Cốt truyện và kết cấu 1 Cốt truyện

Một phần của tài liệu Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam.pdf (Trang 74 - 83)

3.1.1 Cốt truyện

Ở loại tác phẩm tự sự, cốt truyện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp nhà văn chiếm lĩnh hiện thực đời sống. Cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định tạo

thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học” [24; 70]. Cốt truyện được hình thành từ những quan hệ phức tạp chồng chéo giữa nhân vật và hoàn cảnh, nhân vật và nhân vật, để phản ánh các mối quan hệ xã hội. Cơ sở hình thành mọi cốt truyện, xét đến cùng là những mâu thuẫn và xung đột trong đời sống xã hội, với nội dung bên trong, được khúc xạ qua các xung đột nhân cách. Tuy nhiên, không thể đồng nhất xung đột xã hội với cốt truyện, bởi vì xung đột xã hội là cơ sở khách quan, là đối tượng nhận thức phản ánh, trong khi đó cốt truyện lại là sản phẩm sáng tạo độc đáo của chủ quan người nghệ sĩ.

Điều đáng lưu ý là khái niệm cốt truyện không mang ý nghĩa như nhau ở những sáng tác thuộc các thể loại tự sự khác nhau. Chẳng hạn, cốt truyện của tiểu thuyết không giống với cốt truyện trong truyện ngắn. Juilo Cortazar, nhà phê bình Ac-hen-ti-na nổi tiếng so sánh sự khác nhau giữa truyện ngắn với tiểu thuyết giống như sự khác nhau giữa một bức ảnh nghệ thuật với một bộ phim. Phim được xây dựng trên nguyên tắc “cấu trúc mở” giống như tiểu thuyết, trong khi một bức ảnh đẹp phải được hạn định trong một phạm vi hẹp mà ống kính thu nhận và nhiếp ảnh gia phải dùng giới hạn ấy để tạo nên hiệu quả thẩm mĩ ... Chụp ảnh (cũng như truyện ngắn) là cắt rời một mẩu hiện thực, nhưng phải làm sao cho lát cắt này hoạt động “như một khối thuốc nổ” để mở ra một hiện thực rộng lớn hơn nhiều. Theo đó, tiểu thuyết cần cả quá trình để gây tác động đối với độc giả, ngược lại, một truyện ngắn hay thì phải sắc sảo, táo bạo và không được trung dung ngay từ những dòng đầu tiên của nó. Muốn làm được điều này nhà văn trước hết phải sáng tạo nên một cốt truyện ấn tượng, hấp dẫn như chính cuộc sống sinh động biến hóa muôn màu, nghìn vẻ. Khi đó, cốt truyện sẽ “giúp tạo ra một sức chứa cho tính cách và tâm lý nhân vật, một sức chở cho tư tưởng chủ đề” [10; 316].

Khác với cốt truyện của tiểu thuyết thường diễn ra trong một thời gian và không gian dài, cốt truyện của truyện ngắn thường thu vào một không gian nhất định, để thực hiện chức năng chung của nó là " nhận ra điều gì đó sâu sắc, bất ngờ về cuộc đời và tình người". Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng trong địa hạt truyện ngắn Việt Nam những năm ba mươi của thế kỉ XX, Nguyễn Công Hoan là một cây bút thực sự tài năng trong xây dựng cốt truyện. Truyện ngắn của ông thường được dàn dựng bởi hệ thống xung đột, kịch tính chặt chẽ, giàu ý nghĩa, góp phần khắc họa rõ nét bản chất, tính cách nhân vật và tôn nổi tư tưởng chủ đề tác phẩm. Chẳng hạn ở truyện ngắn Tinh thần thể dục, Nguyễn Công Hoan đã xâu chuỗi hàng loạt sự việc, hành động có tính chất xung đột giữa hình thức bề ngoài với nội dung bên trong. Đó là sự xung đột giữa cái tưởng như vui vẻ, trẻ trung của việc đi xem đá bóng với tai họa ghê gớm giáng xuống đời sống nghèo khổ lam lũ của người dân. Qua đó, Nguyễn Công Hoan đã phơi bày thực chất của cái gọi là tinh thần thể dục. Có thể xem Tinh thần thể dục như một lát cắt ngang của hiện thực mà ở đó mỗi nhân vật đều hiện lên như một vai diễn đang ra sức làm trò trên sân khấu hài kịch cuộc đời.

