Công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm ở công ty được thực hiện gọn nhẹ, tương đối hoàn chỉnh phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh và việc tổ chức quản lý phát huy được vai trò cung cấp thông tin, kiểm tra, giám sát được các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm là một trong những phần hành kế toán của công ty vì vậy kế toán phần hành này cũng áp dụng phương pháp nhật kí chứng từ. Công ty đã kết hợp bảng kê số 4 và số 5 vào một bảng. Việc kết hợp này giảm bớt sự trùng lặp trong ghi chép.
Với quy trình công nghệ tương đối phức tạp qua nhiều khâu chế biến, công ty áp dụng phương pháp tính giá thành phân bước có tính giá bán thành phẩm là hoàn toàn phù hợp. Ưu điểm của phương pháp này là số liệu tính toán ra chi tiết, cụ thể cho từng khoản mục, dễ dàng cho việc kiểm tra lại số liệu theo từng khoản mục chi phí. Giá thành được xác định cho từng bước chế biến đảm bảo yêu cầu hạch toán kinh tế nội bộ cho từng phân xưởng cũng như yêu cầu quản lý sản phẩm dở dang cả về mặt số lượng và mặt giá trị.
Kỳ tính giá thành của công ty theo tháng giúp cho việc quản lý, kiểm tra chi phí sản xuất, tính giá thành sản phẩm một cách kịp thời, chính xác, thuận tiện, giúp cho công ty không bị động khi có sự thay đổi bất thường của thị trường, đồng thời giúp công ty điều chỉnh giá một cách hợp lý.
Bên cạnh những ưu điểm, công tác hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm ở công ty cổ phần sợi Trà Lý còn tồn tại một số nhược điểm cần khắc phục sau:
Là một ngành sản xuất kinh doanh các sản phẩm về sợi và bao bì nên công ty cũng không tránh khỏi những nhược điểm do đặc thù công việc và những biến động bất thường của thị trường tạo ra không thể tránh khỏi.
Ví dụ: Giá nguyên vật liệu đầu vào của các loại bông, sợi trong 3 năm qua tăng, giá bông trên thị trường thế giới biến động làm cho giá bông, sợi của thi trường trong nước tăng theo làm ảnh hưởng lớn tới giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó giá dầu thế giới biến động thất thường tăng cao dẫn tới một số chi phí dịch vụ tăng cao như chi phí cước vận chuyển, điện, vật tư biến động từng ngày dẫn tới chi phí sản xuất tăng.
Công tác kế toán của công ty nói chung và kế toán phần hành chi phí, giá thành nói riêng đã được tổ chức tương đối hoàn chỉnh tuy nhiên công ty lập Nhật kí chứng từ số 7 chỉ lập cho phần I mà không lập cho phần II, III do hai phần này tương đối phức tạp, tuy nhiên hai phần này giúp cho công ty hạch toán đầy đủ cụ thể hơn về chi phí sản xuất của công ty.
Tại các phân xưởng sản xuất, công ty áp dụng phương pháp hệ số giá để tính giá thành sản phẩm theo từng quy cách sản phẩm khác nhau. Ở phân xưởng sợi là các loại sợi đơn, sợi se được quy về sản phẩm gốc là sợi đơn, ở phân xưởng dệt là các loại bao 70, bao 100 được quy về sản phẩm gốc là bao 70. Đây là cách tính đơn giản, phù hợp với tình hình sản xuất tại công ty.
Nhìn chung công tác hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm ở công ty được tổ chức tốt, có nhiều ưu điểm và tương đối sáng tạo tuy nhiên còn chưa được hoàn thiện lắm. Đây là điều không tránh khỏi, vì vậy công ty cần đưa ra những giải pháp tối ưu nhằm tổ chức tốt hơn nữa công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm từ đó phát huy được vai trò của nó trong sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó để quản lý chi phí, theo dõi tình hình sử dụng nguyên vật liệu, CCDC,…Ở các phân xưởng, công ty đã bố trí các nhân viên kinh tế ở từng phân xưởng để theo dõi việc nhập, xuất, tồn , sử dụng, tiêu hao nguyên vật liệu để tiết kiệm chi phí sản xuất. Tuy nhiên do lượng vật tư nhập kho nhiều nên công ty đã tổ chức kiểm tra chất lượng, đối chiếu hoá đơn và các chứng từ khác mới cho nhập kho nhưng lại không lập “biên bản kiểm nghiệm vật tư” cụ thể cho mỗi lần kiểm tra. Điều này khiến cho chất lượng nguyên vật liệu đưa vào sản xuất gặp phải một số vấn đề: chất lượng, chủng loại,… dẫn đến sản phẩm hỏng, không đạt chất lượng tăng làm giảm lợi nhuận kì kinh doanh.
Việc tính toán tiền lương và các khoản trích theo lương trong công ty là tương đối hợp lý đảm bảo công bằng cho tất cả các cán bộ công nhân viên, đảm bảo hài hoà giữa việc chấp hành chế độ và tình hình thực tế tại công ty. Bên cạnh đó cách tính lương theo sản phẩm đã khuyến khích được công nhân nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Tuy vậy công ty chưa thực hiện việc trích trước tiền lương nghỉ phép của công nhân sản xuất. Trên thực tế các khoản chi phí này có sự khác nhau giữa các tháng nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất trong những thời điểm phát sinh nhiều công nhân nghỉ phép như các dịp lễ tết, các vụ mùa,…Điều này làm giá thành sản phẩm tăng đáng kể có thể giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường đồng thời giá thành sản phẩm không được phản ánh một cách chính xác.
Công tác tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm tại công ty cổ phần sợi Trà lý được tiến hành một cách khoa học, có hệ thống thể hiện trong việc lập báo cáo, các bảng biểu, bảng kê từ các phân xưởng đến phòng kế toán của công ty. Việc xử lý chứng từ được thực hiện ngay từ các phân xưởng. Các nghiệp vụ phát sinh đều được nhân viên thống kê theo dõi và cung cấp số liệu cho kế toán. Do chi phí sản xuất được theo dõi ngay từ các phân xưởng nên đã khuyến khích tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên doanh nghiệp cần xem xét lại việc hạch toán chi phí dịch vụ mua ngoài. Chi phí này không cao nhưng cũng ảnh hưởng tới việc tính chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Việc xác định đối tượng tính giá thành sợi đơn, sợi se ở phân xưởng sợi và các loại bao ở phân xưởng Dệt là hoàn toàn hợp lý. Ở phân xưởng Sợi có sợi đơn, sợi se là bán thành phẩm được bán ra ngoài., công ty đã xác định phương pháp tính giá thành phù hợp với đặc điểm sản xuất đó là phương pháp tính giá thành phân bước có tính giá bán thành phẩm.
Tại các phân xưởng, công ty áp dụng phương pháp hệ số để tính giá thành sản phẩm của từng quy cách sản phẩm khác nhau. Đây là sự vận dụng hợp lý để tính giá thành sản phẩm, cách tính toán hợp lý, đơn giản thuận tiện và phù hợp với điều kiện cụ thể tại công ty. Tuy nhiên đối với sản phẩm dở dang cuối kỳ công ty đang áp dụng phương pháp đánh giá theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, mặc dù chi phí nguyên vật liệu trực tiếp bỏ vào sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá thành sản phẩm nhưng tính chính xác chưa cao vì không tính đến chi phí chế biến kết tinh trong sản phẩm dở dang cuối kỳ. Như vậy chi phí chế biến sẽ làm tăng giá thành của sản phẩm hoàn thành trong kỳ.