CÁC YẾU TỐ BẢO ĐẢM NĂNG LỰC TRANH TỤNG CỦA KIỂM SÁT VIÊN THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ TẠI PHIÊN TOÀ HÌNH SỰ

Một phần của tài liệu Năng lực tranh tụng của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà xét xử án hình sự ở tỉnh An Giang (Trang 30 - 37)

VIÊN THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ TẠI PHIÊN TOÀ HÌNH SỰ

Quyền công tố là quyền nhân danh nhà nước buộc tội đối với người phạm tội trước phiên tòa. Việc sử dụng tổng hợp các biện pháp do luật định để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử là thực hành quyền công tố. Với trách nhiệm được phân công, Kiểm sát viên thực hiện tranh tụng tại phiên tòa là biểu hiện tập trung cao nhất chức năng thực hành quyền công tố của Viện Kiểm sát. Do vậy, cần có các yếu tố đảm bảo năng lực tranh tụng của Kiểm sát viên.

1.3.1.Yếu tố chính trị tư tưởng

Là công chức trong bộ máy, người được bổ nhiệm chức danh tư pháp thực hành quyền công tố là đã qua “nghiên cứu con người, tìm ra những cán bộ có bản lĩnh” [10, tr.449] và trước hết yêu cầu phải có nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là kim chỉ nam cho hoạt động thực tiễn của công chức, Kiểm sát viên trong ngành kiểm sát nói chung và thực hành quyền công tố nói riêng.

Trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước giao cho công tố viên là nhiệm vụ bảo vệ pháp luật để thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội và đấu tranh chống tội phạm thì bản lĩnh chính trị được thể hiện qua phẩm chất đạo đức bởi tính trung thực, liêm khiết, biết tự rèn luyện giữ gìn tránh bị cám dỗ, mua chuộc về vật chất và có tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm.

Để phát huy năng lực tranh tụng hoàn thành có hiệu quả trách nhiệm thì việc nhận thức đúng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành cũng rất quan trọng. Đặc biệt là nếu nhận thức và áp dụng pháp luật không đúng hoặc có động cơ lệch lạc dễ dẫn đến sai lầm hoặc truy tố oan sai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bị công luận chê trách. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nhắc nhỡ “một người bị oan không chỉ họ đau khổ mà gia đình họ

còn đau khổ hơn, làm điều oan cho một người nào đó thì chúng ta không còn lẽ sống nữa, bởi vì chúng ta là những người Cộng sản”[6, tr.59].

Không riêng với Kiểm sát viên thực hành quyền công tố mà đối với Kiểm sát viên được bổ nhiệm đều là đảng viên trong tổ chức Đảng. Đây cũng là tiêu chuẩn phải đạt trong công tác xây dựng ngành nhiều năm qua của ngành kiểm sát. Việc bồi dưỡng nhận thức, định hướng phấn đấu qua trường lớp đào tạo chuyên ngành và sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy địa phương về học tập lý luận chính trị đang giúp cho đội ngũ Kiểm sát viên vững vàng trên nền tảng của phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố từ những vụ việc đã làm thì cần phải chú ý đáp ứng phòng ngừa chung thông qua tập hợp những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm ở địa phương, ở đơn vị để có văn bản kiến nghị đến cấp quản lý, điều hành và tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo uốn nắn, khắc phục. Thực tiễn cho thấy việc làm này còn ít được thực hiện ở hai cấp Viện Kiểm sát địa phương, nhưng đây cũng là yêu cầu nhất quán về nhận thức thể hiện qua năng lực của Kiểm sát viên trong lĩnh vực đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Từ ý thức trách nhiệm “phải xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội, tuyên truyền giáo dục pháp luật góp phần đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật” [27, Đ.23].

1.3.2.Yếu tố pháp lý

Để bảo đảm năng lực tranh tụng tại phiên tòa hình sự thì cùng với yếu tố nhận thức về chính trị, tư tưởng còn phải có những quy định của pháp luật về thẩm quyền, quyền hạn, nghĩa vụ của Kiểm sát viên. Nói cách khác là việc thực hiện nhiệm vụ được xác định theo khuôn khổ pháp lý đối với Kiểm sát viên. Đây là một yếu tố quan trọng trực tiếp ảnh hưởng đến việc phát huy năng lực của chủ thể trong cơ quan tiến hành tố tụng là Viện Kiểm sát.

Tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nói chung, thực hành quyền công tố nói riêng đều do Hiến pháp và Pháp luật quy định. Hệ thống pháp luật

là nền tảng của mọi quan hệ pháp luật, nó điều chỉnh từ tổ chức, hoạt động của bộ máy; quy định đối tượng, nội dung và phạm vi của các chủ thể tham gia quan hệ cùng với việc áp dụng pháp luật. Mặt khác, để thuận lợi cho Kiểm sát viên thực hiện trách nhiệm của mình, cần có cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành phù hợp với tính chất công việc theo hướng tăng cường tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật để “trong phạm vi công tác được giao, Kiểm sát viên có quyền ra quyết định, kiến nghị, kháng nghị yêu cầu theo quy định của pháp luật, trừ những việc thuộc thẩm quyền của Viện trưởng” [25, tr 39].

