Ngôn ngữ của cảm giác

Một phần của tài liệu Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam.pdf (Trang 87 - 92)

Nếu Nguyên Hồng lựa chọn “cái ngữ vựng mưng mủ mà mỗi từ là một đốt ô uế của con quái vật trong bùn đen và bóng tối” [30; 368] để phô diễn xúc cảm cao độ trước nỗi thống khổ của con người thì Thạch Lam xuất phát từ cảm quan hiện thực tâm lí, hiện thực trữ tình lại rất tài hoa trong sử dụng ngôn ngữ của tâm trạng, của cảm giác. Vì thế, trên từng trang văn của ông người ta không thấy ngôn ngữ cầu kì, góc cạnh như trong Vang bóng một thời

Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Hệ thống ngôn ngữ được Thạch Lam sử dụng để tự biểu hiện cảm xúc, cảm giác trước những cảnh, những người thường rất dung dị, mang hơi thở nồng nàn, ấm áp của cuộc đời.

Đi vào thế giới nghệ thuật của Thạch Lam người đọc thấy ngôn ngữ của cảm giác, của tâm trạng cứ bàng bạc ở các thiên truyện với những biểu hiện phong phú trong “vẻ đẹp tự thân” của nó.

Nhưng vì sao Thạch Lam lại đi sâu khai thác ngôn ngữ của cảm giác, của tâm trạng?

Thứ nhất, Thạch Lam là nhà văn của nội tâm của cảm giác. Những sáng tác của ông chủ yếu dựa trên cảm quan hiện thực tâm lí, hiện thực trữ tình.

Thứ hai, Thạch Lam là nhà văn có tấm lòng gắn bó thiết tha với những con người bình dị. Đó là lí do quan trọng khiến ông tìm đến hệ thống từ ngữ diễn tả thấu đáo vẻ đẹp thế giới bên trong của người bình dân.

Thứ ba, Thạch Lam luôn quan niệm công việc của nghệ sĩ phải là diễn tả đúng và thấu đáo “cái tâm hồn, bản ngã thật” của con người. Quan niệm ấy cũng chi phối cách lựa chọn từ ngữ miêu tả cảm giác, tâm trạng của nhà văn.

Khảo sát hệ thống từ ngữ của Thạch Lam trong 27 truyện ngắn (Tuyển tập Thạch Lam 2007), chúng tôi thấy hai chữ cảm giác xuất hiện ở 12/27 tác phẩm, cụ thể như sau: Dưới bóng hoàng lan (1 lần), Nhà mẹ Lê (2 lần), Trở về

(1 lần), Một cơn giận (2 lần), Đói (2 lần), Hai lần chết (1 lần), Bắt đầu (3 lần), Hai đứa trẻ (2 lần), Cuốn sách bỏ quên (3 lần), Tối ba mươi (1 lần), Sợi tóc (2 lần).

Theo Từ điển tiếng Việt, cảm giác có nghĩa là: “sự hay biết do một

trong năm giác quan vì cọ xát với sự vật bên ngoài; linh tính, nhạy cảm do trí tưởng tượng”. Thạch Lam đã sử dụng từ cảm giác theo cả hai nét nghĩa đó

nhưng nhà văn nghiêng nhiều về nét nghĩa thứ hai. Chẳng hạn như câu văn trong Dưới bóng hoàng lan: “Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà

chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ”. Ở đây, chữ cảm giác được sử dụng để miêu tả sự cảm nhận của Thanh khi được trở về với ngôi nhà quen thuộc. Sự thay đổi của thời gian và hoàn cảnh sống không hề làm phai nhạt những tình cảm gắn bó yêu thương với tạo vật và con người quê hương ở Thanh. Hai chữ cảm giác trong câu văn đã nói với ta điều đó. Đến truyện Một cơn giận, nhà văn lại dùng chữ cảm giác để gia tăng sự giận dữ vô cớ của nhân vật: “Tôi đang ở vào một ngày như thế mà chiều trời hôm ấy lại ảm đạm và rét mướt càng khiến cho cái cảm giác ấy rõ rệt hơn”. Ngoại cảnh và tâm

cảnh soi chiếu, cộng hưởng có tác dụng tô đậm những gì đang diễn ra trong tâm hồn nhân vật. Cũng có khi nhà văn dùng chữ cảm giác để khắc họa niềm hạnh phúc thành thực của người con gái đang yêu: “Lần thứ hai ngực nàng căng nở dưới vải mịn mỏng manh; một cảm giác thấm thía đê mê dâng lên

ngập cả người nàng vào trong đó như lúc tắm bể” (Bắt đầu). Không phải ngẫu nhiên, hai chữ cảm giác cứ trở đi trở lại trên trang văn Thạch Lam. Đó là một tín hiệu thẩm mỹ đặc thù dẫn dắt người đọc đến với những gì thuộc về bên trong, những gì diễn ra trong đời sống tình cảm của con người.

