III. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2001-
B. Nguyên nhân chủ quan:
Các rào cản hành chính: Không phải tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn
đều nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay. Ngay cả trong nội bộ các Sở, Ban, Ngành trực tiếp liên quan cũng không phải sự nhận thức này đã được thống nhất từ cấp lãnh đạo cao nhất đến thấp nhất mà vẫn còn một bộ phận nhỏ tỏ ra mơ hồ, thờ ơ trước những yếu kém còn tồn tại trên địa bàn.. Những yếu tố đó đã gián tiếp làm các thủ tục hành chính của tỉnh trở nên phiền hà, nhiều vấn đề của nhà đầu tư trong quá trình triển khai và vận hành dự án không được quan tâm, ưu tiên giải quyết. Các nhà đầu tư đã rất nhiều lần nản lòng trước thủ tục phê duyệt dự án rườm rà cộng với thời gian thẩm định dự án quá lâu, có khi lên tới vài tháng hoặc vài năm. Khi dự án của họ được cấp phép thì thời gian kinh doanh đã trôi qua và lòng tin của họ với môi trường đầu tư của tỉnh đã suy giảm nghiêm trọng, do đó họ rút lại dự án và đi sang tỉnh khác để tìm cơ hội đầu tư.
Các rào cản quy hoạch: Công tác quy hoạch cũng là một hạn chế khác không kém phần
nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, mặc dù luật pháp, chính sách và môi trường đầu tư không ngừng được hoàn thiện nhưng hiệu quả thu hút FDI vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của các tỉnh. Theo các chuyên gia quản lý dự án, một trong những nguyên nhân là do quy hoạch phát triển các ngành chủ chốt đến nay vẫn chưa được xác định. Nhiều nhà đầu tư đã mất khá nhiều thời gian tìm hiểu và hình thành dự án nhưng đến khi dự án được hình thành thì lại phải huỷ bỏ vì quy hoạch thay đổi, đó cũng là do tỉnh Phú Thọ chưa có quy hoạch, hướng dẫn đầu tư tổng thể hợp lý. Công tác
quy hoạch chi tiêt, quy hoạch cho đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng chưa được coi trọng. Trong các năm vừa qua, tỉnh vẫn chưa có sự nghiên cứu nghiêm túc và xây dựng các danh mục dự án đầu tư chủ yếu cần thu hút. Vì thế, để tránh rủi ro, các nhà đầu tư phải chờ đợi để thăm dò.
Chất lượng nguồn nhân lực: Thực tế ở Phú Thọ cho thấy, đội ngũ những người làm kinh
doanh và viên chức Nhà nước còn thiếu và yếu. Nét nổi bật của sự yếu kém thể hiện ở chỗ: Khả năng hiểu biết về luật và áp dụng luật, kinh nghiệm nắm bắt thị trường, kinh nghiệm làm ăn với người nước ngoài, trình độ ngoại ngữ, thông lệ quốc tế... Tỉnh vẫn chưa có các hình thức đào tạo thích hợp, nhất là đào tạo nghề với sự tham gia của các tổ chức trong nước và nước ngoài nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động kỹ thuật cao của nhà đầu tư để họ đáp ứng được yêu cầu công việc.
Hoạt động xúc tiến đầu tư: Hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài vẫn chưa nhận được
sự quan tâm thích đáng, chưa được tiến hành rộng rãi và toàn diện. Đó là nguyên nhân mà ngoài Hàn Quốc ra, rất ít quốc gia khác biết tới Phú Thọ hoặc là có đầu tư nhưng rất ít như là Nhật Bản hay Trung Quốc. Nhiều dự án lớn mà vẫn do Trung Ương giao cho tỉnh Phú Thọ. Trang web giới thiệu tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh còn ít thông tin, chưa có đầy đủ thông tin về các tiềm năng của tỉnh cũng như danh mục các dự án FDI kêu gọi vốn đầu tư. Tỉnh chưa thực sự đầu tư kinh phí để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương.
Cơ cấu vốn FDI
Theo hình thức đầu tư:.Số lượng dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài vẫn
được nhà đầu tư ưa thích hơn, chứng tỏ có những sự khó khăn trong việc liên doanh giữa trong nước và nước ngoài. Đã có dấu hiệu các dự án xin chuyển đổi hình thức sở hữu từ liên doanh sang hình thức 100% vốn nước ngoài sau một thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh do sự không nhất trí giữa 2 bên tham gia liên doanh. Việc tăng lên của các dự án 100% vốn nước ngoài sẽ càng hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ cũng như kinh nghiệm quản lý từ phía Việt Nam, và phía Việt Nam sẽ được hưởng ít thành quả hơn từ quá trình sản xuất kinh doanh.
Theo đối tác đầu tư: Giai đoạn 2001-2005, tỉnh mới chỉ thiết lập được quan hệ đối tác
với 4 quốc gia, trong đó vắng bóng Singapore là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam. Điều này chứng tỏ công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh vẫn chưa rộng rãi và toàn diện. Ngoài Hàn Quốc ra thì cả 3 đối tác còn lại vẫn chưa thực sự tin tưởng vào môi trường đầu tư của tỉnh, do đó số lượng dự án còn rất hạn chế và với quy mô nhỏ, chỉ mang tính chất thăm dò là chính.
Theo địa bàn đầu tư: Sự mất cân đối thể hiện rất rõ trong cơ cấu FDI theo địa bàn đầu
tư của tỉnh. Ngoài thành phố Việt Trì và huyện Phù Ninh ra thì các địa phương khác thu hút được rất ít dự án. Điều này không mang lại cho các huyện cơ hội phát triển, không khai thác được lợi thế và tiềm năng của địa phương. Các huyện miền núi vốn khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn, gia tăng sự cách biệt với khu vực thành thị.
Theo ngành, lĩnh vực: Cơ cấu vốn FDI theo ngành cũng khá mất cân đối. Ngành nông
nghiệp Phú Thọ tuy có nhiều tiềm năng về đất đai song mới chỉ có 8 dự án đầu tư và đó đều là các dự án nhỏ, mới chỉ xuất hiện trong 2 năm trở lại đây. Ngành dịch vụ cũng có nhiều tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng du lịch, song cũng mới chỉ có 8 dự án đầu tư với số vốn khiêm tốn 65,54 triệu USD trong 7 năm. Trong ngành công nghiệp cũng có sự mất cân đối khi lĩnh vực công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động chiếm đa số, thiếu các dự án công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn.
Nguyên nhân
Công tác xúc tiến đầu tư vẫn còn mất cân đối, thường chỉ tập trung vào một đối tác là Hàn Quốc thay vì đa phương hóa đối tác. Công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa khai thác tiềm năng của tất cả các huyện, thị trong tỉnh. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém nên gây khó khăn cho các nhà đầu tư muốn đầu tư vào vùng sâu vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn. Ngoài ra. tỉnh Phú Thọ hiện nay vẫn còn thiếu các biện pháp cụ thể và tích cực trong việc tận dụng các thế mạnh sẵn có của tỉnh để thu hút FDI. Lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản, du lịch sinh thái, khai thác khoáng sản,.. là những lĩnh vực mà tỉnh có nhiều ưu thế, song vẫn chưa có một chính sách cụ thể nào được đưa ra để ưu tiên các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực này, do đó mà cơ cấu vốn FDI của tỉnh khá mất cân đối.
2.2. Triển khai các dự án FDI
Mức độ hoàn thành công việc
Trong giai đoạn 2001-2007, trong tổng số 76 dự án được cấp phép thì có 16 dự án không còn có khả năng thực hiện và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư (Nhóm 4), chiếm 21,05%. Trong số 16 dự án này có nhiều dự án lớn. Tỷ trọng số dự án đã và đang triển khai cũng chiếm tới gần một nửa (47,37%). Với mức độ triển khai công việc như vậy, không nhiều dự án đi vào sản xuất một cách có hiệu quả.
Nguyên nhân
Chú trọng số lượng hơn chất lượng: Do đang trong giai đoạn đầu thu hút vốn ĐTNN
nên thời gian qua, tỉnh chủ yếu tập trung tăng số lượng dự án đầu tư hơn là việc sàng lọc chất lượng các dự án. Hệ quả là hầu hết các doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại Phú Thọ là những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, hoạt động chưa ổn định, thậm chí một số doanh nghiệp còn thường xuyên thua lỗ, công nghệ của hầu hết các dự án này còn ở trình độ trung bình và thấp. Nhiều dự án đang hoạt động phải bỏ dở vì không còn khả năng thực hiện dự án và bị thu hồi Giấy phép đầu tư.
Công tác quản lý dự án chưa khoa học: Tỉnh chưa có những biện pháp quản lý có hiệu
quả đối với các doanh nghiệp FDI, do đó phản ứng thường chậm trước các biến cố không thuận lợi và không giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc phát sinh. Tỉnh chưa tiến hành công tác phân loại dự án để có các biện pháp xử lý thích hợp.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư
Tuy mức vốn FDI thực hiện có vẻ cao, song công tác hỗ trợ triển khai ở Phú Thọ thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác giải phóng mặt bằng vốn là thủ tục tốn kém nhiều thời gian và chi phí đối với nhà đầu tư nhưng tỉnh chưa thực hiện tốt. Nếu như Hải Dương, Vĩnh Phúc có chế độ hỗ trợ nhà đầu tư bằng tiền rất ưu đãi cho công tác giải phóng mặt bằng thì Phú Thọ chưa làm được điều đó. Giá đối với các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác được áp dụng mức giá tương đương như các doanh nghiệp Việt Nam, chưa áp dụng mức ưu đãi đối với nhà đầu tư trong thời gian đầu.
Nguyên nhân
Công tác hỗ trợ triển khai: Công tác hỗ trợ triển khai các dự án FDI còn nhiều bất cập,
đặc biệt là việc hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng mặt bằng. Khâu giải phóng mặt bằng luôn tốn nhiều thời gian, chi phí do xử lý chưa kiên quyết, triệt để, chưa nhận được sự hợp tác và tuân thủ của người dân ở các nơi được giải tỏa. Với các dự án ở trong KCN- CCN thì do cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến nhiều vướng mắc khi triển khai các dự án FDI tại các khu vực này.
Hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao: Các doanh nghiệp FDI khi tiến hành thực hiện dự
án ở tỉnh Phú Thọ vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo tỉnh cũng như của đội ngũ công chức nhà nước, nhiều khi còn bị phân biệt đối xử. Trong khi cung cấp dịch vụ công, tỉnh chưa chủ động tìm đến doanh nghiệp và tìm hiểu các nguyện vọng chính đáng của họ. Việc đại diện cơ quan nhà nước trực tiếp tiếp xúc và đối thoại với đại diện doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc trong thực thi dự án vẫn còn khá hạn chế. Các hiện tượng phiền hà và sách nhiễu vẫn còn tồn tại làm gia tăng đáng kể thời gian thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài.
Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ: Hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh, đặc biệt cơ sở hạ tầng
KCN-CCN của tỉnh vẫn còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều khi doanh nghiệp đầu tư vào KCN-CCN đã có mặt bằng nhưng lại chưa có đủ các dịch vụ phụ trợ như điện, nước, viễn thông,... dẫn đến đình trệ tiến độ sản xuất kinh doanh của dự án. Ở các nơi ngoài KCN-CCN thì ngoài khó khăn trong giải phóng mặt bằng, vấn đề giao thông vẫn là một rào cản rất lớn.
Hoạt động của doanh nghiệp FDI
Theo kết quả điều tra khảo sát thực tế thì có nhiều doanh nghiệp tuy đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh được hơn ba năm mà vẫn chưa có lợi nhuận; họ đang trong tình trạng làm ăn kém hiệu quả và thua lỗ thường xuyên nên tốc độ tăng vốn đầu tư trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng thấp, trung bình khoảng 11%/năm/doanh nghiệp. Do vậy, công nghệ chưa được nâng cấp kịp thời nên sớm trở nên lạc hậu.
Dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu và GDP của tỉnh song các doanh nghiệp FDI chưa có đóng góp nhiều cho ngân sách tỉnh (10% ngân sách tỉnh trong giai
đoạn 2001-2007). Một số doanh nghiệp mang đến tỉnh các công nghệ cũ kỹ, lạc hậu để tiến hành sản xuất, gây nạn ô nhiễm môi trường.Còn một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc pháp luật, đặc biệt là thực hiện Luật Lao động đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và gây mâu thuẫn, bức xúc trong doanh nghiệp.
Nguyên nhân
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp chưa hiệu quả: Tỉnh chưa thực sự quan tâm giải quyết bức xúc
của doanh nghiệp khi sản xuất kinh doanh, dẫn đến giải quyết chậm các vướng mắc như thiếu điện, nước khi mở rộng sản xuất,... Đây là nguyên nhân làm cho nhiều doanh nghiệp bị đình trệ kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Công tác giáo dục định hướng cho người lao động còn nhiều hạn chế: Tại các doanh nghiệp
có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vai trò của công đoàn và các tổ chức xã hội là hạn chế hơn so với các doanh nghiệp khác. Do vậy ý thức của tầng lớp công nhân tại doanh nghiệp còn yếu, thường xuyên xảy ra tình trạng ăn cắp và gây rối loạn. Một số nơi còn xảy ra hiện tượng công nhân đình công gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp.
Công tác phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp chưa hiệu quả: Các cơ quan nhà nước tại tỉnh
Phú Thọ chưa có các biện pháp hữu hiệu để phổ biến pháp luật, đặc biệt là Luật Lao động cho các doanh nghiệp FDI. Công tác kiểm tra giám sát việc thực thi pháp luật cũng có nhiều bất cập nên ở một số nơi xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật như đánh đập công nhân, chậm trả lương và không đóng bảo hiểm xã hội.