Thực tế cho thấy thẩm quyền tố tụng rất quan trọng. Để khắc phục tình trạng ỉ lại vào ý kiến “duyệt đường lối” của lãnh đạo trước khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa, Kiểm sát viên dễ bị gò bó, thiếu chủ động hoặc thiếu trách nhiệm trong hoạt động tranh tụng. Do vậy, phân định rạch ròi, cụ thể giữa thẩm quyền trong hoạt động quản lý hành chính và thẩm quyền trong tố tụng hình sự là rất cần thiết để thúc đẩy năng lực của Kiểm sát viên.

1.3.3.Yếu tố về kỹ năng

Để vận dụng nguyên tắc tranh tụng thực hiện trong tố tụng hình sự ở nước ta thực sự phát huy hiệu quả thì yêu cầu đặt ra phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có chức danh hoạt động trong lĩnh vực này của các cơ quan tiến hành tố tụng và tương ứng với đó cần có đội ngũ luật sư giỏi, có chất lượng. Nói cách khác, các chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng (chủ yếu là luật sư) tại phiên tòa xét xử án hình sự phải có kỹ năng tốt để thể hiện năng lực của mình, đó là: “khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó trong thực tế” [34, tr.501].

Thực tế cho thấy, năng lực tranh tụng tại phiên tòa xét xử án hình sự chưa tốt do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm và các nội dung liên quan về tranh tụng như: phạm vi, nội dung tranh tụng; phương pháp và kỹ năng tranh tụng; chức năng của các chủ thể trong tranh tụng ... và ngay cả

Kiểm sát viên vẫn chưa được trang bị sâu, kỹ lý luận về tranh tụng cũng như kỹ năng tranh tụng, bởi vì: “kỹ năng được hình thành từ việc xác định vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên, kiến thức về pháp luật, hiểu biết xã hội, kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh nghề nghiệp, trạng thái tâm lý, phong cách, phương pháp tiến hành trước, trong và sau phiên tòa” [37, tr.54] và kỹ năng đó, được thể hiện qua một chuỗi công việc từ thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên trong suốt quá trình tố tụng cho đến hết giai đoạn xét xử vụ án hình sự và được kết thúc bằng bản án, quyết định có hiệu lực của cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm.

Tại phiên tòa sơ thẩm:

Để góp phần cho Hội đồng xét xử làm rõ sự thật khách quan về mọi tình tiết buộc tội, tăng nặng, giảm nhẹ và ra một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên thể hiện tập trung từ việc đọc cáo trạng, tham gia xét hỏi, thực hiện việc luận tội và phát biểu tranh luận, đối đáp với những người tham gia tố tụng.

Về mặt tác nghiệp, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ và trích cứu những chứng cứ, lời khai có liên quan của bị can, người tham gia tố tụng và các tài liệu có liên quan của hồ sơ, kiểm tra lại những căn cứ, quy kết trong bản cáo trạng, dự thảo bản luận tội, xây dựng đề cương xét hỏi và dự kiến nội dung tranh luận. Chủ động trong công việc luôn là yêu cầu phải có và được chứng minh qua hồ sơ chuẩn bị trước (còn gọi là tiểu hồ sơ án hình sự).

Tại phiên tòa, địa vị pháp lý của Kiểm sát viên được xem xét trong mối quan hệ với Hội đồng xét xử, bị cáo và người bào chữa. Năng lực tranh tụng của Kiểm sát viên được xác định tập trung từ kỹ năng tổng hợp, phân tích, chứng minh việc quy buộc tội trạng cùng tác phong, thái độ, diễn đạt, biểu cảm được tích lũy, rèn luyện từ thực tiễn công tác. Đáng chú ý là kỹ năng tranh luận.

“Tranh luận tại phiên tòa thể hiện sự rõ nét nhất nguyên tắc tranh tụng mà công cuộc cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới, là nơi các bên tham gia tố tụng thực hiện các quyền tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” [36, tr.607]. Tuy nhiên, kỹ năng tranh luận ở các chủ thể có đạt theo yêu cầu cải cách hay không còn tùy thuộc bởi khả năng của chính họ.

Trong những năm gần đây, ngành kiểm sát có nhiều biện pháp nâng chất lượng thực hành quyền công tố, nhất là chất lượng đối đáp, tranh luận của Kiểm sát viên và đặc biệt đáp ứng yêu cầu thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử đối với tòa án nhân dân cấp huyện được xử các vụ án có mức hình phạt đến 15 năm tù mà trước đây thuộc thẩm quyền truy tố, xét xử sở thẩm ở cấp tỉnh. Nhưng có kiểm sát việc cấp huyện còn hụt hẫng kỹ năng; miên man, dài dòng chưa đi thẳng vào trọng tâm đối đáp, cá biệt có hiện tượng dùng lời lẽ gay gắt với bị cáo và người bào chữa. Cũng có phiên tòa bị “nóng lên” từ thái độ, lời lẽ của phía bào chữa mà chủ yếu là luật sư gây phản cảm đối với người dự khán và dư luận xã hội.

