LÝ CỦA NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, BỊ CAN, BỊ CÁO TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1988
Từ sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời cho đến trước năm 1988, hệ thống pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam được điều chỉnh chủ yếu bằng các sắc lệnh, nghị định, thông tư, hoặc các bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao. Việc điều chỉnh này không thành một hệ thống hoàn chỉnh mà mà mỗi văn bản lại điều chỉnh một khía cạnh. Chính bởi vậy nên địa vị pháp lý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cũng được quy định không phải ở một văn bản mà ở rất nhiều văn bản khác nhau.
Trong suốt một thời gian dài trước khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 được ban hành các thuật ngữ người bị tạm, bị can, bị cáo đã được sử dụng rất nhiều trong các văn bản. Tuy nhiên chỉ có thuật ngữ bị cáo được định nghĩa chính thức vào năm 1974. Các văn bản trước đó có rất nhiều văn bản không phân biệt bị can, bị cáo. Cùng một tư cách tham gia tố tụng nhưng có văn bản dùng bị can có văn bản có văn bản lại dùng thuật ngữ bị cáo.
Trong thời kỳ này địa vị pháp lý của bị can, bị cáo được quy định cụ thể hơn. Tuy còn có sự lẫn lộn trong thuật ngữ, không rành mạch trong cách quy định nhưng tựu chung lại những quyền và nghĩa vụ vẫn được bảo đảm.
Văn bản đầu tiên đánh dấu địa vị pháp lý của bị cáo đó là Sắc lệnh 33C của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc thành
lập một số tòa án quân sự đã ghi nhận "bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bênh vực cho". Đây là văn bản đánh dấu sự ra đời của ngành Tòa
án, cũng là văn bản đầu tiên quy định về trình tự tố tụng của nước ta. Việc địa vị pháp lý của bị cáo, mà cụ thể là quyền được tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bênh vực cho của bị cáo được quy định trong văn bản đầu tiên này có giá trị rất lớn. Bởi nó không chỉ khẳng định địa vị pháp lý của bị cáo mà nó còn khẳng định sự quan tâm của Nhà nước ta trong việc bảo đảm cho bị cáo quyền cơ bản nhất, khẳng định tư tưởng lập pháp tiến bộ, dân chủ của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tiếp tục kế thừa những tư tưởng lập pháp tiến bộ đó, ngày 24/01/2946 trong Sắc lệnh 13 về Tổ chức các Tòa án và các ngạch thẩm phán cũng đã quy định về việc bị can có quyền được cử người bào chữa theo Điều thứ 44
"Điều thứ 44: Trong việc đại hình, nếu trước Tòa Thượng thẩm một bị can không có ai bênh vực, ông Chánh án sẽ cử một Luật sự để bào chữa cho hắn" [Dẫn theo 42].
Tiếp đó đến ngày 09/11/1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam
dân chủ cộng hòa cũng đã ghi nhận quyền bào chữa của bị cáo: "Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư" hoặc quyền được suy đoán
vô tội của bị cáo cũng được ghi nhận ngay trong Hiến pháp này.
Trong các bản hiến pháp sau đó là Hiến pháp 1960, Hiến pháp 1980 cũng tiếp tục ghi nhận quyền này của bị cáo.
Không chỉ có các văn bản trên mà còn rất nhiều văn bản sau đó tiếp tục kế thừa và ghi nhận quyền bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của bị can, bị cáo. Đó là Sắc lệnh 69/SL ngày 18/6/1949, Nghị định số 01/NĐ ngày 12/01/1950 của Bộ tư pháp, Đề án về quyền bào chữa của bị cáo do Hội nghị tư pháp ở Bộ tư pháp thông qua ngày 20/6/1956, Thông tư số 06/TC ngày
09/9/1967 của Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư số 16 -TATC ngày 27/9/1974, Sắc luật số 01/SL -76 ngày 15/3/1976...
Ngoài quyền bào chữa là quan trọng nhất, được đề cập nhiều nhất thì bị can, bị cáo còn có quyền được nhận bản cáo trạng. Tại thông tư số 2225/HCTP
ngày 24/10/1956 của Bộ tư pháp quy định "Bản cáo trạng phải được tống đạt cho bị cáo trước 3 ngày trước ngày phiên tòa. Vì vậy trong phiên tòa, Tòa án phải xem bị cáo đã được tống đạt bản cáo trạng chưa" [Dẫn theo 42]. Tại
Bản hướng dẫn về trình tự tố tụng sơ thẩm về hình sự ngày 27/9/1974 quy
định "Bản cáo trạng và quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được tống đạt chậm nhất là năm ngày trước khi mở phiên tòa. Nếu vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì thời gian đó phải dài hơn" [Dẫn theo 42].
Tại phiên tòa, bị cáo được trình bày ý kiến, quyền bào chữa tại phiên tòa. Điều này được quy định lần đầu tiên trong Sắc lệnh 13 ngày 24/01/1946 cụ thể bị can tại Điều thứ 34 và 41:
Sau khi nghe các bị can, các người chứng, cáo trạng của ông Chưởng lý, và sau cùng, nghe lời cãi của các bị can, ông Chánh án, hai Hội thẩm và hai Phụ thẩm nhân dân lui vào phòng nghị xử đề cùng quyết nghị về tất cả các vấn đề thuộc về tội trạng, hình phạt, trường hợp tăng tội và trường hợp giảm tội [Dẫn theo 42].
Sau đó các văn bản quy định về trình tự thủ tục phiên tòa cũng tiếp tục ghi nhận quyền này của bị cáo.
