ATK Định Hoá trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc là một sáng tạo của Đảng ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Một phần của tài liệu Huyện phú bình tỉnh thái nguyên qua tư liệu địa bạ triều nguyễn nửa đầu thế kỉ xix.pdf (Trang 88 - 91)

của Đảng ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng, vấn đề bảo toàn cơ quan lãnh đạo đầu não là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Muốn vậy, cần phải chọn một nơi thực sự an toàn cho cơ quan đầu não đứng chân để lãnh đạo phong trào cách mạng toàn quốc. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, ông cha ta đã từng biết lập căn cứ địa làm nơi đặt bản doanh, chiêu mộ binh sĩ, phát triển lực lượng.

Ngay từ thế kỷ VI, Triệu Quang Phục dựa vào đầm Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) làm nơi đứng chân, tiến hành chiến tranh du kích đánh đuổi quân Lương, giải phóng đất nước. Trong thế kỉ XV, Lê Lợi - Nguyễn Trãi đã

lấy vùng đất Lam Sơn ( Thọ Xuân, Thanh Hoá ) làm căn cứ địa, chiêu mộ nghĩa quân, phát triển lực lượng, đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập cho dân tộc." Căn cứ Lam Sơn đã mang đầy đủ các nhân tố: Địa - quân sự, Địa - chính trị, Địa - kinh tế, Địa - văn hoá" [10, tr.57].

Tới thời Cận đại, phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta liên tiếp nổ ra. Việc xây dựng căn cứ địa trở thành một nhân tố căn bản không thể thiếu của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp.

Khởi nghĩa Trương Định có căn cứ Tân An - Gò Công. Nguyễn Trung Trực lập căn cứ ở Hòn Chông. Phạm Bành và Đinh Công Tráng xây dựng căn cứ phòng thủ ở Ba Đình. Nguyễn Thiện Thuật xây dựng căn cứ ở Bãi Sậy. Phan Đình Phùng dựa vào địa thế hiểm trở của núi rừng các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để xây dựng thành bốn căn cứ lớn, trong đó căn cứ Vụ Quang (phía Tây Hương Khê) là căn cứ lớn nhất của nghĩa quân. Đặc biệt, với việc thành lập căn cứ ở rừng núi vùng Yên Thế rộng lớn để tiến hành chiến tranh du kích, cuộc khởi nghĩa do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đã kéo dài trong 30 năm, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất và nỗi kinh hoàng.

Dù ở mức độ khác nhau, nhưng việc xây dựng căn cứ địa trong các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp thời cận đại đều là sự kế thừa và phát huy truyền thống căn cứ địa Lam Sơn, coi trọng cả bốn nhân tố, trong đó "Địa - quân sự" và "Địa - chính trị" được đặt lên hàng đầu. Tuy vậy, việc xây dựng ATK trong căn cứ địa là chưa có. Ngay trong khởi nghĩa Lam Sơn, khởi nghĩa Yên Thế, mặc dù diễn ra trong thời gian dài và có căn cứ rộng lớn, cũng chưa bao giờ ông cha ta nghĩ đến xây dựng an toàn khu trong căn cứ địa" [10, tr.58]. Trong trường hợp đó, căn cứ địa cũng là ATK, yếu tố " Địa - quân sự" và "Địa - chính trị" đều được coi trọng ngang nhau.

Trong điều kiện lịch sử mới, lại phải đối chọi với một kẻ thù có nhiều kinh nghiệm cai trị và đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta, có trình độ tác chiến và trang bị kỹ thuật vượt trội chúng ta một khoảng cách có tính thời đại, từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã sáng tạo một phương thức mới độc đáo để bảo toàn cơ quan đầu não, đó là xây dựng các ATK.

Trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám, chúng ta có cả một hệ thống căn cứ địa rộng khắp đất nước. Từ hai căn cứ địa ban đầu là Bắc Sơn - Võ Nhai, Cao Bằng, đến tháng 6 - 1945, chúng ta đã thành lập được Khu Giải phóng rộng lớn gồm 6 tỉnh (Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà). Nhiều nơi cũng lập được các chiến khu.

Cùng với hệ thống căn cứ địa, trong Cách mạng tháng Tám, tại Bắc Bộ chúng ta đã xây dựng được hai Khu an toàn (ATK) của Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ, nhưng lại nằm trên những địa bàn riêng biệt, bên ngoài khu vực căn cứ địa.

ATK I bao gồm hơn một nửa vùng ngoại thành Hà Nội, nằm hai bên bờ sông Hồng. Đây là nơi đóng các cơ quan Trung ương Đảng và các cơ quan của Xứ uỷ Bắc Kỳ trong thời kỳ chuẩn bị giành chính quyền. ATK II được xây dựng trên vùng đất rộng hai bên bờ sông Cầu, bao gồm hầu hết các xã trong huyện Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang), một số xã thuộc hai huyện Phổ Yên và Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). Đây là nơi đóng và hoạt động của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc kỳ trong những năm 1943 - 1945.

Do nằm trên những địa bàn riêng biệt, thậm chí cách xa nhau, giữa các khu căn cứ địa với các ATK có mối liên hệ thông qua những đường dây liên lạc bí mật. Như vậy, các ATK trong Cách mạng tháng Tám không có “vành đai” căn cứ địa bên ngoài che chắn, bảo vệ. Do đó, tính chất an toàn của các ATK bị hạn chế, dễ bị địch tấn công.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Bắc là căn cứ địa chủ yếu của cả nước. Trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, một số huyện thuộc ba

tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn được chọn làm địa bàn đặt cá cơ quan đầu não. Như vậy, ATK Trung ương được xây dựng ngay trong lòng căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. ATK Trung ương không tồn tại độc lập, tách biệt với căn cứ địa, mà là hạt nhân bên trong căn cứ địa. Căn cứ địa Việt Bắc là "vành đai" bên ngoài che chắn, bảo vệ cho ATK.Tại Trung tâm An toàn khu Trung ương trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, Định Hoá là ATK tuyệt mật, " là nơi bảo đảm an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ về sống và chỉ đạo sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của toàn dân ta. Cũng chính tại nơi đây những quyết sách lớn của Đảng về hai nhiệm vụ chiến lược đã ra đời dẫn quân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác" [10, tr.16].

Sáng tạo của Đảng không những ở cách thức xây dựng, mà còn ở cả nội dung xây dựng ATK. Nếu ATK Trung ương trong Cách mạng tháng Tám chú trọng xây dựng cơ sở chính trị, thì ATK Định Hoá trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc được xây dựng toàn diện, bao gồm cả chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, giáo dục, y tế...Nhờ đó, Định Hoá trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc thực sự trở thành khu vực an toàn của các cơ quan đầu não trong suốt thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Một phần của tài liệu Huyện phú bình tỉnh thái nguyên qua tư liệu địa bạ triều nguyễn nửa đầu thế kỉ xix.pdf (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)