Ngân hàng cần xây dựng chính sách tín dụng phù hợp đối với DNN&V bởi vì dư nợ tín dụng DNN&V chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong hoạt động kinh doanh của NHTMCPQĐ. Chính sách tín dụng phản ánh cương lĩnh tài trợ của một ngân hàng, trở thành hướng dẫn chung cho cán bộ tín dụng và các nhân viên ngân hàng, tăng cường chuyên môn hoá trong phân tích tín dụng tạo sự thống nhất chung hoạt động tín dụng nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao khả năng sinh lời. Ngân hàng phải thực hiện việc phân đoạn thị trường khách hàng, DNN&V đặc biệt linh hoạt trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh, nên cán bộ tín dụng phải nắm bắt được đặc điểm cũng như nhu cầu của từng đoạn thi trường thì mới có thể xây dựng được chính sách phù hợp.
Thứ nhất: các DNN&V đang có xu hướng ngày càng phát triển, các ngân hàng thương mại ở nước ta đều có hướng tập trung phát triển mảng thị trường DNN&V, do đó tính cạnh tranh trong mảng thị trường này ngày càng cao. Chính vì vậy, NHTMCPQĐ cần mở rộng phạm vi tài trợ ra mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngân hàng chủ động tìm kiếm những DNN&V đang hoạt động có hiệu quả, có phướng án và dự án kinh doanh khả thi. Ngân hàng phải nắm bắt rõ nhu cầu và mục đích kinh doanh, phải có chính sách marketing và chính sách ưu đãi phù hợp.
Thứ hai: nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của DNN&V ngày càng tăng do đó các DNN&V có nhu cầu về nguồn vốn trung và dài hạn là rất lớn. Để mở
rộng hoạt động tín dụng đối với DNN&V, NHTMCPQĐ cần tăng cường tài trợ nhu cầu tín dụng trung và dài hạn đáp ứng nhu cầu của các DNN&V. Hiện nay, điều kiện thu hút nguồn vốn trung và dài hạn gặp nhiều khó khăn nên phần nào ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng. Để đảm bảo nguồn cho vay trung và dài hạn ngân hàng Quân Đội phải tăng cường huy động vốn trung và dài hạn từ các tổ chức, dân cư qua các chương trình huy động với lãi suất ưu đãi, lợi ích càng tăng khi kỳ hạn và nguồn tiền gửi càng cao.
Để đảm bảo được tính thanh khoản và hạn chế rủi ro, Ngân hàng phải xác định kỳ hạn trả nợ hợp lý, phù hợp với quá trình luân chuyển vốn của doanh nghiệp.
Thứ ba: Ngân hàng cần có cơ chế lãi suất và phí suất tín dụng linh hoạt. Ngân hàng cần căn cứ vào đặc điểm của từng loại tín dụng, phân chia thành các loại lãi suất khác nhau đảm bảo tính cạnh tranh của lãi suất trên thị trường cũng như khả năng sinh lời, đưa ra mức lãi suất hấp dẫn đối với DNN&V. Ngân hàng có thể cho phép điều chỉnh lãi suất trong một giới hạn nhất định tuỳ vào từng đối tượng khách hàng. Đối với doanh nghiệp là khách hàng có uy tín, có mối quan hệ lâu dài có thể dùng chính sách ưu đãi lãi suất để thu hút và duy trì quan hệ với Ngân hàng.
Thứ tư: Áp dụng linh hoạt các quy định về tài sản đảm bảo. Không chỉ tập trung vào các bất động sản, hàng hoá trong kho mà có thể chấp nhận rộng hơn hợp đồng chi trả của người thứ ba.
Do năng lực tài chính của các DNN&V còn rất kém, nên Ngân hàng yêu cầu họ phải có tài sản đảm bảo mới được vay vốn. Nhưng đó là trở ngại lớn đối với DNN&V, hơn nữa thực tế cho thấy nhiều khi việc áp dụng các biện pháp thế chấp tài sản không hẳn là hiệu quả, vì ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc phát mại, xử lý tài sản thế chấp, tốn kém thời gian và chi phí của ngân hàng. Do đó ngân hàng có thể xem xét nới lỏng điều kiện vay vốn. Tỷ lệ phần trăm cho vay trên tài sản đảm bảo cũng thay đổi tuỳ thuộc vào tính thanh khoản, tính thị trường… nhưng cũng tính đến bản thân khách hàng về phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư, ý chí trả nợ… Khi tính toán giá trị tài sản đảm bảo, Ngân hàng áp dụng linh hoạt khung giá của Nhà nước, mà có sự điều chỉnh phù hợp.
Đối với những khách hàng đã xây dựng thương hiệu mạnh, có vị thế trên thị trường thì Ngân hàng tăng cường cho vay tín chấp. Ngoài ra, NHTMCPQĐ còn xem xét
đưa hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vào danh mục tài sản đảm bảo. Ngân hàng căn cứ giá trị hoàn lại của hợp đồng, không cần định giá khi nhận làm đảm bảo. Các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải được công ty bảo hiểm có uy tín phát hành, có giá trị giải ước, thuộc sở hữu của người vay, người có trách nhiệm đối với khoản vay hoặc người bảo lãnh. Như vậy, NHTMCPQĐ đã đa dạng hoá các loại tài sản đảm bảo, hạn chế rủi ro.
Ngoài ra, Ngân hàng cần đơn giản hoá thủ tục cho vay và tăng thời gian xử lý hồ sơ. Ngân hàng có hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ các hồ sơ cần thiết, giảm thiểu thời gian giao dịch khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.