Ngoài ra tại phiên tòa, bị cáo còn có quyền thay đổi người tiến hành tố tụng, đề xuất lời thỉnh cầu, nói lời sau cùng, được giải thích quyền và nghĩa vụ, được quyền chống án. Điều này thể hiện lần đầu tiên trong Thông tư số 2225/HCTP ngày 24/10/1956 của Bộ Tư pháp theo đó:
Trong phiên tòa, bị cáo có quyền: yêu cầu Tòa án thay đổi Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân nếu nhận thấy những người này có quan hệ với vụ án có thể làm cho việc xét xử không được
công bằng, trình bày chứng cứ, đề xuất những lời thỉnh cầu và phát biểu lời cuối cùng trước khi Tòa án vào nghị án. Tòa án có nhiệm vụ giải thích cho bị cáo những quyền đó trong phần chuẩn bị của phiên tòa xét xử. Sau khi tuyên án, Tòa án cũng có nhiệm vụ báo cho bị cáo biết họ có quyền chống án theo trình tự phúc thẩm trừ trường hợp vụ án được xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm [Dẫn theo 42].
Có thể nói Thông tư 2225 là một trong những văn bản pháp lý rất quan trọng trong việc khẳng định địa vị pháp lý của bị cáo trong quá trình tố tụng mà đặc biệt là tại phiên tòa. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định những quyền mà trước đó chưa có văn bản nào quy định như quyền được thay đổi người tiến hành tố tụng, quyền được phát biểu lời cuối cùng...
Tiếp sau Thông tư 2225, các quyền này của bị cáo cũng tiếp tục được kế thừa và ghi nhận. Cụ thể tại thông tư 16/TATC ngày 27/9/1974, Sắc luật số 01/SL -76 ngày 15/3/1976.
Ngoài những quyền trên thì bị cáo còn có các quyền được nhận bản án, được xem biên bản phiên tòa...
Bên cạnh những quy định ở các văn bản pháp lý này thì Hiến pháp các thời kỳ cũng ghi nhận những quyền cơ bản của bị cáo. Đó là quyền được bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trước Tòa án; quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín; quyền được dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trong quá trình tố tụng; quyền được xét xử công khai, quyền được suy đoán vô tội.
Bị can, bị cáo có nghĩa vụ phải chấp hành các quy định của cơ quan tiến hành tố tụng.
Trong thời kỳ này, thuật ngữ người bị tạm giữ ít được sử dụng mặc dù việc tạm giữ, bắt người đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên thuật ngữ sử dụng chưa thống nhất, quyền và nghĩa vụ của những người này cũng có được ghi nhận nhưng rời rạc và đơn lẻ. Ví dụ: Luật số 103/SL/L005 ngày 20 tháng
5 năm 1957 về bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối
với nhà ở của công dân cũng đã quy định về việc tạm giữ, theo đó "Cơ quan tư pháp huyện hoặc công an huyện tạm giữ can phạm để xét và hỏi cung rồi phải quyết định tha hẳn, tạm tha hoặc giải lên tòa án nhân dân hoặc công an cấp trên" [Dẫn theo 42].
Hoặc pháp luật cũng có quy định những trường hợp phạm pháp quả tang, những trường hợp khẩn cấp tại Điều 1, 2 Sắc lệnh số 002/SL -T ngày 18/6/1957, theo đó có bốn trường hợp phạm pháp quả tang là: đang làm việc phạm pháp hoặc sau khi phạm pháp bị phát giác ngay, đang bị đuổi bắt ngay sau khi phạm pháp, đang bị giam giữ mà lẩn trốn, đang có lệnh truy nã. Sáu trường hợp khẩn cấp đó là: có hành động chuẩn bị làm việc phạm pháp, người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra vụ phạm pháp chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là kẻ phạm pháp, tìm thấy chứng cớ phạm pháp trong người hoặc tại nhà ở của người tình nghi phạm pháp, có hành động chuẩn bị hoặc đang trốn, có hành động tiêu hủy chứng cớ hoặc đang tiêu hủy chứng cớ, làm giả chứng cớ. Có sự thông đồng giữa những kẻ phạm pháp với nhau để trốn tránh pháp luật, căn cước, lý lịch không rõ ràng.
Mặc dù quy định như vậy nhưng về địa vị pháp lý của những người này thì không được quy định cụ thể. Pháp luật thời kỳ này chỉ quy định việc cơ quan tư pháp hoặc công an phải làm khi tiếp nhận những người bị bắt trong những trường hợp này. Ví dụ tại Điều 5, Sắc lệnh 103 ngày 20/5/1957 quy định:
Người phạm pháp bị bắt phải được giải lên cơ quan tư pháp hoặc cơ quan công an từ cấp huyện trở lên trong hạn hai mươi bốn giờ kể từ lúc bắt.
Cơ quan tư pháp huyện hoặc công an huyện được tạm giữ can phạm trong hạn ba ngày kể từ lúc nhận can phạm để xét và hỏi cung, rồi phải quyết định tha hẳn, tạm tha, hoặc giải lên tòa án nhân dân hoặc công an cấp trên [Dẫn theo 42].
Nói tóm lại, địa vị pháp lý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1988 mặc dù đã có nhiều quy định nhưng không tập trung, nằm dải rác ở nhiều văn bản, do vậy quyền và nghĩa vụ của những người này chưa được đảm bảo. Đây cũng là lý do khiến cho năm 1988, Bộ luật tố tụng hình sự đầu tiên của nước ta được ban hành. Tuy nhiên không thể không đánh giá cao những nỗ lực của các nhà lập pháp trong việc dần dần hoàn thành những chế định về địa vị pháp lý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong thời kỳ này. Bởi đây là thời kỳ vô cùng khó khăn của cách mạng Việt Nam - thời kỳ xây dựng và đấu tranh bảo vệ đất nước.