QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, BỊ CAN, BỊ CÁO TRONG THỜI KỲ PHONG KIẾN

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự luận văn ths luật 60 38 40 pdf (Trang 40 - 45)

CỦA NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, BỊ CAN, BỊ CÁO TRONG THỜI KỲ PHONG KIẾN

Trong lịch sử pháp luật phong kiến Việt Nam, Luật tố tụng hình sự không có vị trí riêng mà thường nằm trong các bộ tổng luật.

Hiện nay những bộ tổng luật này chỉ còn lại bộ Quốc triều hình luật (hay còn gọi là Luật Hồng Đức) và Hoàng Việt luật lệ (hay còn gọi là Luật Gia Long).

Tại hai bộ luật này, những quy định có rất nhiều quy định liên quan đến việc xử lý các vụ án hình sự. Ví dụ Quốc triều hình luật đã dành chương 13 từ điều từ 658 đến 722 để quy định về đoán ngục, còn ở Hoàng Việt luật lệ liên quan đến việc giam giữ và xét xử vụ án hình sự tại phần quy định về Hình công có 8 điều quy định về "bắt câu lưu" và 29 điều quy định về "phán quyết án lịnh".

Trong việc quy định về việc xét xử đối với những vụ án hình sự, pháp luật phong kiến Việt Nam chưa có những quy định phân tách tư cách tham gia tố tụng của người phạm tội như hiện nay. Chính vì vậy nên trong các bộ luật còn tồn tại đến ngày nay không hề thấy có sự phân tách thế nào là "người bị tạm giữ", "bị can" hay "bị cáo" mà chủ yếu dùng cụm từ "tội nhân", "tù nhân" hoặc "người phạm tội" để dùng cho các quá trình từ khi một người bị bắt giữ cho đến khi người đó bị kết án và thi hành án. Trong các bộ luật phong kiến cũng không có những quy định riêng về địa vị pháp lý của "người phạm tội" mà chủ yếu là những quy định chứa đựng quy phạm về quyền và nghĩa vụ của những người này trong trình tự của các quan như "ngục lại", "quan xét án" "quan đại thần".... khi tiến hành lấy cung, giam giữ hoặc xét xử vụ án.

Cụ thể, ở giai đoạn "điều tra", pháp luật phong kiến quy định rất nhiều trình tự mà "người tiến hành tố tụng" phải làm đồng thời với đó là các quyền và nghĩa vụ của "người phạm tội" hay "tù nhân". Theo quy định của Quốc triều hình luật thì các quan tra án khi lấy khẩu cung của người phạm tội phải

xem xét kỹ sau đó mới được tra hỏi "Các hình quan tra hỏi tù phạm trước hết theo sự tình mà thẩm xét lời lẽ của tù khai; nếu xét đi xét lại, còn chưa quyết định được tội, cần phải tra hỏi nữa, thì phải lập hội đồng các quan án rồi mới tra khảo" [78, Điều 668].

Dù việc tra khảo là nhằm gây đau đớn về mặt thể xác, không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện đại. Tuy nhiên trong pháp luật phong kiến, việc tra khảo lại được thừa nhận và được ghi nhận trong luật như một công nhận chính thức của triều đình phong kiến cho việc dùng hình phạt gây đau đớn về thể xác để làm sáng tỏ chân lý. Tại Điều 669, Quốc triều hình luật

quy định rất rõ "Tra khảo tù phạm không được quá 3 lần; đánh bằng trượng không được quá số 100" [78] Cũng tại điều luật này, pháp luật quy định rất rõ

việc nếu đánh chết tù nhân hoặc đánh trong lúc tù nhân bị bệnh ung nhọt thì quan tra án sẽ bị phạt tùy theo mức độ nhất định. Hoặc có những quy định rất nhân đạo trong việc tra khảo để lấy cung của người già, trẻ em. Chẳng hạn tại

Điều 10, quyển 19 Hoàng Việt luật lệ quy định "Phàm người Bát nghị và trên 80 tuổi, 15 tuổi trở xuống nếu tàn phế như có phạm tội thì quan ti không được dùng hình phạt tra khảo chỉ căn cứ vào bằng cớ mà định tội" [40]. Còn Quốc triều hình luật thì quy định tiến bộ hơn "Những người đáng được nghị xét giảm tội, như 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống, hay bị phế tật, nếu phạm tội thì không được tra tấn, chỉ căn cứ vào lời khai của người làm chứng mà định tội" [77], Ngoài ra tại Điều 20, quyển 20 Hoàng Việt luật lệ còn quy định:

Phụ nữ mang thai phạm tội nếu bị tra khảo thì y sự bảo quản nói trên, chờ sau khi sinh nở một trăm ngày mới tra xét. Nếu chưa sinh nở mà tra xét làm sẩy thai thì quan lại giảm tội thường nhân đánh lộn ba bậc. Làm cho họ chết thì phạt 20 trượng, đồ 3

năm. Hạn sinh chưa mãn mà tra xét đưa đến chết thì giảm một bực tội [40].

