Quá trình phát triển kinh tế và địa bàn sinh tụ

Một phần của tài liệu Sự tương đồng và khác biệt về nội dung giữa truyện thơ tày và truyện thơ thái (Trang 96 - 102)

1. Xét về phương diện lịch sử hình thành và phát triển của hai dân tộc

1.2. Quá trình phát triển kinh tế và địa bàn sinh tụ

Các dân tộc Tày, Thái cư trú trên một vùng rộng lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Dù cả hai dân tộc đều thuộc nhóm Tày - Thái, nhưng có thể chia làm hai ngành chính: “Ngành phía đông và ngành phía tây mà sông Hồng là địa giới phân chia. Ngành phía đông bao gồm các các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Bố Y. Họ sinh sống chủ yếu ở khu tự trị Việt Bắc trước đây. Ngành phía tây bao gồm người Thái, Lào, Lự, Giáy. Các dân tộc Tày, Nùng và Thái họ là những dân tộc có mặt sớm nhất ở miền Bắc nước ta, từ thế kỉ XI - XII dần dần di cư đến toàn bộ vùng lãnh thổ rộng lớn này” [7, tr.15]. Những vùng đồng bằng đất đai màu mỡ dọc theo các con sông, suối lớn thuận lợi cho trồng trọt, đều là những vùng cư trú của hai dân tộc Tày và Thái. “Người Tày sống cận cư lâu đời với một bộ phận người Việt (Kinh), do vậy so với nhiều dân tộc khác, họ chịu ảnh hưởng của văn hoá người Việt nhiều hơn” [7, tr.15].

Theo thống kê dân số năm 1989, “những tộc người nói ngôn ngữ Tày - Thái ở nước ta có khoảng 3.103.295 người, chiếm gần 5% dân số toàn quốc. Riêng dân tộc Tày, Thái có dân số đông nhất trong số tám dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ này, chiếm đến 94,6% dân số của nhóm” [7, tr.16]. Về mặt số lượng thì Tày là dân tộc có dân số đông nhất trong số các dân tộc ít người, cư trú trên một địa bàn rộng lớn từ miền thượng du Việt Bắc đến vùng Đông Bắc, gồm các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn...

Dân tộc Thái chiếm vị trí thứ hai về số lượng dân trong các dân tộc ít người. Về phương diện dân tộc học thì người Thái bao gồm nhiều nhóm được phân biệt với nhau bởi một số yếu tố văn hoá vật chất, chủ yếu qua trang phục của người phụ nữ. Nhiều tài liệu dân tộc học có nhắc đến ba nhóm Thái: Đen, Trắng và Đỏ. Nhìn vào màu sắc trang phục phụ nữ, có thể xác định được người đó thuộc nhóm nào. Nhóm Thái Đen (hay Táy Đăm - theo tên gọi của đồng bào) cư trú chủ yếu ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Thanh Hoá, Nghệ An...; nhóm Thái Trắng (Táy Đón hay Táy Khao), cư trú đông ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An...; nhóm Thái Đỏ hiện nay còn rất ít, cư trú chủ yếu ở một số huyện như Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hoà Bình), Bá Thước (Thanh Hoá) và Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương (Nghệ An).

Nguồn sống chính của người Tày, Thái là dựa vào trồng trọt. Lúa nước là loại cây trồng chủ yếu trong nông nghiệp. Nhiều sử sách, truyện kể cho biết người Tày, Thái sớm biết tận dụng yếu tố nước và đất để khẩn khai đất đai làm ruộng, mở rộng diện tích canh tác trên các cách đồng lớn nhỏ ở các thung lũng, lòng chảo hoặc ở ven các con sông, con suối. Người Tày, Thái là cư dân nông nghiệp và ban đầu chủ yếu là trồng lúa nước. Trồng trọt của họ đã đạt tới trình độ cao. Qua nhiều thế hệ họ đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm sản

