Nguồn gốc tộc người

Một phần của tài liệu Sự tương đồng và khác biệt về nội dung giữa truyện thơ tày và truyện thơ thái (Trang 91 - 96)

1. Xét về phương diện lịch sử hình thành và phát triển của hai dân tộc

1.1. Nguồn gốc tộc người

Trong tiếng Việt, danh từ dân tộc dùng theo hai nghĩa, phản ánh hai khái niệm khác nhau. Nghĩa thứ nhất, dân tộc bao gồm những người cùng chung nòi giống (tương ứng với danh từ tộc người), như dân tộc Kinh (hay Việt), dân tộc Tày, dân tộc Thái, dân tộc Ê đê...; nghĩa thứ hai, dân tộc bao gồm tất cả mọi người không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, giàu nghèo, cùng chung một quốc gia với sự thống nhất cao về những mặt cơ bản (như tiếng nói phổ thông, lãnh thổ, nhà nước...)... Theo nghĩa thứ hai thì “dân tộc Việt Nam là một” (Hồ Chí Minh), còn theo nghĩa thứ nhất thì cộng đồng người Việt Nam gồm 54 dân tộc (tộc người) khác nhau về một số đặc điểm nhân chủng, tiếng nói, địa bàn sinh hoạt, phong tục, tập quán...

Hiện nay đa số các nhà nghiên cứu dân tộc học nước ta đã phân chia các dân tộc (tộc người) ở Việt Nam thành bảy nhóm có quan hệ gần gũi. Một trong số những nhóm đó là: nhóm Tày - Nùng - Thái. Trong nhóm dân tộc này, đông nhất là người Tày rồi đến Thái và Nùng. Đồng bào Tày, Nùng, Thái sống tập trung chủ yếu ở vùng Việt Bắc và Tây Bắc nước ta.

“Tộc người Tày thuộc ngữ hệ Nam Á, xuất hiện vào thời đại đồ đồng thau, ở miền Bắc Việt Nam, được hình thành trên cơ sở những loại hình Anhđônêđiêng bản địa, tổ tiên trực tiếp của người Nam Á hiện nay, trong đó có người Kinh, Mường, Tày, Thái…” [24, tr.21].

Giới nghiên cứu đi trước đã đưa ra những phác thảo về tổ tiên của người Tày, Thái. Hầu hết các học giả đều thống nhất rằng, đến đời Tần Hán, tổ tiên các dân tộc Tày, Thái ở phía đông nằm trong khối cộng đồng Tây Âu và Lạc Việt [68, tr.379]. Do “đặc điểm lịch sử của miền Nam Trung Quốc và miền núi Bắc Bộ Việt Nam là lịch sử của những đợt di cư của các tộc người thuộc các ngôn ngữ khác nhau. Kết quả của các đợt di cư rộng lớn từ thế kỉ III trước Công nguyên đến đời Tần Hán về sau đã làm cho các tộc người bản địa vùng này bị biến động, phải thiên di xuống phía nam hoặc phải dạt vào các miền rừng núi. Sự hỗn nhập nhân chủng và văn hoá qua các lần di cư đã làm thay đổi cục diện và đã thúc đẩy khối Tày - Thái cổ tách làm hai vào khoảng những thế kỉ trước, sau Công nguyên. Sự phân bố của khối Tày - Thái về phía đông, cơ bản được ổn định vào đầu công nguyên với ranh giới khu vực là miền núi rừng Đông Bắc (Việt Bắc) ngày nay” [24, tr.21]. Đây cũng chính là thời kì diễn ra quá trình hình thành nhà nước Văn Lang ở miền đất cổ Phong Châu. Theo sử cũ và truyền thuyết thì lúc bấy giờ có khoảng 15 bộ lạc đã liên kết lại để dựng nên nhà nước Văn Lang, mở đầu thời đại đầu tiên của lịch sử Việt Nam - thời đại các vua Hùng. Các bộ lạc Tày - Thái cổ được coi như là một thành phần quan trọng trong sự liên minh bộ lạc lần thứ nhất...

“Theo các sử sách Trung Quốc, về thời Chu Tần, các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái gọi chung là Bách Việt hay Việt Tộc; thời Tần về sau có tên gọi là Tây Âu, Lạc Việt; thời Lưỡng Hán có tên gọi là Ô Hử; thời Nam Bắc Triều có tên gọi là Lý, Lạo, Lang; thời Tống xuất hiện các tên gọi Thổ, Cháng và thời Minh tên Cháng trở thành phổ biến” [60, tr.20].

Người Tày có truyền thuyết Pú Lương Quân nói lên sự có mặt của họ từ những thời kì lịch sử xa xăm trên đất nước Việt Nam. Theo truyền thuyết này thì hai ông bà thuỷ tổ của người Tày là hai nhân vật khổng lồ “Pú Luông”, “Giả Cải”, mình đầy lông lá nhưng người đẹp và phúc hậu, có sức khoẻ phi thường.

