XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ TRONG CĂN CỨ ĐỊA KHÁNG CHIẾN VIỆT BẮC
3.4. ATK ĐỊNH HOÁ LÀM TRÕN VAI TRÕ HẬU PHƢƠNG KHÁNG CHIẾN.
Là một địa phương nằm ở trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, nhân dân các dân tộc Định Hoá luôn ý thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp kháng chiến của dân tộc.
Ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đồng bào các dân tộc Định Hoá giàu truyền thống cách mạng đã không tiếc công, của, đóng góp hàng chục vạn ngày công, hàng triệu cây tre, nứa, lá, gỗ… để xây dựng nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương, xây dựng kho tàng… Khi chưa kịp xây dựng lán trại, đồng bào Định Hoá sẵn sàng nhường nhà của mình làm trụ sở cơ quan, nơi ở cho cán bộ hoặc làm kho của Nhà nước trong suốt thời kỳ kháng chiến. Nhà cụ Vi, cụ Học (xã Bình Thành), nhà bà Phùng Thị Vân, nhà
ông Nông Đình Lập (xã Điềm Mặc) đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo về ở và làm việc, cơ quan Trung ương Đảng làm trụ sở. Tại xã Điềm Mặc, nhà ông Ma Đình Tương đã được đón Hồ Chủ tịch khi Người từ làng Xảo (xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) sang ATK Định Hoá; nhà ông Nông Đình Lăng ở bản Bắc là nơi ở của đồng chí Tôn Đức Thắng; nhà ông Ma Khánh Bình là nơi đóng cơ quan Tổng bộ Việt Minh…
Là một huyện miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, lại thường xuyên bị thiên tai tàn phá, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Định Hoá đã có nhiều biện pháp tích cực tăng gia sản xuất để không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ các cơ quan đầu não kháng chiến và các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện.
Sau Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, địch chiếm đóng một số cứ điểm dọc Đường số 3. Nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm ở các tỉnh miền xuôi bị địch phong toả, đường bộ bị phá hoại, đường sông bị máy bay địch săn đuổi thuyền bè chở gạo, muối lên Thái Nguyên rất khó khăn, giá cả thị trường tăng vọt. Tình trạng khan hiếm lương thực ở thị trường đã đẩy cán bộ, công nhân, bộ đội ở ATK Định Hoá vào hoàn cảnh thiếu ăn.
Để khắc phục tình trạng trên, Huyện uỷ Định Hoá đã kịp thời đề ra nhiều biện pháp huy động cấp tốc lương thực, thực phẩm cung cấp cho các cơ quan Trung ương, Chính phủ và quân đội đóng tại ATK Định Hoá. Mặc dù phải trải qua cuộc chiến đấu ác liệt những ngày cuối năm 1947, mùa màng bị tàn phá trong những trận càn quét của quân Pháp, nhưng nhờ thực hiện “vườn không nhà trống”, cất giấu lương thực tốt, nên ngay sau khi phong trào “Toàn dân đóng góp lương thực, thực phẩm” được phát động, nhân dân toàn huyện đã tích cực hưởng ứng. Ngoài việc đóng thóc công lương, điền thổ, các đoàn thể Cứu quốc còn có sáng kiến lập “Hũ gạo nuôi quân”. Nhờ đó, số thóc huy
động trong nửa đầu năm 1948 được hàng trăm tấn, góp phần giải quyết khó khăn về lương thực đối với các cơ quan Trung ương, Chính phủ và quân đội ở Định Hoá.
Năm 1949, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bán thóc khao quân”, nhân dân Định Hoá đã bán cho Nhà nước 63 tấn thóc. Năm 1950, quán triệt Chị thị “Hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công”, Định Hoá đã đóng góp cho kháng chiến gần 570 tấn thóc, trong đó có 72 tấn thóc khao quân.
Phong trào “Nhân dân đỡ đầu địa phương quân” do Chính phủ phát động được nhân dân Định Hoá hăng hái tham gia. Nhiều bà mẹ nhận nuôi đỡ đầu vợ, con cán bộ. Nhiều gia đình năm nào cũng đón bộ đội, cán bộ về ăn tết. Nhiều nơi, bà con ủng hộ bộ đội ruộng đất, nông cụ, trâu bò để tăng gia tự túc lúa gạo. Nhân dân còn góp tiền để bộ đội mua sắm trang bị, vũ khí. Kết quả của phong trào này, toàn huyện đã ủng hộ bộ đội địa phương 52 mẫu ruộng, hai con trâu và 380.000 đồng.
Bước sang năm 1954, hướng về Chiến dịch Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, “Tất cả cho Chiến dịch Điện Biên Phủ”, nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá đóng góp hàng trăm tấn thóc gạo, hàng chục tấn thịt, góp phần giúp bộ đội ngoài mặt trận ăn no đánh thắng quân thù.
Bên cạnh việc đóng góp của cải cho kháng chiến, nhân dân huyện Định Hoá còn tích cực tham gia các đợt làm đường, sửa đường; các đợt đi dân công phục vụ tiền tuyến, sửa chữa, xây dựng nhà ở, cơ quan, kho tàng tại ATK.
