Trong phần này, chúng ta sẽ xét đến các đặc điểm trong cấu trúc thị trường Việt Nam, xem các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản như thế nào, điều gì làm gia tăng và điều gì làm hạn chế các rủi ro…
3.1Các sản phẩm tài chính
Nhìn vào thị trường tài chính Việt Nam, có thể thấy một sự phát triển bành chướng theo bề rộng nhưng lại thiếu hẳn một chiều sâu. Số lượng các tổ chức tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng cứ mọc lên như nấm nhưng… cạnh tranh lại chủ yếu dựa trên lãi suất và khuyến mãi, vấn đề đáng quan tâm là chất lượng dịch vụ và sự đa dạng hóa sản phẩm thì vẫn còn bị bỏ ngỏ bấy lâu nay.
Chính nguyên nhân đó làm cho chúng ta không ngạc nhiên, tại sao trong khi thế giới ngày một sáng tạo không ngừng các sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu các tập hợp rủi ro – tỷ suất sinh lợi đa dạng của các nhà đầu tư, thì ở thị trường Việt Nam số lượng và chủng loại các sản phẩm tài chính vẫn còn “nghèo nàn” như vậy.
Nếu chia thành hai nhóm những công cụ tài chính ngắn hạn và những công cụ tài chính trung và dài hạn, thì thị trường tài chính Việt Nam nói chung vẫn chỉ cung cấp chủ yếu các sản phẩm cơ bản như sau:
Bảng 3: Các công cụ trong thị trường tài chính:
Các công cụ trong thị trường tiền tệ Các công cụ trong thị trường vốn
Tín phiếu kho bạc.
Thương phiếu: - Hối phiếu. - Lệnh phiếu.
- Chứng chỉ lưu kho.
Chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển
nhượng.
Séc.
Cổ phiếu.
Trái phiếu:
- Trái phiếu chính quyền địa phương. - Trái phiếu Chính phủ.
- Trái phiếu doanh nghiệp.
Chứng chỉ quỹ đầu tư.
Các công cụ khác như các khoản tín dụng cầm cố, các khoản tín dụng thương mại…
Ngay cả những sản phẩm tài chính có nguồn gốc từ doanh nghiệp như hối phiếu, trái phiếu doanh nghiệp… cũng xuất hiện chủ yếu trong luật định chứ không
phải trong thực tế. Còn bàn về hệ thống sản phẩm của các NHTM, nguồn cung vẫn xoay quanh những gói sản phẩm quen thuộc của hai đầu “huy động vốn” và “cho vay – tín dụng”.
Trong khi đó, thị trường các sản phẩm phái sinh, những công cụ phục vụ cho việc quản trị rủi ro của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư vẫn chưa được đáp ứng một cách thỏa mãn. Nhìn chung các NHTM cũng như các TCTD nói chung còn ngần ngại khi đi sâu vào lĩnh vực này. Dù các chuyên gia vẫn dự đoán đây sẽ là xu hướng phát triển hiển nhiên trong thời gian tới.
Ở bài nghiên cứu này, chúng tôi không đi sâu vào phân tích nguyên nhân và những khó khăn làm cản trở sự phát triển các sản phẩm tài chính ở Việt Nam cũng như tìm hướng đi cho vấn đề này. Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, với đặc điểm “sản phẩm còn đơn giản” như thế này sẽ ảnh hưởng gì đến vấn đề rủi ro thanh khoản của Việt Nam.
Nhận xét:
Mặt tích cực: Một thông lệ phổ biến là tính rủi ro thanh khoản tỷ lệ thuận với mức độ phức tạp của các sản phẩm tài chính trên thị trường, cấu trúc sản phẩm càng phức tạp, rủi ro thanh khoản càng cao. Phải chăng đây là một tín hiệu đáng mừng cho Việt Nam. Cũng không hẳn như vậy, nhìn ở khía cạnh tích cực thì đúng là chúng ta ở một bờ vực “an toàn” hơn. Nhưng mục tiêu cao nhất của bất cứ hệ thống tài chính nào cũng là “sự phát triển” chứ không phải là “tối thiểu hóa hay triệt tiêu các rủi ro”, vì vậy, làm sao vừa xây dựng mở rộng thị trường trong thời gian tới vừa bảo bảm tính rủi ro thanh khoản trong vòng kiểm soát, đó mới là điều quan trọng.