xuất, do đó năng suất lao động tương đối cao. Họ đã khai phá sườn đồi, núi làm thành những thửa ruộng bậc thang. Họ đã làm ra những cọn nước, hoặc đắp những con đập ngăn các dòng suối hoặc con sông nhỏ cho nước dâng lên để tưới ruộng. Người Tày, Thái có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các công trình tưới nước. Những người Tày, Thái sinh sống ở Tây Bắc, Việt Bắc, bên những dòng sông, suối thường làm những cọn nước khổng lồ bằng tre, đường kính đến 10 mét. Người ta gắn những ống bương theo một góc hơi chéo vào cọn. Dòng chảy của sông, suối làm quay cọn mang nước đổ vào những ống dẫn nước bằng tre tới ruộng. Ở người Tày, còn có những hệ thống dẫn nước bằng ống tre nứa. Nước qua những ống chảy từ ruộng cao xuống ruộng thấp. Hệ thống tưới nước như vậy được xem là hợp lí nhất cho những mảnh ruộng dọc theo thung lũng các dòng suối và sông nhỏ ở các tỉnh miền núi. Như thế họ cũng đã xác định được bốn yếu tố “cần” của nghề trồng lúa theo thứ tự “nước - phân - cần - giống” để tăng năng suất. Họ biết xây dựng hệ thống tưới tiêu độc đáo bao gồm bốn yếu tố: “mương - phai - lái - lin” thích hợp với địa thế ruộng nước. “Lợi dụng độ dốc của dòng chảy, người ta lấy đá ngăn suối làm nước dâng cao, đó là cái “phai”. Phía trên “phai” xẻ một đường chảy lớn dẫn vào cánh đồng, đó là “mương”. Từ “mương” xẻ những rãnh chảy vào ruộng, đó là “lái”. Còn “lịn” là cách lấy nước từ nguồn trên núi cao, dẫn về ruộng, về nhà, bằng cây tre đục rỗng mấu, nối tiếp nhau, có khi dài hàng cây số” [69, tr.219]. Do chủ động tưới tiêu nên người Tày, Thái thường nuôi cá ngay trong mực nước của ruộng lúa. Cho nên món dâng cúng trong lễ cơm mới thường là bánh làm bằng nhân cá, xôi và cá nướng... Ngoài ruộng nước, người Tày, Thái còn trồng lúa cạn ở các mảnh nương nằm rải rác trên các sườn đồi núi. Ngoài lúa, họ còn trồng ngô, sắn, khoai lang và nhiều loại rau ăn hàng ngày. Ngô, sắn chủ yếu dùng trong chăn nuôi và đề phòng

những măm mất mùa. Nương rẫy là một bộ phận bổ sung không thể thiếu. Với nương, đồng bào có lúa, rau, quả như: bí, bầu, rau cải, đu đủ, vừng...

Trồng cây ăn quả và rau khá phát triển ở hai dân tộc này. Họ trồng nhiều loại rau và cây ăn quả, chủ yếu là cam, lê, quýt và nhiều loại cây ăn quả có giá trị. Chuối được trồng ở khắp nơi và có nhiều loại khác nhau. Các loại rau thường gặp trong các mảnh vườn gần nhà là rau cải, bắp cải, su hào, hành, tỏi, dưa... Những cư dân Tày, Thái sống ở những nơi nhiều rừng nên việc khai thác lâm thổ sản cũng là nguồn thu chủ yếu của gia đình, họ khai thác các sản phẩm rừng như các loại cây thuốc chữa bệnh, các loại quả rừng, các cây thuốc nhuộm, măng, săn bắt thú rừng, và khi mùa màng bị thất bát thì chính rừng là nơi cứu họ khỏi nạn chết đói với củ mài, bột báng, rau rớn... Còn những nhóm đồng bào sống ở những nơi có nhiều sông suối, ao hồ thì lại có nguồn thu từ đánh cá.

Với kinh tế tự cung tự cấp, nghề dệt khá phát triển cùng với việc trồng bông, xe sợi. Nghề dệt chiếm vị trí đáng kể trong kinh tế của người Thái. Liên quan tới nghề dệt trước kia, họ có phong tục, mỗi người con gái khi lấy chồng phải mang theo nhiều đồ như chăn, màn... do chính họ dệt nên.

Cùng với săn bắt, đánh cá, chăn nuôi khá phát triển. Người Tày, Thái đều nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt... Ở vùng núi đá, người Tày còn nuôi dê. Ở vùng người Thái còn tồn tại cách nuôi trâu thả rông thành từng đàn trong rừng. Mỗi đàn trâu có vài chục con, nhiều đàn có tới hàng trăm con.

Đồng bào Tày, Thái sống chủ yếu dựa vào rừng, sông suối bởi đây là nơi cung cấp nhiều nguồn lương thực, thực phẩm, bổ sung cho bữa ăn và làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của họ.

Các bản người Tày, Thái đều nằm dưới các chân núi, sườn đồi. Số lượng nhà cửa trong một bản (mường) là khá lớn, đôi khi đạt và vượt quá trăm nóc

nhà. Họ chủ yếu sống ở nhà sàn. Suốt bốn mùa, 12 tháng đồng bào chăm lo việc làm ăn, trồng trọt, xen vào đó có những ngày hội để cầu mùa màng, ăn mừng mùa thu hoạch thắng lợi, hoặc chuẩn bị mùa thu hoạch sắp tới.

Có thể thấy, đồng bào Tày, Thái vốn là những cư dân miền núi đã bao đời đấu tranh chống thiên nhiên, phá núi, bạt ngàn, chống hạn hán, thú rừng, nhiều khi phải chống cả nạn thổ phỉ, ngoại xâm (trước đây thường hay xảy ra ở các vùng biên giới). Với tinh thần dũng cảm và bàn tay lao động của mình, đồng bào đã tạo nên những cánh đồng phì nhiêu trên thượng lưu các con sông chảy xuống vùng đồng bằng, những tràn ruộng bậc thang trải dài dọc theo các sườn núi, bên cạnh những nương ngô, khoai, sắn, những rừng cây ăn quả... được chăm sóc và giữ gìn một cách cẩn thận. Suốt bốn mùa, họ một nắng hai sương, chăm lo việc làm ăn, trồng trọt, vun xới...

“Trước Cách mạng Tháng Tám, trình độ phát triển kinh tế xã hội ở các dân tộc ít người miền núi rất khác nhau, nhưng, nói chung thấp hơn so với vùng đồng bằng, đặc biệt là ở các vùng người Thái vẫn còn bảo lưu những đặc điểm tổ chức theo dòng họ (đẳm). Quá trình phân hoá giai cấp đã diễn ra tương đối nhanh ở những vùng giáp với người Việt. Ở những nơi này đã sớm xuất hiện tư hữu ruộng đất” [7, tr.24]. Cũng giống như ở vùng miền xuôi, phân hoá xã hội đã dẫn đến hình thành giai cấp. Ở tuyệt đại đa số những vùng người Tày, Thái sinh sống trước kia, chỉ mới hình thành mầm mống các quan hệ phong kiến. “Tầng lớp phong kiến định hình, thổ ty ở người Tày, Nùng và phìa, tạo ở người Thái chỉ chiếm chưa đầy 5% dân số nhưng tầng lớp này thực tế đã nắm trong tay hầu hết nông dân (trên 90%) [61, tr.6]. Có thể phân chia ra một số nhóm xã hội trong xã hội người Tày, Thái trước cách mạng. “Tầng lớp phong kiến bao gồm những chúa đất cùng họ hàng và những người giàu có khác. Giai cấp nông dân Thái bao gồm những người nông dân tự do, những người nông dân từ những vùng khác đến chịu sự kiểm soát của chúa

đất, những nông dân nghèo không đủ trả thuế, nợ cho chủ, bắt buộc phải đi ở cho chủ hoặc trở thành những cuông nhốc (tôi tớ trong nhà). Ở người Tày và Nùng trước đây tồn tại những giai cấp sau: thứ nhất, những chúa phong kiến ở địa phương và thứ hai, những nông dân nghèo khổ, tự do. Còn những người hành nghề tôn giáo (tào, mo, then, pụt) được hưởng quy chế xã hội riêng tách rời khỏi lao động sản xuất” [7, tr.25]. Do vậy trong nhiều truyện thơ Tày, Thái đã phản ánh những mâu thuẫn giữa hai giai cấp trên và nêu lên nỗi khổ cũng như khát vọng của người nông dân trong xã hội cũ.

Thường, tất cả những ruộng đất tốt nhất thuộc tầng lớp phong kiến, còn nông dân chỉ có loại ruộng hạng hai, hạng ba. Phần lớn nông dân phải nhận ruộng của chúa đất để canh tác và trả tô, hiện vật cho chủ với phần lớn số thóc thu hoạch được. Để có được mảnh ruộng, người nông dân phải khai phá đất hoang, dành dụm tiền mua hoặc lĩnh canh của người giàu và chúa đất.

Thời kì kháng chiến chống Pháp, vị trí tầng lớp phong kiến ở người Tày, Thái vẫn không có gì thay đổi. “Lưu ý đến những đặc điểm phát triển kinh tế xã hội ở các vùng Tày, Nùng, Thái, Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) trong chính sách dân tộc của mình, đã xác định chế độ phong kiến ở vùng núi cần phải thủ tiêu bằng biện pháp hạn chế dần dần các quyền lực của tầng lớp phong kiến địa phương. Một năm sau hoà bình được lập lại ở miền Bắc, năm 1955, ở những vùng người Tày, Thái sinh sống đã tiến hành cải cách ruộng đất. Thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, những ruộng đất của tầng lớp phong kiến, đất công của bản mường đã được chia cho nông dân. Đất đai và chính quyền được chuyển giao cho nông dân, cuộc cách mạng dân chủ nhân dân được thực hiện ở vùng núi. Chỉ trên cơ sở này, các dân tộc ít người, trong đó có dân tộc Tày và Thái mới tiến đến tổ chức các hình thức lao động sản xuất tập thể, là bước tiến đầu tiên trong việc phát triển các mối quan hệ sản xuất” [7, tr.25-26]. Từ đó nhiều đổi thay đã diễn ra trong đời

sống đồng bào Tày, Thái. Do kết quả xây dựng, cải tạo kinh tế, xã hội và văn hoá mà bộ mặt của các dân tộc này đã có những thay đổi lớn lao.

Hiện nay, sự phát triển của các dân tộc miền núi hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ phát triển của cả nước treo xu hướng phát triển chung với tất cả những vấn đề, những khó khăn gặp phải trong điều kiện của một xã hội đa thành phần kinh tế, đa dân tộc trên con đường xây dựng cuộc sống mới. Song ít nhiều, điều kiện kinh tế của họ đã ảnh hưởng lớn tới đời sống văn hoá tinh thần và liên quan chặt chẽ đến quan niệm sống của họ trong mọi thời đại.

Một phần của tài liệu Sự tương đồng và khác biệt về nội dung giữa truyện thơ tày và truyện thơ thái (Trang 96 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)