Thạch Lam và thế giới bên trong của ngƣời dân chốn thôn quê

Một phần của tài liệu Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam.pdf (Trang 45 - 48)

quê

Với tâm niệm nhà văn sáng tác về người dân quê thì phải biết “tự cày bừa lấy trang sách nói về người nhà quê, vạch một luống thẳng thắn và mạnh bạo trên đất màu và không chịu để cho những ý tưởng bên ngoài ảnh hưởng... Phải biết quan sát bề trong và đi sâu vào cái bí mật của những tâm hồn ấy” [72; 540-541], Thạch Lam đã hướng ngòi bút vào việc khám phá những trạng thái tâm lí của người bình dân. Cũng bởi thế, người dân chốn thôn quê trong truyện ngắn Thạch Lam thường không có tính cách rõ ràng, không phải là những con người ngoại hiện như trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan mà là những con người nội tâm, con người tâm lí.

Dưới ngòi bút tài hoa của Thạch Lam, thế giới nội tâm của người dân chốn thôn quê được hiện lên với đủ mọi cung bậc, sắc thái. Có những cảm giác vui, lại có những cảm giác buồn, có thích thú lại có chán nản, có hờn giận lại có yêu thương... Lấy thế giới bên trong của người bình dân làm đối tượng phản ánh, Thạch Lam tỏ ra đặc biệt nhạy bén trong việc khám phá và miêu tả những tâm tư, cảm xúc của con người. Đó là cảm xúc trong trẻo, hồn

nhiên đang nảy nở ở cô thôn nữ khi ái tình đã bắt rễ trong lòng. Đặc tả tâm trạng người thiếu nữ đang sống với giây phút vĩnh cửu của tình yêu, Thạch Lam viết : “sung sướng, nàng nhắm mắt, để cho bóng tối đến, mát và rực rỡ, bao bọc cả tâm hồn và thân thể nàng” (Bắt đầu).Từ câu chữ của Thạch Lam, bao nỗi niềm tâm tư sâu kín trong lòng người cứ bừng nở đột ngột, đầy xúc động. Tình yêu làm con người thăng hoa. Sự sống vốn đáng quý lại càng trở nên đáng quý hơn bởi có những phút giây như thế.

Nhưng trái tim tình yêu bao giờ cũng vô biên, trường cửu, khó có thể biết được bến bờ của nó. Chính trong ý nghĩa ấy, truyện ngắn Tình xưa dẫn ta vào thế giới cảm xúc với những buồn vui một thời thiếu nữ của nhân vật Lan. Ái tình đã đem đến sự đổi thay kì diệu cho Lan. Nó có đủ sức mạnh để biến một người con gái vốn lặng lẽ kín đáo thành ra hồn nhiên như con trẻ. Tình yêu vốn khó giấu, nhất là khi người ta đang sống trong những phút giây ngọt ngào, hạnh phúc. Lúc đó, người ta bỗng có nhu cầu khẩn thiết được bộc bạch nỗi lòng. Dễ hiểu vì sao nhân vật Lan cứ thành thật phô bày rõ rệt những cảm xúc của mình trước chàng trai mà mình yêu mến. Dường như mọi suy nghĩ của nàng lúc này đều hướng về người ấy với tất cả nỗi cảm động, bồi hồi. Cảm xúc đó được kết gửi trong những ánh mắt, những nụ cười và những thức quà giản dị, quê mùa như chính tâm hồn người thôn nữ. Có điều, sự mộc mạc chân thành của Lan lại không phải là dưỡng chất nuôi dưỡng tình yêu. Ngược lại, nó chỉ làm cho chàng trai của cô cảm thấy “thờ ơ” và “khó chịu”. Nếu ở phần đầu của thiên truyện, tác giả để cho nhân vật đắm chìm trong rung động đầu đời dịu ngọt thì đến phần sau, nỗi buồn đã thay thế niềm vui trong lòng cô thôn nữ khi tất cả bỗng trở thành kỉ niệm. Thì ra, tình yêu chỉ đưa con người đến bến bờ hạnh phúc khi nó được cất cánh từ sự đồng điệu của hai tâm hồn, còn nếu lạc điệu sẽ chỉ là tan vỡ, khổ đau... Triết lý giản dị ấy được Thạch Lam kín đáo gửi gắm qua trạng thái tâm lí của nhân vật. Cách thức miêu tả

trạng thái tâm lí phong phú, phức tạp trong tình yêu để gửi gắm những suy ngẫm sâu sắc về nhân sinh như thế ta còn bắt gặp ở những truyện ngắn khác như : Đêm sáng trăng, Bên kia sông, Trong bóng tối buổi chiều...

Bên cạnh việc diễn tả những cung bậc cảm xúc đa dạng ở những tâm hồn rất trẻ trong cái thuở ban đầu lưu luyến, Thạch Lam còn đi sâu vào những cảm nhận, suy ngẫm của nhân vật về thân phận, về kiếp người. Bao cảm xúc riêng tư gắn bó với mỗi số phận người cứ hằn in trên sáng tác của Thạch Lam. Trong truyện ngắn Một đời người, ta bắt gặp những suy tưởng của nhân vật Liên về chính thân phận, số kiếp của mình. Đó là cảm giác buồn rầu khi nghĩ đến “cảnh hạnh phúc trong gia đình của các bạn”, là cái âm thầm đau đớn khi phải sống trong địa ngục trần gian, là cái “uất ức như đứt từng khúc ruột” vì thấy mình không thể thoát li một đời khổ sở, là nỗi lo sợ thường trực trước “những cái lẽ tối tăm” tuy vô hình nhưng không cách nào thoát ra được, là “bao nhiêu đau khổ trỗi dậy ngập lòng” khi hiểu rằng hi vọng cuối cùng của cuộc đời đã tuột khỏi tầm tay. Có tiếng cười, có niềm vui nhưng nó chỉ thoáng qua trong chốc lát. Niềm vui vụt qua rất nhanh trong khoảnh khắc tan tầm, còn nỗi đau khổ lại kéo dài lê thê, vây bủa, trói chặt cuộc đời nhân vật. Để cho nhân vật trực tiếp bộc lộ những suy nghĩ về thân phận, Thạch Lam muốn khẳng định những gì thuộc về thuần phong mĩ tục, về văn hoá của con người Việt Nam.

Cũng như vậy, truyện ngắn Cô hàng xén đưa người đọc đến với tâm tình của một người phụ nữ vừa xinh đẹp, duyên dáng, dịu dàng, vừa đảm đang, giàu đức hi sinh. Tương ứng với mỗi cảnh sống của cô hàng xén là một sắc thái cảm xúc tâm trạng. Lo sợ, mệt mỏi khi qua quãng đồng rộng tối tăm sau mỗi buổi tan chợ. Ấm áp, dễ chịu lúc cảm nhận được “mùi bèo ở dưới ao và mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt”. Vui vẻ, sung sướng vì “thấy mẹ săn sóc các em mến yêu”. E thẹn, ngượng nghịu, say sưa trước cái nhìn âu yếm của một

chàng trai nho nhã. Cảm thấy “như lịm đi” trước phiên chợ huyện đông đúc, ồn ào. Buồn thấm thía sâu xa về kiếp sống quẩn quanh, không thể thay đổi của mình bởi “từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ”. Nhà văn đã quan sát, miêu tả một cách tỉ mỉ, tinh tế nhiều biến thái tâm lí tinh vi trong tâm hồn nhân vật. Điều này vừa góp phần gợi dậy cảm xúc buồn thương về kiếp sống chìm khuất, le lói, vừa làm hằn nổi cái cảm giác, cảm tưởng của nhân vật. Đó cũng là tâm trạng chung của người phụ nữ Việt Nam xưa. Viết về người phụ nữ nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, Ngô Tất Tố rất quan tâm đến những chi tiết làm nổi rõ tính cách nhân vật, còn Thạch Lam lại chú trọng khai thác những diễn biến cảm xúc nội tâm. Tuy cách thức miêu tả khác nhau nhưng cả hai nhà văn đều gặp gỡ ở sự khẳng định và phát hiện vẻ đẹp tâm hồn Việt. “Nếu Ngô Tất Tố đã góp vào bảo tàng con người Việt Nam một chân dung lồng lộng của chị Dậu, thì Thạch Lam cũng mang lại cho bảo tàng ấy một chân dung mang vẻ đẹp dân tộc của Tâm và chắc chắn cô hàng xén sẽ có vị trí xứng đáng trong cái bảo tàng ấy” [20; 592].

Như vậy, những vẻ đẹp “Ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa” (Chế Lan Viên) của người dân chốn thôn quê đã lặng lẽ toả sáng trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam tạo nên một dấu ấn riêng không dễ lẫn. Đó là mạch nguồn độc đáo làm nên sự mê đắm trong truyện ngắn của Thạch Lam.

Một phần của tài liệu Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam.pdf (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)