1. Một số định hướng phát triển xuất khẩu thủy sản ở các tỉnh ven biển Nam Bộ Nam Bộ
Như chúng ta đã thấy vai trò của phát triển xuất khẩu thủy sản đối với việc phát triển kinh tế của nước ta cũng như vai trò của nó trong việc phát triển kinh tế địa phương.
Đảng và Nhà nước ta đã xác định:“phát triển ngành thuỷ sản tiếp tục là ngành đi đầu trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 trình độ công nghệ chế biến thuỷ sản tương đương với các nước phát triển, đưa thuỷ sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước”.
Với trọng tâm là thúc đẩy phát triển xuất khẩu thủy sản, các tỉnh ven biển Nam Bộ cần phải có kế hoạch và quy hoạch phát triển trong thời gian tới. Một số định hướng phát triển xuất khẩu thủy sản ở khu vực này như sau:
1.1. Sản xuất sản phẩm thủy sản cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu
Bộ Thủy sản, đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu là đến năm 2010 sẽ xuất khẩu trên 900 000 tấn thủy sản. Gồm các mặt hàng chính như tôm (chiếm 25%), cá tra và cá ba sa chiếm 25.6%, mực và bạch tuộc chiếm 8.3%, cá biển chiếm 17.8% và 4.4% là mặt hàng nhuyễn thể 2 vỏ chế biến…
Trong thời gian tới, cần có quy hoạch phát triển bền vững hoạt động nuôi trồng và khai thác hải sản, trong đó chú trọng NTTS, tạo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng cho xuất khẩu thủy sản.
1.2. Về thị trường xuất khẩu thủy sản
Tiếp tục giữ vững đồng thời phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản. Đối với các thị trường hiện có cần phải giữ vững và tăng lượng xuất khẩu, chú trọng và quan tâm đúng mức tới thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ…
Tìm kiếm và thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng. Tích cực công tác xúc tiến nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giảm những rủi ro khi thị trường biến động.
Ổn định và tăng thị phần tại các thị trường chính như Nhật Bản từ 25% lên 32%, Hoa Kỳ 25% - 30% trong những năm tiếp theo, EU từ 20 – 23%, Trung Quốc và Hồng Kong 7 10%, Hàn Quốc khoảng 8%.
1.3. Tăng năng suất lao động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu.
“Tăng cường năng lực chế biến theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và theo chiều sâu để gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu”.
- Phấn đấu đến năm 2010, 100% doanh nghiệp chế biến thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản; đồng thời, tăng thêm năng lực cấp đông khoảng 250 tấn/ngày để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu.
- Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm phối chế với hàm lượng công nghệ cao, để đến năm 2010 đạt 65 - 70% trong tổng sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
1.4. Một số định hướng cụ thể để thúc đẩy phát triển xuất khẩu thủy sản ở khu vực các tỉnh ven biển Nam Bộ như sau: ở khu vực các tỉnh ven biển Nam Bộ như sau:
- Thứ nhất là các hiệp hội nghề nghiệp như: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), Hội nghề cá Việt Nam, cần phải phát huy hơn nữa vai trò trong việc phát triển thị trường, hướng dẫn kỹ thuật và đào tạo cán bộ chuyên môn cho doanh nghiệp. Cần có các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các tiêu chuẩn chất lượng và môi
trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc với các công nghệ mới cũng như tiếp cận với những trợ giúp trong khu vực và quốc tế. Đồng thời các hiệp hội phải thay mặt doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đưa ra những kiến nghị nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu thủy sản, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp, thực hiện tốt vai trò phối hợp, tập hợp doanh nghiệp hành động theo một chiến lược và kế hoạch phát triển chung, hạn chế hoạt động theo kiểu tự phát. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự phối hợp của địa phương, cần có những nghiên cứu trong việc xây dựng những mô hình NTTS hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tự nhiên của địa phương.
- Thứ hai, công tác xúc tiến và hỗ trợ thương mại cho mặt hàng thủy sản cần có những bước đi chuyên nghiệp và hiệu quả hơn nhằm quảng bá rộng khắp trên toàn thế giới. Việc giới thiệu các sản phẩm trong nước ra quốc tế, tạo dựng thương hiệu cần phải được đẩy mạnh và có chiến lược kế hoạch cụ thể.
