Các giai đoạn sinh trưởng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển của một số tổ hợp ngô lai vụ Xuân và Thu Đông năm 2007 tại Thái Nguyên (Trang 52 - 56)

2. Mục đích, yêu cầu của đề tài

3.2.1. Các giai đoạn sinh trưởng

3.2.1.1. Giai đoạn từ gieo đến trỗ cờ

Đây là khoảng thời gian sinh trưởng khá dài của cây ngô và được chia thành nhiều giai đoạn nhỏ khác nhau, được đánh dấu bởi các giai đoạn V3, V5, V9, V12, V15, V18 (là các giai đoạn cây ngô có 3, 5, 9, 12, 15, 18 lá). Thời kỳ đầu cây sinh trưởng rất chậm, hệ thống rễ mầm hoạt động chủ yếu trong thời

gian mọc mầm sau đó yếu dần và thay vào đó là hệ thống rễ đốt. Rễ đốt được hình thành nhanh chóng, đảm nhận chức năng chính là hút nước và dinh dưỡng. Đến khi cây có 5 - 6 lá thì điểm sinh trưởng đã ở trên mặt đất, lúc này hệ rễ đốt phát triển rất nhanh và yêu cầu một lượng dinh dưỡng nhất định. Đây là cơ sở cho việc bón thúc lần 1 (khi cây có 3 - 5 lá), kết hợp với xới xáo phá váng để cây sinh trưởng tốt hơn. Sau thời kỳ 7 - 8 lá cây sinh trưởng nhanh dần, chồi bắp bông cờ đã hình thành trong bẹ lá. Chiều cao cây và đường kính thân tăng dần, các lá lần lượt xuất hiện và tăng nhanh về diện tích. Kết thúc giai đoạn này bông cờ xuất hiện và đây cũng là lúc cây ngô chuyển từ sinh trưởng sinh dưỡng sang sinh trưởng sinh thực. Hầu hết các biện pháp kỹ thuật trồng trọt đều được áp dụng trong giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng như: bón thúc lần 1, 2 và lần 3 lúc ngô xoáy nõn, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh…

Ngày trỗ cờ được tính khi có > 50% số cây/ô xuất hiện nhánh cuối cùng của bông cờ. Qua theo dõi thí nghiệm trong vụ Xuân (bảng 3.2) cho thấy các tổ hợp lai có thời gian từ gieo đến trỗ cờ dao động từ 74 - 79 ngày. Trong đó tổ hợp lai BB-1, BB-2, LS-07-22 có thời gian từ gieo đến trỗ tương đương giống C-919 (Đ/C1), các tổ hợp lai còn lại đều trỗ muộn hơn giống C-919 từ 2 đến 5 ngày ở mức tin cậy 99%.

So với giống NK-66, tổ hợp lai BB-3, LS-07-20, LS-07-24, KK-144 trỗ cờ muộn hơn ở mức tin cậy 99%, các tổ hợp lai còn lại có thời gian từ gieo đến ngày trỗ tương đương giống NK-66(Đ/C2).

Giai đoạn từ gieo đến trỗ cờ của các tổ hợp lai trong vụ Thu Đông ngắn hơn trong vụ Xuân. Kết quả theo dõi trong vụ Thu Đông 2007 cho thấy, thời gian từ gieo đến trỗ cờ của các tổ hợp lai biến động từ 54 - 59 ngày, tổ hợp BB-1, LS-07-22 trỗ cờ tương đương với C-919, các tổ hợp còn lại trỗ muộn hơn ở mức tin cậy 95 - 99%.

Tổ hợp LS-07-20, LS-07-24 có thời gian từ gieo đến trỗ cờ dài hơn giống NK-66 ở mức tin cậy 99%, tổ hợp lai BB-3, KK-144 trỗ cờ muộn hơn đối chứng ở mức tin cậy 95%, các tổ hợp còn lại trỗ tương đương với giống đối chứng NK-66.

Kết quả theo dõi ở cả 2 vụ cho thấy tổ hợp LS-07-20, LS-07-24 có thời gian từ gieo đến trỗ dài hơn 2 giống đối chứng cả 2 vụ ở mức tin cậy 99%.

3.2.1.2. Giai đoạn gieo đến tung phấn

Đây là giai đoạn quan trọng nhất quyết định đến năng suất ngô. Ngô sau khi trỗ cờ thì sẽ tung phấn, trên bông cờ hoa ở phần giữa trục chính bông cờ tung phấn trước sau đó theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong. Thời gian tung phấn diễn ra vào khoảng 7 - 9 giờ sáng và kéo dài trong 5 - 7 ngày. Giai đoạn này yêu cầu rất nghiêm ngặt về các điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa, ẩm độ... Nếu nhiệt độ quá cao, ánh sáng mạnh, lượng mưa ít sẽ làm hạt phấn bị chết khô không thụ phấn thụ tinh được, ngược lại nếu lượng mưa quá lớn thì quá trình thụ phấn thụ tinh cũng sẽ diễn ra không thuận lợi.

Kết quả theo dõi trong bảng 3.2 cho thấy, tất cả các tổ hợp lai trong cả 2 vụ (kể cả đối chứng) đều tung phấn sau trỗ cờ 2 ngày, đây là một đặc điểm khá quan trọng của các giống ngô.

3.2.1.3. Khoảng cách tung phấn - phun râu

Sau khi bông cờ tung phấn thì ngô bắt đầu phun râu, ngô chuyển sang giai đoạn sinh thực, râu ngô nhận hạt phấn để tiến hành thụ tinh hình thành hạt, Số noãn được thụ tinh xác định ở thời kỳ này, những noãn không được thụ tinh sẽ không hình thành hạt và thoái hoá, gây hiện tượng "ngô đuôi chuột".

Việc trỗ cờ, tung phấn và phun râu của các giống ngô nói chung phụ thuộc vào giống, điều kiện thời tiết khí hậu, vùng sinh thái, thời vụ gieo trồng và chế độ chăm sóc. Xu thế chung của các nhà chọn giống thường là chọn các

giống có khoảng cách trỗ cờ - tung phấn - phun râu không lớn. Đặc biệt là khoảng cách giữa tung phấn và phun râu, nếu khoảng cách này lớn thì quá trình thụ phấn, thụ tinh của giống ngô sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trong điều kiện thời tiết xấu. Khoảng cách này quyết định số lượng hạt, là một trong các yếu tố tạo thành năng suất, do vậy khoảng cách tung phấn - phun râu càng ngắn thì càng tốt cho quá trình hình thành hạt. Nếu trồng ở điều kiện mật độ cao, chăm sóc không kịp thời hoặc bị hạn trong quá trình sinh trưởng thì khoảng cách giữa tung phấn - phun râu bị kéo dài, không có lợi cho ngô thụ phấn thụ tinh.

Vụ Xuân và vụ Thu Đông, khoảng cách tung phấn - phun râu của các tổ hợp ngô lai tham gia thí nghiệm biến động từ 0 đến 5 ngày, trong đó tổ hợp LS-07-19, LS-07-22 có thời gian tung phấn trùng nhau với phun râu, tổ hợp BB-3, LS-07-17, LS-07-20, LS-07-23, KK-144 tung phấn trước phun râu 1 ngày và tương đương đối chứng và ổn định ở cả 2 vụ. Các tổ hợp lai còn lại có khoảng cách tung phấn - phun râu từ 2 - 5 ngày.

Nhìn chung các giống có khoảng cách tung phấn - phun râu phù hợp, rất tốt cho quá trình thụ phấn thụ tinh, chỉ có BB2 trong vụ xuân 2007 có khoảng cách tung phấn - phun râu khá xa 5 ngày.

Sau quá trình thụ phấn, thụ tinh hạt ngô được hình thành và phát triển, vật chất hữu cơ được tích luỹ dần trong hạt. Hạt ngô trải qua các giai đoạn: mẩy hạt, chín sữa, chín sáp, hình thành răng ngựa và chín sinh lý.

3.2.1.4. Giai đoạn chín sinh lý

Đây là giai đoạn cuối cùng trong vòng đời của cây ngô. Giai đoạn này lượng nước trong hạt ngô giảm dần, thân lá chuyển sang màu vàng, lá bi khô, chân hạt xuất hiện vết chấm đen. Vụ thu đông năm 2007 nhiệt độ và lượng mưa ở tháng 11, 12 đều giảm làm cho thời gian chín sinh lý của các giống ngô bị kéo dài.

Qua theo dõi thí nghiệm chúng tôi thấy, vụ Xuân thời gian sinh trưởng của các tổ hợp lai dao động từ 121 -128 ngày. Trong đó, tổ hợp LS-07-23 có thời gian sinh trưởng tương đương với giống C-919, các tổ hợp còn lại cao hơn C-919 từ 3 - 7 ngày ở mức tin cậy 95 - 99%. Tổ hợp lai BB-2, LS-07-17, LS-07-19, LS-07-22, LS-07-23, KK-144 có thời gian sinh trưởng tương đương NK66, các tổ hợp còn lại đều sinh trưởng dài hơn đối chứng ở mức tin cậy 99%.

Vụ Thu Đông : Thời gian sinh trưởng của các tổ hợp lai dao động từ 109 -115 ngày, tổ hợp LS-07-19, LS-07-22, LS-07-23 có thời gian sinh trưởng tương đương với giống C-919, các tổ hợp còn lại muộn hơn C-919 từ 2 - 6 ngày ở mức tin cậy 99%. Tổ hợp lai BB-1, BB-3, LS-07-24, LS-07-25 có thời gian sinh trưởng dài hơn giống NK-66 từ 3-5 ngày ở mức tin cậy 99%, tổ hợp BB-2, LS-07-17, LS-07-20 có thời gian sinh trưởng dài hơn giống NK- 66 mức tin cậy 95%, các tổ hợp còn lại có thời gian sinh trưởng tương đương với giống NK-66.

Qua theo dõi thí nghiệm vụ Xuân và vụ Thu Đông 2007 cho thấy, các tổ hợp ngô lai có thời gian sinh trưởng vụ Xuân từ 121 - 128 ngày, vụ Thu Đông từ 109 - 115 ngày. Trong đó, tổ hợp LS-07-23 có thời gian sinh trưởng tương đương với giống đối chứng C-919 và NK-66 ở cả 2 vụ thí nghiệm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển của một số tổ hợp ngô lai vụ Xuân và Thu Đông năm 2007 tại Thái Nguyên (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)