“Pú Luông” thì khuất phục được voi, đá hổ chết tươi... “Giả Cải” đẻ tới hai mươi lứa con, chẵn 100 trai gái mà vẫn nuôi nấng, chăm sóc được chu đáo, tất cả đều xinh trai đẹp gái. Loài người lúc đầu ăn sống, nuốt tươi, sống bằng săn bắt hái lượm, ở trần truồng, tối nằm hang hốc... Hai ông bà Pú Lương Quân đã có công tìm ra lửa để nấu thức ăn chín, phát minh ra nghề trồng trọt và chăn nuôi, xây dựng thành bản mường.

Ngoài ra, trong dân gian người Tày vẫn còn lưu truyền truyền thuyết: “Nạn hồng thuỷ, nước ngập đến tận ngôi sao (nặm thổm đao đí) làm chết cả loài người và muôn vật, chỉ còn sống sót hai anh em (một trai và một gái) trong quả bầu, hai anh em đành lấy nhau để cho loài người khỏi bị diệt vong”; “hoặc truyền thuyết yêu tinh ăn thịt hết loài người, súc vật, sau nhờ có người con thứ hai của “Pjạ” (người mồ côi) tiêu diệt được loài yêu tinh, tước được gậy thần của nó, làm sống lại loài người và súc vật (Truyện “Pjạ” lấy vợ tiên) [61, tr.14-15].

Người Tày còn có câu chuyện lưu truyền về lòng nhân nghĩa của con người: Dưới trần, con người tinh khôn hơn hết, được trời phú cho quyền sử dụng muôn vật để phục vụ cho cuộc sống của mình. Truyện kể rằng: “Một hôm trời giả vờ chết để thử lòng chung thuỷ của muôn loài. Được tin trời chết, các loài vật dưới trần như: hổ, beo, cầy, cáo, hươu, nai, chim chóc kéo lên thiên đình để tranh nhau ăn gan trời, một món ăn quí nhất trên đời, là món thuốc trường sinh bất tử. Người cũng đi vào đám đông các loài vật, trông thấy rùa đi chậm chạp, lại vướng vào một dây leo. Không gỡ ra được. Người thương hại, gỡ rùa ra. Rùa vốn là giống tiên tri, nói cho người biết rằng trời chỉ giả vờ chết để thử lòng chung thuỷ của muôn loài, chứ không phải chết thật. Biết vậy, khi đến thiên đình, người phục xuống than khóc để tỏ lòng thương tiếc trời, như con đối với cha, trong khi các loài vật lại nhao nhao lên đòi ăn gan trời. Trời khen người ăn ở có nhân nghĩa, nổi giận lôi đình, mắng

các loài vật vô ơn bạc nghĩa và phán: “con người có quyền sử dụng, ăn các loài vật” [61, tr.15].

Sự thực lịch sử và nhiều sự kiện “từ Hai Bà Trưng cho đến Nùng Chí Cao đã khẳng định một bước phát triển mới của các bộ tộc Tày - Thái cổ qua sự củng cố ý thức tộc người để vươn lên thành một cộng đồng lãnh thổ tộc người tự cường ở vùng phía Bắc Việt Nam. Sau cuộc nổi dậy của Nùng Chí Cao thì lịch sử chung của tổ tiên các nhóm dân tộc Tày, Thái phía đông đã chấm dứt với sự hình thành tộc người Choang ở Trung Quốc và sự hình thành tộc người Tày ở Việt Nam” [24, tr.22]. Chính vì thế mà học giả Đào Duy Anh đã nhận định: “Người Tày ở Việt Bắc nước ta ngày nay cũng cùng tổ tiên với người Choang”; “người Choang là thành phần quan trọng nhất của tỉnh Quảng Tây ở Trung Quốc ngày nay và người Tày là thành phần quan trọng nhất ở khu Việt Bắc nước ta ngày nay... người Choang, tức là người Tây Âu (một nhóm Bách Việt) vào miền Bắc Việt Nam thì thành các bộ lạc mà di huệ ngày nay là người Tày” [1, tr.35].

Với tộc người Thái, quá trình tách khỏi tổ tiên người Tày cổ của tộc người Thái gắn liền với quá trình chinh phục những miền đất mới vốn là khu vực cư trú của những tộc người tiền Thái. Đó là các tộc người nằm trong nhóm ngôn ngữ Môn Khơ me, bao gồm Khơ mú, Kháng, Mảng, Khơ me, Cơ tu, La ha...

