XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ TRONG CĂN CỨ ĐỊA KHÁNG CHIẾN VIỆT BẮC
2.2.2. Hình thức và biện pháp bảo vệ ATK Định Hoá
Các lực lượng bảo vệ ATK Trung ương đóng trên địa bàn Định Hoá đã thực hiện nhiều hình thức và biện pháp linh hoạt , sáng tạo.
Ngay sau khi hình thành, ATK Trung ương đã phải đứng trước mối đe doạ lớn: chiếm xong Hà Nội, thực dân Pháp đánh tràn ra vùng ngoại vi, phá vỡ vòng vây của quân và dân ta quanh thành phố và mở rộng vùng kiểm soát. Để thực hiện ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 7 - 10 - 1947, thực dân Pháp huy động khoảng 12.000 quân tinh nhuệ gồm 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo, 2 tiểu đoàn công binh, 40 tàu chiến và ca nô, 40 máy bay các loại, mở một cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc. Mục tiêu của cuộc tấn công này là nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta để nhanh chóng kết thúc chiến tranh; khoá chặt biên giới Việt Trung hòng ngăn chặn sự liên hệ giữa ta với quốc tế; phá kho tàng, mùa màng, khủng bố nhân dân căn cứ địa; đồng thời dùng thắng lợi quân sự để thúc đẩy thành lập chính quyền bù nhìn toàn quốc.
Đòn tập kích lớn bất ngờ là cuộc đổ bộ đường không của quân Pháp xuống Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn (ngày 7, 8 - 10 - 1947).
Quân Pháp có phương tiện cơ động, bằng các gọng kìm từ hai phía Đông, Tây và những mũi tập kích thọc sâu đã đặt toàn bộ Việt Bắc, trọng điểm là Bắc Kạn, Thái Nguyên trong tình thế bị bao vây, chia cắt. Cuộc tấn công quy mô lớn của địch lên Việt Bắc là một trong những thử thách quyết liệt nhất đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Ngày 8 - 10, tại Điềm Mặc, Hồ Chủ tịch gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích cùng toàn thể đồng bào ra sức đánh giặc. Cùng ngày, Bộ Tổng chỉ huy ra nhật lệnh và quân lệnh chỉ rõ những biện pháp cụ thể cho bộ đội, du kích, dân quân, tự vệ, Uỷ ban kháng chiến - hành chính các cấp và toàn thể đồng bào chiến đấu phá tan cuộc tấn công của địch. Để đảm bảo an toàn, ngày 15 - 10 - 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường vụ Trung ương, các cơ quan Trung ương, Chính phủ, quân đội bí mật di chuyển từ ATK Định Hoá sang ATK Võ Nhai.
Được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Bộ Tổng chỉ huy và Tỉnh uỷ, lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên phối hợp với quân dân tỉnh Bắc Kạn và lực lượng chủ lực của Bộ Tổng chỉ huy tiến hành chiến tranh du kích rộng khắp, chủ động tổ chức chiến đấu, khiến cho quân Pháp đi đến đâu cũng bị đánh, tiếp tế khó khăn. Thực dân Pháp ngày càng thiệt hại nhiều về người và phương tiện chiến tranh. Những vị trí chiếm đóng của quân Pháp ngày càng lâm vào tình trạng cô lập, khó ứng cứu cho nhau.
Sau gần một tháng mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc, ngoài việc đốt phá được một số kho tàng mà ta chưa kịp di chuyển và chiếm giữ một vài nơi, quân Pháp không thực hiện được những mục tiêu cơ bản của cuộc tấn công. Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh rút lui.
Phán đoán ta có khoảng từ 20 đến 25 tiểu đoàn đóng ở các vùng Chợ Chu, Đại Từ, Võ Nhai, Yên Thế, phía Tây Tam Đảo và lưu vực sông Đáy; các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ kháng chiến đóng ở khu vực núi đá Đình Cả (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, Bộ chỉ huy Pháp quyết định kết hợp việc rút quân với càn quét khu vực Tuyên Quang - Thái Nguyên - Việt Trì - Phủ Lạng Thương) rộng hơn 8000km2, nhằm tiếp tục “lùng bắt kỳ được cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt chủ lực Việt Minh, phá nát căn cứ địa”.
Thái Nguyên trở thành hướng càn quét và rút lui chủ yếu của địch. Trước những diễn biến mới, ngày 17 - 11, các cơ quan Trung ương di chưyển từ Tràng Xá (Võ Nhai) về ATK Định Hoá. Sau khi vượt qua vòng vây của địch, cơ quan của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Khuôn Tát (Phú Đình). Bộ Tổng chỉ huy chuyển về Lục Rã (tức Phú Đình).
