2. Xét về quan hệ văn hoá giữa hai dân tộc trong bối cảnh cộng đồng quốc
2.1. Quan hệ giao lưu văn hoá tự nhiên
“Từ một cộng đồng văn hoá cổ đại, có nhiều mối quan hệ về các mặt nhân chủng, ngôn ngữ… qua quá trình vận động lịch sử, diễn ra nhiều chuyển biến biện chứng, phức tạp trong các tộc người anh em. Những chuyển biến đó có khi diễn ra theo hướng phân hoá (từ một cộng đồng người Thái - Choang ở Hoa Nam phân hoá ra thành nhóm Thái -Tày -Nùng), nhưng thường thì những vận động biến chuyển đó diễn ra theo hướng hoà hợp… Đây là diễn biến chủ yếu. Đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay, trong điều kiện đất nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, với đà xây dựng các vùng kinh tế mới ngày càng phát triển thì việc hoà hợp giữa các dân tộc lại diễn ra rộng rãi hơn và chặt chẽ hơn nữa. Mặt khác, chính trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, những phong cách đa dạng của các dân tộc lại càng được khuyến khích phát triển một cách phong phú hơn” [43, tr.17].
Từ một cộng đồng cổ đại, dù đã có những chuyển biến nêu trên song do hai tộc Tày và dân tộc Thái có nhiều mối quan hệ về các mặt nhân chủng, ngôn ngữ, văn hoá... nên trong quá trình phát triển, quan hệ giao lưu văn hoá tự nhiên diễn ra như một quy luật, đặc biệt là về văn hoá tinh thần có nhiều điểm tương đồng.
Cũng như nhiều dân tộc khác, hai dân tộc Tày, Thái đã tìm cách giải thích những hiện tượng khách quan của trời, đất và con người. Thời đó họ thường biểu hiện hai loại nhân sinh quan. Bao trùm lên cuộc sống của họ là nhân sinh quan mang tính hiện thực, đó là cơ sở nhận thức và hành động đúng với thực tế khách quan trong cuộc đấu tranh để cải tạo thiên nhiên và xã hội. Bên cạnh đó là nhân sinh quan tồn tại trong ý niệm tín ngưỡng bộc lộ rõ trong các mặt phong tục, tập quán, tín ngưỡng của họ.
Trong tôn giáo của người Tày, Thái, tín ngưỡng cổ truyền là yếu tố chủ yếu, nó được nảy sinh trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, bị bọn thống trị lợi dụng để phục vụ lơi ích của chúng. Cho nên bên cạnh những tàn dư của các hình thái tín ngưỡng nguyên thuỷ như vật linh giáo, ma thuật, bái vật giáo (thờ hòn đá kì dị, cây đa to...), người Tày, Thái còn thờ thần sông núi, suối khe, các lực lượng thiên nhiên như sấm, chớp, mưa, gió... và thực hành những nghi lễ liên quan tới nông nghiệp, săn bắt, đánh cá, các nghề nghiệp. Các hình thái tôn giáo lớn của xã hội có giai cấp ngày càng thịnh hành. Những tôn giáo này không những không bài trừ mà còn kết hợp chặt chẽ với các hình thái cũ, làm cho tôn giáo tín ngưỡng của hai dân tộc ngày càng mang tính chất phức tạp.
Dân tộc Tày, Thái cho rằng, trời đất này tồn tại hai thế giới (hai mường) đó là: thế giới của sự sống (mường người - mặt đất) bao gồm sự tồn tại của con người và những vật chất khác nhau có thể trạng sống mà ta có thể nắm bắt và cảm giác được; thế giới của hư vô (mường trời hay còn gọi là mường Then - thế giới thần tiên, người trời và mường âm - những người sống trong lòng đất, chỉ nhỏ bằng chiếc bình vôi) là thế giới bao gồm một cõi sống ngự trị trong ý niệm trừu tượng, về cái họ thường gọi là Phi.
