Về phương diện từ vựng ngữ nghĩa

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của ngôn ngữ nói đến ngôn ngữ viết của học sinh trung học phổ thông (trên cứ liệu những bài làm văn của học sinh trường thpt lương thế vinh - thành phố thái nguyên).pdf (Trang 33 - 38)

4. Phương pháp nghiên cứu

2.2.2 Về phương diện từ vựng ngữ nghĩa

Khi nói hay khi viết đều phải dùng từ. Từ là đơn vị ngôn ngữ đã có sẵn, thuộc kho từ vựng của ngôn ngữ và tồn tại trong tiềm năng ngôn ngữ của mỗi người. Nó là tài sản chung của xã hội. Khi giao tiếp, mỗi người huy động vốn tài sản đó để tạo ra lời nói hoặc văn bản.

Tiềm năng ngôn ngữ của mỗi người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo nên hiệu quả của giao tiếp. Trong đó sự phong phú hay nghèo nàn về vốn từ là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của giao tiếp.

Ngôn ngữ viết do đặc thù phải hướng đến sự chuẩn mực của ngôn ngữ toàn dân cho nên về phương diện từ vựng, ngôn ngữ viết có những khác biệt nhất định so với ngôn ngữ nói. Trong thực tiễn sử dụng ngôn ngữ của học

sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, chúng tôi thấy có rất nhiều hiện tượng lệch chuẩn.

2.2.2.1 Dùng từ không đúng với âm thanh và hình thức cấu tạo

Từ là đơn vị có nhiều bình diện, trong đó không thể thiếu âm thanh và hình thức cấu tạo. Âm thanh và hình thức cấu tạo là mặt vật chất, là cái biểu đạt. Trong chữ viết của ta (chữ quốc ngữ) - thứ chữ theo nguyên tắc ghi âm, âm thanh và hình thức cấu tạo của từ được ghi lại bằng các chữ cái. Cho nên khi viết văn bản, cần ghi lại đúng âm thanh và hình thức cấu tạo của từ được sử dụng. Tuy nhiên trong thực tế, học sinh vẫn mắc lỗi này. Ví dụ:

+ Trên đường đi tới trường, em đã suy nghĩ không biết ngôi trường này

thế nào nhỉ, có to không, lớp học như thế nào, quanh cảnh trong trường ra sao. (quang cảnh)

+ Có một cái gì đó đã quấn hút em vào trường THPT Lương Thế Vinh.

(cuốn hút)

+ Đăm San là một người anh hùng khoẻ mạnh, là một tráng sĩ oai liệt, kiên cường. (oanh liệt)

Nhưng lỗi này có thể do ở nhiều địa phương, một số từ tiếng Việt có cách phát âm và cách viết không hoàn toàn trùng khớp.

Ví dụ:

phát âm viết

quấn hút cuốn hút quận dây cuộn dây

Sự không trùng khớp này có thể là nguyên nhân khiến học sinh nhầm lẫn như trong trường hợp nêu trên.

2.2.2.2 Dùng từ sai phong cách

Mỗi phong cách ngôn ngữ của văn bản được sử dụng trong một phạm vi nhất định của cuộc sống xã hội và nhằm thực hiện một mục tiêu giao tiếp. Do đó mỗi phong cách văn bản đòi hỏi và cho phép việc dùng những lớp từ,

nhóm từ nhất định. Có những từ dùng được trong mọi phong cách văn bản, nhưng có những từ chỉ thích hợp hoặc chỉ được dùng trong một phong cách ngôn ngữ nào đó. Khi dùng từ trong văn bản, nếu không ý thức rõ về phong cách văn bản để dùng từ cho phù hợp thì sẽ mắc lỗi về phong cách. Chẳng hạn những trường hợp sau:

+ Buổi đầu tiên bước vào trường THPT đã để lại cho em quá nhiều ấn tượng.

+ Đăm San là một tù trưởng hết sức tài giỏi có thể mang no ấm cho dân làng của mình.

+ Lần này khi bước vào cánh cổng cấp III, em có ấn tượng rất là sâu sắc.

+ Không hiểu do đâu mà chúng tôi lại chơi thân với nhau, chắc tại hai thằng hợp nhau cũng nên

Những từ được gạch chân trong các trường hợp trên chỉ thích hợp dùng trong ngôn ngữ nói (ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày). Còn trong văn viết, những từ này bị coi là lỗi phong cách.

Qua khảo sát những bài văn của học sinh, chúng tôi nhận thấy phần lớn các lỗi về phong cách là do các em đưa khẩu ngữ vào trong bài viết của mình. Từ ngữ khẩu ngữ được dùng chủ yếu trong phong cách sinh hoạt hàng ngày. Với đặc điểm là giàu hình ảnh và sắc thái biểu cảm cao, từ khẩu ngữ đáp ứng nhu cầu nói năng thân mật hàng ngày và bày tỏ trực tiếp thái độ của người nói đối với các vấn đề của đời sống. Như vậy, khẩu ngữ là lớp từ ngữ đặc trưng cho ngôn ngữ nói.

Tuy nhiên trong tiếng Việt, một ngôn ngữ mà phong cách ngôn ngữ gọt giũa hình thành muộn, thì từ khẩu ngữ trong một chừng mực nhất định được dùng trong cả ngôn ngữ viết. Đối với ngôn ngữ viết, từ khẩu ngữ chỉ xuất hiện trong một số kiểu loại văn bản nhất định. Ở đó, nó trở thành

công cụ lợi hại và đắc lực để nhà văn có thể miêu tả, tái tạo được cuộc sống thực trong tác phẩm.

Trong bài văn của học sinh, một dạng của ngôn ngữ viết điển hình thì việc đưa từ khẩu ngữ vào là không thể chấp nhận được, đó là lỗi phong cách. Có những cách diễn đạt vốn chỉ thích hợp với phong cách sinh hoạt thường ngày học sinh lại đưa vào bài viết. Cách viết này có xu hướng rời xa chuẩn mực, và có phần chịu tác động của thói quen nói năng hàng ngày. Ví dụ:

+ Tình cảm của mẹ làm cho tôi cực kì cảm động, sau này dù có đi đâu về đâu, tôi cũng nhớ đến công ơn dạy dỗ của mẹ.

+ Những lúc đó em không biết phải giải quyết như thế nào, nhiều lúc em tưởng chừng như bó tay.

+ Đăm San hiện ra với hình ảnh một con người khoẻ mạnh, bắp chân chàng to vật vã, cả bắp đùi của chàng thì khỏi phải nói, sức của chàng to như sứccon voi đực.

+ Tóm lại vẻ đẹp của Đăm San là không thể kể được là một người anh hùng, một tù trưởng giàu có, được mọi người quý trọng.

2.2.2.3 Hiện tượng lặp từ, thừa từ

Ngôn ngữ nói trong những điều kiện của đối thoại liên tục và khẩn trương, để cho người nghe kịp theo dõi, kịp tiếp nhận, người nói thường dùng những yếu tố dư (trong đó có hình thức lặp từ). Ngược lại văn bản viết cần phải cô đọng vừa đủ về dung lượng. Do đó trong việc dùng từ cần tránh hiện tượng thừa từ, lặp từ khi không cần thiết.

+ Lúc đầu thì em cũng thấy hơi run sợ, nhưng sau đó em cảm thấy tự

tin hơn nhờ sự giúp đỡ của các bạn trong lớp.

+ Cái buổi đầu tiên đi học đều gần như là mới lạ với em.

+ Đăm San là người anh hùng kiên cường chống lại những cái tội ác mà kẻ thù gây ra.

+ Các thầy cô giáo thì rất vui vẻ đón các em học sinh.

Những từ gạch chân trong các ví dụ trên ta thường thấy xuất hiện trong phong cách ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày. Trong văn viết, sự xuất hiện những từ này là không được chấp nhận và thường bị cho là lỗi về mặt phong cách.

2.2.2.4 Dùng từ sai nghĩa

Nội dung ý nghĩa là một bình diện của từ. Nó là cái được biểu đạt của mỗi từ. Do đó muốn đạt được hiệu quả trong giao tiếp, khi nói cũng như khi viết, phải dùng từ cho đúng với ý nghĩa của từ. Điều này có nghĩa là: từ được dùng phải biểu hiện được chính xác nội dung cần thể hiện (ý nghĩa của từ phải phù hợp với nội dung định thể hiện). Mặt khác nghĩa của từ bao gồm cả thành phần nghĩa sự vật, cả thành phần nghĩa biểu thái (biểu hiện thái độ, tình cảm, cảm xúc của con người). Vì thế khi dùng từ cần phải đạt được yêu cầu vừa đúng về nghĩa sự vật, vừa đúng về nghĩa biểu thái, biểu cảm.

Trong các bài văn của học sinh chúng tôi thấy có nhiều trường hợp sử dụng từ không chính xác với nội dung định thể hiện. Chẳng hạn như các trường hợp sau:

+ Đối với tôi, hình ảnh mẹ xuất thân từ những điều hết sức đơn giản

+ Đăm San là một người anh hùng luôn thắng bại trước kẻ thù, với tư thế ung dung để lại cho chúng ta những kỉ niệm tốt về chàng.

+ Khi mới vào trường, người đầu tiên em gặp là bác bảo vệ. Bác rất hài hoà và làm việc rất nghiêm túc.

+ Em bước vào ngôi trường với tiếng trống trường gióng giả, với những tiết học thật là nhộn nhịp.

Ở trường hợp 1: “xuất thân” (chỉ: sinh ra, lớn lên, được đào tạo từ trong một gia đình, một xã hội nào đó) không phù hợp với nội dung mà người học sinh này muốn biểu đạt.

Trường hợp 2: Trong sử thi “Đăm San”, ngưòi anh hùng Đăm San luôn chiến thắng kẻ thù, có thất bại nhưng đấy không phải là điều mà sử thi muốn nhấn mạnh. Cho nên việc học sinh dùng từ “thắng bại” ( chiến thắng và thất bại) là sai với tinh thần của sử thi này.

Trường hợp 3: “hài hoà” theo Từ điển tiếng Việt giải thích: “có sự kết hợp giữa các yếu tố, các thành phần, gây được ấn tượng về cái đẹp, cái hoàn hảo”. Đây là từ không dùng để chỉ tính cách con người. Vì vậy với câu này, học sinh cần thay bằng từ “hiền hoà”.

Tương tự, từ “nhộn nhịp” cũng là một từ sai, trong trường hợp này cần thay bằng từ “sôi nổi” để chỉ khí thế mạnh mẽ, hào hứng của lớp học mới chính xác.

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của ngôn ngữ nói đến ngôn ngữ viết của học sinh trung học phổ thông (trên cứ liệu những bài làm văn của học sinh trường thpt lương thế vinh - thành phố thái nguyên).pdf (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)