Trước nguy cơ quân Pháp tấn công đánh vào ATK Định Hoá, Đảng bộ và nhân dân địa phương đã chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đánh địch. Ngay từ trước và trong khi địch nhảy dù xuống Bắc Kạn, Chợ Mới, nhân dân các dân
tộc Định Hoá cùng với bộ đội, dân quân, du kích khẩn trương xây dựng hệ thống phòng ngự, thực hiện “vườn không, nhà trống”, phá cầu đường, chặt cây lấp đường, cất giấu máy móc, kho tàng, làm nhà ở, lán trại bí mật ở trong rừng, đẩy mạnh công tác tuần tra, canh gác…
Thực hiện kế hoạch rút quân, sau khi có thêm lực lượng từ Bắc Kạn xuống và thực hiện nghi binh đánh lừa ta, đêm 24 - 11 - 1947, quân Pháp rời Chợ Mới hành quân bí mật về hướng Định Hoá. Sáng ngày 25 - 11, khoảng 1500 quân Pháp càn quét khu vực Quán Vuông, Chợ Chu, làm sân bay dã chiến ở cánh đồng Chợ Chu. Quân và dân Định Hoá đã kiên quyết chặn đánh địch. Dựa vào địa thế hiểm trở của đoạn đường từ Khe Chuội đi đèo Cút (xã Tân Dương), một tiểu đội du kích đã phục kích địch, buộc chúng phải rút lên Tân Thịnh. Trên đoạn đường từ Phúc Chu, Bảo Cường, Định Biên tới Trung Lương, Sơn Phú, Bình Thành, lực lượng du kích phối hợp với Trung đoàn Thủ đô và Trung đoàn 246 bố trí trận địa chiến đấu.
Ngày 26 - 11, một đại đội địch đánh vào Phượng Tiến nhằm mục tiêu phá nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, bị du kích các xã Tân Dương, Phượng Tiến cùng với tự vệ nhà máy chặn đánh ngay cách cổng nhà máy 200 mét, diệt 7 tên, chặn đứng cuộc tấn công của chúng.
Tại khu vực xưởng quân giới A4, du kích xã Đồng Thịnh phối hợp với tự vệ của xưởng chặn đánh địch ở Khâu Bao, Đồng Mọn, diệt một số tên, buộc chúng phải rút lui. Ngày 27 - 11, địch lại tập kích phá hoại nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, nhưng bị quân ta mai phục đánh bất ngờ, diệt 2 tên, những tên lính còn lại tháo chạy.
Ngày 28 - 11, Pháp tập trung lực lượng lớn, chia thành 2 hướng, mở trận càn từ Tây Bắc xuống Tây Nam Định Hoá nhằm triệt phá ATK, lùng bắt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt chủ lực của ta. Theo kế hoạch, cánh quân
thứ nhất của địch đánh vào Phúc Chu, Đồng Thịnh, Định Biên, Điềm Mặc, Bình Yên. Cánh quân thứ hai càn quét vùng Bảo Cường, Trung Hội, Trung Lương. Hai cánh quân này sẽ gặp nhau tại Bình Yên để mở rộng cuộc tấn công đánh xuống Bình Thành, Phú Đình rồi vượt núi Hồng sang Sơn Dương (Tuyên Quang).
Trước cuộc hành quân, càn quét lớn của địch, dân quân, du kích Định Hoá cùng với các tiểu đoàn 101, 103, 108 bộ đội chủ lực kịp thời bố trí đánh địch. Cánh quân thứ nhất bị đánh tại Phúc Chu, Đồng Thịnh, Đồng Pén, Khau Chau. Địch cố vượt qua Đồng Thịnh tới Bình Yên, lại bị phục kích ở Thẩm Rộc (Yên Thông), 10 tên địch bị diệt. Kế hoạch gặp nhau của địch tại Bình Yên thất bại, chiều ngày 28 - 11, một trận đánh ác liệt diễn ra ở cánh đồng Cam Tra (Phú Đình), hàng trăm tên địch bị thiệt hại. Bị tổn thất nặng nề, địch không dám tiến sang Sơn Dương mà rút quân về Phú Minh để tìm đường ra Đại Từ. Ngày 29 - 11, khi đến quán Ông Già (Phú Minh), địch rơi vào trận địa phục kích của bộ đội chủ lực và du kích Phú Minh, buộc phải luồn rừng quay lại Quảng Nạp (Bình Thành), bỏ lại hơn 100 xác chết. Lợi dụng khi quân địch đang trong tình trạng hoang mang mệt mỏi, tại Quảng Nạp đêm 29 - 11, bộ đội chủ lực và du kích Định Hoá tập kích vào nơi trú quân của địch, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên. Sáng 30-11, địch phải cho máy bay hạ cánh xuống cánh đồng Quảng Nạp để chở bọn sĩ quan cùng binh lính chết và bị thương về Hà Nội. Để yểm trợ cho máy bay vận tải hạ cánh xuống cánh đồng Quảng Nạp an toàn, chúng cho nhiều máy bay chiến đấu bắn phá dữ dội xuống các vùng xung quanh và những nơi mà chúng nghi ngờ có bộ đội chủ lực và dân quân, du kích. Với quyết tâm diệt địch, bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến, bằng súng bộ binh, bộ đội chủ lực, dân quân, du kích, tự vệ chiến đấu đã bắn rơi một máy bay B24 của giặc Pháp tại cánh đồng Chợ Chu.
