2. 3.1 Nhân vật trí thức Tây học
2.3.2. Nhân vật phụ nữ đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân
Các tác giả Tự lực văn đoàn dành tình cảm đặc biệt cho người phụ nữ trong chế độ đại gia đình phong kiến. Nhìn vào hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, chúng ta dễ dàng nhận thấy hầu hết các nhân vật chính trong các tác phẩm đều là những người phụ nữ và phần lớn họ là những nhân vật chính diện.
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ luôn là nạn nhân, là đối tượng bị chèn ép, áp chế. Xã hội phong kiến chỉ có cái ta chung chứ không chấp nhận sự tồn tại của cái tôi cá nhân. Con người không có quyền sống riêng mà phải tuân thủ những nguyên tắc nghiệt ngã của nền giáo lý lạc hậu mà trong đó người phụ nữ là nạn nhân trực tiếp, chịu nhiều đau khổ nhất vì những ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến.
Nếu như các nhà văn thuộc trường phái hiện thực chỉ chú ý tới cuộc sống của con người trên phương diện vật chất với những thiếu thốn đói khổ thì các nhà văn Tự lực văn đoàn lại quan tâm đến cuộc sống của con người trên phương diện tinh thần với những tình cảm sâu kín, những ước mơ khát vọng về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Giải phóng người phụ nữ là vấn đề được các nhà tiểu thuyết Tự lực văn đoàn rất quan tâm. Những nhân vật phụ nữ của
Tự lực văn đoàn sống trong thời kỳ xã hội đang có nhiều biến động lớn và bản thân họ cũng đang có những thay đổi đáng kể về mặt nhận thức. Bởi lúc này họ đã được cắp sách tới trường, được tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây, được tiếp thu những tư tưởng hết sức văn minh, tiến bộ. Vì vậy họ đã mơ ước về một cuộc sống dân chủ, một cuộc sống mà họ được sống tự lập, được quyết định hạnh phúc của chính mình. Nàng Tố Tâm đã nhận thức được mình có quyền tự do yêu đương, có quyền tự do lựa chọn hôn nhân. Nhưng rồi Tố Tâm đã không có khả năng vượt qua những ràng buộc và quy tắc khắt khe của xã hội phong kiến nên kết cục là chết dần chết mòn trong đau đớn, xót xa. Đến tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thì vấn đề quyền cá nhân, quyền tự do yêu đương đặc biệt là vấn đề giải phóng người phụ nữ đã được đề cập một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Các tác giả Tự lực văn đoàn đã công khai bênh vực quyền cá nhân của người phụ nữ nói riêng và con người nói chung trong xã hội.
Ra đời vào năm 1934, Nửa chừng xuân đã ca ngợi tình yêu tự do, lên tiếng bảo vệ nhân phẩm của người phụ nữ và tấn công mạnh mẽ vào lễ giáo phong kiến với những tập tục lạc hậu đã đầy đọa, kìm hãm hạnh phúc cá nhân của con người. Nhân vật chính của tác phẩm là Mai, một người con gái xinh đẹp, nết na, nhân hậu, giàu lòng vị tha và đức hi sinh. Là một người phụ nữ đoan trang, dám nghĩ, dám làm, trọng tự do yêu đương nhưng không hề phóng túng. Vượt lên hoàn cảnh, Mai luôn giữ được tấm lòng trong sạch của một cô gái giàu lòng tự trọng. Để có tiền nuôi em ăn học, Mai đã quyết định bán nhà ra Hà Nội buôn bán làm ăn, chấp nhận vất vả chứ kiên quyết không chịu làm lẽ Hàn Thanh – tên trọc phú giàu có nhất vùng. Đây có thể xem như hành động phản kháng đầu tiên của cô đối với xã hội phong kiến ô trọc, đồi bại. Mặc dù lâm vào cảnh túng bấn, thiếu thốn nhưng Mai không vì thế mà buông xuôi, chấp nhận số phận, mặc cho hoàn cảnh đưa đẩy. Biết bao người đàn ông giàu có, lịch lãm đã cầu hôn, mong được chăm sóc mẹ con Mai đầy đủ đến
trọn đời nhưng cô vẫn một mực từ chối, bởi với cô tình yêu thì không thể san sẻ, như cô đã yêu Lộc rồi thì không thể yêu ai được nữa. Mai cho rằng không có tình yêu thì không thể chung sống hạnh phúc. Điều này cho thấy Mai không chỉ là một người phụ nữ thủy chung trong tình yêu mà còn là người phụ nữ có quan niệm hết sức tiến bộ về vấn đề tình yêu và hôn nhân.
Sẵn sàng hi sinh vì người khác nhưng không vì thế mà dễ bị khuất phục. Lúc cần đấu tranh để bảo vệ hạnh phúc cá nhân, bảo vệ danh dự và nhân phẩm của bản thân và gia đình, Mai cũng thể hiện là một người phụ nữ sắc sảo và không kém phần đáo để trong những cuộc đối đầu với bà Án. Khi bị bà ta chất vấn, mỉa mai xúc phạm: “Cô không biết thế nào là người hoàn toàn? Điều thứ nhất là phải trai không trộm cắp, gái không đĩ thõa” [25, 128]. Mai chẳng vừa đã rất lễ phép đáp lại: “Bẩm bà lớn nếu chỉ cần có thế thì ông Tham nhà hẳn là một người hoàn toàn” [25, 128]. Vì yêu Lộc, Mai đã tìm mọi lời lẽ thuyết phục bà Án mong nhận được sự cảm thông, thương xót của bà. Nhưng bà ta là người quá lạnh lùng sắt đá, không chút mảy may động lòng trước tình cảnh đáng thương của chị em Mai. Lòng tự trọng bị tổn thương, Mai đã quyết định ra đi và thẳng thắn chỉ ra bà ta chỉ là một kẻ ích kỉ: “Tôi không ngờ bà lớn lại là người sắt đá. Bẩm bà lớn, xin mạn phép bà lớn…bà lớn chỉ một người ích kỉ. Bà lớn theo Nho giáo mà bà lớn không nhớ câu “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” [25, 134]. Không bao giờ chấp nhận phận lẽ mọn, Mai đã tuyên bố với bà Án rằng: “Bẩm bà lớn, nhà con không có mả đi lấy lẽ” [25, 131]. Trong cuộc gặp gỡ lần đầu, Mai đã nói lên tất cả những suy nghĩ của mình về đạo đức, quan niệm sống cũng như những tư tưởng hoàn toàn mới mẻ, đối lập với quan niệm đã cũ kỹ, lạc hậu của bà Án và lớp người như bà ta. Cô đã từ chối làm lẽ Lộc, từ chối số tiền giúp đỡ mà bà Án đề nghị: “Cám ơn bà lớn, nhưng tôi không phải hạng ăn xin” [25, 135]. Tất cả những điều kiện bà Án đưa ra nhằm thỏa hiệp, dụ dỗ đều bị Mai chối từ. Lòng tự trọng
của một người có nhân cách và nghị lực phi thường đã giúp chị em Mai vượt qua bao gian khổ, thử thách. Ra đi với hai bàn tay trắng, không người thân thích, không chốn nương thân, em trai lại đang đau yếu, bệnh tật… Tất cả gánh nặng đều trút cả lên đôi vai bé nhỏ của Mai. Nhưng điều đáng quý ở nhân vật này là sự tự tin, niềm lạc quan tin tưởng vào cuộc sống, tin tưởng vào chính mình và động viên em cùng vượt qua khó khăn: “Nếu em còn thương chị thời em không được buồn, phải nhớ lời sau cùng của thầy: giữ lòng vui, linh hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc. Ngày nay chị em ta càng cần có nghị lực” [25, 164]. Đặc biệt phẩm chất tốt đẹp của Mai còn thể hiện ở lòng biết ơn những người đã giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn, khó khăn: “Bẩm nếu không có nơi thô lậu tục tằn này thì chắc đâu chị em tôi còn sống sót đến ngày nay. Bẩm vì thế, không bao giờ chúng tôi lại quên được cái nhà này cùng là những người nhân đức ở cái nhà này” [25, 168].
Vượt qua khuôn khổ hạn hẹp của lễ giáo phong kiến, Mai đã dũng cảm đến với tình yêu của Lộc bất chấp những hố sâu ngăn cách giữa hai người. Việc đấu tranh chống lại những quan niệm cũ kỹ, lạc hậu của xã hội phong kiến đã khẳng định được bản sắc của cái tôi cá nhân, Mai đã thay mặt cho lớp người theo quan niệm sống mới lên tiếng đòi quyền tự do mưu cầu hạnh phúc cho người phụ nữ. Trong suy nghĩ của cô, việc đi làm lẽ tức là đã lấy tranh chồng người khác là một hành động vô nhân đạo, trái với chữ “nhân” mà cô vẫn coi trọng: “Vì con xin thú thực với bà lớn, con không thể nào yêu chồng người khác được. Thà con chết còn hơn đi lấy lẽ. Lương tâm con không cho con làm những điều vô nhân đạo như thế” [25, 132].
