PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 3.1. Giới thiệu
Các chương trước đã trình bày tổng quan về đề tài nghiên cứu, các cơ sở lý thuyết và thực tiễn có liên quan đến khả năng sinh lời của NHTM và các nhân tố tác động. Từ đó, tác giả thiết lập các giả thuyết nghiên cứu về mối quan hệ giữa quy mô vốn chủ sở hữu, cấu trúc sở hữu và tốc độ gia tăng vốn đến khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam.
Trong chương này, từ các giả thuyết nghiên cứu đã xây dựng, tác giả sẽ xây dựng mô hình, trình bày phương pháp thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu để kiểm định các giả thuyết trên. Trong đó, mục 3.2 sẽ trình bày tóm tắt các giả thuyết nghiên cứu đã được đưa ra trong chương 2, mục 3.3 sẽ giới thiệu mô hình nghiên cứu, mục 3.4 trình bày nguồn dữ liệu nghiên cứu và mục 3.5 trình bày phương pháp phân tích dữ liệu.
3.2. Các giả thuyết cho câu hỏi nghiên cứu
Các giả thuyết là cơ sở quan trọng cho những kiểm định được thực hiện trong nghiên cứu nhằm kết luận cho những câu hỏi nghiên cứu đã được đặt ra trước đó.
Mục 1.3.1 của luận văn đã đặt ra các câu hỏi nghiên cứu cần giải đáp để thực hiện mục tiêu nghiên cứu.
Thông qua tìm hiểu các cơ sở lý thuyết và đánh giá phân tích các công trình nghiên cứu trước đây liên quan đến vốn chủ sở hữu và khả năng sinh lời của NHTM, mục 2.4.1, 2.4.2 và 2.4.3 của luận văn đã lần lượt đưa ra các giả thuyết nghiên cứu về mối quan hệ giữa quy mô vốn chủ sở hữu, cấu trúc vốn chủ sở hữu và tốc độ tăng vốn đến khả năng sinh lời của các NHTM.
Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu để làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình nghiên cứu trong phần tiếp theo của đề tài được tóm tắt trong Bảng 3.1.
Bảng 3.1. Tóm tắt câu hỏi nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu Câu hỏi nghiên cứu
RQ1: Quy mô vốn chủ sở hữu ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam như thế nào?
RQ2: Cấu trúc sở hữu ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam như thế nào?
RQ3: Việc tăng vốn trong thời gian qua có giúp cải thiện khả năng sinh lời tại các NHTM Việt Nam không?
Nguồn: tổng hợp của tác giả từ mục 1.3.1 và mục 2.4
Ngoài yếu tố vốn chủ sở hữu, tác giả cũng đưa ra các kỳ vọng về giả thuyết nghiên cứu liên quan đến tác động của các yếu tố khác lên khả năng sinh lời như sau: khả năng sinh lời của ngân hàng chịu ảnh hưởng tích cực của quy mô dư nợ, tăng trưởng kinh tế và lạm phát; đồng thời khả năng sinh lời của ngân hàng bị tác động tiêu cực bởi tỷ lệ nợ xấu.
3.3. Mô hình nghiên cứu
Thông qua các giả thuyết nghiên cứu được rút ra từ việc tìm hiểu ảnh hưởng của các nhân tố lên khả năng sinh lời của NHTM, đặc biệt là yếu tố vốn vừa được đề cập, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu thực nghiệm đề xuất trong đề tài nghiên cứu được kế thừa từ những nghiên cứu trước đây.