Nhưng không phải mọi truyện ngắn đều hướng tới việc xây dựng cốt truyện ấn tượng, gây tác động mạnh. Dường như, yếu tố cốt truyện với ý nghĩa chặt chẽ nhất của nó không tồn tại trong truyện ngắn trữ tình. Những sáng tác của Thạch Lam là minh chứng hùng hồn cho điều đó. Nếu Nguyễn Công Hoan chú trọng tới việc xây dựng cốt truyện hấp dẫn, giàu kịch tính thì Thạch Lam lại quan tâm khai thác những diễn biến rất bình thường, thầm lặng của cuộc sống, những điều khó có thể kể lại cho ly kì hay ướt át. Do đặc trưng của phương thức phản ánh, Thạch Lam đã lựa chọn kiểu truyện phi cốt truyện để phù hợp với đối tượng phản ánh mà chúng tôi đã phân tích ở chương 2. Đây là kiểu truyện lấy trung tâm chú ý của sáng tạo nghệ thuật là khắc họa

những khoảnh khắc của cảm xúc và tâm trạng, phô diễn cảm giác thành thực hay các động thái tâm lí mà nhân vật thâu nhận được ở bên trong tâm hồn họ. Đặc điểm này chi phối cách dựng và kể chuyện ở khá nhiều truyện ngắn của Thạch Lam như: Hai đứa trẻ, Buổi sớm, Sợi tóc, Tối ba mươi, Dưới bóng hoàng lan, Bên kia sông, Người đầm ...

Không giống như các nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng chú trọng quan sát và phản ánh mối quan hệ giữa người với người, Thạch Lam là nhà văn của nội tâm của cảm giác. Vì thế, truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện hoặc cốt truyện rất đơn giản. Có thể nói mỗi truyện ngắn của Thạch Lam là một mạch cảm giác sâu kín, vi diệu dù là truyện viết về trẻ thơ hay người dân nghèo, người trí thức tiểu tư sản... Đó là nét đặc sắc của ngòi bút Thạch Lam, cũng là “sự phát minh về hình thức” (Lêônit Lêônôp) của ông.

Thạch Lam đã lấy những trạng thái “phiền phức” của tâm hồn con người làm đối tượng chính của sự mô tả. Ông đã hướng ngòi bút của mình vào những khoảng sáng tối riêng trong đời sống nội tâm, đã đi sâu khám phá những biến ảo khôn lường của cảm giác. Có không ít người từng thử làm cái việc tóm tắt truyện ngắn của Thạch Lam song họ đều cảm thấy bất lực. Làm sao có thể tìm thấy sự kiện, biến cố, xung đột trong truyện ngắn Thạch Lam khi nhà văn chỉ chú trọng tới việc khai thác chất thơ từ cuộc sống bình dị thường nhật? Đây là “một nỗi buồn không sâu sắc, nhưng êm êm làm tê liệt cả tâm hồn” (Cuốn sách bỏ quên), kia là cảnh “bóng tối dịu êm và man mát loáng qua những sắc màu rực rỡ” (Dưới bóng hoàng lan), rồi ý nghĩ “thời ấy bây giờ đâu ?” (Cô hàng xén)... Giản dị thế thôi nhưng sao mà có sức ám ảnh lạ lùng. Có khi chỉ bằng đôi nét chấm phá về những cảm giác mơ hồ khắc khoải trong tâm hồn của hai chị em Liên (Hai đứa trẻ) khi đối diện với nhịp đời tù túng quẩn quanh nơi phố huyện, Thạch Lam đã để lại biết bao dư vị sâu

lắng trong lòng độc giả. Người đọc sẽ nhớ mãi một Sợi tóc với bao nhiêu trạng thái băn khoăn giữa việc lấy cắp tiền hay không lấy cắp tiền của bạn.

Dưới bóng hoàng lan tìm được chỗ đứng vững như bàn thạch trong lòng độc giả bởi đã thâu tóm chính xác những cảm giác thanh tân trước một “không gian như có dây tơ- bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu” (Xuân Diệu). Yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Tối ba mươi không phải là tình tiết lâm li mà chính là ở cảm giác bẽ bàng trước cảnh sống đọa lạc, ở nỗi nhớ thương đau đáu về quê hương, cha mẹ, gia đình khi đứng trước thềm năm mới. Bên kia sông không hấp dẫn người đọc bằng những đỉnh điểm, thắt nút, mở nút mà bằng những chiều cổ tích ngọt ngào đẫm sắc màu huyền thoại, bằng những gì bình dị đơn sơ nhưng chứa đầy sức nặng giúp con người hiểu và trân trọng sự sống của chính mình. Có thể nói, kiểu truyện phi cốt truyện là một phương tiện hữu hiệu để nhà văn đi sâu vào thế giới bên trong của con người và phô diễn một cách thành thực những cảm giác rất đỗi mong manh của nhân vật. Bởi vậy, nhiều truyện ngắn của Thạch Lam đẹp man mác như một bài thơ trữ tình, đem đến cho người đọc những rung cảm trong lành, mát dịu. Với kiểu truyện phi cốt truyện, Thạch Lam đã tạo nên “một địa tầng văn học riêng” (Hoàng Tiến) trong dòng chảy truyện ngắn Việt Nam đương thời.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là Thạch Lam hoàn toàn chối bỏ các biến cố, sự kiện, hành động, xung đột. Trái lại, nhà văn rất chú ý săn sóc đến những hành động, sự kiện khi chúng có thể trở thành tình huống khơi mở hoặc phô diễn những trạng thái sống mơ hồ của con người. Yếu tố nghệ thuật này đã phát huy được hiệu quả lớn trong rất nhiều truyện ngắn Thạch Lam như: Một đời người, Đói, Người bạn trẻ, Cái chân què, Một cơn giận, Đứa con đầu lòng, Nhà mẹ Lê, Ngày mới, Cô áo lụa hồng, Cô hàng xén, Hai lần chết, Tình xưa, Người lính cũ, Nắng trong vườn... Ở những câu chuyện này, Thạch Lam thường đặt nhân vật vào một tình thế, một cảnh huống nào đó để

nhân vật bộc lộ một nét tâm lí, một khoảnh khắc tâm trạng hay những biến thái của tinh thần. Trong truyện ngắn Nhà mẹ Lê, nhân vật mẹ Lê được đặt vào cảnh huống dữ dội: không đành lòng nhìn mười một đứa con nhịn đói, bà liều lĩnh đến nhà ông Bá xin gạo nhưng lại bị cậu Phúc con ông Bá thả chó ra cắn, dẫn đến cái chết đầy oan ức, khổ sở. Nếu tước đi những “pha” dữ dội ấy, ý nghĩa câu chuyện có thể không thay đổi nhưng ý tưởng sâu xa về kiếp người và ấn tượng về vẻ đẹp ở thế giới bên trong của những con người nghèo khổ chắc chắn sẽ bị giảm đi nhiều. Thạch Lam đã vận dụng thủ pháp quay cận cảnh của điện ảnh để cống hiến cho người đọc những thước phim đắt giá về nỗi niềm thương nhớ đau đớn của người phụ nữ bình dân khi họ phải đối diện với bi kịch cuộc đời mình.

Một điều rất dễ nhận thấy là Thạch Lam hay tạo ra những thời điểm thích hợp với việc bộc lộ những biến thái của đời sống tinh thần.Trong ý nghĩa ấy, truyện ngắn Người lính cũ đã mở ra nỗi nhớ nhung về một thế giới đã mất, để nhân vật được sống lại với những ngày tươi đẹp ngay trong chính cảnh ngộ đói rét, ốm đau, cô độc của hiện tại. Cũng với cách viết như vậy, cảnh ngộ điêu đứng của gia đình người phu xe (Một cơn giận) gieo vào lòng Thanh biết bao đau đớn, hối hận về những gì mình đã làm. Và cái tai nạn khủng khiếp khiến cho Minh (Cái chân què) bị cưa mất một chân tất yếu đem đến cho nhân vật nỗi buồn chán, căm hờn, “cái chán nản sau những cuộc chơi bời, cái chua chát khi nhận thấy sự thay đổi của lòng người đối với kẻ có tiền và không có tiền” để nhận ra lẽ đời và hiểu rằng đồng tiền không phải là tất cả. Rồi hai lần nhảy xuống sông tự vẫn mà không đến được với thế giới tử thần của Dung (Hai lần chết) khiến nhân vật ngộ ra bi kịch của đời mình: “Lần này về nhà chồng, nàng mới hẳn là chết đuối, chết không bấu víu vào đâu được, chết không còn mong có ai cứu vớt nàng ra nữa”. Bằng cách đặt nhân vật vào cảnh huống dữ dội, Thạch Lam đã “bắt mạch” đúng những

khoảnh khắc sống đầy bí ẩn của con người, qua đó, thể hiện suy ngẫm sâu sắc về nhân sinh.

Tuy nhiên, những cảnh huống dữ dội mà Thạch Lam phát hiện ở tỉnh Thái (Người bạn trẻ), hay cái xó chợ cỏn con (Hai lần chết), phố chợ Đoàn Thôn (Nhà mẹ Lê)... không căng thẳng, dồn nén, một mất một còn như những xung đột đời sống ở cái làng Đông Xá trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố hay những xung đột trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Theo quan niệm đó, có thể xem Đêm sáng trăng như một trường hợp đặc biệt. Bởi vì, trong truyện ngắn này, nhân vật được bao bọc trong bầu khí quyển thê lương. Song có lẽ, cái thê lương thảm thiết ấy chỉ xuất hiện ở một truyện ngắn là

Đêm sáng trăng. Có vẻ như, cái “tạng” Thạch Lam không hợp với những gì gay gắt, thê thảm. Cho nên, có nói đến cái khốc liệt, đến những mặt trái của cuộc đời nhưng Thạch Lam không nhấn vào những sự kiện, tình tiết quyết liệt mà chỉ sử dụng nó như một dạng thức biểu đạt thích hợp nhất cho những trạng thái sống của nhân vật. Và như vậy, đi vào “những cảnh ngộ nghịch trái, đồng thời cũng là để đi vào những tâm trạng, tâm tình, cảm xúc, cảm giác” (Nguyễn Tuân). Chính điều này làm nên dấu ấn riêng cho văn phẩm Thạch Lam.

3.1.2 Kết cấu

Cũng như cốt truyện, kết cấu là một yếu tố quan trọng của hình thức nghệ thuật góp phần làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm. “Bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng có một kết cấu nhất định. Kết cấu là phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật. Kết cấu đảm nhiệm các chức năng rất đa dạng, bộc lộ tốt chủ đề và tư tưởng các tác phẩm; triển khai, trình bày hấp dẫn cốt truyện; cấu trúc hợp lý hệ thống tính cách; tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả; tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiện tượng thẩm mỹ” [24; 107].

Xét về hình thức chung nhất, có thể kể đến những loại kết cấu như: kết cấu theo trình tự thời gian, kết cấu theo lối đi thẳng vào giữa câu chuyện, kết cấu theo tuyến nhân vật, kết cấu tâm lí... Việc lựa chọn hình thức kết cấu nào thường phụ thuộc vào đối tượng phản ánh và tài năng, phong cách của người nghệ sĩ. Do đặc trưng của phương thức phản ánh mà Thạch Lam đã lựa chọn, để phù hợp với đối tượng phản ánh mà ở chương 2 chúng tôi đã phân tích, nhà văn phải tuân theo lối kết cấu tâm lí. Thạch Lam đã lấy những trạng thái tâm lí kết hợp với nhau và tác động lẫn nhau làm cơ sở cho việc tổ chức kết cấu. Kiểu kết cấu này xuất hiện ở hầu hết những truyện ngắn của Thạch Lam.

Nhân vật của Thạch Lam được xây dựng không phải bằng hành động hay sự kiện, cũng không phải bằng các chi tiết ngoại hình, cá tính mạnh mẽ, gân guốc, góc cạnh, mà bằng những diễn biến tâm lí của nhân vật trong các trạng thái sống. Người đọc cũng không thể tìm thấy trong truyện ngắn Thạch Lam những tính cách nhân vật mang tính điển hình xã hội như chị Dậu trong

Tắt đèn của Ngô Tất Tố hay Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Bởi vì, nhân vật của Thạch Lam là nhân vật bản ngã với những biểu hiện của phẩm chất người. Đó là những nhân vật có đời sống nội tâm sâu sắc, dễ rung động trước biến thái tinh vi của tạo vật của lòng người và luôn khát khao vươn tới sự hoàn thiện. Cách thức xây dựng nhân vật như thế đã thể hiện một khuynh hướng tìm tòi, sáng tạo trong việc tổ chức kết cấu tác phẩm của Thạch Lam.

Do sử dụng lối kết cấu tâm lí nên Thạch Lam cũng rất chú ý đến nghệ thuật dẫn dắt câu chuyện. Một cơn giận được mở ra từ một triết lí nhân sinh giản dị mà sâu sắc: “Sự giận dữ có thể sai khiến người ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ”. Từ đó, cái kỉ niệm đau lòng của nhân vật tôi hiện dần, hiện dần qua hồi ức của Thanh như một vết thương lúc nào cũng ngoác miệng trong sự ăn năn hối lỗi, để nhắc nhở mỗi người hãy đấu tranh tự vượt qua

chính con người mình bởi chiến thắng chính mình là chiến thắng lớn nhất. Có khi bằng một câu văn giản dị, tự nhiên: “Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo cho biết trước” (Gió lạnh đầu mùa), Thạch Lam bắt nhịp một cách tự nhiên vào câu chuyện của những con người bình dị với ứng xử cao đẹp, đầy tình người. Đó là chuyện bé Sơn và Lan mang áo cho bạn khi thấy bạn rét, chuyện mẹ Hiên mang trả lại áo và chuyện mẹ Sơn cho hàng

Một phần của tài liệu Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam.pdf (Trang 74 - 83)