Sau nhiều năm gặp lại, Mai vẫn giữ vững thái độ và lập trường của mình khi bà Án đến tìm và dụ cô về làm lẽ huyện Lộc. Khác với lần trước, bà Án giờ không còn thể hiện thái độ khinh bỉ và dọa nạt Mai. Ngược lại, bà ân cần quan tâm, ngon ngọt phỉnh nịnh cô, ca ngợi tiết giá sạch trong và tấm lòng
độ lượng của cô, đồng thời bày tỏ thái độ ân hận và xin Mai tha thứ. Nhưng tất cả những chiêu thức dụ dỗ đó cũng không làm Mai lay chuyển: “Thưa cụ, 6 năm về trước, hình như tôi đã trình cụ biết rằng nhà tôi không có mả lấy lẽ” [25, 224]. Phản đối chế độ đa thê là quan điểm nhân đạo của lớp thanh niên có tư tưởng tiến bộ như Mai. Bởi phản đối chế độ đa thê đồng nghĩa với việc phản đối sự chà đạp lên quyền sống, quyền tự do cá nhân của con người. Mai đã phát biểu một quan niệm hết sức mới mẻ, đúng đắn về hôn nhân: “… đối với kẻ kia thì được lên làm cô huyện, rồi cô phủ, cô thượng không bằng, không sướng bằng làm chị xã, chị bếp, chị bồi mà được vợ một chồng một, yêu mến nhau” [25, 224].
ở thời điểm tác phẩm ra đời, nhân vật Mai đã trở thành một hình tượng rất mới mẻ về tính cách, tâm hồn và tư tưởng. Trong cô luôn chất chứa khát vọng, ước muốn được sống hết mình cho tình yêu và có ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân của người phụ nữ. ở nhân vật này, bộc lộ một cá tính mạnh mẽ, một nghị lực phi thường với những quan niệm và lối sống hiện đại. Nhưng cũng không vì thế mà đánh mất đi vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Tuy nhiên, sự đấu tranh giành quyền tự do cá nhân của Mai chưa triệt để. Lòng nhân ái và tấm lòng vị tha đã cản trở cô trên con đường đấu tranh giành hạnh phúc. Đã có biết bao cơ hội để cô thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận nhưng Mai đều từ chối. Bởi cô luôn lo sợ hạnh phúc của mình sẽ là bất hạnh của người khác. Đây là một đức tính đáng quý, đáng trân trọng ở Mai mà vì thế biết bao thế hệ độc giả đã yêu mến và trân trọng nhân vật này.
So với Mai, tấn bi kịch của cuộc đời Loan trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt còn đau đớn hơn rất nhiều. Đời Loan là một chuỗi dài những ngày tăm tối đầy nước mắt. Nếu những ngày đau khổ của Mai còn có em, có con, có một người lão bộc trung thành tận tụy, có những người láng giềng tốt bụng giúp đỡ, động
viên thì Loan phải sống trong bơ vơ, đơn độc giữa gia đình nhà chồng toàn những người cay nghiệt luôn ghen ghét và tìm cách hãm hại cô. Một mình Loan phải đương đầu với một bà mẹ chồng gia trưởng độc đoán, một anh chồng ngu độn chỉ biết núp dưới cái bóng của mẹ và hết sức bênh vực đại gia đình, mấy bà cô chồng và các em chồng đanh đá nanh nọc. Tất cả bọn họ như những tên cai ngục độc ác đang giam hãm, hành hạ và đầy đọa cuộc sống của Loan. Sống trong gia đình ấy, Loan như một con cừu non bị xâu xé giữa một bầy sói già. Nhưng có lẽ điều khiến Loan khổ tâm hơn cả là lòng cô luôn hướng về Dũng - người yêu lý tưởng của cô đang ở một nơi rất xa, sống một cuộc đời gió bụi thênh thang mà cô hằng ao ước.
