2.3.3.1. Những kết quả đạt được:
Trong những năm qua cho vay ngắn hạn đối với DNV&N của chi nhánh đạt được nhiều kết quả khả quan. Cho vay ngắn hạn luôn chiếm tỷ trọng lớn mặc dù quy mô dư nợ cho vay ngắn hạn năm 2006 không lớn như hai năm trước do chủ trương của NHCT trong việc nâng cao chất lượng cho vay. Đối với các DNV&N thì cho vay ngắn hạn là đa số, tỷ trọng cho vay ngắn hạn luôn chiếm khoảng 80%. Điều này chứng tỏ chi nhánh đã phần nào đáp ứng được nhu cầu vốn lưu động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt là tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khó đòi chiếm tỷ lệ rất thấp đã thể hiện nguồn vốn của ngân hàng đã phát huy được hiệu quả đối với các DNV&N nên các khoản vốn vay của ngân hàng luôn được hoàn trả đúng hạn cả gốc và lãi. Điều này sẽ tạo điều kiện cho chi nhánh ngày càng phát triển. Đạt được kết quả trên là do Ban lãnh đạo ngân hang đã tập trung chỉ đạo điều hành các phòng KHDN, KHCN, hai phòng giao dịch đi sâu vào thẩm định, đánh giá phân tích và sàng lọc khách hàng yếu kém, tập trung tìm kiếm khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, vay trả sòng phẳng để quyết định đầu tư tín dụng. Đặc biệt tháng 6/ 2006 Chi nhánh đã quyết định thành lập phòng thẩm định nên chất lượng các khoản cho vay đã được nâng lên.
2.3.3.2. Hạn chế:
Mặc dù cho vay ngắn hạn đối với DNV&N đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như chi nhánh đã có sự chuyển hướng đầu tư cho vay kinh tế ngoài quốc doanh tăng, tỷ trọng cho vay có tài sản đảm bảo tăng... nhưng chất lượng cho vay ngắn hạn đối với DNV&N đang có dấu hiệu đi xuống. Những hạn chế đó biểu hiện như sau.
- Về phía Ngân hàng: Việc tuân thủ qui trình cho vay đôi lúc bị bỏ qua
nhất là trong khâu thẩm định tín dụng. Thời gian cho vay ngắn hạn là dưới 12 tháng nên thời gian tiến hành thẩm định để cho vay thường ngắn do cho vay ngắn hạn thường mang tính chất thời vụ do vậy yếu tố thời cơ quyết định rất lớn nên cán bộ tín dụng thường làm thiếu bước. Như vậy thường dẫn đến rủi ro cho ngân hàng. Hơn nữa việc cho vay không có tài sản đảm bảo còn chiếm tỷ lệ cao.
- Về phía các DNV&N: khả năng sử dụng vốn của DNV&N còn nhiều
hạn chế, nhiều doanh nghiệp làm ăn chưa có hiệu quả. Nguồn trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp là từ doanh thu mà nếu doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả thì không có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Đôi khi là do khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, cố ý lừa đảo ngân hàng. Thực tế việc quản lý vốn vay của khách hàng DNV&N có nhiều khó khăn do họ thường không có sổ sách ghi chép theo dõi một cách khoa học như ở các doanh nghiệp lớn. Do vậy việc kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay gặp nhiều khó khăn. Thực tế là có nhiều khách hàng có thái độ trả nợ khách hàng rất thiếu tích cực. Họ làm ăn có hiệu quả, có doanh thu đều đặn nhưng cứ lần nữa không muốn trả nợ cho ngân hàng.
2.3.3.3. Nguyên nhân:
- Về phía ngân hàng:
+ Quy trình thẩm định còn một số bất cập; mặc dù từ tháng 6/2006 chi nhánh đã thành lập phòng quản lý rủi ro và nợ có vấn đề nhưng chức năng cũng như nhiệm vụ của phòng này chưa được quán triệt cụ thể. Trong hệ thống NHCT thì đã có sổ tay tín dụng trong đó đã hướng dẫn chi tiết bước trong quá trình cho vay nhưng đôi khi các cán bộ tín dụng vẫn chưa tuân thủ hoàn toàn chặt chẽ các bước của sổ tay tín dụng. Những cán bộ lâu năm chủ yếu làm dựa trên kinh nghiệm. Hơn nữa trong cho vay ngắn hạn thì thời gian
và thời cơ là hai yếu tố quyết định. Chính vì vậy mà đôi khi cán bộ tín dụng đã tiến hành thẩm định một cách nhanh chóng dẫn đến chất lượng thẩm định không được đảm bảo. Một vấn đề quan trọng nữa là trong công tác phân tích và xếp loại tín dụng. Đây là bước mà cán bộ tín dụng sẽ chấm điểm doanh nghiệp dựa trên một số tiêu chí nhất định để từ đó xếp hạng doanh nghiệp sau đó quyết định quy mô vốn vay sao cho hợp lý. Tuy nhiên thang điểm qui định trong sổ tay tín dụng còn khá rời rạc và có sự chênh lệch lơn giữa hai mức ở cạnh nhau.
