2. Xét về quan hệ văn hoá giữa hai dân tộc trong bối cảnh cộng đồng quốc
2.2. Yêu cầu thống nhất trong đa dạng của một quốc gia đa dân tộc
“Các dân tộc ít người ở Việt Nam nằm chung trong một cộng đồng dân tộc Việt Nam trên cùng một quốc gia thống nhất, chứ không phải phân ra thành nhiều nước trong một Liên bang, hay tồn tại ở nhiều bang trong một nước, như ở nhiều nơi trên thế giới. Điều đó đưa đến hệ quả tất yếu: tăng cường xu hướng hoà hợp thống nhất giữa các dân tộc một cách thuận tiện, theo yêu cầu khách quan của việc xây dựng một quốc gia thống nhất” [43, tr.19].
Các dân tộc ít người ở Việt Nam nói chung và hai dân tộc Tày, Thái nói riêng đều nằm chung trong một cộng đồng dân Việt Nam, cùng một quốc gia thống nhất. Việc tăng cường xu hướng hoà hợp, thống nhất giữa các dân tộc là tất yếu, phù hợp với quy luật khách quan trong việc xây dựng một quốc gia đa dân tộc.
Hơn nữa, “cùng cư trú trong một không gian xã hội, cùng một khu vực lịch sử - dân tộc nhất định, cùng chịu tác động qua lại của những ảnh hưởng văn hoá nội sinh hay ngoại nhập, lại cùng sinh sống trong một quốc gia - dân
tộc được điều hành bởi một nhà nước, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi trong việc chinh phục và thích nghi với tự nhiên và lại cùng chung chiến hào chống ngoại xâm... các tộc người trong một nước thường có những hiện tượng và yếu tố văn hoá giống nhau. Sự giống nhau được nhân lên với số lượng thời gian cư trú trong một đất nước, rõ rệt ở các tộc người bản địa, ít rõ rệt hơn ở các tộc người mới đến” [66, tr.26]. Hai dân tộc Tày và Thái cũng tương tự, cùng sinh sống trong một khu vực không gian xã hội với những điều kiện kinh tế - xã hội có những nét tương đồng, có nhiều yếu tố văn hoá đậm nét bản sắc riêng của hai dân tộc. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà “mặc dù thành phần tộc người của đất nước Việt Nam rất phức tạp (54 tộc người với 300 nhóm địa phương), thuộc ba dòng ngôn ngữ khác nhau, nhưng tính thống nhất về văn hoá là cơ bản” [66, tr.27].
“Nền văn hoá một quốc gia đa dân tộc được hình thành là do yêu cầu của tất cả các tộc người cấu thành, cần xây dựng nên một cộng đồng thống nhất, rộng lớn hơn, mạnh mẽ hơn: cộng đồng quốc gia dân tộc. Nền văn hoá đựơc tạo dựng là do sự góp phần tuỳ theo khả năng từng tộc người vào kho tàng chung của dân tộc... Phải quan niệm văn hoá quốc gia dân tộc là sự thống nhất trong đa dạng, được biểu hiện ở từng địa phương, tạo nên những tiểu khu vực hay vùng lịch sử - văn hoá” [66, tr.27].
Như vậy, có thể thấy hai tộc người Tày và Thái đã có những đóng góp đáng kể vào kho tàng văn hoá chung của dân tộc, mỗi địa phương có những cách biểu hiện khác nhau, mang những nét đặc trưng riêng. Hai dân tộc cùng nằm trong vùng văn hoá nông nghiệp thung lũng, cùng sử dụng thức ăn chính là gạo tẻ, gạo nếp là thức ăn truyền thống (từ gạo nếp họ có thể chế biến ra nhiều loại bánh hay xôi). Phụ nữ Tày và Thái đều đội khăn. Chiếc khăn của người phụ nữ Tày là khăn vuông, khi lễ tết họ buộc thêm chỉ xanh
đỏ quanh vành khăn rồi thắt nút ra phía sau; khăn của phụ nữ Thái Trắng tương tự như người Tày, còn nữ Thái Đen đội khăn piêu nổi tiếng với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc rực rỡ. Họ đều rất thích ca hát, người Tày có nhiều điệu hát lượn, hát then cùng với cây đàn tính; người Thái là hát khắp cùng với nhiều điệu múa như múa xoè, múa sạp. Vào những ngày sinh hoạt văn hoá như những ngày hội, ngày chợ, đặc biệt là hội Lồng tồng của người Tày, đều có tổ chức các trò chơi dân gian như: ném còn, bắn nỏ, kéo co... Đặc biệt người Thái có một sinh hoạt văn hoá nổi tiếng là hát hạn khuống.