Sau Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, nhiều nhà ở, lán trại của các cơ quan Trung ương, đơn vị quân đội bị hư hỏng, nhu cầu cho kháng chiến ngày một lớn, các cơ quan được mở rộng, tăng thêm nhân viên, thêm phương
tiện làm việc, nhiều cơ quan mới được thành lập, nhiều kho tàng cần được xây dựng, do đó cần phải có một số lượng lớn dân công. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tuyệt đối bí mật nơi cơ quan đầu não kháng chiến, không thể huy động dân công ở nơi khác đến. Dân công của 9 xã Sơn Phú, Phú Đình, Bình Thành, Điềm Mặc, Thanh Định, Đồng Thịnh, Bình Yên, Định Biên, Bảo Linh (huyện Định Hoá) đã được huy động và đảm đương nhiệm vụ trên.
Nhằm khôi phục mạng lưới giao thông sau đợt tấn công, càn quét của quân Pháp vào Định Hoá cuối năm 1947, ngay từ đầu năm 1948, Huyện uỷ Định Hoá đã phát động toàn dân tham gia sửa chữa cầu, đường. Đông đảo cán bộ, nhân dân xung phong ra mặt trận, đào đắp hàng nghìn mét khối đất, đá, khai thác và vận chuyển hàng chục mét khối gỗ, hoàn thành việc sửa chữa toàn bộ các tuyến đường nội hạt để phục vụ vận chuyển nội bộ ATK, bao gồm 20 km đường Chợ Chu - Km 31 Quốc lộ 3, 18 km đường Quán Vuông - Phú Minh; sửa chữa và làm thêm 11 cầu, cống. Nhân dân địa phương cũng làm mới 2 km đường rải đá từ thị trấn Chợ Chu đi nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, không kể hàng chục km đường nhánh.
Năm 1948, toàn huyện đã huy động hàng vạn ngày công phục vụ ATK và sửa chữa cầu, đường. Riêng năm 1950, thực hiện “Chuẩn bị chuyển mạnh sang Tổng phản công”, Định Hoá đã đóng góp 22.000 lượt người cho chiến dịch cầu, đường và đã thành lập 18 tổ gồm 200 người ở 9 xã có đường giao thông chính đi qua, sẵn sàng ứng cứu cầu, đường do địch đánh phá hoặc lũ lụt làm hư hỏng. Những tổ này đã tồn tại và hoạt động cho đến tháng 7 - 1954.
Sự đóng góp của nhân dân Định Hoá trong việc khôi phục mạng lưới giao thông đã bảo đảm được yêu cầu vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hoá vào ATK và vận tải vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến.
Ngày 6 - 12 - 1953, tại ATK Định Hoá, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế", toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung hoàn thành cho kỳ được. Cả nước dồn ra mặt trận. Huyện uỷ Định Hoá động viên toàn dân ra tiền tuyến. Ngoài 5.951 lượt dân công phục vụ tại ATK, đầu năm 1954, huyện còn huy động một lực lượng lớn, thành lập nhiều đoàn dân công hoả tuyến tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tổng kết chiến dịch, đoàn dân công hoả tuyến của huyện được Hội đồng Cung cấp Trung ương tặng cờ danh dự, được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Là hậu phương của cuộc kháng chiến, Định Hoá đã tích cực tổ chức xây dựng lực lượng dân quân, du kích, bộ đội địa phương phối hợp cùng bộ đội chủ lực chiến đấu bảo vệ quê hương, đồng thời chi viện sức người cho các mặt trận. Toàn huyện đã có 3000 thanh niên tham gia các đơn vị chủ lực của Bộ, của Liên khu. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, huyện Định Hoá có 675 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu.
Đặc biệt, Định Hoá với nhiều loại địa hình, lại là vùng hậu phương an toàn, có khả năng huy động sức người, sức của, đã là nơi diễn ra nhiều cuộc luyện quân, nhiều lần diễn tập của các binh đoàn chủ lực trước ngày xuất phát, đi tới những trận đánh lớn trong Đông xuân 1953 - 1954.
Những đóng góp của quân và dân Định Hoá trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp so với cả nước tuy còn nhỏ bé, nhưng trong điều kiện của một huyện miền núi, dân cư thưa thớt, kinh tế tự cấp tự túc thì mới thấy được những đóng góp, hy sinh đó quả là to lớn cả về sức người, sức của, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.
Tóm lại, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Bắc là căn cứ địa của cả nước. Tại đây, một số huyện thuộc các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang được chọn làm nơi đặt các cơ quan đầu não để lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trong cả nước, trở thành An toàn khu (ATK) của Trung ương. Với đầy đủ các yếu tố địa lợi và nhân hoà, được các cơ quan tuyệt mật đặt bản doanh, Định Hoá đã trở thành bộ phận quan trọng nhất trong ATK Trung ương. Chính tại nơi đây, nhiều quyết sách quan trọng của Trung ương được phát đi trong cả nước, soi sáng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. ATK Định Hoá chính là trung tâm của Thủ đô kháng chiến trong căn cứ địa Việt Bắc.
KẾT LUẬN