Thạch Lam và những trạng thái sống mơ hồ

Một phần của tài liệu Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam.pdf (Trang 52 - 74)

Trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, cái tôi của nghệ sĩ xác lập một cách nhìn và cảm thụ thế giới, nó chi phối các nguyên tắc tổ chức một thế giới nghệ thuật độc đáo trong hình thức văn bản nghệ thuật. Và chừng nào cái tôi còn đóng vai trò trung gian giữa thế giới được mô tả và hiện thực khách quan, thì chừng đó trong sáng tạo nghệ thuật cái tôi của người nghệ sĩ “không chỉ là tấm gương mà còn là một thành phần trực tiếp của sự mô tả” [15; 237].

Nói đến cái tôi là nói đến cái bản ngã, cái cá nhân, cái làm nên tính cách, tâm hồn, số phận con người. Nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh khẳng định con người trong quan niệm của Nho giáo là sự kết giao của âm dương, là sự hội tụ của quỷ thần, là cái khí tốt của ngũ hành. Trong tinh thần đó, cá nhân

hiện diện không phải như hình ảnh của chính bản thân nó, mà trong sự chế định của tự nhiên và xã hội. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, văn học trung đại không dành chỗ đứng cho cái tôi cá nhân. Thảng hoặc, có khi buộc phải nói đến bản thân thì các nhà văn nhà thơ xưa cũng xuất hiện với tư thế của cái ta chung để nhằm nói lên những chân lí phổ biến ngay trong những sáng tác nói chí, tỏ lòng. Như thế, chí hướng, cõi lòng ở đây cũng là những gì tiêu biểu nhất, chung nhất.

Đến thế kỉ XVIII, cái tôi cá nhân bắt đầu cựa quậy trong văn học qua những sáng tác của Hồ Xuân Hương và sau đó là Phạm Thái, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ ... Nhưng hồi ấy, cái tôi nghệ sĩ chưa có đủ điều kiện và cũng chưa đủ sức phá vỡ tính quy phạm chặt chẽ của văn chương cổ. Với sự xuất hiện của Tản Đà, cái tôi mới tự khẳng định mạnh mẽ hơn trong hồn thơ phóng túng, tràn đầy tình cảm, cảm xúc. Tuy nhiên, phải đến những năm ba mươi của thế kỉ XX, ý thức cá nhân mới thức tỉnh sâu sắc. Hệ quả tất yếu của nó là cá tính sáng tạo được giải phóng, hàng loạt phong cách trẻ trung tươi mới ra đời: “chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên ... và thiết tha rạo rực băn khoăn như Xuân Diệu ...”( Hoài Thanh). Những lời tha thiết của Hoài Thanh cho thấy sự lên ngôi của cái tôi đã mở ra một cơ hội để người nghệ sĩ khẳng định tài năng của cá tính sáng tạo. Thạch Lam cũng không ở ngoài trường hợp ấy.

Đi giữa đôi bờ hiện thực và lãng mạn, giữa tự sự và trữ tình, Thạch Lam đã tự mình xác định một khuynh hướng truyện ngắn trữ tình giàu tính nhân bản. Có thể nói, Thạch Lam là người khơi mở dòng truyện ngắn trữ tình mà các nhà văn Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh ... là những người tiếp nối

làm nên dòng phong cách truyện ngắn trữ tình độc đáo trong nền văn học dân tộc trước 1945.

Nét nổi bật của truyện ngắn trữ tình là cách thức phản ánh hiện thực thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ nhưng người nghệ sĩ đã thuộc về hiện thực. Đó là hiện thực không chỉ diễn ra ở bề ngoài mà là hiện thực tâm lí, hiện thực tình cảm, hiện thực trữ tình. Với đặc trưng của truyện ngắn trữ tình, Thạch Lam đã miêu tả đời sống qua cái tôi của mình, xem cái tôi chính là đối tượng của phản ánh nghệ thuật. Và quả thật, “không có một sáng tác nào của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó” [44; 146].