Hai dân tộc đều sớm có chữ viết, song ở nhiều nơi họ sáng tác thơ ca không phải để đọc mà là để hát. Những truyện thơ, những áng sử thi được trình diễn bằng cả những liên khúc âm nhạc.
Người Tày và người Thái đều có nhà sàn, nhưng nhà sàn của người Thái đặc biệt là người Thái Đen lại có những điểm khác biệt: cái mái đầu hồi khum khum hình mai rùa và trên đỉnh đầu hồi ấy có hai vật trang trí, người Thái gọi là “sừng cuộn” (khau cút) vì đầu phía trên của nó thường được tạo tác thành một vòng tròn xoáy trôn ốc, giống như ngọn rau rớn (phắc cút), một thứ rau rừng rất được đồng bào ưa chuộng. Người Thái học được rất nhiều từ văn hoá của những người bản địa chiến bại, khiến cho văn hoá Thái, đặc biệt là Thái Đen loại biệt hẳn với văn hoá những người anh em cùng chung cội nguồn đặc biệt là người Tày ở phía Đông và người Lào ở phía Tây.
Văn hoá Tày, Thái vừa mang những nét chung của hai dân tộc, của từng vùng. Song, những nét chung của từng vùng không hề làm mất đi tính riêng của văn hoá hai dân tộc. Tây Bắc và Đông Bắc là những vùng văn hoá đặc thù. Tộc người chủ thể - Tày, Thái - với lịch sử và văn hoá của họ đã tạo ra những nét đặc thù này. Tuy nhiên những nét đặc thù không làm phá vỡ tính thống nhất của văn hoá vùng Tây Bắc, Việt Bắc và văn hoá cả nước.
Tiểu kết
Truyện thơ Tày và truyện thơ Thái có nhiều nét tương đồng và khác biệt về mặt nội dung. Sở dĩ có sự tương đồng và khác biệt đó là bởi hai dân tộc Tày, Thái đều có chung một nguồn gốc tộc người. Tộc người Tày, Thái thuộc ngữ hệ Nam Á, cùng xuất hiện vào một thời kì - thời đại đồ đồng thau ở miền Bắc Việt Nam, thuộc thành phần Mông gô lô ít phương Nam hình thành và sinh tụ ở Nam Trung Quốc và Bắc Đông Dương. Do đặc điểm lịch sử của miền Nam Trung Quốc và miền núi Bắc Bộ Việt Nam là những đợt di cư của các tộc người đã thúc đẩy khối Tày - Thái cổ tách làm hai hướng: người Tày sống nhiều ở vùng Đông Bắc, người Thái sống nhiều ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Dân tộc Tày là dân tộc có số dân đông nhất, thứ hai là dân tộc Thái trong số các dân tộc ít người ở nước ta. Họ đều là cư dân nông nghiệp, quá trình sinh sống và phát triển chủ yếu dựa vào trồng lúa nước trên các thung lũng. Cuộc sống quanh năm vất vả, vun trồng nhưng thấm đẫm tình nghĩa anh em, gia đình, làng xóm, bạn bè... Xã hội Tày - Thái xưa chủ yếu tồn tại hai giai cấp: phong kiến và nông dân. Giai cấp nông dân sống phụ thuộc vào giai cấp phong kiến, chính điều này đã làm khiến cho cuộc sống của người nông dân rơi vào tình trạng khổ cực, bị áp bức đến cùng, và làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, khát vọng. Điều này đã được các tác giả dân gian phản ánh rất rõ trong các truyện thơ.
Cùng xuất phát từ một cộng đồng cư dân cổ đại, có nhiều mối quan hệ về ngôn ngữ, văn hoá... nên quá trình phát triển, thích nghi với tự nhiên và giao lưu văn hoá tự nhiên của hai dân tộc Tày, Thái đã diễn ra như một quy luật. Cùng chung tín ngưỡng linh hồn, tín ngưỡng ma thuật (những quan niệm về linh hồn, thần linh, về cuộc sống trần thế), họ đã thiết lập được mối quan hệ giữa người với mọi vật và với tổ tiên, đặt con người vào trong tổng thể mối quan hệ với môi trường, không gian và thời gian, tạo nên sự nhìn nhận một
cách cân bằng trong tâm thức, mang tính xã hội cao. Những phong tục, tập quán như tục lệ ma chay, cưới xin như một thứ ràng buộc, nhiều khi bắt họ phải tuân thủ... Những điều này được biểu hiện tuỳ theo đặc điểm của từng địa phương, từng vùng miền. Đây cũng là điều khiến cho các truyện thơ Tày, Thái có sự tương đồng, khác biệt về nội dung.