Như đã trình bày ở mục 2.3, đề tài nghiên cứu chỉ tập trung xác định tác động của vốn chủ sở hữu đến khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam và tác giả sử dụng chỉ tiêu ROE để đo lường khả năng sinh lời của các ngân hàng. Mô hình dự kiến như sau:
ROEit = β0 + β1 ETAit + β2 STATEit + β3 FORit + β4 GCAPit + β5 LTAit
+ β6 NPLit + β7 GDPit + β8 INFit + εit (*) Trong đó:
ROEit: đo lường suất sinh lời trên VCSH của ngân hàng i trong giai đoạn t ETAit: đo lường quy mô VCSH của ngân hàng i trong giai đoạn t
STATEit: đo lường tỷ lệ sở hữu nhà nước của ngân hàng i trong giai đoạn t FORit: đo lường tỷ lệ sở hữu nước ngoài của ngân hàng i trong giai đoạn t GCAPit: đo lường tốc độ tăng vốn của ngân hàng i trong giai đoạn t LTAit: đo lường cấu trúc tài sản của ngân hàng i trong giai đoạn t NPLit: đo lường chất lượng tài sản của ngân hàng i trong giai đoạn t GDPit:đo lường tác động tăng trưởng kinh tế lên ngân hàng i giai đoạn t INFit: đo lường tác động của lạm phát đối với ngân hàng i trong giai đoạn t εit: số hạng sai số của mô hình
Bảng 3.2 tóm tắt các biến được sử dụng trong mô hình, ký hiệu, cách tính và kỳ vọng dấu tác động của các biến.
Bảng 3.2. Mô tả các biến trong mô hình Tên biến
Biến phụ thuộc
Tỷ suất sinh lời trên VCSH
Biến giải thích
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu Tỷ lệ sở hữu nhà nước Tỷ lệ sở hữu nước ngoài
Tốc độ tăng vốn
Biến kiểm soát
Tỷ lệ dư nợ Tỷ lệ nợ xấu
Tăng trưởng kinh tế Lạm phát
Nội dung lựa chọn các biến đại diện cho các nhân tố và lượng hoá các biến để đưa vào mô hình sẽ được trình bày cụ thể trong phần tiếp theo của nghiên cứu.
3.3.1. Biến phụ thuộc
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đo lường khả năng sinh lời trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường, chỉ số này phản ánh mức thu nhập ròng trên vốn cổ đông, thể hiện khả năng của NHTM trong việc tạo ra lợi nhuận và giá trị gia tăng cho cổ đông.
Theo Trần Việt Dũng (2014), ROE được coi là một trong những chỉ số toàn diện nhất đánh giá khả năng sinh lời của NHTM bởi NHTM kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận và xét cho cùng thì mục tiêu quan trọng hàng đầu của mỗi NHTM không gì khác hơn là tối đa hoá giá trị ròng của ngân hàng và tạo nên giá trị tăng thêm của các cổ đông. Cùng ý kiến với quan điểm trên, tác giả đã sử dụng biến ROE trong đề tài nghiên cứu để đại diện cho khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam.
ROE = Lợi nhuận sau thuế / Tổng vốn chủ sở hữu bình quân.
3.3.2. Các biến giải thích
3.3.2.1. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu
Tỷ số vốn chủ sở hữu trên tài sản (ETA) cho biết bao nhiêu tài sản của ngân hàng được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu, nó cho biết khả năng chịu đựng rủi ro và bù đắp các khoản tổn thất phát sinh. Ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu lớn sẽ có tấm đệm dày để vượt qua các cú sốc tài chính, có nhiều khả năng tiếp tục tồn tại trong tương lai. Hay nói khác đi, ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu lớn sẽ có độ an toàn vốn cao.
Tuy nhiên, theo nguyên tắc đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận, việc nắm giữ nhiều vốn sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro nhưng ứng với mức rủi ro thấp này ngân hàng sẽ phải đánh đổi một mức lợi nhuận nhất định. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu sẽ ảnh hưởng ngược chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng (Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành, 2015).
Vì vậy, nghiên cứu kỳ vọng tỷ lệ vốn chủ sở hữu có mối tương quan âm với khả năng sinh lời như các nghiên cứu của Pasiouras và ctg (2008), Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015).
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu được tính bằng tỷ số giữa tổng vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của ngân hàng.
ETA = Tổng vốn chủ sở hữu / Tổng tài sản
3.3.2.2. Tỷ lệ sở hữu nhà nước
Theo lý thuyết người đại diện, các NHTM tư nhân thường chịu sự giám sát chặt chẽ của thị trường vốn nên có kết quả kinh doanh tốt hơn. Trái lại, các NHTM nhà nước ít chịu sự giám sát của thị trường và chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố chính trị nên được dự đoán hoạt động kém hiệu quả hơn so với NHTM tư nhân (Micco và ctg, 2004). Điều này cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu của Sun và Tong (2003) về tác động tiêu cực của sở hữu nhà nước đối với hiệu suất doanh nghiệp ở Trung Quốc.
