Quy trình tín dụng đối với DNN&V tại NHTMCPQĐ:
Để có được quyết định tài trợ đúng đắn, đảm bảo an toàn vốn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho Ngân hàng và khách hàng thì hoạt động tín dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt
quy trình tín dụng. Quy trình tín dụng là một tập hợp thứ tự các bước mà các cán bộ ngân hàng phải tuân thủ thực hiện khi tiến hành thực hiện một quyết định cho vay.
Trên cơ sở những quy định chung của Ngân hàng Nhà nước thông qua các văn bản như luật tổ chức tín dụng, quy trình cho vay tại NHTMCPQĐ bao gồm các bước:
Bước 1: Tiếp thị, tiếp xúc khách hàng, tiếp nhận hỗ trợ
Chuyên viên khách hàng thuộc phòng kinh doanh tại chi nhánh khi tiếp nhận nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp phải hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ; tiến hành thu thập các thông tin và tài liệu cần thiết từ phía khách hàng, thu thập thông tin từ các bạn hàng, đối thủ cạnh tranh, tìm hiểu thông tin thị trường từ các phương tiện thông tin đại chúng. Các thông tin thu thập phải đầy đủ, chính xác, trung thực để có được những đánh giá đầy đủ và tổng thể về khách hàng để làm cơ sở cho việc đề xuất cấp cấp hạn mức cho khách hàng hoặc phê duyệt tín dụng cho khách hàng.
Bước 2: Thẩm định, phân tích hồ sơ
Chuyên viên khách hàng sau khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn từ khách hàng phải tiến hành thẩm định tư cách khách hàng (là cá nhân/pháp nhân), thẩm định tình hình hoạt động, năng lực tài chính của doanh nghiệp, thẩm định nhu cầu vay vốn (cấp hạn mức) và đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Tuân thủ đầy đủ quy định của quy trình nhận tài sản đảm bảo. Tùy thuộc vào loại tài sản đảm bảo, chuyên viên khách hàng phối hợp với ban kiểm soát và hỗ trợ kinh doanh hoặc ban thẩm định và quản lý rủi ro tín dụng cùng đánh giá tài sản trong quá trình thực hiện thẩm định để việc đánh giá tài sản tăng tính chính xác, khách quan. Bên cạnh đó ngân hàng cần thực hiện xếp hạng doanh nghiệp. Sau khi thẩm định và xếp hạng doanh nghiệp, cán bộ thẩm định viết báo cáo thẩm định, nội dung báo cáo phải đề xuất giá trị cho vay, lãi suất, thời hạn, tài sản đảm bảo và các điều kiện kèm theo.
Bước 3: Trình duyệt hồ sơ vay vốn, phán quyết cho vay:
Trưởng/phó phòng kinh doanh kiểm tra kỹ các thông tin khách hàng mà chuyên viên khách hàng cung cấp, kiểm tra lại đầy đủ các nội dung báo cáo thẩm định do chuyên viên khách hàng lập, bổ sung, đề xuất những nội dung, còn thiếu.
Kiểm tra lại các nội dung thẩm định, đối chiếu với các hồ sơ tín dụng đảm bảo khớp đúng. Ban giám đốc Ngân hàng thực hiện phê duyệt tín dụng theo đúng mức ủy quyền.
Nội dung phê duyệt phải có ý kiến rõ ràng là đồng ý hay không đồng ý kèm theo những điều kiện cụ thể.
Bước 4: Lập đàm phán, ký kết hợp đồng tín dụng:
Sau khi kiểm tra hồ sơ vay vốn Hội đồng tín dụng xem xét và ra quyết định. Nếu từ chối Ngân hàng phải có văn bản thông báo và nêu lý do từ chối, và người ra quyết định tín dụng phải ghi ý kiến từ chối lên giấy đề nghị cấp tín dụng cũng như hồ sơ xin cấp. Nếu chấp thuận Ngân hàng sẽ ký kết hợp đồng tín dụng cùng hợp đồng có liên quan tới bảo đảm tín dụng. Đây là hành vi pháp lý rất quan trọng làm cơ sở để tiến hành giao vốn cho khách hàng và kiểm soát thu hồi vốn đã cấp. Nếu hợp đồng được ký kết những điều khoản càng cụ thể và rõ ràng, thì công tác giám sát tín dụng ở giai đoạn sau sẽ càng thuận lợi. Vì vậy, việc đàm phán ký kết hợp đồng tín dụng phải được coi trọng, đặc biệt là với những khoản tín dụng có quy mô lớn hoặc có thời hạn dài hay khách hàng có độ rủi ro tương đối cao.
Bước 5: Giải ngân và hạch toán giải ngân
Giải ngân: là nghiệp vụ cấp tiền cho khách hàng trên cơ sở mức tín dụng đã cam kết theo hợp đồng. Giải ngân phải đảm bảo nguyên tác vận động của tín dụng gắn liền vận động hàng hoá. Hay nói một cách khác, việc phát tiền vay phải có hàng hoá đối ứng, phù hợp với mục đích vay của hợp đồng tín dụng.
Mặc dù giải ngân là cấp tiền cho người đi vay, nhưng phương thức giải ngân phụ thuộc vào nội dung cam kết của hợp đồng tín dụng.
Cơ sở để ngân hàng thực hiện giải ngân là kế hoạch sử dụng vốn tín dụng đã được nêu trong hợp đồng tín dụng. Thường sau khi ký, nột bản chính hợp đồng tín dụng, giấy đề nghị cấp tín dụng, các bản báo cáo thẩm định tín dụng, giá đề nghị cấp tín dụng đã được chấp thuận… sẽ được giao cho nhân viên kế toán. Về nguyên tắc, nhân viên giải ngân không phải là người ra quyết định tín dụng để đảm bảo an toàn và dễ kiểm soát. Nhân viên tín dụng có nhiệm vụ theo dõi tiến trình giải ngân đúng theo điều kiện và số lượng như trong hợp đồng. Một khoản tín dụng có thể giải ngân một lần toàn bộ số tiền vay hoặc giải ngân thành nhiều đợt.
Bước 6: Quản lý, giám sát rủi ro và thu hồi vốn vay:
Giai đoạn giám sát tín dụng sẽ được tiếp nối với mục tiêu theo dõi, đánh giá mức độ chấp hành hợp đồng tín dụng của khách hàng và kịp thời có các ứng xử thích hợp.
Kiểm tra sử dụng vốn vay đảm bảo vốn vay được sử dụng mục đích. Theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng, kịp thời phát hiện những thay đổi ảnh hưởng đến khả năng và nguồn trả nợ.
Thu thập mọi thông tin về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá khả năng rủi ro pháp lý có thể xảy ra với doanh nghiệp. Phân tích những khó khăn mà khách hàng gặp phải dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ. Xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết cho việc thực hiện thu hồi nợ.
Bước 7: Tất toán, thanh lý hợp đồng:
Đến kỳ trả nợ ngân hàng sẽ tiến hành thu vốn gốc và lãi. Theo từng định kỳ ngân hàng sẽ xem xét lại và xếp hạng tín dụng, nếu chấm dứt thời hạn cho vay mà khách hàng không trả được nợ ngân hàng sẽ tiến hành các biện pháp để xử lý các khoản nợ có vấn đề.