Một xã hội mới với nhiều biến động trong những năm đầu thế kỷ XX

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Văn xuôi Trương Tửu trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX (Trang 46 - 47)

6. Cấu trúc luận án

2.1.1. Một xã hội mới với nhiều biến động trong những năm đầu thế kỷ XX

Ở bất kỳ quốc gia nào, bối cảnh lịch sử xã hội luôn có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn học. Nói cách khác, văn học ở mỗi thời kỳ lịch sử sẽ phản ánh chân thực, sinh động đời sống xã hội, con người, tư tưởng của thời kỳ đó.

Lịch sử xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã trải qua “một phen thay đổi sơn hà” với những biến động dữ dội về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa. Những năm cuối thế kỷ XIX, sau khi triều đình nhà Nguyễn kí hiệp ước thừa nhận sự bảo hộ của Pháp (năm 1884) và trấn áp phong trào Cần Vương, thực dân Pháp coi như cơ bản hoàn thành cuộc xâm lược Việt Nam. Chúng tập trung thiết lập chế độ thuộc địa nửa phong kiến và thực hiện mục đích khai thác thuộc địa trên đất nước ta. Chúng xây dựng một số cơ sở công nghiệp (chủ yếu là hầm mỏ, bến cảng, các nhà máy, cơ sở sản xuất); mở hệ thống đường ô tô và đường sắt xuyên Việt. Nhiều đô thị được hình thành và mở rộng, xuất hiện và làm tăng thêm nhanh chóng tầng lớp thị dân. Trong vài ba mươi năm, cơ cấu giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi. Giai cấp tiểu tư sản thành thị tăng lên đáng kể bao gồm nhiều tầng lớp: tiểu thương, viên chức, thợ thủ công, học sinh, trí thức mới... Giai cấp công nhân được hình thành và phát triển nhanh chóng, ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị. Giai cấp tư sản ra đời nhưng yếu ớt và phụ thuộc vào tư bản Pháp. Bộ máy phong kiến ở làng xã vẫn được duy trì tầng lớp địa chủ, cường hào được sử dụng làm công cụ cai trị và bóc lột của bọn thực dân. Người nông dân chịu nhiều áp bức, công, sưu cao, thuế nặng. Một bộ phận quá bế tắc, cùng quẫn phải bỏ làng quê ra thành thị kiếm sống hoặc đi phu mỏ, phu đồn điền, trở thành đội quân đông đảo cung ứng sức lao động rẻ mạt cho những kẻ bóc lột. Thủ đoạn bóc lột của tư bản Pháp cấu kết với bọn địa chủ, cường hào ở

nông thôn đã đẩy tầng lớp lao động vào cảnh bần cùng. Các mâu thuẫn cơ bản trong xã hội ngày càng trở lên gay gắt và quyết liệt. Từ năm 1940, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, nhân dân ta lại phải chịu thêm một tầng áp bức. Trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp và phát xít Nhật càng ra sức vơ vét phục vụ cho công cuộc chiến đấu dẫn tới nạn đói khủng khiếp năm 1945, cướp đi hàng triệu sinh mạng của đồng bào ta. Phong trào đấu tranh của nhân dân đã đến độ sục sôi. Sức mạnh đoàn kết của dân tộc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến trên đất nước ta.

Ở nước ta, từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, bên cạnh những biến đổi về chính trị, kinh tế, văn hóa, văn học cũng biến đổi sâu sắc. Thời kỳ này, môi trường văn hóa tư tưởng ở Việt Nam có nhiều chuyển biến quan trọng, có sự giao lưu hai luồng văn hóa Đông - Tây. Ngoài hệ tư tưởng phong kiến vốn tồn tại lâu đời ở nước ta, những luồng tư tưởng mới như hệ tư tưởng tư sản phương Tây du nhập vào Việt Nam qua con đường chủ nghĩa thực dân, hệ tư tưởng vô sản vào Việt Nam qua con đường đấu tranh dân tộc cùng những quan niệm mới về đạo đức, lối sống và văn chương, nghệ thuật qua giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa Đông và Tây đã thâm nhập vào đời sống xã hội Việt Nam, tác động sâu sắc đến văn học đương thời. Như vậy, nói đến hệ tư tưởng chính là nói về góc độ triết học. Ở phương Đông tồn tại tư tưởng duy tâm siêu hình, còn ở phương Tây là tư tưởng duy lý, từ những thành quả của tư tưởng Hy Lạp, của thời Phục hưng đã tạo cho phương Tây một bước tiến khá xa so với phương Đông. Đến những năm đầu thế kỷ XX, nhiều luồng triết học ảnh hưởng sâu sắc vào đời sống của con người Việt Nam, vào đời sống văn hóa văn học như một tất yếu của một thời kỳ lịch sử.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Văn xuôi Trương Tửu trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX (Trang 46 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)