Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế như hiện nay, vấn đề cạnh tranh luôn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Không chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, các công ty xuất khẩu gạo còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài với vốn kinh nghiệm phong phú và tiềm lực tài chính vững mạnh. Bởi vậy các doanh nghiệp phải luôn cố gắng nghiên cứu, học hỏi nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Đối thủ cạnh tranh trong nước
Hiện tại các đối thủ cạnh tranh trong nước về lĩnh vực xuất khẩu gạo ở Việt Nam phải kể đến trước hết đó là các công ty, doanh nhiệp đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xuất khẩu gạo như: tổng công ty lương thực miền Bắc, tổng công ty lương thực miền Nam, công ty Angimex, công ty xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang, công ty Mêkông, Công ty TNHH Gạo Việt (Gentraco Cần Thơ)… Tổng cộng trong nước có khoảng 15 nhà xuất khẩu gạo lớn đóng góp hơn 90% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước, trong đó 2 tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam luôn giữ vai trò tiên phong với hơn 60% thị phần trên thị trường. Đặc biệt, ĐBSCL là vùng trọng điểm lương thực của cả nước nên các công ty xuất khẩu lớn trong vùng đã góp phần tạo nên một phạm
vi hoạt động rộng lớn cho ngành gạo của Việt Nam (xuất khẩu gạo Việt Nam chiếm hơn 30% lượng gạo xuất khẩu trong khu vực và khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới). Có thể nói các công ty xuât khẩu gạo ở Việt Nam có thị phần theo sát nhau, không cách nhau nhiều. Điều đó thể hiện sự cạnh tranh gay gắt và phức tạp giữa các doanh nghiệp trong ngành gạo.
Đối thủ cạnh tranh nước ngoài
Trong những năm qua, các nước xuất khẩu gạo chủ lực trên thế giới vẫn là Thái Lan, Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ, Pakistan… các nước này tạo nên một môi trường cạnh tranh gay gắt trên toàn thế giới.
- Thái Lan: Đã nhiều năm, Thái Lan luôn đứng ở vị trí thứ nhất cả về số lượng lẫn chất lượng gạo xuất khẩu, đóng góp khoảng hơn 30% giá trị xuất khẩu gạo của thế giới. Gạo của Thái Lan cạnh tranh với các nước chủ yếu dựa vào sự đa dạng về sản phẩm và chất lượng chế biến vì công nghệ sản xuất của Thái Lan rất hiện đại và vùng nguyên liệu thì được quy hoạch chặt chẽ. Quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này đặt mục tiêu xuất 8,5 triệu tấn gạo trong năm 2009, thấp hơn mức 9,5 triệu tấn trong năm 2008. Trong tuần 2-6/2/2009, giá gạo 100% B của Thái Lan đã tăng lên 590 USD/tấn, tăng 1,7% so với mức giá 580 USD/tấn của tuần trước do nhu cầu mạnh từ các nước châu Phi. Tuy nhiên mức giá này vẫn còn thấp xa so với mức giá kỷ lục 1.080 USD/tấn được lập hồi tháng 4/2008. Giá gạo còn được đẩy lên do Chính phủ Thái Lan đang thu mua vào một lượng lớn gạo trên thị trường. Kể từ tháng 11/08 tới nay, Chính phủ Thái Lan đã mua khoảng 4,5 triệu tấn thóc của nông dân và dự định sẽ mua đến 8 triệu tấn nhằm kích giá mặt hàng lương thực này lên. Thái Lan cho biết họ có thể bán được khoảng 100.000-200.000 tấn gạo mỗi tháng sang châu Phi và hy vọng trong năm 2009 có thể xuất sang châu lục này khoảng 2 triệu tấn gạo, bằng với năm 2008. Một nhà xuất khẩu gạo cho biết, nhu cầu gạo Thái Lan vẫn còn khá cao trong những ngày tới, nhất là gạo sấy, do các nhà xuất khẩu vẫn đang tiếp tục mua gạo để đáp ứng các đơn đặt hàng từ châu Phi. Trong khi đó, triển
vọng xuất khẩu gạo trắng không mấy sáng sủa mặc dù chiếm hơn 60% xuất khẩu gạo của Thái Lan.
- Ấn Độ: Ấn Độ cũng là nhà xuất khẩu lớn trên thế giới. Năm 2007, Ấn Độ đã đạt vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo, chiếm 16% sản lượng toàn thế giới, vượt cả Việt Nam. Trong những tháng đầu năm 2009 này, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định bỏ thuế xuất khẩu và dự kiến sẽ lại hạ mức giá sàn gạo basmati xuất khẩu nhằm giúp các nhà kinh doanh gạo của nước này không để mất thị trường vào tay nước đối thủ láng giềng Pakixtan. Tháng 3/2009 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã hạ mức giá sàn gạo xuất khẩu của nước này xuống còn 1.100 USD/tấn so với mức 1.200 USD/tấn trước đó. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho rằng việc giảm giá này không có tác dụng gì đối với họ. Do tình hình khủng hoảng tài chính nên nhu cầu gạo basmati giảm và giá gạo basmati trên thị trường quốc tế giảm mạnh, hiện giảm khoảng 50%.
- Pakistan: Là nước đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu gạo, gạo xuất khẩu chủ yếu của nước này là gạo Basmati và gạo JRRI. Gần đây nước này đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các nước Châu Âu và trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh của Việt Nam
- Mỹ: Cũng là một trong những cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới. Hiện nay, thị trường xuất khẩu gạo của Mỹ đã bớt sôi động, sản phẩm của nước này chủ yếu xuất sang các thị trường khó tính: Nhật Bản, EU, Châu Âu… bởi chất lượng gạo luôn được đảm bảo ở mức cao.
Tóm lại: Các cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm và chính sách thu hút khách hàng để tăng nhanh thị phần và khả năng cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới. Trong số các nước có kim ngạch xuất khẩu gạo lớn thì Thái Lan vẫn đang ở vị trí dẫn đầu và là một đối thủ đáng ngại nhất của các công ty xuất khẩu gạo Việt Nam, vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là chất lượng. Do vậy, các công ty cần tăng cường đầu tư cho máy móc trang thiết bị, công nghệ chế biến và quy hoạch vùng nguyên liệu sao
cho chất lượng gạo của ta phù hợp với nhu cầu thế giới và tương xứng với vị thế là cường quốc xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới.