Gia nhập WTO, chúng ta sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về sở hữu trí tuệ. Chắc chắn các quan hệ thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải tranh bị những kiến thức về pháp luật quốc tế. Lâu nay chúng ta vẫn quen chỉ sử dụng luật “nước mình”. Việc áp dụng chính xác luật, việc dẫn chiếu pháp luật, sử dụng thành thảo quy phạm xung đột pháp luật... là rất quan trọng đối với cả nhà nước và doanh nghiệp.
Hiện tại, cùng với Bộ Luật dân sự 2005, Luật sở hữu trí tuệ 2005, Chính phủ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết về các quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam như các Nghị định số 120/2005/NĐ-CP; 100/2006/NĐ-CP; 103/2006/NĐ-CP; 104/2006/NĐ-CP; 105/2006/NĐ-CP; 106/2006/NĐ-CP. Với các nghị định này, pháp luật sở hữu trí tuệ nước ta đã tiệm cận dần đến cácWnguyên tắc và quy định của WTO, WIPO...
Về đối ngoại, chúng ta đã là thành viên của các Điều ước quan trọng như Công ước Paris, Thoả ước Madrid, Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá, Hiệp ước hợp tác Patent, Công ước Berne về bản quyền... và đặc biệt là Hiệp định TRIPS.Ngoài ra, các điều ước quốc tế đa phương và song phương liên quan đến việc khiếu nại, xét xử, trọng tài, thi hành bản án, quyết định, tương trợ tư pháp... giữa Việt Nam và các nước là những cơ sở quan trọng trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, công tác hỗ trợ và tư vấn về sở hữu công nghiệp trong đó có vấn đề “bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá” cũng đã được chú trọng và thực hiện thường xuyên, các hoạt động nhằm hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp bước đầu được triển khai trên nhiều lĩnh vực. Thông qua Cục sở hữu trí tuệ ngoài việc tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp được thực hiện thường xuyên cho hàng trăm lượt người, các hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ (đặc biệt là chỉ dẫn địa lý) cũng được tăng cường. Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (được phê duyệt theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/04/2005) đã được triển khai ngay sau khi Thông tư quản lý tài chính của Chương trình được ban hành (ngày 31/10/2006) với hàng loạt hạng mục công việc có nội dung khác nhau. Đồng thời, công tác thông tin và năng lực thông tin về sở hữu công nghiệp cũng tiếp tục được hoàn thiện, phát triển. Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu thông tin về sở hữu công nghiệp (hệ thống phân loại sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu phù hợp với quốc tế, các chương trình tra cứu thông tin, số hoá tư liệu sáng chế), bổ sung hàng chục vạn tư liệu sở hữu công nghiệp và phát hành các sản phẩm thông tin nhằm nâng cao chất lượng phục vụ thông tin về sở hữu công nghiệp cũng như phục vụ đắc lực công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
Ngoài ra, công tác thực thi và giải quyết khiếu nại tiếp tục được Cục Sở hữu trí tuệ chú trọng theo hướng hiệu quả. Ngoài việc tiếp nhận và xử lý hàng trăm đơn khiếu nại về xác lập quyền sở hữu công nghiệp, yêu cầu chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ còn tham gia thẩm định, giám định pháp lý về sở hữu công nghiệp theo yêu cầu của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, cũng như tích cực tham gia các hoạt động tư pháp, tố tụng liên quan đến giải quyết khiếu nại và tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp tại Toà án, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi xử lý hàng trăm vụ vi phạm hành chính và xâm phạm về sở hữu công nghiệp. Nhằm khắc phục tình trạng xâm phạm, vi phạm về sở hữu trí tuệ, nạn hàng giả, hàng nhái… tiếp tục diễn ra nghiêm trọng làm cho hệ thống sở hữu trí tuệ bị coi là thiếu hiệu quả, Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ trì nghiên cứu, tu chỉnh và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ” triển khai thực hiện năm 2007.
Theo ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục SHTT trong năm 2007, Cục này đã tiếp nhận khoảng 27.000 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tăng 20% so với năm 2006. Điểm tích cực là các DN Việt Nam đang nhận thức tốt hơn về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, với khoảng 70% lượng đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu năm 2007 là của chủ thể Việt Nam, còn lại là của người nước ngoài. "Đây là bước tiến lớn trong công tác bảo hộ SHTT tại Việt Nam, cho thấy nhận thức về bảo hộ SHTT của các DN Việt Nam tốt hơn những năm trước (Theo Cục sở hữu trí tuệ).
Bên cạnh đó thì công tác giải quyết khiếu nại trong năm 2007 cũng tăng đáng kể. Năm 2007, Cục SHTT đã tiếp nhận khiếu nại gần 400 vụ, trong đó đề nghị đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ khoảng 105 đơn. Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng thực thi và khiếu nại (Cục SHTT), điểm đặc trưng trong năm 2007 là đã áp dụng mức phạt về hành vi vi phạm SHTT
ở mức 100 triệu đồng không còn hiếm nữa (Theo Cục sở hữu trí tuệ).