Danh từ “Phi” theo tiếng Tày (Thái) “dịch ra tiếng Việt là ma (ma theo tiếng Việt có nghĩa là xấu), có một nghĩa rất rộng: chỉ tất cả các thần thánh,
ma quỷ có mặt trên trời, dưới đất, dưới nước như: ma trời (Phi phạ), ma đất (Phi đin), ma rừng (Phi pá)…” [61, tr.19], ma bản (Phi bản), ma mường (Phi mường), ma nhà (tiếng Tày: Phi lườn; tiếng Thái: Phi hươn)... “Phi đồng nghĩa với linh hồn. Mỗi vật đều có phần hồn và phần xác. Đồng bào phân biệt hai loại ma lành và ma dữ, tức là phúc thần và hung thần. Đồng bào thờ ma lành ở trong nhà hay miếu thổ công, thành hoàng. Đối với ma dữ đồng bào không thờ cúng. Nhưng khi thầy bói hay thầy cúng phát hiện ra con ma nào gây ốm đau, tai hoạ thì phải cúng con ma ấy, tuỳ từng loại ma to ma nhỏ mà liệu lễ vật... Loại ma lành ban ơn ban phúc cho người trần, nhưng cũng trừng phạt người trần nếu làm trái ý hoặc lo việc cúng bái không chu đáo. Ngay cả ma tổ tiên trong nhà cũng có thể quấy rầy con cháu không kém các loại ma dữ nếu không vừa ý. Muốn cho khỏi bệnh, muốn cho tai qua nạn khỏi phải cúng tế, tạ tội. Do vậy, trong xã hội Tày, Thái cũ tồn tại khá phổ biến các tuc lệ cúng, khấn Phi dưới nhiều hình thức khác nhau” [61, tr.19]. Vậy “Phi” xuất phát từ vạn vật có linh hồn, cho rằng tất cả những hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội đều có Phi, có thể tác oai, tác phúc đối với con người, một khi con người khống chế được những lực lượng tự phát của tự nhiên, xoá bỏ mọi bất công xã hội chắc chắn vai trò của Phi sẽ giảm đi rất nhiều.
Như trên đã nói, người Tày, Thái cho rằng vạn vật đều có linh hồn. Người chết thường không biến mất mà quay trở về sống ở bản của tổ tiên. Cho nên, một trong những nét tiêu biểu trong tôn giáo tín ngưỡng của họ là thờ cúng tổ tiên. “Ý thức về gia đình, dòng họ được củng cố thông qua việc thờ phụng tổ tiên. Mỗi gia đình có một bàn thờ tổ tiên đặc ở vị trí trang trọng nhất trong nhà” [69, tr.232]. “Do chỗ mọi vật đều có hồn nên cần phải cư xử với chúng như trong quan hệ với người. Vì vậy có hồn tốt, có hồn xấu, hồn ác, hồn lành, tuỳ vào cách đối xử của người với chúng. Vào hoàn cảnh xã hội cổ truyền thì đây chính là cách chiếm lĩnh thiên nhiên và thực tại của đồng
bào với hi vọng có thể “nói chuyện”, có thể “thương lượng”, thậm chí khi cần thì “cầu xin” chúng” [69, tr.222-223]. Cho nên, vô hình chung dân tộc Tày, Thái “đã thiết lập được mối quan hệ với mọi vật và với tổ tiên, đặt con người vào tổng thể môi trường không gian và thời gian, tạo nên một sự cân bằng trong tâm thức. Từ đó, con người có thể hội tụ vào cuộc sống hiện hữu của mình các miền thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai và các chiều không gian, thiên nhiên, môi trường, con người, xã hội. Đó chính là mối quan hệ đa diện, đa phương, đảm bảo cho tính hợp lí và sự ổn định tất yếu của cuộc sống con người” [69, tr.223]. Những tưởng, với trình độ khoa học kĩ thuật chưa phát triển thì cách nhận thức thế giới theo phương pháp huyền thoại, tín ngưỡng này không phải không có tác dụng tích cực cho sự tồn tại của cộng đồng và con người Tày, Thái. Đây cũng chính là điều khiến cho một số truyện thơ Tày và truyện thơ Thái có nhiều nét tương đồng về nội dung.
Người Tày, Thái, cũng như các dân tộc khác đã sống trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, tôn giáo cũng tương tự. Tôn giáo nguyên thuỷ đã bị rơi rụng nhiều nhưng ở hai dân tộc Tày, Thái vẫn còn bảo lưu được nhiều nét cổ xưa của nó, biểu hiện tập trung dưới những hình thức như: tín ngưỡng linh hồn, tín ngưỡng ma thuật... “Song mỗi giai đoạn phát triển của kinh tế đưa đến sự thay đổi của xã hội, những tín ngưỡng này cũng biến đổi hoặc còn giữ lại những tàn dư trong tư tưởng và trong cách thể hiện của tập quán truyền thống. Đặc biệt được bảo lưu khá rõ rệt là tín ngưỡng về linh hồn” [16, tr.27]. Chính điều này đã giải thích rõ tại sao người Tày và người Thái tin ở số mệnh, nên họ luôn luôn tôn trọng và gìn giữ linh hồn. Cho đến nay, họ vẫn duy trì tục lệ gọi hồn, cầu hồn, làm nhà mồ cho người chết... Mỗi khi có người vừa trải qua một sự kiện ốm đau hay có người thân mới mất họ thường làm lễ sửa hồn hay làm vía để gọi hồn về để làm cho mạnh khoẻ trở lại. Nếu như trong cuộc sống, có người gặp phải điều bất trắc, dù lớn hay nhỏ cũng tự gọi lấy hồn mình về nhà để trấn an tinh thần, lấy lại sự tự tin hơn trong cuộc
sống. Đặc biệt, khi họ phải xa những người đã có tình cảm sâu nặng như những người thân hoặc người yêu họ cũng thường gọi hồn, vía của người thân và bạn tình về tâm sự... (Truyện Thị Đan, Tiễn dặn người yêu, Khăm Panh...).