Cũng giống các nghiên cứu trước (Micco và ctg, 2004; Seelanatha, 2010; Kiruri, 2013 và Trần Việt Dũng, 2014), nghiên cứu kỳ vọng tác động âm của sở hữu nhà nước đối với khả năng sinh lời của các NHTM hay nói cách khác NHTM có sở hữu nhà nước có khả năng sinh lời kém hơn NHTM không có sở hữu nhà nước.
Tỷ lệ sở hữu nhà nước được tính bằng tổng tỷ lệ sở hữu của tổ chức nhà nước bao gồm doanh nghiệp nhà nước, NHTM cổ phần nhà nước trong tổng vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này được lấy từ thông tin cơ cấu cổ đông trong báo cáo thường niên hàng năm của các ngân hàng.
3.3.2.3. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài
Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu tìm thấy mối quan hệ tích cực của sở hữu nước ngoài đối với hoạt động của doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Các nghiên cứu của Micco và ctg (2004), Athanasoglou và ctg
(2008), Kiruri (2013) đã cho kết luận tác động cùng chiều của vốn sở hữu nước ngoài đến chỉ số sinh lời của ngân hàng.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu gần đây của Nguyễn Hồng Sơn và ctg (2014), Trần Việt Dũng (2014) đã cố gắng xác định ảnh hưởng của tỷ lệ vốn sở hữu nước ngoài đối với khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam giai đoạn 2010 – 2012 và giai đoạn 2006 – 2012 nhưng chưa tìm thấy tác động có ý nghĩa thống kê.
Tuy nhiên, với mục tiêu gia tăng nguồn vốn của các ngân hàng và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của nhà nước thông qua việc nới “room” cho nhà đầu tư ngoại trong những năm gần đây, tác giả hy vọng có thể tìm thấy tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê của tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2007-2015. Như vậy, nghiên cứu kỳ vọng NHTM có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao hơn có khả năng sinh lời lớn hơn.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài là tổng tỷ lệ sở hữu của các cá nhân và tổ chức nước ngoài trong tổng vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này cũng được lấy từ thông tin cơ cấu cổ đông trong báo cáo thường niên hàng năm của các ngân hàng.
3.3.2.4. Tốc độ tăng vốn
Trong những năm gần đây, vốn chủ sở hữu của các NHTM không ngừng gia tăng qua các năm. Việc gia tăng này không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu vốn pháp định của nhà nước mà còn đáp ứng nhu cầu gia tăng quy mô của các ngân hàng nhằm nâng cao tiềm lực tài chính với kỳ vọng nâng cao năng lực cạnh tranh, an toàn và hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Theo nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, định hướng chung của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là hợp nhất và sáp nhập để tạo ra các ngân hàng có quy mô lớn hơn và có khả năng hoạt động tốt hơn (Văn Hiếu, 2015).
Do đó, nghiên cứu cũng kỳ vọng việc tăng vốn sẽ giúp cải thiện khả năng sinh lời của các ngân hàng như kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Vinh và
Lê Phan Thị Diệu Thảo (2016) khi nghiên cứu mẫu gồm 30 NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2007 – 2014.
Trong nghiên cứu, tác giả sử dụng chỉ số tốc độ tăng vốn điều lệ hàng năm để định lượng việc tăng vốn của các ngân hàng. Biến này được tác giả đưa vào mô hình để xác định ảnh hưởng của việc tăng vốn đến khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam trong thời gian vừa qua. Trong đó, tốc độ tăng vốn được tính bằng tỷ lệ thay đổi vốn điều lệ qua các năm của ngân hàng.
GCAP = (Vốn điều lệ năm sau – Vốn điều lệ năm trước)/Vốn điều lệ năm trước.