Với Nguyên Hồng “tiếng lóng trở thành cầu nối đưa nhà văn đến với những con người khốn khổ” [47; 35], còn Thạch Lam lại sử dụng những từ ngữ miêu tả trạng thái cảm nhận chủ quan, hoạt động tâm lý thực chứng với mật độ dày đặc để “truyền đạt chính xác cái cảm xúc của mình - những cảm xúc dấy lên từ những cảm giác trước mọi biểu hiện phong phú và tinh tế của đời sống tinh thần của con người” [3; 174]. Xuất hiện nhiều hơn cả là các từ: vui, buồn, sung sướng, đau khổ, yêu, ghét, thấy, tưởng, nhớ, nghĩ... Sau đây là kết quả khảo sát một số truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lam:

- Trở về: thấy (15 lần), nhớ (5 lần), nghĩ (9 lần), tưởng (3 lần), sung sướng, cảm động, buồn, ghét, khó chịu, vui mừng...

- Đứa con đầu lòng: thấy (24 lần), tưởng (2 lần), chờ đợi (2 lần), khó chịu (3 lần), buồn rầu (2 lần), giận (2 lần), nhớ, nghĩ, sung sướng, ngạc nhiên, cảm động, ngượng nghịu...

- Một cơn giận: thấy (8 lần), giận (4 lần), ghét (4 lần), gắt (4 lần), chán (2 lần), khó chịu (2 lần), luống cuống, sợ hãi...

- Hai lần chết: nghĩ (9 lần), thấy (18 lần), nhìn (2 lần), nhớ (2 lần), tưởng, trầm ngâm, ghét, vui vẻ, bỡ ngỡ, lạ lùng, sợ hãi, uất ức, giận, lịm, ngậm ngùi, chán nản, lạnh lẽo...

- Những ngày mới: thấy (19 lần), vui (7 lần), nghĩ (7 lần), sung sướng (5 lần), nhìn (6 lần), rung động (3 lần), thích (2 lần), chán nản (2 lần), ngượng nghịu, buồn rầu, tưởng, say sưa...

Từ kết quả khảo sát trên ta thấy Thạch Lam sử dụng ở mức độ tối đa các từ chỉ trạng thái tâm lí, cảm giác của nhân vật ở nhiều thái cực khác nhau, thậm chí đối lập nhau (yêu - ghét, nhớ - quên, buồn - vui...) như một phương tiện nghệ thuật đích thực để phô diễn những trạng huống tinh vi, phức tạp, phong phú trong thế giới bí ẩn của con người. Đây là một phương tiện nghệ thuật đắc địa góp phần biểu đạt thành công những khoảng sáng tối trong thế giới nội tâm sâu kín của con người.

Hãy xem Thạch Lam miêu tả nỗi tưởng nhớ của bác Lê (Nhà mẹ Lê) trong cơn mê sảng: “Bác Lê nhớ lại cái cảm giác vui mừng khi thấy cạnh bông lúa sắc xát vào da thịt. Đấy còn là những ngày no đủ. Rồi đến những buổi chợ vắng, những ngày nhịn đói như hôm nay. Bác mơ màng thấy vàng son chói lọi trong nhà ông Bá, thấy nét mặt gian ác và tinh nghịch của cậu Phúc, con chó Tây nhe nanh chồm lên...”. Trong đoạn văn, tác giả đã sử dụng rất nhiều từ ngữ miêu tả trạng thái cảm nhận chủ quan của nhân vật: thấy (3 lần), nhớ lại, cảm giác, vui mừng, mơ màng. Những từ ngữ miêu tả cảm giác xuất hiện dày đặc đã biểu đạt thành công một trạng thái sống của nhân vật.

Theo đó, niềm vui và nỗi buồn, nhẹ nhàng và dữ dội, rõ ràng và mơ hồ, quá khứ và hiện tại đồng hiện không chỉ cho thấy vẻ đẹp đích thực của nhân vật mà còn gợi ra bao suy nghĩ về sự hữu hạn của kiếp người.

Còn đây là đoạn văn miêu tả nội tâm của Tâm khi về đến đầu làng trong truyện ngắn Trở về: “Một cảm giác mát lạnh bỗng trùm lên hai vai: Tâm ngẩng đầu lên nhìn; chàng vừa đi vào dưới vòm tre xanh trong ngõ. Mấy đứa trẻ nhà quê trần truồng và đen sạm đương chơi khăng ở vệ đường. Khi thấy chàng đi qua, chúng đưa những cặp mắt bẩn thỉu nhấp nháy nhìn và chùi tay giây bùn vào bắp chân. Nghĩ đến thuở nhỏ, chàng cũng chỉ là một đứa bẩn thỉu như những đứa trẻ này, Tâm thấy tự phụ vì mình đã vượt hẳn được cái nghèo ấy”. Cái cảm giác của Tâm khi bước chân trên con đường làng là nỗi niềm rưng rưng cảm động khi nhận ra hình sắc quen thuộc một thời. Chỉ có điều những gì thuộc về quá khứ đã đẩy lùi nỗi cảm động thực tại tạo nên một sự đồng hiện trong tâm trí nhân vật. Vào giây phút ấy, Tâm “thấy tự phụ vì mình đã vượt hẳn được cái nghèo". Qua việc sử dụng từ ngữ chỉ hoạt động tâm lí Thạch Lam vừa miêu tả những gì đang diễn ra trong nội tâm vừa hé mở ngõ ngách sâu khuất, u tối ở thế giới tinh thần của nhân vật. Người đọc có thể bắt gặp cách thức miêu tả này ở hầu hết các truyện ngắn của Thạch Lam. Đó là phương tiện hữu hiệu giúp nhà văn tạo nên một thế giới nội tâm với những cung bậc phong phú phức tạp, đa diện, đa chiều.

Thạch Lam còn sử dụng từ ngữ chỉ trạng thái tâm lí mơ hồ để chuyên chở những điều sâu kín trong thế giới của cái tôi. Đó là những từ ngữ như: hình như, dường như, tựa như, thoáng thấy, thoáng qua, thoáng trông, mơ màng, lờ mờ, không rõ rệt, không hiểu sao, không biết tại sao... Những từ ngữ ấy được sử dụng đậm đặc trong văn Thạch Lam để diễn tả những khoảnh khắc ngẫu nhiên, bất chợt mà nhân vật không kịp nhận biết cụ thể, rõ ràng, thậm chí không lý giải nổi. Sợi tóc là một truyện ngắn như vậy. Trong thiên

truyện, nhà văn đã ghi lại trạng thái mong manh trong tâm hồn Thành. Nó mong manh đến nỗi nếu không kịp thời nắm bắt tất cả sẽ trôi qua rất nhanh chỉ trong chớp mắt. Để diễn tả trạng thái ấy, nhà văn đã sử dụng hàng loạt từ ngữ chỉ trạng thái mơ hồ, hư ảo: thoáng nhìn qua, thoáng nghe thấy, sự gì, không biết rõ, không biết, hình như. . . Từ đây, những trạng thái cảm xúc, nét tâm lí hư ảo, mong manh của con người được hiện lên thật ấn tượng và ám ảnh. Nếu không có một tâm hồn tinh tế, sâu sắc, nếu không thành thực với “bản ngã” Thạch Lam khó có thể miêu tả những cảm giác thoáng qua, khó lí giải một cách tài tình đến thế.

Có thể nói, bằng việc lựa chọn và sử dụng tài tình ngôn ngữ của cảm giác, của tâm trạng, Thạch Lam đã tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng: thế giới của cảm giác, của tâm trạng mà ở đó “cái cảm giác đã tạo nên một chất men đặc biệt trong văn Thạch Lam: say mà tỉnh, ảo mà thực, liên tục mà đứt đoạn, rõ ràng mà mơ hồ...” [3; 175].

Một phần của tài liệu Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam.pdf (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)