng, những tiếng càu nhàu cứ luôn ở bên trong
mấy chiếc cửa tò vò của nhà Vạn Bảo đưa ra, cục cằn và ráo hoảnh…”[120, tr. 397]
Khi người ta bị đói, người ta bị khinh rẻ, bị làm nhục, bị bắt giam, bị chửi bới nhiếc móc. Nhưng cũng khi người ta đói, người ta lại càng làm tôn thêm lòng nhân hậu, lòng yêu thương con người. Đó là những điều Trương Tửu muốn gửi gắm vào bạn
đọc ngay từ những câu chữ đầu tiên, những dòng văn đầu tiên của tiểu thuyết Khi
người ta đói. Ông muốn phản ánh ngay và phản ánh thẳng một cách gay gắt cho công chúng hiểu về cái xã hội mà họ đang sống.
Cũng ngay từ những dòng văn đầu tiên của Một kiếp đọa đày Trương Tửu đã
đi thẳng vào số phận của hai chị em Liễu và Nguyệt qua lời trò chuyện của người mẹ. Bà mẹ đẻ ra hai người con gái, mà ta cứ ngỡ như bà Phán Đức và Nguyệt là mẹ con nhà Cám. Sự hắt hủi, cay nghiệt của bà đã khiến cho cô con gái bà đứt ruột đẻ ra sự bất hạnh đớn đau.
… “Yên lặng một lát, mẹ nàng nói tiếp, buồn bực:
- Giá nó cứ chết quách từ cái ngày nó lên đậu ấy thì có phải bây giờ đỡ khổ tôi… -…Chẳng qua kiếp trước tôi nợ nó, kiếp này nó vào nó báo, bao giờ hết nợ thì
nó bước, chứ ngữ ấy thì chồng mới con gì!” [120, tr. 523].
Đó là những lời người mẹ nói về đứa con kém may mắn, nhan sắc bị hủy hoại do căn bệnh thủa ấu thơ. Lời bà ta sao lạnh như băng, độc ác như nói với kẻ thù. Đó là cách nhà văn đi thẳng đến điều ông muốn nói. Số phận con người, giá trị đạo đức được nhìn nhận chân thực. Trong đó tình mẫu tử, tình chị em ruột thịt chỉ bằng sự lạnh lùng, và những cay nghiệt, mỉa mai hơn cả người dưng nước lã.
Qua lối hành văn thẳng thắn, nhà văn không chủ ý vẽ ra một chương trình
hành động. Điều này thể hiện rõ nét trong tập truyện vừa Một kiếp đọa đầy Truyện
thứ nhất kể về hai chị em gái. Người chị tên Liễu xấu xí lại bị mọi người xung quanh ghẻ lạnh đã rắp tâm ghen ghét và trả thù cô em. Khi em Nguyệt có cậu Tú Duyên đến hỏi cưới thì Liễu giả làm người khác viết thư gây chia rẽ, gây sự đánh Liễu rồi bỏ đi. Truyện của Trương Tửu có xu hướng đi vào phân tích những éo le, uẩn khúc trong các trạng thái đời sống cũng như trong lòng người và đưa ra những triết lý về nhân thế. Ở tác phẩm Thằng Hóm nhà văn tiếp tục vận dụng kết cấu này, kết cấu nội dung đi thẳng vào số phận cuộc đời Thằng Hóm. Ngay ở phần thứ nhất của truyện, nhà văn đi vào miêu tả về “hai đứa trẻ đang ngồi co ro sát vào nhau, bốc cơm nguội đựng trong một vỉ buồm cũ nát đặt trên cái bậc cửa ra vào của một hiệu sơn đã đóng cửa kín im ỉm từ chập tối” [124, tr. 877]. Hai đứa trẻ đó là Tếu và Hóm. Tiếp những trang văn sau đó, cuộc đời Hóm dần sáng tỏ về cội nguồn của hắn, về những người hắn yêu thương, về những lần bị cảnh sát đánh và bắt bớ...Tất cả xoay quanh về đứa trẻ đáng thương hơn đáng trách. Đứa trẻ ấy nếu được nuôi dạy trong môi trường tốt ắt hẳn sẽ có ích cho cộng đồng, xã hội bởi trong con người Hóm luôn chan chứa tình yêu thương với những người có cùng cảnh ngộ khốn khổ như mình, Hóm biết chia sẻ từ miếng cơm nguội cho Tếu và dù được bác Tương, chính là cha Hóm nhận nuôi nhưng Hóm không nỡ bỏ bạn. Một đứa trẻ như vậy, lẽ ra phải được đón nhận những điều tốt đẹp, nhưng trong xã hội ấy, xã hội những năm đầu thế kỷ XX với bao nhiêu những phức tạp khiến mỗi cá nhân con người trong đó có Hóm bị rơi vào vòng xoáy trong bối cảnh của sự giao thoa Tây – Đông.
Với lối kết cấu có nội dung vào vấn đề trung tâm của câu chuyện,vào vấn đề
mà nhà văn muốn nói, các tác phẩm văn xuôi Trương Tửu bao quát một nội dung hiện thực rộng lớn về lịch sử và dã sử; đấu tranh xã hội, gia đình và cá nhân; đấu tranh giai cấp, tình yêu và phong tục; thành thị, ven đô và nông thôn; trí thức, công chức và nông dân để qua đó có những nhận định, phê phán về xã hội đương thời, lên án cái xấu, cái bất công tồn tại trong xã hội đó.