Hệ thống tín ngưỡng như vậy đã sản sinh ra đủ các loại bói toán, cầu cùng... vừa phức tạp, vừa tốn kém. Hàng ngũ người làm nghề cúng bái ngày càng đông, đặc biệt là khi Tam giáo (Đạo giáo, Phật giáo, Khổng giáo) xâm nhập ngày càng sâu vào xã hội Tày. Quan niệm siêu linh tĩnh độ nhiều khi buộc người ta trong việc tổ chức tang lễ phải tổ chức một cách phức tạp, phải làm nhiều lễ khác nhau thì hồn mới được lên thiên đường...
Những quan điểm đạo đức phong kiến, tục lệ ma chay đã đi sâu vào đời sống tinh thần và tình cảm đồng bào Tày, Thái, bị chi phối hàng nghìn năm bởi nền đạo đức luân lí phong kiến và thuyết “linh hồn tồn tại”. Khi gia đình có người thân chết, đồng bào thường lo tổ chức việc ma chay chu đáo, nếu là cha mẹ chết thì đây là một hình thức báo hiếu quan trọng nhất. “Việc ma chay có thể coi như một tai vạ đối với những gia đình nghèo, trong khi những gia đình giàu có dùng hình thức tang lễ xa hoa để khoe khoang của cải và tỏ cho mọi người biết mình là người tận hiếu với cha mẹ… Nhiều gia đình túng bấn, nhưng vì tục lệ bắt buộc, nên vẫn cố gắng lo việc ma chay cho chu đáo thành ra mang công mắc nợ...” [61, tr.53] (Truyện Chiêu Đức, Khăm Panh...).
Xuất phát từ những quan niệm trong hệ thống tôn giáo tín ngưỡng, mà những phong tục tập quán trong đời sống của người dân Tày và Thái cũng mang đậm những nét tín ngưỡng tự nhiên, bản địa.
Làng bản của người Tày và Thái thường dựa lưng vào sườn núi hoặc trên những thung lũng, đồi thấp dọc khe suối. Chỗ tiện nhất là có thể đưa nước máng đến nhà được. Đồng bào ở thành từng bản, mường. Nhiều bản ở thành từng cụm dăm ba nhà, cụm nọ cách cụm kia vài ba trăm mét hay một cây số. Nhiều vùng đồng ruộng, dân cư đông đúc, làng bản có luỹ tre bao
bọc... nhưng phổ biến là những vùng thung lũng hẹp, nhà dựa vào sườn núi, nền cuốc thành bậc thang, tất cả đều trông về một hướng.
Chỗ ở lí tưởng của đồng bào Tày, Thái là tiện nước, gần ruộng, gần các rừng cây... Do chỗ ở của họ thường dưới những thung lũng, cho nên ngôi nhà truyền thống của họ là nhà sàn. Ở một số nơi người Tày có làm nhà đất. Nhà người Thái Trắng có khá nhiều điểm gần với nhà người Tày - Nùng. Nhà có 2 hoặc 4 mái lợp ngói, tranh hay lá cọ, được dựng bởi nhiều cột, nhiều xà, có chiều cao từ 7 - 8 mét. Xung quanh nhà thưng ván gỗ hoặc che bằng liếp nứa. Phần dưới nhà sàn là một hệ thống xà ngang, ken dầy, xỏ qua các lỗ đục của các hàng cột xung quanh nhà, trong đó có các chuồng gia súc, gia cầm như chuồng trâu (bò), chuồng lợn, chuồng gà, chuồng vịt... để đề phòng thú dữ hoặc cướp. Nhà sàn phải trải ván hoặc giát vầu khép lín, ngăn thành nhiều phòng, dùng làm buồng ngủ, buồng tiếp khách... Bếp cũng đặt ở trên sàn, thường được bố trí ở giữa nhà. Đằng trước hoặc sau nhà thường có thêm sàn trống dùng để phơi phóng vật phẩm hay để ngồi hóng mát, ngắm trăng vào mùa hè... cũng có thể là nơi để thanh niên nam nữ gặp gỡ, tâm tình, trò chuyện, hát giao duyên (như sàn hoa của người Thái - một chiếc sàn dựng lộ thiên trên một bãi đất rộng). Xung quanh nhà có mảnh đất để trồng rau, trồng cây ăn quả...
