Sự cần thiết phải phát triển du lịch sinh thái ở Thừa Thiên Huế

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển du lịch sinh thái ở Thừa Thiên Huế (Trang 49 - 51)

2.2.1.1. DLST là một bộ phận của du lịch ở Thừa Thiên Huế

Đã từ lâu, Thừa Thiên Huế được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn của miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung. Năm 1993, quần thể di tích triều

Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa vật thể của thế giới. Đúng 10 năm sau, Nhã nhạc cung đình Huế được ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới do UNESCO công nhận. Với hai di sản này, Thừa Thiên Huế thực sự trở thành một địa danh du lịch được du khách khắp nơi trên cả nước và trên thế giới biết đến.

Dựa vào những số liệu về khách du lịch và doanh thu đã phân tích ở phần trước, có thể thấy lượng khách đến Huế ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Vậy điều gì đã hấp dẫn du khách đến vậy? Đến với Thừa Thiên Huế, ngoài những di tích văn hóa, lịch sử có từ hàng trăm thậm chí hàng ngàn năm, du khách còn có cơ hội ngắm nhìn, tìm hiểu và khám phá một thế giới tự nhiên đa dạng, phong phú và đầy bí ẩn. Rừng Quốc gia Bạch Mã với hệ sinh thái đa dạng bậc nhất Đông Nam Á hiện nay giúp du khách thỏa sức thưởng ngoạn những tuyệt tác của thiên nhiên tạo ra, hay hòa mình vào cuộc sống của tự nhiên, khám phá những điều kì thú của tự nhiên. Không chỉ dừng lại ở Bạch Mã, du khách có thể xuôi xuống chân núi, biển Lăng Cô xanh ngắt tuyệt đẹp luôn là sự lựa chọn sáng suốt, là điểm dừng chân đúng đắn sau những chuyến leo núi vất vả. Và cả những con suối nước ngọt như Suối Voi, Nhị Hồ… đều đang thu hút được nhiều khách du lịch. Đó là những điểm du lịch sinh thái đang phát triển mạnh ở Thừa Thiên Huế.

2.2.1.2. Tiềm năng DLST ở Thừa Thiên Huế rất phong phú và đa dạng

Những địa danh như vườn Quốc gia Bạch Mã, Suối Voi, Nhị Hồ… là những điểm du lịch sinh thái thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và trên thế giới. Với những đặc điểm sinh thái vốn có độc đáo của mình, những điểm DLST này đã và đang tạo nên một hình ảnh du lịch ấn tượng cho du khách. Đây cũng là những điểm DLST mang lại nhiều doanh thu nhất cho tỉnh hiện nay.

Bên cạnh những điểm du lịch vốn có, DLST ở Thừa Thiên Huế còn được hứa hẹn với nhiều điểm du lịch hấp dẫn trải đều trên tất cả các huyện lỵ của tỉnh với nhiều đặc điểm và hình thức khác nhau. Có thể điểm qua một số tour, tuyến du lịch đã được hình thành, đưa vào dự án như: hệ thống nhà vườn cổ, du thuyền trên sông Hương, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai… Hay những địa điểm mà chưa được một nhà đầu tư nào để mắt đến như Khu sinh thái Rú Trá ở Hương Phong

huyện Hương Trà, hay Tràm Chim, thác A Đon ở Phong Điền… Tất cả tạo nên tiềm năng cho DLST ở Thừa Thiên Huế.

2.2.1.3. Thực trạng phát triển DLST ở Thừa Thiên Huế còn kém và chưa tương xứng với tiềm năng

Nếu như hỏi một du khách không phải là người bản địa về những địa điểm DLST ở Huế, cái tên được nhắc đến đầu tiên chỉ có thể là Vườn Quốc gia Bạch Mã, và rải rác một số cái tên như Suối Voi, Nhị Hồ. Những địa danh khác như Phú Mộng, Kim Long hay A Đon, núi Túy Vân… hoàn toàn không nằm trong trí nhớ của du khách.

Thực tế, dựa vào cơ cấu doanh thu từ DLST, ta có thể thấy, Vườn Quốc gia Bạch Mã chiếm hơn 80% doanh thu, 16% là của cụm du lịch Suối Voi, Nhị Hồ; chỉ còn lại một phần rất nhỏ 4% là từ các địa điểm du lịch còn lại. Như vậy, trong doanh thu ít ỏi của DLST ở đây, nổi rõ nhất là các địa điểm đã được nhiều khách du lịch biết đến. Còn với những điểm du lịch tiềm năng, doanh thu rất nhỏ lẻ, manh mún nếu như không muốn nói là gần bằng không.

Bởi vậy, phát triển DLST ở Thừa Thiên Huế là hết sức cần thiết, giúp tỉnh phát triển được tiềm năng du lịch của mình, mang lại những lợi ích không nhỏ về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển du lịch sinh thái ở Thừa Thiên Huế (Trang 49 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w