Đây là quy định rất nhân đạo mà Hoàng Việt luật lệ đã sử dụng đối với những phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh nở.

Không chỉ có việc quy định việc lấy cung bằng cách tra khảo, trong các bộ luật phong kiến Việt Nam còn rất nhiều quy định về việc lấy cung người phạm tội thật khách quan. Theo đó thì nếu ngục quan và ngục lại dung túng để làm đảo điên trái phải, xúi giục người phạm tội vu oan cho người khác thì đều bị phạt hoặc bị khép vào "tội làm trái pháp luật" theo quy định tại các Điều 711 và 715 Quốc triều hình luật. Hoặc nếu ngục lại tự ý bỏ sót lời

cung, cố ý thay đổi lời cung thì sẽ bị xử phạt theo Điều 716 "Ngục lại bỏ sót lời cung của người đi kiện hay người bị tội, thì xử tội đồ; nếu cố ý thay đổi thì bị xử tội lưu" [77]. Việc pháp luật thời kỳ phong kiến quy định tính khách

quan trong việc lấy lời khai của người phạm tội thể hiện tính hiện đại, tư tưởng tiến bộ trong cách quy định về trình tự tố tụng để giải quyết công bằng một vụ án.

Trong các bước tố tụng mà chúng ta thấy thể hiện ở các bộ luật phong kiến thì rõ nhất là giai đoạn điều tra và giai đoạn xét xử. Ở giai đoạn truy tố có rất ít quy định tuy nhiên cả trong Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ đều

quy định việc phải xét xử dựa vào cáo trạng: "Các quan xét án, phải theo tờ cáo trạng mà xét hỏi, nếu ra ngoài tờ cáo trạng, tìm việc khác để buộc tội người thì bị xử là cố ý bắt tội người" - Điều 670 Quốc triều hình luật và tương tự với quy định này là Điều 371 "Y cáo trạng xét án" của Hoàng Việt luật lệ.

Xét xử là khâu then chốt trong bất kỳ pháp luật tố tụng hình sự thời kỳ nào. Pháp luật phong kiến Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Địa vị pháp lý của người phạm tội trong quá trình xét xử một vụ án hình sự được pháp luật phong kiến Việt Nam tương tối quan tâm. Bởi dù là thời kỳ phong kiến thì việc làm sáng tỏ vụ án, xét xử một cách công bằng, trừng trị kẻ có tội và

không làm oan người vô tội vẫn là những tiêu chí mà các nhà làm luật thời kỳ này mong muốn đạt được. Điều này thể hiện ở rất nhiều điều luật trong Hoàng Việt luật lệ và Quốc triều hình luật, một trong số đó quy định:

Ngày quyết tụng, quan đại thần và các quan xét án đều phải hội đồng lại xét hỏi kỹ càng cho rõ sự trái phải, cốt để mọi người đều yên lòng. Nếu có điều chưa rõ phải thẩm xét lại, không được cố chấp ý riêng mình, bắt mọi người phải theo, bày ra lý này lý khác để có người mắc oan. Luật này cũng không cho phép những quan phụ thẩm lúc đông đủ mọi người không hết bổn phận tranh biện về sau lại có câu nghị luận khác. Ai trái luật này đều tùy theo nặng nhẹ mà xử tội thêm bớt tội người [77, Điều 720].

Tại các phiên xét xử, việc xét hỏi người bị xét xử luôn được quy định rất cụ thể. Đó là quy định về nghĩa vụ của các quan xét án đồng thời cũng là nghĩa vụ của bị cáo. Bởi pháp luật thời kỳ này quy định khi xét hỏi phải xét hỏi kỹ, phải căn cứ vào tờ cáo trạng mà xét hỏi. Việc pháp luật thời kỳ này quy định việc xét hỏi phải căn cứ vào cáo trạng là đặc điểm rất tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp. Bởi quy định như vậy sẽ giới hạn việc xét xử, người phạm tội cũng sẽ không vô cớ bị xét xử về những hành vi không liên quan, đảm bảo quyền được xử đúng người, đúng tội.