Lấy vợ, gả chồng là một trong những bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời của mỗi thành viên trong cộng đồng làng bản Tày, Thái. Tục lệ cưới xin của người Tày, Thái căn bản giống nhau về ý nghĩa và cách tổ chức, chỉ khác nhau một số chi tiết về nghi lễ, tuỳ từng địa phương. Một trong những tục lệ nặng nề trong hôn nhân của người Thái đó là “trước khi được cưới vợ về nhà, người con trai phải thực hiện tục ở rể (khươi mia). Nếu lấy gái dân thường, thời gian ở rể khoảng 6 đến 8 năm; nếu lấy nàng tức gái quý tộc thì hạn đó là 12 năm” [35, tr.28] (truyện Tiễn dặn người yêu). Với người
Tày, dù người con gái đã về nhà chồng, “cưới là cưới vậy nhưng người con gái chưa thuộc về nhà chồng tuyệt đối, nếu người yêu có đủ tiền bạc trả giúp nợ nhà trai nọ” [2. tr37]. (Truyện Thị Đan). Chế độ cưới xin của người Tày, Thái có tính chất mua bán, cha mẹ là người quyết định hoàn toàn chuyện hôn nhân của con cái. Nhiều cuộc hôn nhân không phải là kết quả của tình yêu nam nữ, mà là sự tính toán, bán mua. Tiêu chuẩn chọn vợ, chọn chồng phải xứng đáng với đẳng cấp của dòng họ, địa vị của gia đình. Vì vậy, trong hôn nhân có sự ngăn cách giữa giàu và nghèo, giữa đẳng cấp quý tộc và nông dân. Chính vì những điều khắt khe ấy trong hôn nhân của xã hội phong kiến Tày, Thái mà biết bao mối tình mặn nồng, tha thiết bị ngăn cản, chia rẽ (Truyện
Thị Đan, Chiêu Đức,...; Tiễn dặn người yêu, Chàng Lù - nàng Ủa....). “Người đàn ông bỏ ra một số tiền, gọi là tiền cưới và một số hiện vật (thịt, gạo, rượu, đồ nữ trang…) gọi là sính lễ để cưới, thực tế là để mua người con gái. Việc mua bán tiến hành công khai giữa đại diện hai nhà trai và nhà gái” [61, tr.42], trong đó vai trò của người mối mai là khá quan trọng. Bởi ông hay bà mối thay mặt nhà trai tiến hành mọi thủ tục cưới xin từ khi hỏi đến khi làm lễ cưới chính thức. Trong lễ dạm hỏi, một việc rất quan trọng đối với nhà trai là xin “lục mệnh” của cô gái về so tuổi. ““Lục mệnh” là một tờ giấy đỏ trong đó có ghi giờ, ngày, tháng, năm sinh của cô gái… Trước đây còn thấy cả những tờ “lục mệnh” bằng vỏ cây. “Lục mệnh” cũng thấy có cả ở các dân tộc khác như: Nùng, Cao Lan, H’mông, Dao... có cả ở người Hoa và người Việt. “Lục mệnh” được thờ cúng, coi như vật thiêng, dường như báo trước cả số mệnh của người có tên trong đó. “Lục mệnh” có liên quan tới số mệnh của các thành viên gia đình” [7, tr.182]. Đồng bào Tày, Thái cho rằng việc cưới xin là một việc rất hệ trọng. “Những người làm cha, làm anh có nhiệm vụ lo tổ chức việc cưới xin cho thật chu đáo, tức là lo cho hạnh phúc của con em mình. Các nghi lễ cưới cheo được quy định rất tỉ mỉ và chặt chẽ, mọi người phải tuân theo” [61, tr.43-44].
Người con gái Tày, Thái khi đi lấy chồng thường mang theo rất nhiều của hồi môn. Họ rất cần cù và giỏi nữ công. Phần lớn của hồi môn là vải vóc, chăn màn, quần áo, chăn màn, thường do họ tự dệt và khâu lấy. Người con gái Tày, Thái trước khi đi lấy chồng chính thức, trước khi có con vẫn được hưởng một thứ tự do tương đối, tự do đi lại ở hai bên nhà bố mẹ chồng và bố mẹ mình, tự do đi hát giao duyên, ngồi hạn khuống với những bạn trai mà mình ưng ý. Chỉ từ khi sinh con đẻ cái rồi hoặc đã hết thời gian ở rể làm lễ cưới chính thức họ mới vĩnh viễn ở nhà chồng. Ngày nay, trai gái được tự do yêu đương hơn, có quyền chọn người bạn trăm năm của mình với sự tham gia góp ý kiến của cha mẹ. Tình trạng hôn nhân cưỡng bức như ngày xưa không còn nữa. Song ở nhiều địa phương việc xem số tử vi chọn dâu, kén rể vẫn thịnh hành; tục lệ cưới xin có phần giảm đi nhưng vẫn không giảm phần tốn kém,