Ở mỗi vùng lại chịu ảnh hưởng đậm nhạt khác nhau của văn hoá các tộc người khác, mang những sắc thái riêng song thời gian cư trú lâu đời của tộc người Tày, Thái ở phía Bắc Việt Nam, đã tạo nên một sắc thái riêng không thể nào lẫn với các dân tộc khác trong cùng một quốc gia. Chính vì vậy tộc người Tày và Thái tự hào là hai dân tộc đã có những đóng góp đáng kể vào nền văn hoá chung của dân tộc, góp phần tạo nên một nền văn hoá quốc gia đa dân tộc.
KẾT LUẬN
Truyện thơ Tày và truyện thơ Thái đã trở nên hết sức quen thuộc đối với bạn đọc và giới nghiên cứu văn học dân gian. Những truyện thơ Tày như: Thị Đan, Chiêu Đức, Nàng Kim…; những truyện thơ Thái như: Khăm Panh, Tiễn dặn người yêu, Chàng Lù - nàng Ủa… gắn bó mật thiết như “máu thịt” với đời sống tinh thần của người Tày và người Thái. Song việc so sánh những điểm tương đồng và khác biệt về truyện thơ của hai dân tộc dường như vẫn chưa dành được sự quan tâm thoả đáng của bạn đọc và giới chuyên môn. Vì vậy, việc thực hiện đề tài: “Sự tương đồng và khác biệt về mặt nội dung giữa truyện thơ Tày và truyện thơ Thái” (ở một số tác phẩm tiêu biểu) là một trong những cố gắng bước đầu của tác giả công trình nghiên cứu này. Các phương diện khác nhau của nội dung truyện thơ Tày và truyện thơ Thái đã được đưa ra so sánh, đối chiếu để đi tới một số kết luận sau đây:
1. Đề tài được nói đến nhiều trong truyện thơ Tày và truyện thơ Thái là đề tài tình yêu nam nữ và số phận người phụ nữ dưới chế độ cũ. Đây là hai đề tài -hai hiện tượng đời sống phổ biến, có tính xã hội. Tình yêu phản ánh trong truyện thơ Tày, Thái có nhiều cung bậc khác nhau: thiết tha, say đắm, trong trắng, mãnh liệt… và có sức lan toả rất lớn. Mỗi truyện thơ là mỗi hoàn cảnh, mỗi biến cố, mỗi số phận, cùng những ước mơ, khát vọng, những phẩm chất tốt đẹp của trai gái Tày, Thái xưa. Nhiều mối tình đẹp, trong trắng đã phải chịu sự đè nén của xã hội cũ với những phép thiêng, phép cả, phép lớn trong gia đình mà người phụ nữ là người phải gánh chịu nằng nề nhất. Đó là những nghịch cảnh trái ngang: cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó, lấy chồng bị phụ thuộc vào gia đình nhà chồng, bị “hạ giá tiền” khi chồng bỏ…
So sánh đề tài của truyện thơ hai dân tộc, chúng tôi thấy, trong truyện thơ Tày, đề tài người nghèo khổ chiếm ưu thế, còn trong truyện thơ Thái, đề
tài chính nghĩa được thể hiện rõ ràng hơn. Nghèo khổ trong truyện thơ Tày là một hiện thực không thể thiếu trong mỗi truyện. Những số phận nghèo khổ bị chà đạp, bị lấn át bởi những người giàu có, là một trong những yếu tố tạo ra biến cố cho nhân vật, nhiều khi có vai trò quyết định, tạo nên diện mạo riêng cho mỗi truyện, qua đó nói lên tiếng nói phê phán và đấu tranh của người xưa. Trong truyện thơ Thái tác giả dân gian đã rất lưu ý đến việc đề cao tinh thần bảo vệ chính nghĩa mà đại diện là những người ngay thẳng, thuỷ chung, nhân hậu, hoặc có công lao to lớn đối với cộng đồng, thể hiện trong phạm vi chống giặc, bảo vệ cuộc sống cộng đồng và bảo vệ tình yêu đôi lứa…
2. Hai chủ đề phổ biến của truyện thơ Tày và truyện thơ Thái là, tố cáo, lên án chế độ ép gả trong xã hội cũ và vấn đề quyền sống tự do của con người. Những câu chuyện về tình yêu nam nữ, số phận người phụ nữ dưới chế độ cũ, những hoàn cảnh mà họ phải trải qua, phải gánh chịu chính là kết quả của chế độ ép gả ngang trái. Thế lực phụ quyền và chế độ phong kiến cũ hà khắc đã toả chiết tình cảm gái trai. Tục lệ ép duyên xưa đã đẩy bao số phận con người đến sự khổ đau, thậm chí đến cái chết… Đó cũng chính là cách tố cáo, là sự lên án “nặng cân” nhất, phản ánh sức chiến đấu của con người cho đến khi bị thất bại hoàn toàn. Từ hiện thực trong xã hội cũ, truyện thơ Tày, Thái đã phản ánh tinh thần chống áp bức, bất công, cường quyền, bạo lực, chống sự xâm chiếm của các thế lực phong kiến ngoại bang, đấu tranh cho quyền được tự do yêu đương, cho quyền sống của người phụ nữ. Truyện cũng nêu cao tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ, vươn lên mưu cầu hạnh phúc của nam nữ thanh niên.
