Những mặt tồn tại hạn chế

Một phần của tài liệu Chuyển đổi cơ cấu tín dụng trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại (Trang 49 - 52)

Bên cạnh những mặt được đã nêu ở phần trên, tín dụng đầu tư trung và dài hạn của các NHTM trong tỉnh cũng còn bộc lộ những bất cập, hạn chế thể hiện như sau:

Thứ nhất: Dư nợ đầu tư trung và dài hạn có tăng nhưng tỷ trọng giảm trong những năm gần đây, từ 42,48% năm 2002 xuống còn 38,14% năm 2004.. Tốc độ tăng tín dụng ngắn hạn tăng cao hơn tốc độ tăng tín dụng trung và dài hạn. Trong khi đó một yếu tố đóng vai trò quyết định đến việc tăng trưởng kinh tế là năng lực sản xuất phải tăng. Điều này muốn thực hiện được phải tăng đầu tư, trong đó vốn đầu tư của ngân hàng góp phần đặc biệt quan trọng để các doanh nghiệp và hộ kinh tế đầu tư xây dựng mới hoặc đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa dịch vụ.

Hiện nay vốn để mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp trong tỉnh tập trung vào 3 nguồn: (i)Vốn tự có thông qua việc tích lũy, bán cổ phần; (ii)vốn vay ngân hàng; (iii)vốn liên doanh liên kết kêu gọi đầu tư từ ngoài tỉnh hoặc nước ngoài. Trong 3 nguồn này, nguồn (i) thì còn rất hạn chế; nguồn (iii) thì khó vì Vĩnh Long là một tỉnh xa các trung tâm kinh tế, hạ tầng cơ sở yếu kém nên thu hút đầu tư từ bên ngoài gặp nhiều khó khăn. Do vậy nguồn vốn (ii) có ý nghĩa quan trọng, cần phải tăng cường nguồn vốn này.

Thứ hai: Kết cấu tín dụng trung và dài hạn đầu tư vào các khu vực chưa tương xứng với GDP của mỗi khu vực đóng góp. Trong những năm qua khu vực dịch vụ đã đóng góp vào GDP của tỉnh chiếm từ 30%-32%. Nhưng tín dụng trung và dài hạn đầu tư vào khu vực này chỉ chiếm từ 11% đến 14% tổng dư nợ trung & dài hạn. Ngược lại khu vực công nghiệp xây dựng có tỷ trọng dư nợ từ 17 đến 30% nhưng chỉ chiếm từ 13 đến 15% GDP.

Thứ ba: Cơ cấu đầu tư các thành phần kinh tế chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của mỗi thành phần. Đầu tư cho khu vực

kinh tế tư nhân còn thấp so với tiềm năng vì hiện nay chỉ có chưa đầy 30% số doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay có 4 doanh nghiệp nhưng cũng chưa có quan hệ tín dụng trung và dài hạn với các NHTM. Kinh tế hỗn hợp dư nợ đầu tư và tỷ trọng cũng còn rất khiêm tốn, chỉ có 3,24%/ tổng dư nợ trung và dài hạn. Kinh tế hợp tác dư nợ cho vay rất hạn chế chỉ khoảng 1‰ số dư nợ trung & dài hạn.

Thứ tư: Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn đầu tư cho ngành công nghiệp còn chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm thấp cả về số tương đối và số tuyệt đối. Năm 2002 là 83,7 tỷ, chiếm 6,9% tổng dư nợ T&DH, năm 2004 chỉ còn 77,5 tỷ chiếm tỷ trọng 5,31%. Trong 3 năm qua số dư liên tục giảm, bình quân mỗi năm giảm 3,79%. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, tỉnh có nhiều tiềm năng về gạch, gốm đất nung, hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống sản xuất nước chấm, bún bánh nhưng dư nợ chiếm tỷ trọng cũng rất nhỏ, chỉ trên dưới 3%. Điều này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp đạt chỉ tiêu tăng từ 20-22%/năm trong những năm tới đây theo định hướng phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2005- 2010 và phấn đấu đến năm 2010 tỷ trọng công nghiệp xây dựng chiếm 23% trong GDP.

Thứ năm: Hiện nay do nguồn vốn dài hạn có hạn nên các ngân hàng phần lớn chỉ cho vay trung hạn từ 1 đến 5 năm. Tỷ trọng vốn đầu tư dài hạn trong tổng vốn đầu tư T&DH còn chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị của các doanh nghiệp.

Thứ sáu: Tỷ trọng đầu tư cho vay tiêu dùng sinh hoạt và đời sống còn cao. Trong 3 năm qua lĩnh vực này luôn chiếm tỷ trọng cao nhất so với các khu vực trong tổng dư nợ trung & dài hạn. Mặc dù dư nợ đang giảm dần cả về số tuyệt đối và tỷ trọng nhưng đến cuối năm 2004 vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất: 31,58%, cao hơn cả khu vực công nghiệp và xây dựng (30,69%).

Trong đó xây dựng nhà ở chiếm tỷ trọng cao nhất trong các đối tượng đầu tư trung và dài hạn, tỷ trọng giao động từ 26%-39%/năm. Năm 2004 dư nợ là 378 tỷ chiếm tỷ trọng 25,92% trong tổng dư nợ trung & dài hạn. Trong khi đó đối tượng cho vay cơ sở hạ tầng khu công nghiệp xếp hạng thứ hai

trong tỷ trọng các đối tượng đầu tư cũng chỉ có 10,73% và cao hơn tỷ trọng của cả khu vực nông nghiệp (24,53%).

Đầu tư những đối tượng này mặc dù có tạo điều kiện hỗ trợ cải thiện cuộc sống nhân dân và bộ mặt nông thôn khang trang hơn. Nhưng nó không tạo ra sức sản xuất mới để góp phần tạo ra hàng hóa dịch vụ, thúc đẩy kinh tế phát triển. Hơn nữa đây là những đối tượng không sinh lời, nguồn trả nợ phải trông chờ vào các khoản thu nhập khác của người nông dân. Trong khi đó người dân nông thôn thì trông chờ chính vào thu nhập từ nông nghiệp. Đa số những hộ này còn vay vốn ngắn hạn để sản xuất nông nghiệp, những khoản thu nhập này đôi khi chỉ đủ trả nợ gốc và lãi vay ngắn hạn. Do vậy khi rủi ro phát sinh sẽ dẫn đến hệ quả dây chuyền cả vốn tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn. Chính vì vậy, đối tượng này ngân hàng chỉ đầu tư ở mức độ vừa phải, cần giành vốn cho khu vực sản xuất kinh doanh dịch vụ nhiều hơn.

Thứ bảy: Về sự phối kết hợp giữa các NHTM trên địa bàn trong việc đồng tài trợ cho những dự án T&DH chưa được thực hiện. Hoạt động trong môi trường cạnh tranh nên mạnh NH nào NH nấy làm mà chưa có sự liên kết để tạo sức mạnh chung nhằm đáp ứng kịp thời cho những dự án lớn đồng thời phân tán rủi ro. Quản lý thông tin rủi ro không đầy đủ, còn thiếu minh bạch. Vì cạnh tranh nhau để lôi kéo khách hàng nên các ngân hàng đôi khi bỏ qua một số điều kiện, thủ tục. Thiếu cương quyết đối với khách hàng trong việc yêu cầu đáp ứng các điều kiện vay vốn, cung cấp những thông tin tài liệu trong quá trình theo dõi kiểm tra sử dụng vốn vay. Cung cấp thông tin tín dụng không đầy đủ, thiếu cập nhật. Do đó khi một NH nào có nhu cầu tìm hiểu về một khách hàng thì thông tin thiếu chính xác, dễ dẫn đến rủi ro trong quyết định cho vay.

Thứ tám: Về chất lượng tín dụng đầu tư trung và dài hạn tuy tỷ lệ nợ quá hạn hiện nay còn thấp, nhưng đang có xu hướng tăng cao. Năm 2002 chỉ có 3,89 tỷ, chiếm 0,32% tổng nợ trung và dài hạn nhưng năm 2004 đã tăng lên 32,38 tỷ với tỷ lệ 2,22%, gấp 7 lần năm 2002. Đặc điểm của tín dụng trung dài hạn là có thời hạn cho vay dài, những năm đầu mới cho vay thì khách hàng cố gắng trả đều đặn, ít xảy ra nợ quá hạn. Nhưng những năm về cuối thời gian cho vay thì nguy cơ nợ quá hạn càng tăng, tiềm ẩn rủi ro càng lớn do biến động về cạnh tranh thị trường, giá cả, mẫu mã sản phẩm lạc hậu…

Những đối tượng vay vốn có nợ quá hạn cao là cho vay tiêu dùng (4,34%) mà đặc biệt là cho vay mua sắm phương tiện tiêu dùng (15,19%), đây là đối tượng không sinh lời. Ngoài ra những đối tượng mà sản phẩm đầu ra có sự biến động mạnh về giá cả trên thị trường hiện nay như trái cây, cá tra, cá basa cũng đồng thời là những đối tượng tín dụng đang có tỷ lệ nợ quá hạn cao như cho vay cải tạo vườn: 5,83%, nuôi thủy sản: 4,69% (năm 2004)

Một phần của tài liệu Chuyển đổi cơ cấu tín dụng trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại (Trang 49 - 52)