2. Đánh giá thực trạng xuất khẩu thủy sản của các tỉnh ven biển Nam
2.1. Những đánh giá về việc khai thác và NTTS
Khai thác và nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ven biển Nam Bộ thời gian vừa qua đã từng bước được nâng lên ở trình độ phát triển mới. Nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.
Với đặc điểm là gần 90% giá trị xuất khẩu thủy sản là từ nguồn nuôi trồng, thời gian vừa qua các địa phương đã chú trọng công tác quy hoạch, nuôi trồng những vùng thủy sản đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó tốc độ tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản khá nhanh, dần đáp ứng đủ yêu cầu của nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, và trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh
hơn nữa việc quy hoạch các vùng nuôi trồng và khai thác, nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu thủy sản.
Sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang bị kỹ thuật, và nâng cao chất lượng con giống trong nuôi trồng thủy sản xuất khẩu đã được đầu tư, nhưng chủ yếu là chỉ đầu tư theo chiều rộng, các hoạt động khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản vẫn còn ở mức độ sơ khai, chủ yếu là học tập nước ngoài.
Về khai thác thủy sản, đa số sản lượng hải sản khai thác được là nhờ hoạt động khai thác ven bờ, số tàu thuyền có công suất lớn chiếm tỷ trọng khá nhỏ. Đây là một hạn chế rất lớn và cần phải được thay đổi trong thời gian tới do những đòi hỏi khách quan của việc tăng sản lượng thủy sản khai thác với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là thủy sản ven bờ.
Bên cạnh đó việc NTTS và khai thác hải sản còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết… Chính vì vậy sản lượng thủy sản có được ở khu vực này không ổn định, điều này làm cho giá thu mua nguyên liệu cũng bấp bênh. Nó không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của bà con ngư dân mà còn ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.