Trong truyện thơ Tày có một chủ đề hiện ra rất riêng và khá rõ, đó là sự khát khao hay đổi số phận của những người nghèo trong xã hội cũ. Nhiều truyện thơ Tày cho thấy, vấn đề đặt ra không chỉ là sự đấu tranh để bảo vệ tình yêu. Truyện thơ Tày còn đưa ra một vấn đề có tính chất thời đại, đó là niềm ao ước, mong muốn được cải tạo số phận, thay đổi số phận. Đây là điều mà trong truyện thơ Thái ít đề cập đến, hoặc có truyện không đề cập đến.
3. Trong quan niệm, suy nghĩ của nhân vật đối với cuộc sống, hầu hết các nhân vật trong truyện thơ Tày và truyện thơ Thái đều mang tư tưởng “số mệnh” theo quan niệm duy tâm thần bí. Quan niệm này đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ của họ. Trước những biến cố, sự kiện xảy ra trong cuộc đời, đặc biệt là trong chuyện tình duyên, họ đều cho rằng số mệnh là yếu tố quyết định chi phối cuộc đời họ. Mọi sự đều do Bụt Cả, Ngọc Hoàng, do trời cao định đoạt. Vì thế họ tin tưởng tuyệt đối vào số mệnh.
Tuy nhiên điểm khác biệt trong quan niệm, suy nghĩ của nhân vật truyện thơ Tày (so với truyện thơ Thái) là: Trời, Phật, thần linh… như một thế lực tối ưu, có thể giúp con người vượt qua tai ương, thử thách để đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc sống, họ tin tưởng tuyệt đối vào các thế lực đó. Trước sóng gió, thử thách, gian truân của cuộc đời, họ luôn được Trời, Phật ra tay cứu giúp. Chùa Lôi Âm là nơi “cứu thế”, có thể đem lại hạnh phúc cho con người. Trước mọi khó khăn, họ đều đến chân thành cầu cứu, kêu than… những mong các thế lực này có thể giúp họ xoay chuyển tình thế, tạo nên sức mạnh vươn lên trong cuộc sống.
Một quan niệm khác mà nhân vật trong truyện thơ Tày và truyện thơ Thái luôn luôn tâm niệm, đó là sống có tình có nghĩa, có trước có sau. Đây là một quan niệm bất di bất dịch sớm được phản ánh trong truyện thơ Tày, Thái. Sống có tình có nghĩa là tiền đề để tạo nên niềm tin, tạo nên sức mạnh vượt qua mọi gian lao, thử thách trong cuộc sống. Đặc biệt, trong tình yêu đôi lứa, các nhân vật của truyện thơ Tày, Thái khi đã trao thương, gửi nghĩa đều quyết trung thành, “nhất tâm”, nhất dạ. Đây là một quan niệm sống đầy lòng nhân nghĩa. Nhân nghĩa như một thước đo tạo nên những phẩm chất, giá trị giữa cuộc sống, giữa dòng đời.
4. Một tình cảm được biểu hiện nhất quán trong các nhân vật của truyện thơ Tày và truyện thơ Thái, đó là tình yêu chân thành, chung thuỷ. Dù cho nhân vật xuất thân trong hoàn cảnh nào, cho dù tình yêu được biểu lộ ra sao (có những nét kì diệu, phi thường, là tình yêu “thiên định” hay là tình yêu mang đậm tính trần thế), cuộc sống có thể thay đổi thế nào thì họ vẫn luôn chân thành, chung thuỷ sắt son với người mình yêu. Sự chân thành, thuỷ chung này đã khiến cho những chàng trai, cô gái Tày, Thái trở thành những con người cho tình yêu, con người vì tình yêu.
Tuy nhiên, tình yêu của các nhân vật trong truyện thơ Tày, Thái có chân thành, thuỷ chung đến đâu vẫn không thể vượt qua được những luật lệ hà