Ngoài việc quy định về việc xét hỏi, pháp luật thời kỳ này cũng quy định việc người phạm tội được quyền bào chữa.

Điều 691 - Quốc triều hình luật quy định: "Những án xét vào tội nhẹ, nhưng tình lý đáng ngờ, thì giao cho quan Viện thẩm hình hội đồng bàn xét, hỏi tội nhân cho đến lúc nhận tội; nếu tội nhân không chịu nhận tội thì cho phép được bào chữa rồi phải xét lại kỹ càng" [77].

Không chỉ có vậy mà người phạm tội thời kỳ này còn có quyền được

quyền bày tỏ quan điểm của mình, kêu oan hoặc được đối chất. Điều 370,

Điều 678 - Quốc triều hình luật quy định "Những người có tờ cáo trạng kêu oan, được bày tỏ khi hỏi kiện. Nếu việc đã xét xử được tâu lên, mà còn đệ đơn kêu oan, thì xử 30 roi; nhưng được đối chất" [77].

Quyền được biết mình bị xét xử đúng theo quy định của pháp luật như

tại Điều 721 - Quốc triều hình luật "Sau khi quan đại thần định rõ tội danh, quan hình ngục phải đem lẽ đúng sai cùng tội danh đã định báo cho kẻ bị tội biết, để người ấy phục tội" [77].

Liên quan đến quyền được xét xử theo đúng quy định của pháp luật, trong các bộ luật phong kiến rất chú trọng đến việc quy định mang tính răn đe đối với các quan xét án và quy định rất nặng đối với tội xét xử, định tội sai.

Pháp luật thời kỳ này còn quy định người phạm tội quyền kháng cáo bản án lên cấp xét xử cao hơn. Bởi vì trong cả Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ đều có những quy định về cấp xét xử. Theo Điều 301 Hoàng Việt luật lệ thì người đi kiện có quyền vượt kiện lên tòa cấp trên, còn Quốc Triều

hình luật thì quy định "nếu quan xã xử đoán không hợp lẽ thì kêu đến quan huyện; quan huyện xử đoán không hợp lẽ thì kêu đến quan lộ; quan lộ xử đoán không hợp lẽ thì mới đến kinh tâu bày" [77].

Ngoài ra người phạm tội ở thời kỳ này còn có rất nhiều khác như quyền được tống đạt bản án theo Điều 719 Quốc triều hình luật, quyền được xét xử vào mùa thu theo quy định của Hoàng Việt luật lệ, quyền được xin ân xá...

Trong pháp luật phong kiến không quy định cụ thể người phạm tội có nghĩa vụ gì cụ thể mà chủ yếu quy định thông qua quy phạm khác như việc quy định các quan có quyền tra khảo và như vậy nghĩa vụ của người phạm tội là buộc phải khai báo, buộc phải tuân theo những quy định trong quá trình Điều tra, xét xử do pháp luật phong kiến đặt ra.

Có thể nói ở pháp luật phong kiến địa vị của người phạm tội gần như ở mức tối thiểu. Họ phải có nghĩa vụ tuân theo các trình tự do "ngục lại" "quan xét án" đặt ra. Sự bất bình đẳng và không dân chủ là đặc điểm hạn chế

của các bộ luật này. Dù cho Hoàng Việt luật lệ và Quốc triều hình luật là những bộ luật nổi tiếng là tiến bộ, mang đậm nét nhân văn nhưng trong bộ luật các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền bình đẳng trước pháp luật...vẫn chưa được bảo vệ.Thậm chí có rất nhiều quy phạm trong pháp luật thời kỳ này quy định về việc không cần phải xét xử mà cũng có thể treo cổ hoặc xử chém ngay đối với người phạm tội.

Tuy nhiên việc pháp luật thời kỳ này ghi nhận những quyền và nghĩa vụ đối với người phạm tội, đặc biệt là các quyền, là những đặc điểm làm cho giá trị của những bộ luật này trường tồn cùng với thời gian, xứng đáng là đại diện tiêu biểu cho pháp luật phong kiến Việt Nam.

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự luận văn ths luật 60 38 40 pdf (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)