Vai trò của Tự lực văn đoàn đối với quá trình hiện đại hóa văn

Một phần của tài liệu Đóng góp của tự lực văn đoàn qua hai tiểu thuyết đoạn tuyệt của nhất linh và nửa chừng xuân của khái hưng.pdf (Trang 34 - 36)

6. Cấu trúc luận văn

1.3. Vai trò của Tự lực văn đoàn đối với quá trình hiện đại hóa văn

dân tộc

Trong khoảng 10 năm hoạt động, Tự lực văn đoàn đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc đổi mới nền văn học Việt Nam hiện đại: “Nhờ tiếp thu được những ảnh hưởng của nền văn học phương Tây, Tự lực văn đoàn đã đẩy các thể loại như báo chí, tiểu thuyết, thơ, kịch, truyện ngắn tiến lên một bước về phía trước” [9, 367]. Đây là văn đoàn đầu tiên có tổ chức chặt chẽ, có tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng, có cơ quan ngôn luận và nhà in riêng. Tự lực văn đoàn đã quy tụ được nhiều tài năng trẻ, truyền bá được nhiều tác phẩm văn chương có giá trị, chiếm được sự yêu mến của một số lượng lớn công chúng độc giả. Với những hoạt động tích cực, Tự lực văn đoàn không chỉ có công trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của nền văn học nước nhà, mà họ còn góp tiếng nói quan trọng vào việc cổ vũ cải cách xã hội thông qua cơ quan ngôn luận của mình. Trên báo Phong hóa, tiếng cười đả kích được sử dụng như một thứ vũ khí sắc bén tấn công vào bọn điạ chủ, quan lại phong kiến chuyên hà hiếp bóc lột những người nông dân nghèo khổ, lương thiện. Đôi khi tiếng cười đả kích còn kín đáo hướng vào thực dân Pháp và biểu lộ sự cảm thông chân thành đối với cuộc sống nghèo khổ của người dân quê.

Tự lực văn đoàn chủ trương Âu hóa mọi mặt đời sống xã hội, dương cao ngọn cờ chống lễ giáo phong kiến, đề cao chủ nghĩa cá nhân, đả phá mọi sự ràng buộc tự do cá nhân. Họ mong muốn thay đổi những quan niệm sống gắn với những tập tục, lễ nghi phong kiến của người dân quê, từ đó tiến hành những cuộc cải cách làm thay đổi diện mạo văn hóa Việt Nam: “Các nhà văn, nhà báo trong Tự lực văn đoàn với Nhất Linh đứng đầu có một chủ trương duy tân và cấp tiến. Họ muốn đả phá cái xã hội nho phong với tập tục, lễ giáo mà thế hệ cũ gọi là quốc túy, quốc hồn, đả phá nhất là những hủ tục của người dân quê sau lũy tre xanh, đả phá cái không khí sầu bi, cái phong thái đạo mạo, những thành kiến chán đời của lớp người đứng tuổi trong xã hội khi ấy. Và để thế vào, họ đưa ra một quan niệm sống Âu hóa, cải cách phong tục dân chúng nhất là dân quê, những tư tưởng tin theo lẽ phải, tự do cá nhân, hạnh phúc vật chất, chủ nghĩa yêu đời của lớp người trẻ” [53, 434].

Thực hiện đúng tôn chỉ của mình, Phong hóaNgày nay đã đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thời cuộc, nên được độc giả nhiệt liệt đón nhận, nhất là tầng lớp thanh niên trí thức. Với việc thành lập “Hội Ánh sáng” năm 1936 – một tổ chức từ thiện mang tính chất cải lương tư sản, có mục đích khai sáng cho những cuộc đời tăm tối, cứu vớt những cuộc đời quá nghèo khổ, Nhất Linh mong muốn: “Tôi vẫn tha thiết mong cho đám dân thiệt thòi và thấp kém trong xã hội có những quyền sống mà họ thiếu thốn. Lấy trách nhiệm là một nhà văn cùng với những đồng chí khác, tay cầm tay đứng trong hàng ngũ, tôi xin hết sức giúp một phần nhỏ mọn vào công cuộc đòi quyền sống của hết thảy anh em bị thiệt: Mặt trận bình dân” [9, 21].

Tất cả những hoạt động, tâm sức của họ đều dồn vào mục đích duy nhất là phụng sự lý tưởng cải cách xã hội. Những hoạt động ấy được thực hiện thông qua hai hình thức là tuyên truyền bằng báo chí, văn chương và tiến hành các hoạt động cụ thể.

Với những giải thưởng đã trao, Tự lực văn đoàn đã khích lệ phong trào sáng tác văn học phát triển. Giải thưởng Tự lực văn đoàn đã trở thành điểm sáng trong đời sống văn học Việt Nam những năm 1930, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà văn, nhà thơ và góp phần đẩy mạnh phong trào sáng tác văn học khắp cả nước.

Sự hoạt động tích cực của nhà xuất bản Đời nay đã “mở ra một kỉ nguyên mới cho cuốn sách trong lịch sử văn học Việt Nam, đồng thời giúp văn đoàn họ truyền bá rộng rãi những tác phẩm cùng tư tưởng quan niệm văn đoàn” [24, 25]. Không chỉ có giá trị văn chương mà sách Đời nay còn được trình bày rất mĩ thuật.

Đánh giá về vai trò của Tự lực văn đoàn đối với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, Giáo sư Phong Lê đã nhận xét: “Khi đã có cái nhìn xuyên suốt một thế kỉ, làm gắn nối công cuộc canh tân đất nước đầu thế kỉ đến sự nghiệp đổi mới đất nước vào cuối thế kỉ, thì mới là lúc ta có hoàn cảnh để nhận ra hai đóng góp lớn của Tự lực văn đoàn cho đời sống văn học, và đời sống văn hóa – tinh thần dân tộc. Đó là: góp công đầu vào việc đấu tranh giải phóng cá nhân ra khỏi mọi kiềm tỏa của lễ giáo phong kiến và ý thức hệ phong kiến đè nặng lên đời sống tinh thần của dân tộc trong hàng nghìn năm… Công lớn thứ hai của Tự lực văn đoàn, đồng thời với việc đặt ra và trả lời một yêu cầu lịch sử như đã nêu trên, đó là việc thực hiện yêu cầu hiện đại hóa, với vai trò tiên phong của nó trong văn chương dân tộc” [38, 7].

Một phần của tài liệu Đóng góp của tự lực văn đoàn qua hai tiểu thuyết đoạn tuyệt của nhất linh và nửa chừng xuân của khái hưng.pdf (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)