Theo tác giả Đặng Nghiêm Vạn, vào khoảng thế kỉ XI đến XII, một bộ phận tổ tiên ngành Thái Đen do anh em dòng họ Tạo là Tạo Xuông và Tạo Ngơn dẫn đầu xuôi theo dòng Nậm Tao (sông Hồng), đến hạ lưu thì tạt sang bên phải chiếm đất Mường Lò, chọn thung lũng rộng lớn Muờng Lò (Nghĩa Lộ - Yên Bái ngày nay) làm điểm dừng chân. Sau đó một thời gian, hậu duệ của dòng họ Tạo, thủ lĩnh là Lạng Chượng cầm binh thu phục dần các bộ tộc Nam Á từ Nghĩa Lộ qua Sơn La, tới Điện Biên. Cuộc hành trình của Lạng Chượng đã mở đầu giai đoạn thống trị Thái làm chủ miền Tây Bắc.

Theo sách dã sử và truyền thuyết của chính người Thái, “Lạng Chượng phải chật vật lắm mới thắng nổi quân Nam Á. Truyền thuyết Thái kể rằng: Quân Xá (tức Nam Á) có tên làm bằng đồng sắc nhọn, còn quân Thái chỉ có tên làm bằng tre. Lạng Chượng mới lập mưu thách nhau bắn xem tên ai cắm vào đá là thắng. Quân Xá bắn tên đồng vào đá thì bật ra. Quân Thái nạp cục sáp ong vào đầu tên tre nên bắn vào đá thì dính. Quân Xá chịu thua, phải để quân Thái chiếm đất, còn quân Xá phải chạy vào rừng sâu mà ở. Truyền thuyết cũng kể rằng quân Xá thua, chẳng những mất đất mà còn phải dâng trống đồng cho quân Thái. Từ đấy các dân tộc Nam Á suy thoái dần” [69, tr.218]. Dù các dân tộc Nam Á suy thoái dần nhưng ảnh hưởng về văn hoá của các dân tộc này với dân tộc Thái vẫn còn (Truyện thơ Khun Lù - Chàng Ủa dựa trên cốt truyện cổ Xá là một trong nhiều minh chứng).

Cùng thời đó có một bộ phận Thái Trắng khác ở Lào do thủ lĩnh Nhọt Cằm cầm đầu đến cư trú ở vùng phía Nam Tây Bắc. Hành trình của Lạng Chượng và Nhọt Cằm đã mở đầu cho giai đoạn tầng lớp thống trị Thái làm chủ Tây Bắc. Đến khoảng cuối thế kỉ XIII, đầu thế kỉ XIV thì hùng mạnh, giàu có.

Người Thái cũng có huyền thoại Quả bầu mẹ nhằm giải thích nguồn gốc các dân tộc từ thuở hỗn mang. “Truyện kể hai anh em mồ côi, sống sót sau nạn hồng thuỷ nhờ chui được vào trong trống, rồi hai anh em mỗi người một ngả đi tìm đồng bào mãi mà không thấy, cuối cùng phải lấy nhau để loài người sinh sôi. Người em có mang bảy năm, bảy tháng, bảy ngày đẻ ra một quả bầu. Từ quả bầu lạ mà người Xá, người Thái, người Lự, người Lào... chui ra thành các dân tộc như ngày nay” [16, tr.18].

Như vậy người Tày và người Thái đều có chung một câu chuyện giải thích về nguồn gốc của loài người, và các dân tộc từ thuở hỗn mang. Đây cũng là điểm tương đồng trong quan niệm của người xưa về nguồn gốc loài người. Đây là quan niệm ít nhiều mang tính thô sơ và duy tâm, song đã phản ánh rõ tầm nhận thức của họ về thế giới và con người theo cách nguyên sơ nhất.

Trong quá trình lịch sử, cùng với các dân tộc anh em, hai dân tộc Tày, Thái đã góp công sức vào công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ, xây dựng và thống nhất đất nước. Vùng Đông Bắc và Tây Bắc - quê hương của người Tày, Thái giữ một vị trí hết sức quan trọng về kinh tế và quốc phòng. Từ những thời kì lịch sử xa xăm, tộc người Tày, Thái đã sát cánh với các dân tộc anh em, cùng nhau phấn đấu bền bỉ và dũng cảm để thành lập quốc gia Việt Nam thống nhất.

Trên đây là những khía cạnh có tính sơ lược về lịch sử người Tày, Thái, vẫn còn nhiều khía cạnh khác chưa được đề cập đến nhưng phần nào giúp chúng ta hình dung được những mạch nguồn lịch sử, văn hoá, môi trường nảy sinh ra truyện thơ Tày và truyện thơ Thái. Đó là cơ sở để chúng ta xem xét, lí giải những nét tương đồng và khác biệt giữa truyện thơ Tày và truyện thơ Thái.

Một phần của tài liệu Sự tương đồng và khác biệt về nội dung giữa truyện thơ tày và truyện thơ thái (Trang 91 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)