Không dám tiếp tục rút quân qua Đại Từ, địch vội vàng từ Bình Thành kéo quân lên Quán Vuông, định ra Km 31 theo Đường số 3 về Thái Nguyên. Ngày 2 - 12, toán quân đi trước dò đường bị chặn đánh ở Phố Ngữ, buộc phải quay lại Bình Thành. Lâm vào thế bị bao vây, không dám tiếp tục mở rộng khu càn quét, địch buộc phải rút chạy qua Phú Minh về Đại Từ. Dọc đường từ Định Hoá đến Đại Từ, chúng bị ta chặn đánh ở Độc Lập, Bản Ngoại, Yên Rã, Phục Linh, chịu nhiều tổn thất. Đến ngày 6 - 12 -1947,địch rút hết khỏi Định Hoá.
Trong khi quân và dân Định Hoá chiến đấu đẩy lùi mọi cuộc hành quân, càn quét của giặc Pháp, trên các hướng Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ (Thái Nguyên), Sơn Dương (Tuyên Quang) …. các toán quân địch cũng bị lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương chặn đánh. Không đạt được mục tiêu của cuộc tấn công, lại bị thiệt hại nặng nề, ngày 19 - 12 - 1947, đại bộ phận quân Pháp phải rút khỏi Việt Bắc.
Cuộc chiến đấu của quân và dân Định Hoá đã góp phần quan trọng cùng quân và dân Việt Bắc đánh bại cuộc tiến công đầy tham vọng của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến của cả nước.
Một hình thức rất quan trọng, được tiến hành thường xuyên trong công tác bảo vệ ATK Trung ương Định Hoá là bảo mật, phòng gian. Bảo mật, phong gian đã được quán triệt và trở thành ý thức thường trực không những đối với cán bộ, nhân viên các cơ quan, mà còn đối với tất cả mọi người dân trong vùng. Giữ bí mật cũng là cách bảo vệ tốt nhất. Các cấp bộ Đảng và chính quyền đặc biệt quan tâm đến việc chỉ đạo công tác bảo mật, phòng gian.
Nghị quyết Hội nghị cán bộ Cứu quốc hội toàn khu X (từ 19 đến 22 - 9 - 1947), nêu rõ chủ trương và biện pháp bảo vệ căn cứ địa như sau:
- Đề phòng Việt gian, đề phòng địch nhảy dù, đổ bộ và đột kích bất ngờ. - Các cơ quan phải luân chuyển, phải đặt 2, 3 nơi dự bị và phải bí mật báo cáo lên cấp trên và cho cấp dưới biết, để khi xảy ra tác chiến không mất liên lạc.
- Phải trù bị lương thực, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tổ chức việc tiếp tế cho mau chóng.
- Gây dựng cơ sở quần chúng làm nền tảng vững chắc quanh nơi căn cứ địa ..v.v.. [7, tr.14]
Ngày 12 - 5 - 1949, Ban bảo vệ ATK được thành lập với các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Quân sự hoá cơ quan: + Cất giấu tài liệu
+ Hạn chế sự đi lại của tất cả nhân viên, chia ra từng đội nhỏ, có Ban bảo vệ cơ quan.
+ Chuẩn bị sẵn chỗ rút lui khi địch nhảy dù và định địa điểm liên lạc. + Khi rút lui, phải xoá không còn dấu vết cơ quan
+ Kế hoạch nghi binh (giấu người, dấu cơ quan) + Kiểm soát chặt chẽ những người lạ mặt ra vào khu. - Định hướng rút khi địch chiếm đóng lâu dài.
- Dân vận: Kế hoạch giải thích cho dân đánh giặc, cất giấu lương thực, tổ chức giao thông liên lạc và báo hiệu, canh phòng và kiểm soát lưu động; huy động dân quân cản địch.
Thực hiện nguyên tắc bảo mật, các cơ quan đều thực hiện triệt để phân tán bí mật và quân sự hoá. Mỗi cơ quan bắt buộc phải chia thành hai bộ phận nặng và nhẹ. “Bộ phận nặng gồm máy móc, bàn in, kho tàng, tài liệu, sách vở lưu trữ để hẳn nơi xa mặt trận …. Gần địa điểm bộ phận này, phải có những hầm hố bí mật… Bộ phận nhẹ gồm các nhân viên văn phòng và một ít giấy tờ, sổ sách cần thiết cho công việc hàng ngày”. [7, tr.125]]
Cán bộ, nhân viên các cơ quan ăn mặc hợp với y phục của nhân dân địa phương. Sự đi lại của mọi cán bộ, nhân viên trong các cơ quan được qui định cụ thể. Các cơ quan trọng yếu được đặt tại những địa điểm cơ động.
Những biện pháp tổ chức canh gác, phòng gian được đặt ra cụ thể cho từng khu vực trong ATK. Đảng bộ và Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện thường xuyên đôn đốc việc canh gác trong các ngả đường (riêng tuyến đường từ Đại Từ vào Định Hoá có 3 trạm gác: Khuôn Ngàn, Quán Ông Già và Quảng Nạp), huấn luyện cho các trạm canh biết một số điều thông thường về cách xem giấy tờ, cách nhận dạng người, cách ứng cứu nhau nếu xảy ra biến cố…..
Trách nhiệm lớn nhất của quân và dân Định Hoá là bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ, Mặt trận, Quân đội, các cơ quan, kho tàng, nhà máy. Đây là những mục tiêu hàng đầu mà kẻ thù luôn âm mưu tìm diệt, bởi vì chúng cho rằng đánh tan cơ quan đầu não kháng chiến của ta thì cuộc chiến tranh sẽ mau chóng kết thúc và chúng sẽ là người chiến thắng. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ của Trung ương lại quá mỏng, lực lượng vũ trang của địa phương đã được hình thành và phát triển nhanh chóng, nhưng phải làm nhiệm vụ bảo vệ trên một địa bàn rộng, do đó một lực lượng bảo vệ quan trọng cho ATK chính là nhân dân địa phương.
Được sự giáo dục, nhắc nhở thường xuyên, đồng bào các dân tộc trong huyện coi việc phòng gian, bảo mật, bảo vệ các cơ quan Trung ương, bảo vệ ATK chính là bảo vệ quê hương, làng, bản của mình. Do đó, tất cả mọi người từ cụ già đến em nhỏ, đều tự giác phòng gian, giữ bí mật và thực hiện khẩu hiệu “ba không”. Suốt thời gian kháng chiến, không một điều bí mật nào bị tiết lộ. Bọn gián điệp đi đâu cũng chỉ thấy rừng sâu núi thẳm. Người lạ muốn hỏi, chỉ được đáp lại: không biết. Có thể nói, bảo vệ cơ quan, giữ gìn bí mật trở thành công việc thường xuyên của mọi người dân Định Hoá.
Việc theo dõi, cảnh mật ở các địa bàn do quần chúng đảm nhận được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, linh hoạt và sáng tạo. Từ người
bán hàng rong, người làm nghề sửa chữa xe đạp, thợ cắt tóc, rèn đúc, đan lát… được bố trí tại các tụ điểm dân cư, hoặc trên các ngả đường quan trọng, cho đến người đi đốn củi trong rừng, người làm nương rẫy, em bé chăn trâu.. cũng đều là những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ ATK. Không có một việc gì xảy ra ở đây, không có một người lạ mặt nào ra vào khu vực ATK lại có thể lọt qua được tai, mắt của nhân dân địa phương. Chính nhờ những thông tin nhanh chóng, chính xác của quần chúng nhân dân, lực lượng công an và bộ đội cảnh vệ mới kịp thời phát hiện và phá tan mọi âm mưu, hành động phá hoại của địch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong suốt thời kì Hồ Chủ tịch và Trung ương, Chính phủ, quân đội ở Định Hoá chưa một lần kẻ địch tung được gián điệp, biệt kích vào ATK, mặc dù chúng biết Chính phủ kháng chiến ở Định Hoá. Mọi hoạt động, sự đi lại của Hồ Chủ tịch, các