Mặt tiêu cực: Tuy sản phẩm của các NHTM đơn giản, quy trình cho vay chặt chẽ. Nhưng sự thật vẫn luôn tồn tại những kẽ hở đủ để các NHTM lợi dụng để nới lỏng việc cung cấp tín dụng của mình. Chẳng hạn như vấn đề nổi trội trong thời gian qua là một số ngân hàng sáng tạo hình thức “gửi tiết kiệm dài hạn – cho phép rút trước hạn” để biến những nguồn vốn mang bản chất là ngắn hạn thành các nguồn vốn trung và dài hạn, và sau đó, hiển nhiên là các ngân hàng này có quyền mở rộng tiềm năng tín dụng của mình, đem cho vay những dự án trên một năm… Rủi ro ở đây là rất cao. Bên cạnh đó, nếu như các tổ chức xếp hạng tín dụng của Mỹ và các nước phát triển bị lên án trong cuộc khủng hoảng vừa qua, thì vấn đề đạo đức và năng lực của các bộ
phận thẩm định tín dụng của Việt Nam cũng không phải là hoàn toàn “vô can”. Vì vậy không thể tự tin rằng Việt Nam có mức độ rủi ro thấp.
3.2Thành phần tham gia thị trường tài chính
Thời báo kinh tế Việt nam ngày 02/6/2008 đã cung cấp cho độc giả một số liệu như sau: hiện Việt nam có 5 ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển; 6 ngân hàng liên doanh; 36 ngân hàng thương mại cổ phần; 46 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 10 công ty tài chính; 13 công ty cho thuê tài chính; 998 quĩ tín dụng cơ sở nói chung. Và số lượng này vẫn tiếp tục không ngừng gia tăng. Chúng tôi nêu vấn đề này ở đây nhằm muốn kiểm nghiệm lại mối tương quan về phạm vi hoạt động cũng như là ưu thế thị trường của các tổ chức “trung gian tài chính” bao gồm ngân hàng và phi ngân hàng. Kết quả hoàn toàn khác với thế giới, ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng vẫn là hệ thống chủ chốt truyền dẫn vốn và thực hiện các hoạt động tiền tệ. Các định chế phi ngân hàng như các công ty tài chính và các quỹ đầu tư, quỹ tín dụng… tuy đang lớn dần lên nhưng chưa có hiện tượng gì đáng gọi là “lấn sân” hay “đa dạng hóa hoạt động ngân hàng”.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng vướng vào một hạn chế mà thế giới đã trải qua. Đó là hệ thống quy định đối với các tổ chức tài chính phi ngân hàng vẫn còn lỏng lẻo và quá ít ràng buộc hơn so với hệ thống các ngân hàng. Dường như chúng ta quá chú trọng vào việc quản lý và đề phòng “sự tổn thương” có thể xảy ra đối với các ngân hàng mà quên mất các tổ chức tài chính khác cũng mang trong mình những rủi ro cần quan tâm và cũng có thể trở thành những “trái bom” đối với nền kinh tế nếu xảy ra những cú sốc ngoài dự đoán.
Thời gian qua với sự tăng trưởng rất nóng của thị trường chứng khoán, hoạt động của các công ty tài chính và các quỹ đầu tư cũng thu được rất nhiều lợi nhuận do nắm bắt những cơ hội này. Với một lĩnh vực còn hứa hẹn nhiều tiềm năng như thế sẽ không tránh khỏi chuyện các công ty, các doanh nghiệp muốn tham gia vào hoặc mở rộng các hoạt động đang có. Vì thể chỉ có thể đưa ra một nhận định đối với vấn đề này của Việt Nam là: “Cơ hội luôn đi cùng với những rủi ro… Một hệ thống quy định cẩn trọng và giám sát an toàn sẽ luôn là tấm đệm tốt để bảo vệ chính bản thân mình.”
3.3Hình thức tổ chức thị trường tài chính
Nếu trong phần trước khi đề cập đến các nguyên nhân gây ra khủng hoảng thanh khoản trên thế giới, chúng ta đã cùng phân tích một giả định là “do các sản phẩm tài chính chuyển giao rủi ro CRT được giao dịch trên thị trường OTC chứ không phải là thị trường có tổ chức” và thị trường này lại mất khả năng tự điều hòa trong những tình huống căng thẳng, áp lực về tài chính. Thì trong phần này, đi vào đặc điểm các hình thức tổ chức thị trường của Việt Nam, chúng ta sẽ thấy những rủi ro thanh khoản như thế đang ở mức độ báo động như thế nào.
Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2007, cả nước có gần 2000 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá và trên 3000 công ty cổ phần. Nhưng tổng vốn điều lệ của các công ty này hơn hơn rất nhiều lần khối lượng vốn hoá trên thị trường chính thức. Vậy nguồn còn lại đi đâu, đó chính là nguồn cung của thị trường OTC. Hay nói cách khác, thị trường OTC ở Việt Nam rất nhiều tiềm năng. Nhưng điều đáng ngạc nhiên ở đây là nếu nói dựa theo khái niệm và quy định của thế giới thì Việt Nam chưa có một thị trường OTC đúng nghĩa. Chúng ta cứ mượn tạm danh từ này để phân biệt với thị trường có tổ chức thông qua các Trung tâm giao dịch chứng khoán mà thôi, còn về bản chất, nó gần như một “phiên chợ đen” hoạt động còn manh mún, rời rạc, và hoàn toàn chưa có người tạo lập, dẫn dắt thị trường. Nguy hiểm nằm ở chỗ này. Nếu thị trường OTC vốn dĩ đã mang trong nó nhiều rủi ro hơn cho các nhà đầu tư thì dạng OTC như ở Việt Nam còn phức tạp đến mức độ nào.
