4. Phương pháp nghiên cứu
3.2.3 Ảnh hưởng của ngôn ngữ chat
Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông di động đã cho ra đời một hình thức giao tiếp chưa từng có ở các thời đại trước và đã làm lu mờ ranh giới giữa hai phong cách nói và viết. Giao tiếp bằng chữ viết qua mạng điện thoại di động (tin nhắn SMS), hoặc kênh giao tiếp trực tuyến với các máy tính nối mạng, vừa cho phép cá nhân giao tiếp xuyên thời gian như trong giao tiếp bằng ngôn ngữ viết, vừa cho phép hai (hay nhiều bên) ở cách xa nhau về mặt địa lí có thể tiếp xúc trực tiếp như trong giao tiếp bằng ngôn ngữ nói. Ngôn ngữ được sử dụng trong giao tiếp trực tuyến là ngôn ngữ nói theo phong cách khẩu ngữ, nhưng có bao gồm một số yếu tố của ngôn ngữ viết do người phát ngôn chỉ chịu sức ép một cách tương đối về thời gian. Do “người nói” cùng một lúc cũng có thể là “người nghe” bằng cách đọc các lời đối thoại trên màn hình, nên họ có thể đủ thời gian để sửa chữa hoặc thậm chí xoá bỏ lượt lời vừa mới biên soạn trên màn hình. Xu hướng chung của các hình thức giao tiếp này là việc sử dụng lối viết tắt để giảm kí tự. Cách giải thích thường gặp nhất là để rút ngắn số chữ phải gõ trên bàn phím, gia tăng tốc độ chát ( việc sử dụng nhiều cửa sổ chát cùng một lúc buộc người chát phải thường xuyên viết tắt, chưa kể SMS còn bị giới hạn trong 160 kí tự).
Ngày nay chát trực tuyến đã trở thành một hình thức giải trí đặc biệt hấp dẫn giới trẻ, trong đó số đông là học sinh. Sẽ không có gì đáng nói nếu học sinh không đem những từ ngữ của thế giới ảo ấy vào các bài viết, bài kiểm tra ở trường học. Việc sử dụng từ viết tắt và các kí hiệu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách viết ở nhà trường của học sinh không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Mĩ, một số giáo viên trung học đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng ngôn ngữ chát “bình dân” đang xâm nhập vào trong các bài tiểu luận của học sinh. Ở Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, đã xuất
hiện nhiều bài viết phản ánh quan điểm của công chúng đối với tình hình sử dụng ngôn ngữ “bí hiểm”, ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ @...Thực tế thì , ngôn ngữ chát đang đi vào đời sống như một thói quen và gây nên những nhầm lẫn, rối loạn. Bài kiểm tra của học sinh thường mắc lỗi chính tả, lỗi viết tắt một cách không thể lí giải. Trong ngôn ngữ chát, người ta có thể chấp nhận những từ viết tắt theo quy ước. Nhưng việc lạm dụng và biến tướng nó tới mức làm méo mó, biến dạng cả ngôn ngữ là điều không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, chính thứ ngôn ngữ này tạo cho các em thói quen lười suy nghĩ để tìm từ hay ý đẹp, không nhận biết được giá trị văn hoá của ngôn ngữ, miễn sao viết cho nhanh. Cũng vì thói quen này mà khi làm văn không ít em thản nhiên đưa cả chữ viết kiểu này vào bài. Tiến hành khảo sát 35 bài văn của học sinh lớp 11, chúng tôi nhận thấy tình trạng viết tắt trong bài văn của học sinh thực sự đáng báo động. Có tới 21/35 bài sử dụng chữ viết tắt trong đó có những bài mật độ viết tắt dày đặc. Những chữ mà các em hay viết tắt do ảnh hưởng của ngôn ngữ chát có thể kể ra như:
+không=>ko +ph=>f +qua=>wa +khác=># +và=>&
Ngoài ra, một số lỗi chính tả mà chúng tôi nhận thấy ở bài văn của học
sinh là hiện tượng: ngh=>ng (vd: nge, ngĩ…); gh=>g (vd: gế, gập gềnh…).
Những lỗi này có thể được giải thích là do thói quen tiết kiệm kí tự, thời gian trong khi chát. Ban đầu, có thể học sinh đó biết phân biệt trong trường hợp
nào thì dùng g hay gh, ng hay ngh. Nhưng do khi chát hay nhắn tin, để tiết
kiệm thời gian và kí tự, các em thường lựa chọn g, ng thay cho gh, ngh. Cứ
như vậy lâu dần thành thói quen khiến các em không còn phân biệt được chính tả nữa và nhầm lẫn những con chữ này là khó tránh khỏi.