Nghiên cứu về khoanh nuôi và phục hồi rừng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh phục hồi rừng thứ sinh nghèo tại huyện chợ đồn bạch thông tỉnh bắc kạn.pdf (Trang 29 - 34)

Vào những năm 50 - 60 của thế kỷ trước vấn đề phục hồi rừng ở nước tra đã được đặt ra với thuật ngữ ban đầu của nó “Khoanh núi nuôi rừng”. Tuy nhiên vào các thập kỷ tiếp theo lâm nghiệp việt nam lại đi theo các hướng trọng tâm khác nhau dẫn đến việc “khoanh núi nuôi rừng” vẫn chỉ là một khẩu hiệu mặc dù cũng đã được đưa thành một nội dung trong giáo trình môn lâm học giảng dạy cho sinh viên Lâm nghiệp khoá đầu tiên, nhưng ngay cả khái niệm phạm vi đặt ra như thế nào? đối tượng là gì và ở đâu? cũng chưa được định rõ. Mãi đến giữa những năm 80 cái được gọi là “khoanh núi nuôi rừng” mới được định hình và chuyển hướng theo cụm thuật ngữ mới là: “ phục hồi rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh” hay “khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng”. Sự chuyển hướng đó được chú ý bằng 2 đề tài nghiên cứu thuộc chương trình cấp Nhà nước đó là:

+ Nghiên cứu phân loại đối tượng và đề xuất biện pháp phục hồi rừng bằng khoanh nuôi, xúc tiến, tái sinh vùng lưu vực Sông Đà, chương trình lâm nghiệp tổng hợp, mã số 04.01, giai đoạn 1986-1990.

+ Trần Đình Lý và các cộng sự (1996) [19] Nghiên cứu xác định diện tích và hệ thống biện pháp kỹ thuật cho việc khoanh nuôi phục hồi rừng. Nghiên cứu đưa ra một cách nhìn hệ thống và toàn diện về biện pháp kỹ thuật khoanh nuôi phục hồi rừng. Với việc phân biệt rõ ràng giữa rừng và thảm thực vật, nghiên cứu đưa ra khái niệm khoanh nuôi phục hồi rừng là “quá trình lợi dụng triệt để quy luật tái sinh và diễn thế tự nhiên với sự can thiệp hợp lý của con người nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi lại rừng trong một thời gian xác định theo mục đích đặt ra”. Qua cách nhìn nhận đó xác định được đối tượng cụ thể cho khoanh nuôi phục hồi rừng. Xác định thời gian khoanh nuôi và tiêu chuẩn cần đạt của rừng khoanh nuôi. Xác định được nội dung công việc cần tiến hành trong quá trình khoanh nuôi ở các mức độ khác nhau. Nghiên cứu đã xây dựng được bản quy phạm cho khoanh nuôi phục hồi rừng và xây dựng được danh lục sơ bộ gồm 155 loài cây bản địa có thể sử dụng cho việc khoanh nuôi và phục hồi rừng. Đây là công trình đầu tiên ở việt nam đề cập một cách hệ thống từ cơ sở khoa học đến quy phạm khoanh nuôi phục hồi rừng ở Việt nam. Nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng quy phạm chưa xây dựng được quy trình khoanh nuôi cụ thể cho từng vùng và từng loại hình rừng cụ thể.

Bên cạnh các đề tài đó có đề tài cấp cơ sở điều tra khảo sát hoặc nghiên cứu thí nghiệm một số vấn đề có liên quan cũng được xúc tiến ở nhiều địa phưong như:

- Nghiên cứu quá trình tái sinh tự nhiên thảm thực vật rừng và ứng dụng phương thức khoanh nuôi phục hồi rừng ở Quảng Ninh (ĐHLN, 1993).

- Khả năng tái sinh diễn thế, quá trình sinh trưởng và phát triển của thảm thực vật trên đất rừng thứ sinh sau nương rẫy tại Kon Hà Nừng. (Viện STTNSV, 92)

- Đặc điểm sinh thái Lâm học rừng cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) ở Đông Nam Bộ và một số định hướng bảo vệ khôi phục rừng (Viện ĐTQHR, 1991-1995)

- Một số loài cây bản địa có thể sử dụng trong khoanh nuôi phục hồi rừng ở Việt Nam (Viện STTNSV, 1994)

- Quy trình kỹ thuật khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên ở vùng Tây Bắc (Trung tâm KHSXLN Tây Bắc, 1992)

- Phân loại đất trống đồi núi trọc phục vụ trồng rừng và tái sinh rừng (Viện ĐTQHR, 1998)

Cùng với sức ép ngày một bức bách của yêu cầu và thực tiễn sản xuất các kết quả của sự chuyển hướng đó là những tiền đề quan trọng cho sự đổi mới của vấn đề tái sinh phục hồi rừng. Đầu những năm 90, kết quả của sự chuyển hướng đã được pháp lý hoá thông qua 3 tiêu chuẩn ngành thể hiện sự đổi mới của vấn đề này.

Các tiêu chuẩn đó là :

- Quy phạm các giải pháp kỹ thuật Lâm sinh áp dụng cho rừng sản xuất gỗ và tre nứa (QPN 14-92), ban hành theo Quyết định số 200/QĐ- KT ngày 31/3/1993 của Bộ Lâm nghiệp.

- Quy phạm phục hồi rừng bằng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung (QPN 21-98), ban hành theo QĐ số 125/QĐ/ BNN/KHCN ngày 04/11/1998 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Quy định tạm thời nghiệm thu khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung, trồng rừng và chăm sóc rừng trồng, ban hành theo QĐ số 162/1999/QĐ-BNN-PTLN ngày 10/12/1999 của BNN& PTNT.

Sự đổi mới ấy vừa khẳng định tầm quan trọng và chỗ đứng không thể thiếu được của việc tái sinh phục hồi rừng trong hệ thống các giải pháp kỹ thuật Lâm sinh, vừa xác lập một số cơ sở kỹ thuật nhằm thúc đẩy sản xuất theo định hướng đó. Nhưng chưa dừng lại ở những thành quả đó vẫn có nhiều tác giả tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực phục hồi rừng.

Trần Xuân Thiệp (1991) [32], nghiên cứu “Vai trò tái sinh phục hồi rừng tự nhiên ở các vùng miền bắc” đề tài tập trung vào sự biến đổi về lượng, chất lượng của tái sinh tự nhiên và rừng phục hồi. Qua đó, đánh giá hệ quả của tái sinh và vị trí phục hồi trong kết cấu rừng tự nhiên ở các vùng. Công trình đánh giá vai trò phục hồi rừng tự nhiên đối với diễn biến diện tích rừng hỗn loài cây lá rộng thường xanh ở các vùng rừng miền Bắc, đưa ra căn cứ khoa học và bổ xung nhận thức về công tác khoanh nuôi phục hồi rừng nghèo kiệt ở các vùng.

Đỗ Hữu Thư, Trần Đình Lý, Lê Đồng Tấn (1994) [33] dựa vào các trạng thái thực bì đã được phân chia trên cơ sở bảng phân loại của Loeschau (1966) và Quy phạm thiết kế kinh doanh rừng của Bộ Lâm Nghiệp và theo phương pháp của Thái Văn Trừng đã nghiên cứu các trạng thái thực bì kiểu IA, IB, IC, IIA, IIB đưa ra nhận xét, trong suốt quá trình phục hồi tự nhiên thảm thực vật rừng trước khi đạt tới giai đoạn thuần thục, thành phần loài và số lượng cây gỗ trên một diện tích nhất định có xu hương giảm dần, đơn giản hoá để tái ổn định. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của quá trình tự phục hồi thảm thực vật rừng, quy luật này biểu hiện chưa rõ ràng và có thể có những xáo trộn.

Lê Đồng Tấn (1993 – 1999) [26] nghiên cứu quá trình phục hồi tự nhiên một số quần xã thực vật sau nương rẫy tại Sơn La theo phương pháp kết hợp điều tra ô tiêu chuẩn 400m2

cho các đối tượng là thảm thực vật phục hồi sau nương rẫy và theo dõi ô định vị 2000m2. Tác giả kết luận: mật độ cây tái sinh giảm dần từ chân đồi lên đỉnh đồi. Tổ hợp loài cây ưu thế trên ba vị trí địa hình và 3 cấp độ dốc là giống nhau. Sự khác nhau chính là hệ số tổ thành các loài trong tổ hợp đó.

Nguyễn Văn Thông (2000) [30], đưa ra kết quả phục hồi rừng tự nhiên tại trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Cầu Hai – Phú thọ. Qua đó tác giả đã đưa ra được ưu nhược điểm của các biện pháp kỹ thuật phục hồi rừng được áp dụng ở trung tâm từ những năm 1960 tới nay. Tác giả kết luận có thể sử dụng cả 3 biện pháp: cải tạo rừng, làm giàu và khoanh nuôi rừng để phục hồi rừng tự nhiên. Biện pháp làm giàu rừng và cải tạo rừng giải quyết được vấn đề về mật độ và tổ thành. Tuy nhiên, nó lại có một số hạn chế là làm thay đổi khá lớn và lâu phục hồi lại hoàn cảnh rừng cũng như lâu phục hồi khả phòng hộ và khả năng cải thiện môi trường, đầu tư tốn kém, kỹ thuật gây trồng phức tạp. Khi thất bại do chọn loài cây, biện pháp gây trồng không hợp lý thì hậu quả sẽ rất lớn. Biện pháp khoanh nuôi rừng có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, triển vọng thành rừng cao, nhanh phát huy tác dụng mọi mặt của rừng nhưng có nhược điểm chỉ thực hiện ở các diện tích rừng có số lượng, chất lượng tái sinh tự nhiên đảm bảo. Nghiên cứu này đưa ra được các ưu nhược điểm của các biện pháp phục hồi rừng ở Cầu Hai nhưng lại chưa đưa ra được phương hướng giải quyết khắc phục các nhược điểm đó một cách rõ ràng.