3.3.3. Các biến kiểm soát 3.3.3.1. Tỷ lệ dư nợ
Đối với phần lớn các NHTM Việt Nam, hoạt động tín dụng vẫn đang là hoạt động kinh doanh chủ yếu của ngân hàng nên thu nhập lãi thuần đóng vai trò hết sức quan trọng và chiếm một tỷ trọng lớn trong thu nhập của các ngân hàng. Thông thường, lãi suất các khoản cho vay thường cao hơn lãi suất từ các tài sản khác của ngân hàng nên tồn tại nhiều ý kiến cho rằng việc gia tăng các khoản cho vay trong danh mục tài sản sẽ giúp gia tăng khả năng sinh lời (Berger và Mester, 1997; Trujillo-Ponce, 2013; Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành, 2015). Do đó, các ngân hàng thường có xu hướng mở rộng quy mô cho vay so với các tài sản sinh lợi khác với kỳ vọng gia tăng lợi nhuận.
Để đại diện cho quy mô cho vay của các NHTM, tác giả sử dụng tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản và kỳ vọng tỷ lệ này có tác động cùng chiều với khả năng sinh lời của ngân hàng. Tỷ lệ dư nợ được tính bằng công thức sau:
LTA = Dư nợ cho vay khách hàng / Tổng tài sản.
3.3.3.2. Tỷ lệ nợ xấu
Trujillo-Ponce (2013) cho rằng khả năng sinh lời của ngân hàng liên quan trực tiếp bởi chất lượng tài sản của ngân hàng mà cụ thể là nợ xấu; khi nợ xấu tăng
lên, ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra và như thế chi phí của ngân hàng gia tăng, lợi nhuận bị sụt giảm.
Rõ ràng, nợ xấu chính là một nguyên nhân quan trọng gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam trong thời gian qua (Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành, 2015). Thậm chí, nợ xấu còn được ví von như là “cục máu đông” trong nền kinh tế, là vấn đề cần được ưu tiên xử lý hàng đầu trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Tác giả có cùng ý kiến với nhận định chất lượng tài sản tác động cùng chiều lên khả năng sinh lời của ngân hàng. Quan điểm này cũng được tìm thấy trong hết các nghiên cứu trước như Semih Yildirim và Philippatos (2007), Athanasoglou và ctg (2008), Trujillo-Ponce (2013), Trần Việt Dũng (2014), Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015). Chất lượng tài sản của ngân hàng được phản ánh bởi tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ và nghiên cứu kỳ vọng tác động âm của tỷ lệ nợ xấu đối với khả năng sinh lời.
Tỷ lệ nợ xấu là tỷ lệ nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng được tính dựa trên thông tin phân loại nợ trong báo cáo tài chính của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu được tính toán theo công thức sau:
NPL = (Nợ nhóm 3 + Nợ nhóm 4 + Nợ nhóm 5) / Tổng dư nợ cho vay.
Trong trường hợp ngân hàng không cung cấp đầy đủ thông tin các nhóm nợ trong thuyết minh báo cáo tài chính, thông tin tỷ lệ nợ xấu được lấy từ các báo cáo công bố của ngân hàng (ví dụ báo cáo thường niên).
3.3.3.3. Tăng trưởng kinh tế
Như đã phân tích ở mục 2.5, trong điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi, ngân hàng sẽ có thêm nhiều cơ hội để cung cấp dịch vụ tài chính cho các chủ thể trong nền kinh tế và từ đó có thể gia tăng lợi nhuận. Tương quan dương giữa tăng trưởng kinh tế và khả năng sinh lời của ngân hàng đã được tìm thấy trong các nghiên cứu của Neely và Wheelock (1997), Gul và ctg (2011), Trần Việt Dũng (2014). Chính vì
vậy, nghiên cứu cũng kỳ vọng tác động cùng chiều của tăng trưởng kinh tế lên khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam.
Chỉ tiêu tốc độ tăng GDP được sử dụng để đo lường tác động của yếu tố tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, do phạm vi nghiên cứu bị giới hạn tại các NHTM Việt Nam nên các quan sát trong nghiên cứu sẽ chịu cùng một tác động của điều kiện vĩ mô. Điều này có nghĩa là, trong từng giai đoạn, khả năng sinh lời của tất cả ngân hàng đều bị ảnh hưởng bởi cùng một chỉ số tốc độ tăng GDP chung và có thể làm kết quả ước lượng không hiệu quả.
Do đó, tác giả đã thay đổi trong cách định lượng tác động của yếu tố vĩ mô