XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ TRONG CĂN CỨ ĐỊA KHÁNG CHIẾN VIỆT BẮC
3.2. AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ LÀ MỘT TRONG NHỮNG NƠI THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ MỚ
HIỆN CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ MỚI
Là một trong những địa phương thuộc địa bàn căn cứ địa và khu giải phóng, nhân dân các dân tộc Định Hoá sớm được hưởng những quyền lợi do cách mạng đem lại.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, với niềm phấn khởi, tự hào vì được sống trong độc lập, tự do, nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá hoà với không khí chung của cả nước hăng hái đi bỏ phiếu, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã phát huy quyền làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân. Bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân từ xã đến huyện ở Định Hoá từng bước được củng cố, kiện toàn, có đủ khả năng lãnh đạo nhân dân toàn huyện thực hiện nhiệm vụ kháng chiến - kiến quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong những năm toàn quốc kháng chiến, chính sách “người cày có ruộng” được thực hiện ở Định Hoá. Đảng bộ và chính quyền địa phương đã tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho nông dân cày cấy; tích cực thi hành chính sách giảm tô, giảm tức. Có ruộng đất, đồng bào hăng hái thi đua sản xuất, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhờ đó, nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá càng thêm tin yêu Đảng và Chính phủ, hăng hái tham gia đóng góp cho kháng chiến, kiến quốc.
Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, Đảng bộ huyện lãnh đạo triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về khuyến khích và phát triển sản xuất nông nghiệp. Nông dân được vay vốn để sản xuất, được hỗ trợ khi bị thiệt hại do lũ lụt. Bà con nông dân trong huyện còn được tiếp thu các biện pháp kĩ thuật, được hướng dẫn tổ chức sản xuất, thành lập các tổ đổi công. Ngay từ vụ mùa năm 1950, toàn huyện đã xây dựng được 100 tổ đổi công. Nhờ đó, huyện đã khắc phục được những khó khăn về sức lao động, tạo
điều kiện cho nông dân sản xuất kịp thời vụ. Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, Định Hoá là một trong những huyện có phong trào xây dựng tổ đổi công mạnh nhất tỉnh Thái Nguyên. Thông qua đó, nông dân các dân tộc trong huyện làm quen dần với phương thức làm ăn tập thể, ý thức lao động tập thể, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái trong đồng bào ngày càng được phát huy.
Định Hoá cũng như một số huyện trong ATK là nơi đầu tiên thể nghiệm chính sách thuế nông nghiệp (5 - 1951) của Chính phủ. Theo biểu thuế luỹ tiến, phần đóng góp của nông dân được giảm nhẹ so với trước. Nói chung, bần nông đóng góp 6 đến 10%, trung nông từ 15 - 20% và địa chỉ từ 30 - 50% tổng thu nhập về ruộng đất. Chính sách thuế nông nghiệp góp phần rất quan trọng cải thiện đời sống của nông dân nghèo.
Không những là nơi thể nghiệm các chính sách về kinh tế, tài chính, từng bước thoả mãn quyền lợi vật chất cho đồng bào các dân tộc, ATK Định Hoá còn là nơi được chú trọng chỉ đạo xây dựng cuộc sống mới có văn hoá.
Từ sau Cách mạng tháng Tám, nhất là từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với vị trí ATK của Trung ương, hơn bất cứ nơi nào khác, Định Hoá càng có điều kiện để xây dựng cuộc sống mới cho đồng bào các dân tộc.
Hệ thống trường lớp giáo dục phổ thông được lập ra ở nhiều nơi trong huyện. Năm 1950, cùng với việc thực hiện cải cách giáo dục, mỗi xã đã có một trường phổ thông, với tổng số 80 lớp gồm 1230 học sinh và 38 giáo viên [24, tr.91]. Bằng sự nỗ lực của mình, đến năm học 1953 - 1954, Định Hoá đã xây dựng được hệ thống giáo dục phổ thông từ cấp I đến cấp II, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trong huyện. Nhờ đó, trình độ văn hoá của các dân tộc trong huyện được nâng dần lên.
Chính quyền kháng chiến cùng với cơ sở y tế các cấp trong huyện có nhiều cố gắng trong việc chăm lo sức khoẻ cho nhân dân. Thực hiện phương châm “phòng bệnh là chính”, cuộc vận động nếp sống vệ sinh với phong trào “ba sạch” (ăn sạch, uống sạch, ở sạch) phát triển rộng khắp trong toàn huyện.
Việc chữa bệnh được chú trọng, khi bị bệnh, ốm đau, bà con đã biết dùng thuốc để chữa bệnh. Hiện tượng “cúng ma”, “cầu ma” giảm dần. Hệ thống y tế cơ sở được xây dựng cùng với đội ngũ cán bộ y tế ngày càng phát triển; ý thức phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhờ đó trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, trên địa bàn huyện Định Hoá không có bệnh dịch nào xẩy ra.
Cuộc vận động thực hiện đời sống mới được tiến hành sâu rộng trong nhân dân. Đảng bộ huyện lãnh đạo các đoàn thể quần chúng vận động đồng bào các dân tộc ra sức xoá bỏ các tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, mê tín dị đoan… do hậu quả của chế độ cũ để lại. Tại các làng, xã, thôn, bản, cuộc sống mới lành mạnh được xây dựng và ngày càng phát triển. Phong trào văn hoá, văn nghệ, công tác thông tin tuyên truyền trong vùng ATK được chính quyền địa phương hết sức chú trọng, đem lại cho nhân dân đời sống tinh thần phong phú, sôi nổi và lành mạnh.
Chế độ dân chủ mới đã đem lại cho nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá các quyền tự do, dân chủ trên nhiều lĩnh vực, làm thay đổi hẳn bộ mặt xã hội của một huyện miền núi vốn bị coi là vùng “ma thiêng nước độc”, lạc hậu vào loại nhất nhì tỉnh Thái Nguyên dưới thời Pháp thuộc. Chính quyền dân chủ nhân dân ở Định Hoá thực sự là của dân, vì dân, khối đoàn kết dân tộc được ngày càng củng cố. Đó chính là những nhân tố quan trọng bảo đảm cho ATK Định Hoá - trung tâm thủ đô kháng chiến tồn tại vững chắc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.