Ở cấp tỉnh, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử một số vụ án do cấp trên kiểm sát điều tra, kết thúc điều tra thấy thuộc thẩm quyền xét xử của cấp dưới, rồi lập cáo trạng chuyển hồ sơ và ủy quyền cho Viện Kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố. Do không được tiếp cận hoạt động tố tụng ngay từ đầu và hồ sơ vụ án đều là những vụ tội phạm phức tạp, nhiều đối tượng, liên quan đến nhiều địa phương qua mở rộng điều tra nên khi tiếp cận nghiên cứu hồ sơ gặp khó khăn về trích cứu chứng cứ, lời khai, các tài liệu có liên quan, triệu tập thêm nhân chứng hoặc những người có liên quan khác khi cần ... Nhất là loại tội phạm liên quan đến trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng; thời gian dự kiến cho việc tranh tụng tại phiên tòa xét xử phải kéo dài … đang là vấn đề bất cập cho việc thực hiện kỹ năng của Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ mà tại đó, tranh luận làm rõ sự thật khách quan của vụ án, thể hiện tính dân chủ

trong tranh tụng là những thử thách, khó khăn cho việc thể hiện năng lực tranh tụng trong thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên được ủy quyền. Đây cũng là thực tế cần nghiên cứu khắc phục việc Kiểm sát viên né tránh tranh luận, “công khai quan điểm” giữ nguyên bản cáo trạng đã truy tố vì cho đây là vụ án do cấp trên ủy quyền ...

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bộ luật tố tụng hình sự quy định việc xét lại bản án và quyết định chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm do tòa án cấp trên trực tiếp xét xử từ các kháng cáo hoặc kháng nghị của Viện Kiểm sát. (phạm vi của luận văn chỉ nghiên cứu theo trình tự phúc thẩm do tòa án cấp tỉnh, không nghiên cứu phúc xử của Tòa án nhân dân tối cao)

Tại cấp này, ngoài việc thay đổi một số thủ tục tố tụng cụ thể, về cơ bản phiên tòa phúc thẩm cũng được diễn ra theo trình tự như ở phiên tòa sơ thẩm. Bản án và quyết định có hiệu lực ngay sau khi tuyên. Năng lực tranh tụng cũng được thể hiện bởi kỹ năng của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố có kinh nghiệm và công tác lâu năm trong ngành kiểm sát được chọn lựa, phân công.

Đối với những lập luận và nội dung của kháng cáo, kháng nghị những bản án sơ thẩm cần nghiên cứu kỹ qua đối chiếu với hồ sơ đã xét xử của vụ án và tiểu hồ sơ do Kiểm sát viên thực hành quyền công tố ở cấp đó tích hợp. Chú ý đến các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, lời khai của bị cáo, lý đoán, tranh luận giữa người bào chữa và Kiểm sát viên. Những vụ án tính chất phức tạp, dư luận quan tâm, cần thực hiện thêm một số việc về tác nghiệp, có thể trao đổi với Kiểm sát viên đã trực tiếp thực hành quyền công tố, thảo luận thêm với đồng nghiệp và chú ý nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan đến giải quyết vụ án ... Từ đó, chủ động chuẩn bị nội dung thẩm vấn, tranh luận, dự kiến những tình huống xảy ra, dự thảo phát biểu quan điểm kết luận có bổ sung theo diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm.

Nội dung tranh luận, đối đáp của Kiểm sát viên tại phiên tòa thường tập trung vào nội dung của các ý kiến, đề nghị của bị cáo, người bào chữa, của những người tham gia tố tụng khác. Những năm gần đây, tại phiên tòa hình sự cấp sơ thẩm hầu hết đều có tranh luận, nhưng ở cấp phúc thẩm việc đối đáp, tranh luận khi có ý kiến không đồng ý với nội dung phát biểu kết luận ... và từ đó, Kiểm sát viên phải lập luận, đối đáp với những ý kiến của từng người. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Còn có nhận thức rằng tranh luận ở cấp này thể hiện không rõ nét như ở phiên tòa sơ thẩm. Như vậy, là chưa thấy hết trình tự xét xử cấp phúc thẩm để nhằm kiểm tra lại tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm, sửa những sai lầm và vi phạm nghiêm trọng của cấp sơ thẩm, bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật ... nên còn chủ quan khi thực hành quyền công tố, bị động trong tranh luận, lúng túng qua đối đáp, kết luận tại phiên tòa hình sự phúc thẩm. Những vụ án có bị cáo cấp phúc thẩm tuyên không phạm tội hoặc phải hủy án giao lại để xử lý theo trình tự tố tụng hình sự sơ thẩm tuy không nhiều, nhưng từ đó cũng là những cơ sở để đánh giá năng lực tranh tụng của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố cấp sơ thẩm vẫn phải được bồi dưỡng, rút kinh nghiệm, nâng chất lượng nhiều hơn nữa mới đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về cải cách tư pháp.

Chương 2

Một phần của tài liệu Năng lực tranh tụng của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà xét xử án hình sự ở tỉnh An Giang (Trang 30 - 37)