R = max {0, ( A C)} xr
3.3.1. Kiến nghị với Chính phủ
Thứ nhất, hành lang pháp lý cần phải được hoàn thiện tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các ngân hàng nói chung và ngân hàng Bắc Hà Nội nói riêng. Các bộ luật của Việt nam lâu nay vẫn tồn tại 3 đặc điểm là không rõ ràng, thiếu nhất quán và hay thay đổi. Do đó Chính phủ rất cần nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật rõ ràng, phù hợp điều kiện mới của nền kinh tế, tránh sự mập mờ dễ gây hiểu lầm hoặc cố tình hiểu lầm, tránh chồng chéo cũng như mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật. Đặc biệt trong thời gian tới dự thảo luật các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ thực sự khắc phục những hạn chế của luật hiện hành góp phần tạo điều kiện cho ngành ngân hàng hội nhập tốt hơn và chủ động hơn. Theo dự kiến, sau khi được Chính phủ xem xét thông qua tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2008, Dự thảo Luật Các TCTD sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (dự kiến vào tháng 5/2008) và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư (dự kiến vào tháng 10/2008).
Thứ hai, nhằm tạo một môi trường kinh tế ổn định Chính phủ cần có các chính sách phù hợp giải quyết các vấn đề nổi cộm trong nền kinh tế hiện nay. Trong giai đoạn vừa rồi hoạt động kinh doanh ngân hàng mà trong đó đặc biệt là hoạt động tín dụng gặp rất nhiều khó khăn đòi hỏi Chính phủ phải đề ra các biện pháp giúp các ngân hàng tháo gỡ khó khăn. Báo cáo của Bộ Chính trị ngày 4 tháng 4 vừa qua cũng chỉ ra một thực tế là sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á (1997 - 1998), Nhà nước đã thực hiện chính sách kích cầu bằng việc nới lỏng tín dụng, tăng chi tiêu ngân sách cho đầu tư...nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Đây là chính sách phù hợp và có tác dụng tích cực trong thời kỳ "thiểu phát", nhưng khi tình hình trong nước và thế giới thay đổi, nước ta gia nhập WTO, nền kinh tế của ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhất là khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có dấu hiệu tăng cao dần thì lại chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp
hoàn cảnh mới. Bên cạnh đó chính sách tiền tệ nới lỏng liên tục trong nhiều năm, nhất là trong năm 2007, làm tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế tăng mạnh, kết quả của cuộc chạy đua cho vay của các ngân hàng. Năng lực kiểm tra, giám sát của ngân hàng nhà nước chậm được tăng cường, không theo kịp tình hình khi các tổ chức tín dụng chuyển mạnh sang hoạt động theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, không kiểm soát có hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần trong việc cho vay kinh doanh chứng khoán và kinh doanh bất động sản. Trong bối cảnh hiện nay mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Chính phủ cũng cần nghiên cứu trình Quốc hội cho điều chỉnh tốc độ tăng giá cả năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 ở mức độ phù hợp.
Thứ ba, giữa các cơ quan chức năng cần thiết lập mối quan hệ phối hợp đồng bộ trong việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Trong giai đoạn vừa qua, thị trường chứng khoán và bất động sản có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nhiều khoản tín dụng của các ngân hàng. Nhiều món vay đầu tư chứng khoán và bất động sản trở thành gánh nặng nợ xấu đang làm nhiều ngân hàng phải đau đầu. Trong thời gian tới đây nhà nước cần chỉ đạo, rà soát để những đơn vị có đủ điều kiện và năng lực kinh doanh chứng khoán hoạt động lành mạnh; kiên quyết không cho thành lập, hoạt động đối với những đơn vị không đủ điều kiện kinh doanh. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, cung cấp hàng hoá có chất lượng cho thị trường. Bên cạnh đó sớm ban hành chính sách thuế chống đầu cơ bất động sản; các chính sách và thủ tục hành chính thông thoáng để thị trường chứng khoán và bất động sản phát triển một cách lành mạnh. Quản lý chặt chẽ các nguồn vốn vay ngân hàng của các công ty để đầu tư vào thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; từng bước lành mạnh hoá hai loại thị trường này, khắc phục tình trạng đầu cơ, đẩy giá lên cao như thời gian qua.
3.3.2.Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thứ nhất, Ngân hàng nhà nước cần nắm chắc thông tin, kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng trong toàn bộ nền kinh tế, việc cho vay kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh doanh tiền tệ khác. Điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý dư nợ tín dụng, khả năng thanh khoản cho các tổ chức tín dụng và kiềm chế lạm phát. Tăng cường công tác giám sát các tổ chức tín dụng, bổ sung các công cụ giám sát theo cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế để chủ động cảnh báo và xử lý tốt hơn những biến động trên thị trường tín dụng, tiền tệ.
Thứ hai, ngân hàng cần sớm có những chỉ đạo cụ thể cho các ngân hàng thương mại về các thức tổ chức tiến hành hoạt động quản trị rủi ro, ban hành các văn bản quy định về quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện hoạt động của trung tâm thông tin tín dụng (Credit information Center _ CIC) nhằm giúp các ngân hàng khai thác thông tin một cách hiệu quả tại trung tâm này. Để quản trị rủi ro thì ngân hàng cần rất nhiều thông tin và phải đảm bảo tính chính xác từ đó mới đưa ra các phân tích, đánh giá và xếp loại tín dụng tuy nhiên trong điều kiện hiện nay các ngân hàng rất khó khăn khi thực hiện công việc này. Do đó nếu có thể khai thác hiệu quả những thông tin từ CIC thì chất lượng hoạt động tín dụng sẽ được nâng lên rõ rệt.