Đọc truyện ngắn Thạch Lam chúng ta thấy hình ảnh một cái tôi tinh tế, nhạy cảm, dễ rung động trước mọi biến thái tinh vi của cảnh vật và lòng người. Từ mùi hương hoàng lan dịu nhẹ lan tỏa, vương vấn đâu đây đến những rung động đầu đời của các cậu học trò, hay cảm xúc của chàng trai trẻ lần đầu làm cha, những khuất khúc tâm lí... đều được cái tôi Thạch Lam đón nhận với biết bao thân thương, trìu mến. Cái tôi ấy không nhiều lời, không ồn ào hào nhoáng mà kín đáo, bình dị, lắng đọng sâu xa. Với Thạch Lam, đó là một cái tôi trưởng thành, từng trải, thấu hiểu sâu sắc từng động thái diễn ra trong thế giới tâm hồn đầy bí ẩn của con người, một cái tôi đôn hậu, điềm tĩnh, nhẹ nhàng ngay cả khi đối diện với những cảnh huống dữ dội, những bi kịch và sự sinh tồn. Đó là một cái tôi làm thành cái “tạng” riêng của Thạch Lam: nhỏ nhẹ, tâm tình. Nếu cái tôi của Nguyên Hồng trong Những ngày thơ ấu (1941) hồn nhiên mà đau khổ, cái tôi của Xuân Diệu trong Phấn thông vàng (1939) nồng nàn say đắm với đời, cái tôi của Thanh Tịnh trong Quê mẹ

(1941) trong trẻo, cái tôi của Hồ Dzếnh trong Chân trời cũ (1942) trĩu nặng nỗi niềm mặc cảm, cô đơn, ... thì cái tôi của Thạch Lam lại là cái tôi nhân bản, cái tôi luôn biến hóa linh hoạt, đa dạng, đa chiều. Lấy cái tôi làm đối

tượng phản ánh, Thạch Lam đã phản ánh thế giới bên trong của chính ông. Đó là ảo ảnh của hiện thực chứ không phải là hiện thực.

Thạch Lam cho rằng điều cốt yếu là nhà văn phải nắm bắt cái diễn ra bên trong sự vật, cái chìm sâu của tâm lí, của cảm xúc, của tư tưởng của nhân vật. Ông viết: “nhà văn cốt nhất phải đi sâu vào trong tâm hồn mình, tìm những tính tình và cảm giác thành thực: tức là tìm thấy tâm hồn mọi người qua tâm hồn của chính mình, đi đến chỗ bất tử mà không tự biết” [72; 513]. Những truyện ngắn của Thạch Lam là sự chứng minh hùng hồn cho quan điểm ấy.

Thạch Lam đã lắng nghe dòng cảm giác trôi chảy trong thế giới bí ẩn của tâm linh, khám phá được những khoảng sáng tối riêng trong nội tâm, đó cũng là những trạng thái sống mơ hồ của đời sống con người. Có một thiếu nữ thấy lòng mình bâng khuâng khi ngắm cảnh chiều buông trên phố huyện và đợi chờ khoắc khoải chuyến tàu đi qua trong khao khát về “một cái gì tươi sáng” cho mỗi ngày hằng sống (Hai đứa trẻ). Một cô gái khác luôn mong nhớ một chàng trai đi làm trên tỉnh xa, cứ mỗi độ hoa nở “cô lại giắt hoàng lan trên mái tóc để tưởng nhớ mùi hương”; một chàng trai luôn có cảm giác “bình yên và thong thả” trong ngôi nhà và mảnh vườn xưa cũ (Dưới bóng hoàng lan)... Trong cái nhìn của Thạch Lam, tâm hồn con người dường như luôn rộng mở “sống toàn thân và thức nhọn giác quan” (Xuân Diệu) để cảm thấy thế giới theo cách của chính mình và qua đó lắng nghe những rung động rất khẽ, rất mơ hồ đang dấy lên trong lòng mình. Đây cũng là lí do khiến cho những ai đến với truyện ngắn Thạch Lam đều cảm thấy có mình trong đó.

Trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, việc lựa chọn đối tượng phản ánh sẽ quy định nội dung phản ánh của nhà văn. Do lấy cái tôi làm đối tượng phản ánh, Thạch Lam thường miêu tả tinh tế những cảm giác, những trạng thái tình cảm mong manh, rất khó nắm bắt của nhân vật. Cảm quan hiện thực tâm lí

không chỉ hướng ngòi bút Thạch Lam vào việc khai thác những trạng thái sống mơ hồ của con người mà còn tham gia vào việc xử lí chất liệu nghệ thuật đặc biệt này. Với cái nhìn của một nhà văn tâm lí, Thạch Lam đã miêu tả thật ấn tượng những cảm xúc, cảm giác mơ hồ, không dễ nhận biết và nắm bắt. Trong truyện ngắn Đứa con đầu lòng, nhà văn dùng trạng thái sống mơ hồ để tạo nên một dòng cảm xúc mong manh, khó nắm bắt của chàng trai trẻ lần đầu làm cha: “và Tân thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa mới mẻ chàng chưa từng thấy”. Bằng cách đó Thạch Lam đã mang đến cho trạng thái tình cảm mong manh của nhân vật một ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Cách thức phản ánh này góp phần làm nên đặc trưng của thế giới nghệ thuật Thạch Lam, làm cho tác phẩm của ông nói được bằng văn chương những điều quan trọng về nhân sinh một cách hiệu quả nhất.

Trên hành trình khám phá đời sống nội tâm bí ẩn của con người, Thạch Lam cũng luôn quan niệm: “tâm hồn người ta không giản dị như một biểu hiện và bao giờ cũng có một phần bí mật” [72; 522]. Do đó, nhân vật của ông luôn có những điều không thể hiểu hết, có những bí mật mà ngay chính họ cũng không hiểu nổi. Với sự tri ngộ sâu sắc, Thạch Lam như đã nhập hẳn vào tâm trạng của nhân vật để phô diễn những điều “chưa biết nói, chưa được nói, chưa thể nói”. Một cơn giận được mở ra từ rất nhiều bí mật đang dễn ra trong tâm hồn của nhân vật tôi: “có những ngày mà tự nhiên, không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì”. Đúng là một trạng thái tâm lí rất mơ hồ. Cái mơ hồ ấy cho thấy ranh giới giữa thiện và ác, tốt và xấu, rồng phượng và rắn rết, thiên thần và ác quỷ trong mỗi con người nhiều khi thật mong manh và rất dễ bị xoá nhoà. Nó có thể thức dậy những cảm xúc nhân bản vốn bị khuất lấp bấy lâu nay ở một người ác nghiệt nhưng cũng có thể làm cho một người tốt có lúc trở nên tàn ác. Tuy viết là “không hiểu sao”, nhưng thật ra Thạch Lam đã đem sự "khó chịu" và "gắt gỏng" để giải thích

cho cái cảm giác, cảm tưởng của nhân vật. Bởi vì đời sống tâm hồn con người không bao giờ là ngẫu nhiên cả. Mỗi người đều biết rõ nhất mình đang nghĩ gì, mình đang cần gì và muốn gì. Cũng như vậy, Cuốn sách bỏ quên gợi mở biết bao điều mơ hồ trong thế giới của Thành khi nhân vật đang ôm mộng tưởng thành công rực rỡ mà lại phải đối diện với hiện thực phũ phàng là sách của anh không được nhà xuất bản và độc giả hoan nghênh. Lẽ thường, trong giờ khắc thất vọng ấy, người ta sẽ buồn rầu và đau khổ nhưng “Thành không hiểu sao chàng lại mỉm cười tuy chàng không muốn. Chính chàng cũng khó mà nói rõ được cái ý nghĩa của cái cười đó”. Trạng thái mơ hồ ở đây cho thấy những vui sướng, khổ đau thuộc về thế giới bên trong của con người là vô biên và nhiều khi chủ nhân của vương quốc ấy cũng không thể hiểu nổi. Bởi vậy mà con người thấy mơ hồ ngay cả với những gì đang diễn ra trong lòng mình. Ta cũng bắt gặp trạng thái mơ hồ này khi đọc truyện ngắn Hai đứa trẻ

của Thạch Lam. Đó là cảm giác “Liên không hiểu sao nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”; “Tâm hồn Liên yên tĩnh có những cảm giác mơ hồ không hiểu”; “Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết”... (Hai đứa trẻ). Cảm giác ấy rất gần gũi với trạng thái “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” trong những vần thơ lãng mạn của Xuân Diệu. Ấy là một cảm giác không cụ thể, không rõ ràng, nhưng hiện hữu. Song chắc chắn trạng thái “không hiểu sao” ấy chỉ có ở những người tinh tế, nhạy cảm, yêu tha thiết sự sống khi họ đối diện với một cảnh huống nào đó của con người, của cuộc đời. Không sống sâu sắc với tâm hồn mình, không thể phát hiện ra điều đó. Ngòi bút tinh tế của Thạch Lam đã len lách vào các ngóc ngách sâu thẳm để bắt kịp dòng cảm xúc đang căng lên như sợi dây đàn trong tâm hồn cô gái mới lớn giữa sự bình lặng của cõi sống. Nhà văn đã đi sâu khám phá thế giới tinh thần phong phú với những cảm giác, cảm xúc thấm đẫm yêu thương, vừa thực lại vừa chập chờn hư ảo trong cõi lòng của Liên để

làm nổi bật trạng thái sống mơ hồ của nhân vật. Chúng ta cũng bắt gặp trạng thái “không hiểu sao” ấy ở rất nhiều truyện ngắn khác của Thạch Lam như:

Bắt đầu, Một đời người, Đứa con, và đặc biệt là Sợi tóc.

Ở truyện ngắn Sợi tóc, Thạch Lam đã “bắt mạch” đúng cái khoảnh khắc ngẫu nhiên, bất chợt mà nhân vật không kịp nhận biết cụ thể, rõ ràng, thậm chí không lí giải nổi. Khi nhận ra cái áo mình đương cầm có cái ví tiền, Thành như sống trong sự mơ hồ: “Tôi chỉ thoáng nghe thấy, trong tâm trí như còn bận sự gì”.Trạng thái mơ hồ được phát triển dần trong những băn khoăn lưỡng lự giữa việc có lấy cắp tiền hay không lấy cắp tiền của bạn. Tất cả được diễn đạt bằng những ý nghĩ mơ hồ: “Lấy mấy tờ, độ hai tờ - tại sao lại hai? Tôi không biết”; “Tâm hồn tôi lúc bấy giờ thế nào, tôi không biết rõ”; “Cái gì đã giữ tôi lại? Tôi không biết.”; “Hình như ý nghĩ ham muốn hay trù trừ tối ấy không phải là của tôi, hình như của ai ấy...” Cứ tưởng bão giông nhưng lại là trời yên bể lặng, có khi “ngỡ cầm tay lại cầm mưa” (Huy Cận). Đời sống tinh thần con người vẫn dung chứa nhiều cái bất ngờ, vô thường như thế. Tâm hồn con người lúc nào cũng có những bí mật mà chính họ cũng không hiểu nổi. Nói như Chế Lan Viên: “Lòng ta chẳng bao giờ ta đi hết được”. Vì vậy, đến với đời sống nội tâm trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam, chúng ta sẽ bắt gặp chính mình ở đó. Sự thực của đời sống tâm hồn con người luôn được Thạch Lam soi chiếu qua nhiều góc độ, có những tốt đẹp, có cả những yếu hèn băn khoăn, những sắc màu mong manh của tâm lí. Cái vô thường, bất ổn của cuộc sống cùng vị trí của nhân vật trong xã hội và việc luôn “phải lụy những sức mạnh đâu đâu, những sức mạnh mà họ biết khó có cách gì thay đổi được” [72; 540] đã quy định những trạng thái sống của các nhân vật, khiến họ không thể làm chủ được cuộc đời mình và những gì diễn ra trong tâm hồn mình. Những yếu tố này làm nên một đời sống với những trạng thái mơ hồ, thất thường, khó nắm bắt trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam.

Qua việc phát hiện và phô diễn tinh tế, sâu sắc những gì tưởng như ngẫu nhiên, mơ hồ ở thế giới bên trong của con người, Thạch Lam đã khẳng định một khuynh hướng tìm tòi, sáng tạo. Bởi vì đời sống không phải chỉ có những sự kiện lớn lao mà còn có cả cái mơ hồ, ngẫu nhiên, bất chợt. Song đằng sau những cái mơ hồ ấy lại là những gì rất lớn lao của hiện thực. Nắm bắt và diễn tả cái mơ hồ, qua mơ hồ mà làm sáng tỏ mhững điều lớn lao của hiện thực là cả một thử thách không dễ gì vượt qua đối với người nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo. Và Thạch Lam đã làm được điều đó. Sự phát triển của văn học hậu hiện đại một lần nữa khẳng định tìm tòi của Thạch Lam trong địa hạt truyện ngắn. Hàng loạt tác phẩm của các nhà văn hậu hiện đại đã cho thấy hầu hết tác phẩm văn xuôi hậu hiện đại đều viết về những trạng thái mơ hồ, đều được xây dựng từ những mảnh ghép của hiện thực. Và người nghệ sĩ đã trao truyền cho người đọc những thông điệp giàu ý nghĩa nhân sinh qua chính những gì tưởng như mơ hồ, mong manh ấy.

Bút pháp hướng nội và cái nhìn đa dạng, đa chiều về con người đã giúp Thạch Lam tìm đến miền khuất lấp của tâm hồn để trân trọng, nâng niu những gì thuộc về bản tính thiện. Thủ pháp phản ánh nghệ thuật này không những tạo được chiều sâu tâm hồn cho kiểu nhân vật đặc trưng của Thạch Lam mà còn đem lại cho truyện ngắn của ông sức hấp dẫn riêng đối với người đọc. 2.3 Thạch Lam và những kí ức tuổi thơ

Một phần của tài liệu Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam.pdf (Trang 52 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)