Phạm Đình Tam (2001) [25], nghiên cứu khả năng tái sinh phục hồi rừng sau khai thác tại Kon Hà Nừng. Nghiên cứu tiến hành xác định cường độ khai thác hợp lý nhằm thúc đẩy lượng tăng trưởng hàng năm của lâm phần, cải thiện chất lượng của rừng và xúc tiến quá trình tái sinh tự nhiên. Từ đó, xây dựng quy phạm khai thác đảm bảo tái sinh áp dụng cho rừng lá rộng thường xanh. Khai thác với cường độ 30 – 50% trữ lượng rừng, số loài cây giảm đi từ 7 – 10 loài; tuy nhiên trong tổ thành vẫn còn nhiều loài kém giá trị kinh tế cần chặt bỏ. Ở cả hai cường độ khai thác 30 và 50% trữ lượng đều đảm bảo cho lâm phần tăng trưởng cả về số lượng cây và trữ lượng rừng. Sau 20 năm, lượng tăng trưởng ở công thức khai thác 50% lớn hơn ở công thức khai thác 30%. Tình hình tái sinh tự nhiên ở công thức 50% có nhiều triển vọng hơn.

Phạm Xuân Hoàn (2002) [13] tiến hành nghiên cứu phục hồi rừng bằng cây bản địa. Nghiên cứu đã đưa ra được những cơ sở khoa học và thực tiễn cho kỹ thuật xử lý lớp cây tạo môi trường ban đầu nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sinh trưởng cho lớp cây bản địa được trồng dưới tán rừng Thông và Keo. Sử dụng các phương pháp xác định nhu cầu ánh sáng cho cây bản địa nhằm đảm bảo độ tin cậy khi quyết định các chỉ tiêu kỹ thuật khi xử lý tầng cây cao. Việc xử lý tầng cây cao chỉ nên tiến hành hai lần bao gồm cả tỉa thưa và tỉa cành dựa trên những chỉ tiêu cụ thể về nhu cầu ánh sáng theo các giai đoạn sinh trưởng của cây bản địa ở thời kì tạo rừng và giai đoạn cây bản địa tạo tán. Để tăng sự đa dạng sinh học, không loại bỏ tầng cây bụi thảm tươi dưới tán rừng khi chúng không cạnh tranh với cây bản địa và chăm sóc những cây tái sinh của các loài khác xuất hiện. Có thể coi sự có mặt của những cây tái sinh này như một tiêu chuẩn để đánh giá thành công trong phục hồi rừng bằng cây bản địa.

Phạm Ngọc Thường – 2003, [29] đề xuất một số giải pháp kĩ thuật lâm sinh phục hồi rừng sau nương rẫy ở hai tỉnh Thái Nguyên – Bắc Kạn trên một số mô hình. Mô hình khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, mô hình này có thời gian phục hồi 7 – 8 năm cho biết được mật độ cây tái sinh và số lượng cây tái sinh có triển vọng/ha. Nhưng công trình này không đưa ra số liệu về kích thước cây tái sinh và không có mô hình đối chứng nên chưa đánh giá được hiệu quả của khoanh nuôi tái sinh tự

nhiên đến mức nào. Mô hình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trồng bổ xung cho biết cây trồng bổ xung có tỷ lệ sống cao, sinh trưởng tốt nhưng lại không đề cập tới tình hình tái sinh như thế nào thông qua biện pháp kỹ thuật lâm sinh do vậy nó vẫn chưa minh chứng được hiệu quả của mô hình.

Phạm Quốc Hùng (2005) [3] tiến hành đề tài “Đánh giá khả năng tái sinh phục hồi rừng vùng Đông bắc Việt Nam”. Nghiên cứu tập trung vào đối tượng rừng phục hồi ở độ cao < 700m trong đất liền. Đề tài đưa ra được đặc điểm lâm học và đặc điểm tái sinh dưới tán rừng của các trạng thái rừng phục hồi. Tuy nhiên, trong vấn đề nghiên cứu về đặc điểm cấu trúc của rừng phục hồi đề tài chưa đưa ra được hàm số phù hợp để mô tả tương quan chiều cao và đường kính của rừng phục hồi.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh phục hồi rừng thứ sinh nghèo tại huyện chợ đồn bạch thông tỉnh bắc kạn.pdf (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)