Đối với một thị trường tài chính còn non trẻ như ở đất nước chúng ta thì những kiến tạo thị trường vẫn chưa hoàn hảo, là điều bình thường. Dự thảo “Quản lý thị trường chứng khoán chưa niêm yết OTC” sau một năm xây dựng, cũng đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi vào tháng 8/2007 và chuẩn bị có những kế hoạch hành động cụ thể trong tương lai. Hy vọng với tất cả nỗ lực đó, sẽ giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển một cách lành mạnh và bền vững hơn.
4. Khả năng quản lý thanh khoản của các NHTM:
Như đã nhận định, vì rủi ro thanh khoản ở Việt Nam gắn liền với chủ thể là các NHTM nên chúng tôi cũng xin dành một phần cuối của chương này để đi vào phân tích khả năng quản lý thanh khoản của bộ phận NHTM.
¾ Ưu điểm:
Nhìn chung, tính đến nay, lịch sử các NHTM chưa có khủng hoảng nợ, tỷ lệ nợ xấu (theo chuẩn kế toán Việt Nam) tương đối thấp, danh mục tài sản nhìn chung là lành mạnh, không có sản phẩm dịch vụ độc hại như thị trường tài chính Mỹ hay ở một số quốc gia phát triển.
¾ Nhược điểm:
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều hạn chế mà các NHTM vấp phải trong quá trình quản lý tính thanh khoản của mình dẫn đến những khó khăn lớn vào những cao trào xoay chuyển của thị trường. Cụ thể như sau:
- Hầu hết các NHTM đều không có hoặc có nhưng rất ít trái phiếu Chính phủ trong danh mục tài sản của mình.
“Lý do đơn giản là họ rất tham lam vì cho rằng duy trì trái phiếu Chính phủ thì lợi nhuận thấp, trong khi sử dụng đồng vốn đó cho vay thì lợi nhuận cao hơn”, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chia sẻ.
Hơn nữa, không ít cổ đông phất lên từ buôn bán bất động sản, xe máy, ôtô, sắt thép… nhờ tích lũy được nguồn vốn nên khi nhảy sang kinh doanh ngân hàng cũng với quan niệm “kinh doanh ngân hàng cũng thế cả” nên đã đòi hỏi lợi nhuận quá mức đối với ban điều hành, ngược lại ban điều hành cũng muốn lấy thành tích với cổ đông, nên cố bằng mọi cách đẩy lợi nhuận lên cao. Từ đó, họ chọn những danh mục đầu tư rủi ro cao nhưng đem lại tỷ suất sinh lời cao và ngược lại, những tài sản lợi nhuận bền vững nhưng rủi ro thấp thì bị bỏ qua.
Dường như họ quan tâm quá nhiều đến lợi ích ngắn hạn mà không nghĩ rằng, trái phiếu Chính phủ, ngoài việc đem lại lợi nhuận, thì chúng còn trở thành vật cầm cố nơi NHNN để bù đắp thanh khoản khi cần thiết.
- Công tác dự báo và phân tích thị trường của các NHTM Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Các NHTM Việt Nam còn có tư tưởng ỷ lại quá nhiều vào cơ chế nhà nước, trong khi các ngân hàng nước ngoài, ngoài việc chấp hành nghiêm túc các tỷ lệ an toàn còn thường xuyên nghiên cứu, dự báo sát các diễn biến của thị trường nên đã dự phòng vốn thanh khoản và điều chỉnh kịp thời, không bị động trước những tác động thị trường.
- Tính liên kết hệ thống giữa các NHTM để đảm bảo an toàn cho tính thanh khoản còn yếu
Tính cạnh tranh là yếu tố không thể thiếu trong bất cứ thị trường nào, cũng là yếu tố khách quan giúp cho các NHTM không ngừng phấn đấu và tự cải thiện. Tuy nhiên, đôi lúc sự cạnh tranh đó lại tạo ra hiện tượng không lành mạnh, các NHTM cạnh tranh bằng cách nào? Hiện nay chủ yếu vẫn là lãi suất, họ không biết rằng khi đẩy lãi suất lên cao như vậy lại tạo khe hở cho khách hàng gửi tiền “làm giá, tăng lãi suất”, khách hàng cứ rút tiền chuyển từ NHTM này sang NHTM khác dẫn đến làm suy yếu khả năng chống đỡ thiếu hụt thanh khoản của toàn hệ thống. Như vậy, các NHTM đã quên một bài học rằng, bên cạnh việc cạnh tranh nhau, tính liên kết cũng luôn cần thiết để đảm bảo khả năng thanh khoản được “an toàn”.