Đối với mỗi một hoạt động quản trị nào thì khâu kiểm tra đánh giá cũng có một ý nghĩa rất quan trọng. Nó cung cấp cho nhà quản trị những thông tin cần thiết về việc thực hiện thực hiện hoạt động quản trị như thế nào, những gì đã làm được, những gì chưa làm được cũng như những vấn đề cần được chấn chỉnh. Kết quả của công tác đánh giá cũng giúp nhà quản trị đưa ra các gợi ý để việc thực hiện hoạt động được tốt hơn. Đối với công tác quản trị rủi ro thì điều này càng đặc biệt có nhiều ý nghĩa. Việc đánh giá chất lượng công tác quản trị rủi ro phải tiến hành trên các khía cạnh chủ yếu sau:
Một là, đánh giá việc tổ chức điều hành quản trị rủi ro: đánh giá việc tổ chức bộ máy, phân công nhân sự, quản lý các thông tin…Việc đánh giá phải chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu cũng như các nguyên nhân nhằm đưa ra các biện pháp hoàn thiện tổ chức quản trị rủi ro.
Hai là, đánh giá hiệu quả việc tổ chức thực hiện QTRR: quy trình thực hiện có nghiêm ngặt, chặt chẽ hay không, những khâu nào thực hiện tốt, khâu nào chưa tốt, khâu nào còn bất cập. Tương tự cũng phải chỉ ra được các nguyên nhân của các mặt mạnh, yếu đó.
Ba là, đánh giá được kết quả của công tác QTRR: QTRR có thực sự hiệu quả không thể hiện ở chính những kết quả nó mang lại. Bởi vậy ngân hàng tính toán, thống kê được số rủi ro đã xảy ra, các loại rủi ro hay gặp nhất, nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại thực tế, kết quả của việc xử lý… Xác định được nhờ có QTRR mà số lượng, mức độ thiệt hại giảm đi như thế nào, so sánh với kế hoạch đặt ra. Từ đó có chiến lược để hoàn thiện hoạt động này trong tương lai.
Một điểm cần lưu ý nữa là việc đánh giá không phải chỉ tiến hành sau mỗi chu kỳ kinh doanh mà cần phải tiến hành ngay trong quá trình tổ chức, ở tất cả các khâu, các bộ phận có liên quan để trực tiếp hỗ trợ, chấn
chỉnh các hoạt động ngay khi thực hiện và phát hiện kịp thời các bất cập để đề ra biện pháp khắc phục.