Môi trường tiếp thị trong nước và quốc tế

Một phần của tài liệu Thương mại và tiếp thị lâm sản (Trang 43 - 44)

3. Tiếp thị lâm sản

3.2. Môi trường tiếp thị trong nước và quốc tế

Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và lâm sản đang hoạt động trong một môi trường đầy biến động. Môi trường tiếp thị bao gồm các yếu tố khách quan mà doanh nghiệp không thể

kiểm soát được nhưng doanh nghiệp cần nghiên cứu các yếu tố này nhằm tạo ra khả năng thích ứng một cách tốt nhất với xu hướng vận động của nó. Các yếu tố thành phần của môi trường tiếp thị có thể tác động đến doanh nghiệp ở những mức độ khác nhau và theo những cách thức khác nhau, những tác động này cần được đánh giá và phản ánh cụ thể trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể có nhiều cách phân chia môi trường tiếp thị của doanh nghiệp. Một cách phổ

biến là phân chia môi trường này thành nhóm các yếu tố khác nhau dựa trên tiêu thức ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp thành môi trường vi mô và môi trường vĩ mô10. Môi trường vi mô là những lực lượng có quan hệ trực tiếp với doanh nghiệp và khả năng phục vụ khách hàng của doanh nghiệp, bao gồm những nhà cung ứng, những người môi giới tiếp thị, khách hàng, đối thủ cạnh tranh và công chúng. Môi trường vĩ mô là những lực lượng rộng lớn hơn, có ảnh hưởng đến các yếu tố của môi trường vi mô và doanh nghiệp, như các yếu tố về nhân khẩu, văn hóa, xã hội, kinh tế, kỹ thuật, chính trị, tự nhiên.11

Nhóm các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô có ảnh hưởng rất quan trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những người cung ứng là những doanh nghiệp và cá nhân cung cấp các nguồn đầu vào cần thiết cho doanh nghiệp và đối thủ cạnh tranh để sản xuất và kinh doanh những hàng hóa và dịch vụ nhất định. Những người môi giới tiếp thị bao gồm những tổ

chức và cá nhân có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phân phối, tiêu thụ, quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp tới các khách hàng như các nhà môi giới thương mại, các nhà phân phối, các tổ chức tín dụng… Công chúng là những nhóm người quan tâm hoặc có thể

quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp và có ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu của doanh nghiệp, ví dụ như giới tài chính, giới báo chí, chính quyền, các nhóm bảo vệ người

10 P. Kotler, Marketing căn bản, NXB Thống kê, tái bản lần thứ nhất, 1997, bản dịch của PTS. Phan Thăng, PTS. Vũ Thị Phượng và Giang Văn Chiến, chương 4.

11 Mc Carthy phân chia môi trường tiếp thị ra làm các môi trường thành phần: mục tiêu và nguồn lực của doanh nghiệp, và các môi trường doanh nghiệp không kiểm soát được là môi trường cạnh tranh, môi trường kinh tế và công nghệ, môi trường văn hóa và xã hội, môi trường chính trị và luật pháp, môi trường địa lý và sinh thái.

tiêu dùng, bảo vệ môi trường, các nghiệp đoàn… Khách hàng, do giữ vai trò đặc biệt quan trọng khi nghiên cứu và ứng dụng tiếp thị, sẽđược xem xét ở phần sau.

Các yếu tố của môi trường vĩ mô ảnh hưởng không chỉđến hoạt động của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của các yếu tố của môi trường vi mô đã phân tích ở trên thông qua những xu hướng biến động có thể tạo ra những cơ hội hoặc nguy cơ mới. Các yếu tố liên quan đến nhân khẩu học và văn hóa, xã hội như quy mô và mật độ dân số, quy mô của hộ gia đình, thu nhập, nghề nghiệp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, phong tục … có tác động rất lớn đến hành vi mua sắm của khách hàng trong một khu vực địa lý nhất định, do đó ảnh hưởng đến dung lượng thị trường và cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp. Các yếu tố về kinh tế

và trình độ khoa học kỹ thuật của nền kinh tế, của ngành, của địa phương quy định cách thức nền kinh tế, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đó huy động và sử dụng các nguồn lực như thế nào. Các lực lượng của môi trường chính trị, luật pháp… có ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định và thực hiện chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và lâm sản, các yếu tố của môi trường tự nhiên có tác động rất lớn, bởi đây là lĩnh vực mà nguồn đầu vào cho sản xuất kinh doanh được khai thác từ môi trường tự nhiên. Điều kiện môi trường xấu đi và ảnh hưởng của thương mại đến môi trường là một trong những vấn đề mà giới kinh doanh và công chúng đang ngày càng phải quan tâm. Mức độ che phủ của rừng có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người thông qua tác động đến nguồn nước, bầu khí quyển, thời tiết, khí hậu… Sự khan hiếm của nguồn đầu vào, việc khai thác ngày càng khó khăn, các quy định của chính phủ về khai thác gỗ và lâm sản, sự quan tâm của các tổ chức bảo vệ môi trường… là những vấn đề mà các doanh nghiệp gỗ và lâm sản cần quan tâm và sựảnh hưởng của nó cần được phản ánh trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Thương mại và tiếp thị lâm sản (Trang 43 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(66 trang)