+ Phương thức cho vay ngắn hạn chưa đa dạng; hiện nay chi nhánh chỉ tập trung vào hai phương thức cho vay chủ yếu là cho vay từng lần và cho vay theo hạn mức. Hai phương thức cho vay này có nhiều hạn chế.
+ Trình độ cán bộ tín dụng còn hạn chế về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; phòng thẩm định của chi nhánh mới được thành lập từ tháng 6/2006 nên trước thời điểm này thì cán bộ tín dụng kiêm luôn cán bộ thẩm định. Mặc dù cán bộ trong phòng tín dụng đều có trình độ đại học trở lên và một số người cũng có khá nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn còn nhiều người còn khá trẻ còn chưa nắm vững về chuyên môn, chưa nắm vững quy trình cho vay nên đôi khi còn bỏ sót một số khâu. Hơn nữa phòng thẩm định của chi nhánh vì mới đi vào hoạt động nên chưa thực hiện được hết các nhiệm vụ, chức năng của một phòng thẩm định.
+ Thông tin về khách hàng vừa thiếu vừa không cập nhật đôi khi còn không chính xác; cán bộ tín dụng đôi khi còn rất thụ động trong việc tìm kiếm thông tin về khách hàng. Họ thường thụ động và xem xét những thông tin do khách hàng mang đến thông qua các báo cáo tài chính. Mà các thông tin ở các báo cáo này thường đã được làm đẹp lên rất nhiều trước khi đưa đến ngân hàng. Trong vài năm gần đây thì NHNN đã thành lập trung tâm thông tin tín dụng nhưng trung tâm này hoạt động chưa thực sự có hiệu quả hơn nữa chỉ
những doanh nghiệp lớn mới được đưa lên còn đối tượng DNV&N thường là rất ít và những thông tin này thường phản ánh tình hình trong quá khứ và hiện tại. Vì thị trường của các DNV&N chủ yếu mang tính chất địa phương nên cán bộ tín dụng cần nghiên cứu kĩ thị trường đầu ra cũng như đầu vào của họ để từ đó có quyết định chính xác.
+ Chiến lược hỗ trợ khách hàng vay vốn còn hạn chế; hầu hết cán bộ tín dụng chỉ làm công việc hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn mà hầu như không có sự tư vấn cho khách hàng. Nhất là khi khách hàng gặp khó khăn thì cán bộ tín dụng chủ yếu là tìm cách thu hồi nợ bằng phát mại tài sản thế chấp mà thiếu sự tư vấn để cùng khách hàng giải quyết khó khăn.
- Về phía DNV&N:
Chất lượng cho vay cao hay thấp không thể chỉ từ một phía Ngân hàng mà quan trọng hơn là từ phía khách hàng vì chất lượng cho vay trước hết thể hiện ở khả năng hoàn trả vốn vay và lãi đúng hạn. Một số nguyên nhân xuất phát từ phía DNV&N như.
+ Khả năng tài chính của hầu hết các DNV&N là thấp; đa số các DNV&N đều có vốn chủ sở hữu nhỏ, tài sản thế chấp thường không có mà chủ yếu là thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Như vậy khả năng trả nợ phụ thuộc hoàn toàn vào phương án sản xuất kinh doanh. Do vậy các khoản cho vay này thường có nhiều rủi ro hơn.
+ Khả năng quản lý của chủ DNV&N chưa cao; điều này dẫn đến các DNV&N không sử dụng được tối đa hiệu quả của vốn vay. Hơn nữa trong điều kiện thị trường biến động từng ngày, các DNV&N cần chủ động bắt kịp với nhịp độ chung thì mới có thể tồn tại được trong khi những người quản lý DNV&N thường lúng túng trước sự thay đổi của thị trường do vậy dẫn đến rủi ro cho ngân hàng.
+ Đạo đức của khách hàng không tốt; khi khách hàng vay vốn đều phải cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích. Việc thực tế khách hàng có sử dụng đúng mục đích hay không còn tuỳ thuộc vào đạo đức của họ. Đôi khi họ đưa ra phương án kinh doanh rất khả thi để vay vốn từ ngân hàng. Nhưng khi có vốn rồi họ lại sử dụng vào mục đích khác dẫn đến rủi ro cho ngân hàng. Ngoài ra còn một số trường hợp họ kinh doanh có lãi nhưng họ lại chây ì không muốn trả nợ ngân hàng. Các nhân tố này làm cho khoản vay không có chất lượng hoặc chất lượng không cao nên khi thẩm đinh cán bộ tín dụng cần xem xét kĩ tư cách khách hàng.
- Môi trường kinh tế - xã hội:
Đông Anh là một huyện ngoại thành của Hà Nội, so với các các quận và huyện khác thì Đông Anh là một huyện phát triển chậm hơn do vậy hoạt động ngân hàng còn chưa thực sự đi sâu vào đời sống của mỗi người dân. Hơn nữa năng lực tài chính của các DNV&N ở địa bàn chưa cao cộng với tình hình cạnh tranh gay gắt của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tác động không nhỏ đến chất lượng cho vay đối với các DNV&N.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHO VAY NGẮN HẠN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG