16 Dẫn theo Trần Thị Mai, Vai trò của cộng đồng người Việt trong công cuộc khai phá
2.2.3 Sự phân tầng, phân hóa xã hội diễn ra rất sớm và gay gắt
Nam Bộ là vùng đất mới, có nhiều ưu đãi do thiên nhiên ban tặng, kinh tế “mở” và phát triển khá mạnh mẽ so với những khu vực khác trong nước, song, cũng chính trên vùng đất mới này, sự phân tầng, phân hóa xã hội lại diễn ra rất sớm.
Trong những biến đổi về mặt xã hội, còn có một hiện tượng nổi bật là sự phát triển công cuộc khẩn hoang đồng thời cũng là quá trình diễn ra sự phân hoá về mặt xã hội ngày càng sâu sắc. Chính địa chủ Nam Bộ trong quá trình khẩn hoang, với tiềm lực kinh tế, tài chính khá hùng hậu của mình đã thuê mướn nhân công, tổ chức khai hoang với quy mô lớn, từ đó trở thành những địa chủ chiếm hữu nhiều ruộng đất. Từ đây bộc lộ những mặt hạn chế là sự hình thành và ngày càng mở rộng của bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu lớn của địa chủ dựa vào thế lực kinh tế và đôi khi cả thế lực chính trị, thông qua các phương thức cầm cố, cưỡng đoạt, thôn tính dần những đất đai thuộc sở hữu nhỏ nông dân, đẩy nông dân nghèo vào tình cảnh mất đất, không còn phương tiện sinh sống. Điều này cho thấy rằng ngay trong giai đoạn thế kỷ XVII –
XVIII, sự mở rộng công cuộc khẩn hoang và gia tăng sản xuất nông nghiệp trong quá trình khai phá vùng đất Nam Bộ, đồng thời cũng bộc lộ những mâu thuẫn xã hội nhưng có điều chưa gay gắt như khi bước sang thế kỷ XIX. Vào thế kỷ XIX thì với sự bảo thủ, trì trệ của chế độ phong kiến Việt Nam, đặc biệt là phong kiến nhà Nguyễn,
từ nền kinh tế tiểu nông với chế độ sở hữu ruộng đất tư hữu tập trung trong tay đại địa chủ được chính quyền dung dưỡng và từ chế độ thuế khóa, lao dịch phong kiến nặng nề của các chính quyền phong kiến. Tình trạng tích tụ ruộng đất vào tay đại địa chủ và tình trạng nông dân nghèo, bị phá sản hàng loạt ở Nam Bộ là nguồn gốc dẫn đến những cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt bùng nổ ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ dưới thời các vua triều Nguyễn mà Quốc sử quán triều Nguyễn đã phản ánh rất nhiều trong Đại Nam thực lục hay trong Minh Mệnh chính yếu…
Mặc dù vậy, một thực tế không thể phủ nhận là những thành tựu đạt được về mặt khẩn hoang và phát triển kinh tế trong giai đoạn thế kỷ XVII - XVIII có sự đóng góp rất lớn của địa chủ ở Nam Bộ. Và chính những thành tựu này là nền tảng cho công cuộc khai phá vùng đồng bằng Nam Bộ trong những thế kỷ tiếp theo.