Trong hoạt động tín dụng, ngoài việc xác định mở rộng tín dụng Ngân hàng còn thực hiện nâng cao chất lượng tín dụng. Để làm được điều này, trước hết cần nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng nhằm tạo dựng lòng tin về uy tín và chất lượng dịch vụ đối với khách hàng đồng thời các bộ phận liên quan như: bộ phận quản lý tín dụng, bộ phận thẩm định, bộ phận kế toán, bộ phận kinh doanh… cần tuân thủ lưu đồ tác nghiệp qua các bước: từ tiếp xúc khách hàng; thẩm định; trình duyệt hồ sơ vay vốn; lập đàm phán ký kết các hợp đồng; giải ngân; giám sát theo dõi khoản vay; thu nợ và xử lý các vấn đề phát sinh; tất toán khế ước; thanh lý hợp đồng; lưu giữ hồ sơ.
Tự do hoá kinh doanh đòi hỏi ngân hàng và doanh nghiệp “phải tự kiểm tra lẫn nhau để tự lựa chọn đối tác” và một trong những bước quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng là thẩm định khách hàng trước khi quyết định cho vay thông qua:
Thẩm định tình hình tài chính:
Công tác thẩm định trước khi ra quyết định cho vay là một việc làm hết sức cần thiết bởi nó có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả cho vay của ngân hàng. Thẩm định là việc thu thập, phân tích và xử lý mọi thông tin liên quan đến khách hàng như năng lực tài chính, năng lực dân sự, chu trình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của khách hàng, vì thế Ngân hàng cần thực hiện tốt công tác này để có thể tiến hành phân loại được khách hàng một cách chính xác, xây dựng được một danh sách khách hàng để dễ dàng hơn trong việc ra quyết định cho vay, đảm bảo hoạt động cho vay có hiệu quả hơn.
Trong công tác thẩm định cần chú ý đến vấn đề về tài sản thế chấp. Các ngân hàng hiện nay thường coi tài sản thế chấp như là một chỗ dựa an toàn trong việc ra quyết định cho vay. Tài sản thế chấp là cơ sở để ngân hàng thu hồi nợ khi người vay không trả
được nợ, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, bắt buộc, là giải pháp cuối cùng buộc ngân hàng phải thực hiện bởi phát mại tài sản thế chấp là công việc hết sức khó khăn. nó không những ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay của ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng cũng như của doanh nghiệp. Vì vậy đối với các khoản cho vay có tài sản đảm bảo, ngân hàng cần thực hiện thẩm định một cách nghiêm ngặt, chính xác, ngân hàng cần tích cực hơn trong việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản đảm bảo của doanh nghiệp, tránh những ảnh hưởng xấu tác động làm giảm giá trị của tài sản đảm bảo. Việc lựa chọn loại tài sản đảm bảo nào cũng là một vấn đề quan trọng vì nó chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố pháp lý và các yếu tố thị trường như giá cả, quyền chuyển nhượng, sử dụng…Bên cạnh việc thận trọng khi lựa chọn, sử dụng tài sản đảm bảo, Ngân hàng cần mở rộng các hình thức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản để tăng dư nợ cho vay đối với các DN.
Thẩm định dự án đầu tư:
Khả năng lập dự án đầu tư của các DNN&V còn nhiều hạn chế nhất là những doanh nghiệp mới. Do đó để dễ dàng trong việc thẩm định cán bộ ngân hàng nên tư vấn hướng dẫn DNN&V lập dự án đầu tư chi tiết, đảm bảo những thông tin mà ngân hàng cần.
Thẩm định hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là khâu rất quan trọng đối với ngân hàng nhằm đạt hiệu quả mong muốn cũng như phòng tránh được rủi ro. Trong khi vấn đề tài sản thế chấp của các DNN&V đang còn nhiều hạn chế thì việc căn cứ vào tính hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh để ra quyết định cuối cùng là điều hết sức cần thiết. Vì vậy đòi hỏi cán bộ tín dụng phải thực hiện phân tích, đánh giá, xem xét tính khả thi của dự án một cách nhanh chóng, chính xác và trung thực.
Trong quá trình thực hiện dự án, tổ chức theo dõi tiến độ hoàn thành từng hạng mục đầu tư, quá trình nhập xuất vật tư hàng hoá thông qua các báo cáo đinh kỳ của doanh nghiệp vay vốn, và thông qua kiểm tra trực tiếp của cán bộ ngân hàng. để kiểm soát được mục đích sử dụng vốn vay, doanh nghiệp phải cam kết sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.