Nguy cơ tái khủng hoảng tiềm ẩn tại thị trường Bảo hiểm Việt Nam

Một phần của tài liệu Khủng hoảng tài chính tại tập đoàn AIG.pdf (Trang 57 - 59)

Như chúng ta biết, thị trường bảo hiểm Mỹ là một thị trường rộng lớn và phát triển mạnh mẽ, trong khi đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triền. Vì vậy, việc đem hai thị trường này ra so sánh có vẻ khập khiễng. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta chỉ xét đến khía cạnh đầu tư tài chính của các doanh nghiệp tham gia trên thị trường để có thể tìm ra những mối tương đồng giữa thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay và thị trường bảo hiểm Mỹ giai đoạn trước khủng hoảng, để có thể kịp thời nhận ra những bất ổn đang tồn tại ở thị trường nước ta, để đưa ra những giải pháp phòng ngừa nguy cơ tái khủng hoảng có thể xảy ra, mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính thị trường bảo hiểm.

Theo những gì đã trình bày ở chương hai, cuộc khủng hoảng tài chính tại AIG xuất phát từ 3 nguyên nhân. Và, hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng đang đối đầu với ba nguyên nhân đã từng gây ra khủng hoảng cho AIG. Cụ thể là:

4.1.Đầu tư tài chính được chú trọng quá mức

Như đã phân tích ở trên, AIG đã tham gia vào thị trường tài chính vượt quá khả năng chịu đựng của bản thân doanh nghiệp (hay nói chính xác hơn là AIG đã sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, vượt qua những chuẩn mực cho phép đối với một doanh nghiệp bảo hiểm). Điều này, khi thị trường đang tăng trưởng, sẽ mang lại một nguồn lợi lớn cho AIG. Tuy nhiên, khi xảy ra những biến động bất lợi trên thị trường, thì đây cũng chính là lĩnh vực nhạy cảm nhất, gây nên những tổn thất đầu tiên và to lớn đối với các tình hình chung của công ty như những gì chúng ta đã thấy trong giai đoạn vừa qua. Hiện nay, doanh thu chính của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam không đến từ hoạt động kinh doanh chính (các nghiệp vụ bảo hiểm, tái, nhận tái bảo hiểm…) mà lại đến từ hoạt động tài chính. Điều này, có vẻ như, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang đi trên con đường của AIG giai đoạn trước khủng hoảng.

4.2.Hệ thống chính sách của chính phủ

Chính phủ Mỹ theo đuổi chính sách kinh tế tự do (mà thực chất là chính sách tư bản chủ nghĩa có sự điều tiết của chính phủ nhằm bảo vệ lợi ích chủ yếu của các ông trùm tư sản). Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên khủng hoảng kinh tế Mỹ - khủng hoảng về quản lí – khi mà các cơ quan chức năng có nghĩa vụ bảo vệ nền kinh tế đã không để ý đến các doanh nghiệp lớn (too big to fail) trên thị trường. Đến khi các doanh nghiệp này gặp phải những khó khăn về thanh khoản, buộc chính phủ phải ra tay cứu giúp bằng tiền thuế đóng góp của người dân. Đây, cũng là một điều có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Hiện nay, trên thị trường, Bảo Việt chính là doanh nghiệp chiếm thị phần cũng như tỷ trọng doanh thu lớn nhất ở cả hai lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Bảo Việt tuy là một công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng thực chất vẫn là một doanh nghiệp chịu sự quản lí của nhà nước (74.15% vốn cổ phần của nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính (70.89%) và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước(3.26%)). Và Bảo Việt cũng không phải là trường hợp cá biệt trên thị trường Việt Nam. Điều này, vô hình chung đã tạo nên tâm lí ý lại của doanh nghiệp đối với sự bảo trợ của nhà nước, khiến cho các doanh nghiệp Bảo hiểm Việt Nam không có sự chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những khó khăn có thể gặp phải trong tương lại, chứ chưa nói đến những sai phạm có thể mắc phải mà không được ngó đến – dễ dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan và không hiệu quả, gây những thiệt hại không nhỏ đối với nền kinh tế (mà ví dụ điển hình là vụ án Vinashin gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua).

4.3.Sự phát triển đa dạng của các sản phẩm bảo hiểm

Đối với một doanh nghiệp bảo hiểm, sự phát triển đa dạng của các sản phẩm bảo hiếm là một tín hiệu đáng mừng ám chỉ sự phát triển của thị trường theo chiều rộng. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn là đúng trong trường hợp của AIG giai đoạn trước khủng hoảng. Nhưng chúng ta đã từng khẳng định ở trên, AIG là một tập đoàn bảo hiểm lớn trên

thế giới, và mức độ phát triển của nó cũng cực kì khủng khiếp. Số lượng sản phẩm bảo hiểm mà AIG tạo ra cũng gần như là nhiều nhất trên thị trường bảo hiểm Mỹ. Và nhu cầu phát triển thị trường ngày càng tăng đã khiến AIG phát hành những sản phẩm bảo hiểm phi thực tế (những sản phẩm bảo hiểm dựa trên giá cả của một loại hàng hóa – sản phẩm phái sinh, chứ không phải dựa trên những giá trị thực sự của tài sản). Đây chính là con dao hai lưỡi đối với một doanh nghiệp. Khi thị trường sản phẩm phái sinh phát triển, thì lợi nhuận thu được sẽ lớn. Tuy nhiên, khi thị trường sản phẩm phái sinh bị mất giá, thì những hợp đồng bảo hiểm mới mẻ này đã mang lại cho AIG những khoản lỗ vốn khổng lồ. Hiện nay, thị trường các sản phẩm phái sinh tại Việt Nam chưa phát triển, cũng như các sản phẩm bảo hiểm giống như trường hợp của AIG cũng chưa xuất hiện. Tuy nhiên, hiện nay cũng là lúc bắt đầu thời điểm chúng ta cần thực hiện lộ trình mở cửa thị trường bảo hiểm theo đúng cam kết khi gia nhập WTO. Việc này, sẽ đi cùng với sự đi vào một cách ồ ạt của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài (đơn giản vì thị trường bảo hiểm Việt Nam là một thị trường chưa được khai phá nhiều). Và các doanh nghiệp nước ngoài, khi tham gia vào thị trường bảo hiểm Việt Nam,` có thể mang theo những sản phẩm bảo hiểm mới chưa từng xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Và, khả năng, chính những sản phẩm mới mẻ và đẹp đẽ này (mà đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm bảo hiểm cho các sản phầm phái sinh) sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng về thanh khoản đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam khi có những diễn biến bất lợi từ thị trường tài chính. Và đây là điều chúng ta hoàn toàn không mong muốn nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra.

Một phần của tài liệu Khủng hoảng tài chính tại tập đoàn AIG.pdf (Trang 57 - 59)