Một sản phẩm chỉ tiêu thụ được khi thị trường có nhu cầu về nó. Tuy nhiên sản lượng tiêu thụ của sản phẩm đó còn chịu nhiều tác động khách quan khác từ môi trường kinh tế như tỉ lệ lạm phát, suy thoái kinh tế… nên những người làm Marketing cần theo dõi chặt chẽ các biến số trên để có thể có những chiến lược phù hợp với tình hình phát triển kinh tế nhằm mang lại
lợi ích và hiệu quả tối ưu cho khách hàng cũng như cho doanh nghiệp mình.
Một môi trường kinh tế phát triển tăng dần đều luôn tạo được những thuận lợi khách quan cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Có thể nói trong những năm qua Việt Nam duy trì được tốc độ phát triển cao, tỷ lệ lạm phát không đáng kể, hầu như không xảy ra hiện tượng suy thoái kinh tế… là những thành tựu đáng khích lệ của kinh tế Việt Nam, được thể hiện qua bảng số liệu dưới đây:
Năm 2003 2004 2005 2006 2007
% 6,89 7,04 7,24 7,69 8,40
Tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm (Nguồn: Tạp chí Đầu tư số tháng 12 năm 2007)
Như vậy, sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam qua những năm qua không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế nói chung và ngành công nghiệp phần mềm nói riêng phát triển, mà nó còn tạo được một cơ sở vật chất tốt như hạ tầng cơ sở viễn thông và Internet, môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút nhiều vốn đầu tư,… vốn là những yếu tố cơ bản rất cần thiết cho sự phát triển của một doanh nghiệp phần mềm.
1.4.2. Môi trường pháp luật
Môi trường pháp luật là một trong những môi trường Marketing vĩ mô quan trọng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhất là khi doanh nghiệp đó hoạt động trong lĩnh vực phần mềm. Việt Nam vốn được biết đến như một quốc gia có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới, mặc dù đã tham gia vào nhiều công ước và Hiệp ước lớn trên thế giới, đồng thời cũng có cả một bộ luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng cho đến nay tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm vẫn không giảm là bao.
Cụ thể thì Việt Nam đã tham gia 3 công ước lớn trên thế giới có liên quan đến lĩnh vực bảo hộ bản quyền phần mềm, bao gồm:
• Công ước Stockholm về việc thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (tên viết tắt là WIPO)
• Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp
• Công ước Berne về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Như vậy, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong lĩnh vực phần mềm nhằm tạo được một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp phần mềm trong nước và cả quốc tế. Thế nhưng, do công tác quản lý và kiểm tra việc thực thi các Công ước trên còn yếu kém và tồn tại nhiều bất cập nên cho đến nay thực trạng việc kinh doanh phần mềm tại thị trường Việt Nam vẫn còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là không ngăn chặn được việc vi phạm bản quyền phần mềm đang xảy ra tràn lan. Nguyên nhân chủ yếu như: các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam chủ yếu nằm trên giấy, thực tế ít được thực hiện; biện pháp thực thi chưa đúng; thiếu các quy định về trình tự, thủ tục; phân định trách nhiệm của các cơ quan giám sát chưa đồng nhất; và nhất là nhận thức của chúng còn rất hạn chế.
Các cơ quan quản lý và thực thi cần có nhiều biện pháp mạnh và cương quyết hơn nữa nhằm đối phó với nạn sao chép phần mềm bất hợp pháp đang diễn ra ngang nhiên như hiện nay… Về phía các doanh nghiệp, cách tốt nhất không phải là giảm giá mà là nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ sản phẩm cũng như các dịch vụ chăm sóc khách hàng sau khi bán. Còn về phía người tiêu dùng cũng cần nhận thức được rằng sử dụng phần mềm không có bản quyền không những là hành động bất hợp pháp mà nó còn có tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung…