4. Phương pháp nghiên cứu
3.1.1 Học sinh không phân biệt được ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
Như đã phân tích, sự khác biệt giữa ngôn ngữ nói và viết không chỉ giới hạn ở những khác biệt có tính hình thức (chất liệu âm thanh/chữ viết, dạng thức tồn tại hoặc kênh giao tiếp), mà còn là những khác biệt thuộc về cấu trúc, về phong cách ngôn ngữ, đã được hình thành trong quá trình tạo lập diễn ngôn.
Bước vào cấp THPT, trải qua mười năm học tiếng Việt, học sinh đã được cung cấp những tri thức cơ bản nhất về tiếng Việt. Tốt nghiệp THCS, học sinh phải đạt được các yêu cầu: nói, viết đúng với chuẩn ngữ âm, chính tả, đúng quy tắc ngữ pháp tiếng Việt.
Tuy nhiên trong thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các em không đạt được những yêu cầu này. Khi các em mới bước vào lớp 10, người viết đã tiến hành khảo sát năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh qua những năm ở cấp 1,2 (có so sánh với lớp 11 sau một năm được rèn giũa trong nhà trường phổ thông). Kết quả thu được như sau:
Lỗi Lớp 10 Lớp 11
Chữ viết 21 10
Từ 69 11
Ngữ pháp 6 6
Tổng số 96 27
Ở lớp 10, chúng tôi tiến hành khảo sát 72 bài thì có 96 lỗi, trong đó lỗi về chữ viết là 21 lỗi; về từ: 69 lỗi; về ngữ pháp: 6 lỗi. Ở lớp 11 chỉ có 27 lỗi trên tổng số 70 bài.
Kết quả này chứng tỏ kiến thức tiếng Việt ở lớp dưới của học sinh bị hổng rất nặng nề, đặc biệt về vốn từ tiếng Việt. Lỗi dùng từ chiếm tới 71% tổng số lỗi và phổ biến nhất là lỗi dùng từ sai phong cách, thừa từ, lặp từ… Cũng qua việc khảo sát này, người viết nhận thấy vốn từ của các em rất nghèo nàn nên rất khó khăn trong việc diễn đạt (nói/viết). Chính vì vậy, các em thường rất bí từ và rơi vào tình trạng diễn đạt luẩn quẩn, không thoát ý.
Sự không phân biệt được ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết của học sinh dẫn đến tình trạng “viết như nói” có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau:
Về sách giáo khoa: Trong chương trình phổ thông, để hình thành cho học sinh tri thức về tiếng Việt, người giáo viên có thể lựa chọn hai phương thức: hoặc là thông qua thực hành, giúp học sinh hình thành tri thức hoặc là “đi thẳng vào vấn đề” tức là giới thiệu lí thuyết trước rồi thông qua thực hành để củng cố vững chắc hơn. Cách thứ nhất thường áp dụng khi trình độ học sinh còn thấp, còn cách thứ hai được sử dụng khi học sinh đã có trình độ cao hơn, thường là những lớp cuối của bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Nhìn vào chương trình tiếng Việt phổ thông ta thấy: ở 3 lớp đầu cấp tiểu học, các kiến thức tiếng Việt chưa được dạy thành bài riêng mà được lồng vào bài thực hành kĩ năng. Các kiến thức đưa vào giảng dạy ở các lớp này thuộc về các nội dung của năng lực ngữ pháp, năng lực văn bản và năng lực hành ngôn. Ở các lớp 4 và 5, ngoài kiến thức về năng lực ngữ pháp và năng lực văn bản còn có kiến thức về ngôn ngữ - xã hội. Ở các lớp của bậc Trung học cơ sở, nội dung của môn tiếng Việt tập trung vào các năng lực ngữ pháp, năng lực văn bản (liên kết và hội thoại) và năng lực ngôn ngữ - xã hội (lí thuyết giao tiếp và phương ngữ địa phương và xã hội). Ở các lớp của bậc Trung học phổ thông, các nội dung tiếng Việt tập trung chủ yếu vào việc củng cố năng lực ngữ pháp (thông qua thực hành nhận diện và chữa lỗi) và năng lực văn bản.
Như vậy về tổng thể có thể thấy rằng các nội dung chương trình tiếng Việt ở cả 12 lớp của 3 bậc phổ thông của ta hiện nay dành sự chú ý và thời lượng khá nhiều vào việc phát triển các năng lực ngữ pháp và năng lực văn bản cho học sinh. Năng lực hành ngôn mới chỉ tập trung phát triển kĩ năng nói một số nghi thức chào hỏi, xin lỗi ở dạng rất đơn sơ…ở 3 lớp đầu của bậc Tiểu học. Năng lực ngôn ngữ - xã hội cũng đã được chú ý phát triển nhưng nội dung mới chỉ giới hạn ở việc giới thiệu khái quát về giao tiếp ngôn ngữ và các chương trình địa phương với thời lượng rất ít ỏi. Và đặc biệt trong cả 2
cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, không có một tiết nào dành cho việc hình thành ở học sinh tri thức về những khác biệt giữa ngôn ngữ viết và nói. Điều này giải thích vì sao học sinh thường lẫn lộn hai phong cách này với nhau dẫn đến tình trạng mắc nhiều lỗi trong bài viết.
Việc hình thành tri thức tiếng Việt bằng con đường thực hành là một phương pháp dạy học đúng đắn, phù hợp với tư duy của học sinh nhất là khi trình độ của các em còn non yếu. Tuy nhiên khi việc thực hành thuần thục đạt đến một mức độ nào đó thì cần đưa lí thuyết vào để giúp học sinh có cái nhìn khái quát và khắc sâu kiến thức. Nhưng khi đưa lí thuyết vào thì quá muộn (lớp 10 mới có một bài nói về sự khác biệt giữa ngôn ngữ nói và viết), do vậy
để sửa cho các em thói quen đã hình thành trong nhiều năm (lẫn lộn hai phong
cách này) là một điều không mấy dễ dàng.
Có thể nói rằng, sự không phân biệt được ngôn ngữ nói và viết là nguyên nhân cơ bản nhất của việc mắc nhiều lỗi trong bài văn như chúng tôi đã thống kê ở trên.
Sự thiếu chú ý của giáo viên: Nguyên tắc dạy học là giáo viên phải bám
sát chương trình tức là dạy theo nội dung sách giáo khoa. Với chương trình sách giáo khoa còn nhiều bất cập như đã trình bày ở trên, sự thiếu chú ý của giáo viên trong việc giúp học sinh phân biệt sự khác nhau giữa ngôn ngữ nói và viết là điều không tránh khỏi. Khi phát biểu trên lớp, học sinh trình bày dài dòng, phức tạp; khi viết văn các em lại đưa cả khẩu ngữ vào bài viết. Trong quá trình giảng dạy cũng như khi chấm bài, giáo viên không chú ý uốn nắn kịp thời nên học sinh thường lẫn lộn hai phong cách này với nhau. Điều này đưa đến thực trạng “viết như nói” của học sinh.