Loan có ý thức mạnh mẽ về quyền cá nhân mà bản thân cô xứng đáng được hưởng. Vì thế, Loan không bao giờ dễ dàng buông xuôi để mặc cho số phận đưa đẩy cuộc đời mình. Cô băn khoăn tự hỏi: “Sao nhà trai đến hỏi mà thầy me không bảo mình lấy một câu. Thế thì mình có hay không ở nhà này. Mình lấy chồng hay ai lấy chồng” [41, 37]. Bị cha mẹ ép gả cho người mình không yêu, cô đã kiên quyết từ chối: “Vâng, thì xin me để tùy con, và nhân thể me để tùy con định có nên lấy chồng hay không nên lấy chồng. Con đã nhiều lần thưa với me rằng con không thể… Chính vì con lớn, con biết nghĩ nên con mới thưa cùng me rằng con không thể làm dâu nhà ấy” [41, 38]. Kiên quyết là thế nhưng mọi sự phản kháng, quẫy đạp của Loan đều không thoát khỏi vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến. Ngược lại, cuộc đời cô theo năm tháng cứ chìm sâu vào trong bế tắc, tuyệt vọng.
Càng khát khao tự do hạnh phúc, càng đấu tranh quyết liệt bao nhiêu thì vòng kiềm tỏa của lễ giáo phong kiến càng xiết chặt lấy cô bấy nhiêu. Là người có học thức, có cá tính mạnh mẽ, Loan phản kháng một cách quyết liệt, đấu tranh đến cùng trước sự áp chế của gia đình nhà chồng. Xét về phương
diện nào đó, sự đấu tranh của Loan còn có phần quyết liệt, triệt để hơn so với Mai. Sự phản kháng của Loan thể hiện từ trong lời ăn, tiếng nói hàng ngày đến những hành động chống đối công khai. Vì trong ý nghĩ của cô đã mang một màu sắc hoàn toàn mới mẻ, khác hẳn với tư tưởng truyền thống của lễ giáo phong kiến. Trong suy nghĩ của Loan luôn thường trực sự phân vân giữa hai lối sống. Cô muốn theo khuôn phép, lễ nghi để cha mẹ được vừa lòng nhưng phần nhận thức sâu thẳm trong cô luôn tìm cách chống đối lại chế độ đại gia đình phong kiến: “Học thức của mình không kém gì Dũng sao lại không thể sống cuộc đời tự lập, cường tráng, can chi cứ phải quanh quẩn trong vòng gia đình, yếu ớt sống một cuộc đời nương tựa vào người khác để quanh năm phải kình địch với những tư tưởng cổ hủ mà học thức của mình bắt mình phải ghét bỏ. Mình phải tạo ra một hoàn cảnh hợp với quan niệm mới của mình” [41, 23]. Những ý nghĩ mới mẻ của Loan khi được bộc lộ ra đều khiến mọi người phải ngạc nhiên, thảng thốt. Một người phụ nữ tân học như cô giáo Thảo còn phải mở to mắt, kinh ngạc nhìn Loan: “Chị táo bạo lạ. Nhiễm tư tưởng quá ư mới” [41, 25]. Cô đã chỉ ra những tập tục lễ nghi đã ăn sâu vào nếp nghĩ của cha mẹ và cho rằng việc con cái phân bày phải trái với cha mẹ không phải là hành động bất hiếu: “Thưa thầy me, thầy me đã cho con đi học, thầy me không thể cư xử với con như con vô học được nữa. Không phải con kiêu ngạo gì, đó chỉ là một sự dĩ nhiên. Lỗi ấy không ở con. Phân bày phải trái với cha mẹ không phải là bất hiếu như ý con tưởng”. [41, 39]. Dù chấp nhận cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt, nhưng sự phản kháng vẫn luôn âm ỉ trong tiềm thức của Loan và chỉ chờ có cơ hội là sẽ bùng nổ. Những bước chân đầu tiên về nhà chồng đã chất chứa sự phản kháng mãnh liệt. Khi bước chân qua cửa nhà chồng, Loan không chịu bước qua cái hỏa lò như tục lệ vốn có xưa nay, mà nàng cố ý dừng lại cúi nhìn cẩn thận rồi vờ như vô ý lấy chân hất đổ
làm mấy viên than hồng rơi lăn lóc trên mặt đất khiến cho bà mẹ chồng phải bối rối. Khi làm lễ tơ hồng, Loan thản nhiên lên ngồi ngang hàng với chồng: “Lại còn khi làm lễ tơ hồng, người ta đặt nàng ngồi sau lưng Thân, nàng sắp lễ, thản nhiên, đứng lên ngồi ngang hàng với Thân” [41, 68]. Hành động ấy của Loan đã ngang nhiên công nhận quyền bình đẳng giữa nam và nữ - điều mà xã hội phong kiến không bao giờ chấp nhận.
Để mưu lấy sự vui lòng của cha mẹ, cuối cùng Loan cũng chấp nhận làm vợ Thân. Nhưng trong đêm tân hôn, nàng đã cay đắng so sánh phận mình