Ảnh hưởng tiêu cực

Một phần của tài liệu Phân tích các ảnh hưởng kinh tế - xã hội - môi trường của cụm công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai và đề xuất một số giải pháp để phát triển bền vững cụm công nghiệp (Trang 42 - 45)

a) Ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp

* Quỹ đất dành cho canh tác nông nghiệp bị giảm xuống do mở rộng quy hoạch cụm công nghiệp và đô thị Tằng Loỏng: việc này là cần thiết khi triển khai mặt bằng để tiến hành phát triển cụm công nghiệp, những hộ dân trong diện cần di dời, tái định cư đã được đền bù thỏa đáng, tuy nhiên, diện tích đất đai cho canh tác nông nghịêp địa phương vì thế bị giảm xuống. Những hộ dân trong diện tái định cư gặp khó khăn để thích nghi với hoàn cảnh sống mới, trong đó việc sản xuất nông nghiệp sẽ giảm xuống hoặc chuyển đổi hẳn sang hình thức sản xuất kinh tế khác như công nghiệp, dịch vụ.

* Đối với các hộ nông dân không phải di dời, hoạt động sản xuất nông nghiệp của họ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động thi công và sản xuất trong cụm công nghiệp:

và khí thải, nguồn chủ yếu là từ các phương tiện máy móc thi công trên công trường và các phương tiện vận chuyển. Bụi và khí thải ảnh hưởng đến quá trình quang hợp và hô hấp của cây cối, làm cây chậm phát triển và năng suất bị giảm sút. Tuy nhiên những tác động này là không thường xuyên và lâu dài, phạm vi tác động không rộng, mức độ tác động không quá lớn. Ngoài ra còn có nước thải và nước mưa chảy tràn: nước thải từ quá trình thi công xây dựng cơ sở hạ tầng gồm nước rửa nguyên vật liệu, nước vệ sinh máy móc, nước dưỡng hộ bê tông…đặc tính của loại nước thải là có hàm lượng chất lơ lửng và chất hữu cơ cao. Vào những ngày mưa, nước mưa chảy tràn qua khu vực cuốn theo đất cát, chất cặn bã, dầu mỡ…Nói chung mức độ ảnh hưởng của nước mưa chảy tràn và nước thải trong quá trình thi công sản xuất đối với sản xuất nông nghiệp của các hộ lân cận là không lớn và không thường xuyên.

- Hoạt động sản xuất ổn định của các nhà máy trong cụm công nghiệp: + Phát sinh một lượng lớn bụi và khí thải độc hại, đặc tính nguồn khí thải phụ thuộc vào đặc điểm sản xuất của từng nhà máy, nguồn phát sinh chủ yếu là từ các khu vực sản xuất và các ống khói nhà máy. Các bụi và khí thải này nếu chứa các chất ô nhiễm ở nồng độ cao thì sẽ gây ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi trong khu vực: cây bị táp lá, úa lá, chậm phát triển, năng suất cây trồng thấp, năng suất chăn nuôi giảm.

+ Phát sinh nước thải: hiện tại vẫn có một số nhà máy trong cụm công nghiệp thải nước thải sản xuất và sinh hoạt chưa qua xử lý vào môi trường nước, tùy vào từng loại công nghệ sản xuất mà nước thải có thành phần và nồng độ các chất ô nhiễm đặc trưng. Ví dụ: nước thải từ dây chuyền sản xuất Supe lân có đặc trưng ô nhiễm là chất rắn lơ lửng và nước thải mang tính a xít, nước thải từ các nhà máy sản xuất phốt pho có đặc trưng ô nhiễm là bụi tro than của lò hơi, độ pH thấp, chứa hạt phốt pho nhỏ. Nước thải phát sinh khi xảy ra sự cố thường được xả trực tiếp ra suối Đường Đô, tạo nguy cơ gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến các hộ canh tác nông nghiệp tại khu vực suối này.

Trên thực tế, khi có sự cố môi trường xảy ra: mưa lớn làm các bể chứa nước thải tuần hoàn bị tràn, nước chảy tràn qua khu vực sản xuất của các nhà máy…chứa nhiều chất ô nhiễm, đã khiến cho dân cư có ruộng hoa màu ở phía hạ nguồn của các con suối bị ảnh hưởng, hoa màu bị giảm năng suất hoặc nghiêm trọng hơn, bị úa và chết, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Ngoài ra, theo một số ý kiến của người dân đang sinh sống trong khu vực cụm công nghiệp Tằng Loỏng, một số gia súc, gia cầm của các gia đình này khi chăn thả trong khu vực xung quanh cụm công nghiệp bị chết do ăn cây cỏ hoặc uống nước có nhiễm các chất độc hại từ chất thải của các nhà máy trong cụm công nghiệp thải ra.

+ Phát sinh chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp: trong dài hạn ước tỉnh khoảng 30000 đến 50000 tấn/ngày đêm có thành phần chủ yếu là các chất hữu cơ dễ phân hủy và một lượng nhỏ chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn công nghiệp chủ yếu là xỉ quặng, bao bì, thùng giấy, xỉ than của lò đốt và một lượng rất nhỏ cặn dầu thải, ắc quy, giẻ lau dính dầu mỡ…Nếu không có biện pháp xử lý, thu gom theo đúng quy định thì sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, tác động này tuy cường độ không lớn, nhưng lâu dài và xử lý phức tạp. Vì các chất ô nhiễm khi đã xâm nhập vào môi trường đất và nước ngầm thì việc xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó ảnh hưởng đến canh tác của dân cư khu vực lân cận.

b) Ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ

- Nói chung việc phát triển cụm công nghiệp và đô thị Tằng Loỏng đem lại nhiều tác động tích cực cho việc phát triển thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên, khi cụm công nghiệp phát triển, nguy cơ ô nhiễm khói, bụi và tiếng ồn sẽ tạo ra cản trở đối với việc thực hiện các hoạt động thương mại dịch vụ.

- Việc phát triển cụm công nghiệp và đô thị thu hút một số lượng lớn dân cư tập trung, do đó làm tăng cầu về hàng hóa dịch vụ, theo đó có thể đẩy giá cả tiêu dùng lên cao hơn so với trước đây, gây khó khăn cho người dân

trong việc tiếp cận các sản phẩm thiết yếu.

- Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã kinh doanh từ trước tại địa phương, việc phát triển cụm công nghiệp và đô thị Tằng Loỏng tạo ra hiệu ứng tích cực để tiếp tục phát triển những cơ sở này song cũng tạo ra thách thức về việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh có thêm nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ mới tham gia vào thị trường tại khu vực.

c) Tác động tới hệ thống cơ sở hạ tầng

- Hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải trong các tuyến giao thông trong cụm công nghiệp gia tăng: xe chuyên chở vật liệu, xe chở đất đá, quặng, xe chở sản phẩm đi tiêu thụ…trọng tải lớn, không những gây ra tiếng ồn, độ rung, khói bụi mà còn làm xuống cấp hệ thống đường giao thông qua thị trấn. Hơn nữa, chất lượng đường giao thông bị giảm sút là nguyên nhân gây ra tai nạn hoặc ách tắc giao thông, gây ra chi phí cho người tham gia giao thông trên những tuyến đường này.

- Các cơ sở hạ tầng khác như cống thoát nước, các công trình xây dựng công cộng, trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học, bưu điện…và nhà dân bị ảnh hưởng từ tiếng ồn và khói bụi của các phương tiện vận tải, có thể dẫn đến việc bề mặt hoặc kết cấu bên trong của công trình bị xuống cấp. Do đó phát sinh các chi phí tu sửa, gia cố những công trình này, gây ra những khoản chi phí của ngân sách địa phương. Ngoài ra, các hộ dân chịu ảnh hưởng của tiếng ồn và khói bụi sẽ phải mất thêm chi phí cho việc lắp đặt các thiết bị, công trình để giảm thiểu tác động của môi trường không khí như: cửa kính, cửa chống ồn…hay chi phí cho việc tu sửa nhà do tiếng ồn, độ rung từ các phương tiện vận tải làm xuống cấp.

Một phần của tài liệu Phân tích các ảnh hưởng kinh tế - xã hội - môi trường của cụm công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai và đề xuất một số giải pháp để phát triển bền vững cụm công nghiệp (Trang 42 - 45)