- Thứ ba, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn cần chủ độngtrong việc tìm kiếm khách hàng và xúc tiến thị trường, không bị động mỗi khi thị trường có những biến cố xảy ra. Việc đa dạng hóa sản phẩm đi đôi với đa dạng hóa thị trường không chỉ tạo sự phát triển mà còn góp phần ổn định trong việc xuất khẩu thủy sản. Các doanh nghiệp cũng cần phải không ngừng đổi mới công nghệ, nhập khẩu máy móc thiết bị, tích cực nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ và trình độ quản lý của doanh nghiệp.
- Thứ tư, về phía các cơ quan chức năng của tỉnh.Xuất khẩu thủy sản góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nền kinh tế, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương vì vậy chính sách kinh tế của các tỉnh cũng cần phải chú trọng đến việc phát triển xuất khẩu thủy sản. Các chính sách đưa ra phải phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển riêng của mỗi tỉnh, nhằm tạo điều kiện tốt nhất về mặt pháp lý
cũng như tạo những thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, các cơ sở nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Đồng thời phải có sự hỗ trợ liên hòan từ các cơ quan chức năng, biến những chính sách vẫn nằm trên bàn giấy vào thực tiễn.Đối với các tỉnh ven biển Nam Bộ, chính sách được coi là hợp lý nhất đó là phát triển ngành thủy sản nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác sử dụng tốt mọi tiềm năng đất đai, mặt nước và lao động, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa;áp dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất thủy sản, tăng cường xuất khẩu thủy sản. Cần phải có những chính sách thu hút vốn đầu tư phát triển thủy sản, nhất là đầu tư vào các khu quy hoạch tập trung. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng như Sở thương mại, Sở thủy sản địa phương và các cơ quan liên quan phải có những điều chỉnh kịp thời, định hướng đúng đắn cho thủy sản trong việc phát triển đồng thời chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực trong ngành thủy sản.
- Thứ năm, là việc kiểm soát dư lượng kháng sinh trong sản phẩm thủy sản. Ở lĩnh vực này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tư vấn, nghiên cứu và trợ giúp kỹ thuật cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản ra thị trường.
- Thứ sáu, về công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình chiến lược phát triển ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh. Và Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này ở mức độ tạo ra các cổng thông tin thương mại điện tử quốc gia, kết nối thế giới, với các nước nhằm tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản trong việc tìm kiếm khách hàng và những thông tin cần thiết khác trong hoạt động xuất khẩu thủy sản.
- Thứ bảy, là việc đảm bảo nguồn nguyên liệu. Trong phạm vi các tỉnh ven biển Nam Bộ nói riêng và phạm vi cả nước nói chung cần phải hình thành hệ thống các chợ đầu mối thủy sản để cung cấp nguyên liệu tại
chỗ cho các đơn vị chế biến thủy sản. Thực hiện tốt công tác này, có thể làm giảm chi phí vận chuyển thu mua nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất.
- Thứ tám là hoạt động khoa học công nghệ thủy sản cần phải có những bước tiến thiết thực,mạnh mẽ hơn nữa, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp thủy sản đặc biệt là thủy sản xuất khẩu trong việc tạo giống tốt trong NTTS, công nghệ khai thác biển tiên tiến, hiệu quả, khoa học nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển.
- Thứ chín là các lĩnh vực khác, như đầu tư, hợp tác quốc tế. Về đầu tư: cần tạo thuận lợi về vốn cho các hoạt động nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản xuất khẩu. Nhà nước hỗ trợ vốn nghiên cứu giống và công nghệ mới, Có chính sách hỗ trợ rủi ro, tham gia bảo hiểm. Về hợp tác quốc tế: Mở rộng quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực như NTTS, đánh bắt hải sản, chế biến thủy sản xuất khẩu… Nhằm nhanh chóng hình thành mạng lưới liên hiệp các viện, trường đào tạo, nhằm tiếp nhận sự viện trợ quốc tế qua các dự án.