51 Marketing Vietnam, Xu hướng tất yếu của Mobile Marketing Việt Nam (15/02/2010),
3.3.5 Bài học 5: Kết hợp điện thoại di động với các kênh truyền thông khác
Mobile Marketing là một bộ phận trong chiến lược Marketing tổng thể. Điện thoại di động có ưu điểm nổi bật đó là khả năng tương tác với khách hàng, và luôn luôn ở bên cạnh họ gần nhất, lâu nhất so với các phương tiện truyền thông khác. Chính vì vậy, việc kết hợp những ưu điểm của điện thoại di động với ưu điểm của các phương tiện truyền thông khác giúp cho chiến dịch Mobile Marketing được biết đến nhiều hơn. Ngược lại, Mobile Marketing cũng có thể đóng vai trò bổ trợ, giảm chi phí truyền thông cho các kênh khác, thêm các chức năng tương tác, theo dõi, cá nhân hóa vào các phương tiện truyền thông khác như truyền hình, in ấn, bảng điện tử…
Trong chiến dịch “ Hug the Road, Hug the Sky” của BMW, điện thoại di động là cầu nối tạo ra khả năng tương tác cho các bảng thông báo ở sân bay. Các bảng thông báo ở sân bay luôn ở một vị trí cố định, luôn thu hút được sự chú ý của đông đảo hành khách. Nếu những thông tin quảng cáo của BMW khiến khách hàng quan tâm, họ có thể phản hồi một cách nhanh chóng bằng cách gửi tin nhắn.
Chiến dịch “Axe Twist” của Unilever, các phương tiện truyền thông như tờ rơi, báo chí … lại là công cụ để có thể phát triển chiến dịch Mobile Marketing sử dụng mã vạch 2D của Unilever. Nếu không có những công cụ truyền thông này, thì hình ảnh của mã vạch này rất khó có thể được biết đến bởi người tiêu dùng chứ chưa nói đến việc có thể truyền tải những thông điệp sản phẩm đến khách hàng tiềm năng.
Tóm lại, từ những phân tích ở chương 3, ta có thể đưa ra những kết luận như sau.
Cơ sở pháp lý và hạ tầng công nghệ ở Việt Nam nhìn chung đã có những bước tiến đáng kể để tạo cơ sở thuận lợi cho các doanh nghiệp tiến hành Mobile Marketing một cách toàn diện. Các nghị định, thông tư về chống thư rác cũng như luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới đây, đã không chỉ thiết lập một hành lang pháp lý khá toàn diện cho hoạt động Mobile Marketing của các nhà cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp mà còn chú trọng đến quyền lợi cũng như lợi ích của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cùng với việc số lượng điện thoại Smartphone được bán ra đang ngày một tăng ở Việt Nam sẽ cho phép người dùng có thể sử dụng các chức năng như MMS, WAP, mã vạch 2D…
Mặc dù có đã có những bước thuận lợi hơn về vấn đề pháp lý và hạ tầng công nghệ so với khi Mobile Marketing mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng nhìn chung tình hình ứng dụng Mobile Marketing trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự khởi sắc. Có thể giải thích cho việc này đó là do phản ứng không tích cực của các khách hàng, đồng thời do các doanh nghiệp chưa có hiểu biết cặn kẽ về Mobile Marketing cũng như tâm lý e dè trước việc triển khai các hình thức Marketing mới. Ngoại trừ các doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí với một số hình thức cung cấp dịch vụ tải nhạc chuông, trò chơi di động…, hình thức Mobile Marketing được các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng chỉ là hình thức thông tin quảng cáo bằng tin nhắn văn bản.
Từ những phân tích về thực tiễn áp dụng của một số TNCs ở chương 2, ta có thể nhận thấy rằng để thu hút sự tham gia của khách hàng trong chiến dịch Mobile marketing, doanh nghiệp trước tiên cần phải có sự hiểu biết rõ về khách hàng cũng như vai trò của họ. Càng hiểu rõ về khách hàng thì khả năng thu hút họ với những chiến dịch Mobile Marketing càng lớn. Ta có thể rút ra một số bài học chủ yếu như sau.
Giới trẻ là những người sử dụng điện thoại di động thường xuyên nhất và cũng là đối tượng rất dễ bị thu hút bởi những trào lưu, xu hướng như trào lưu âm nhạc, thể thao, mạng xã hội, game di động…Bên cạnh đó khách hàng ngày nay rất dễ bị thu hút bởi những thông tin thực tế hữu ích và đóng vai trò là người sáng tạo nội dung. Do vậy, các doanh nghiệp nên tận dụng các xu thế tiêu dùng đặc biệt của giới trẻ để xây dựng chiến dịch Mobile Marketing cho mình. Song song với đó, doanh nghiệp cần phải chú ý xây dựng những chiến dịch Mobile Marketing thu hút khách hàng bằng những thông tin thực sự hữu ích với họ đồng thời tăng cường thúc đẩy các chiến dịch Marketing lan tỏa.
Trong các chiến dịch Mobile marketing, điện thoại di động có tính năng đặc biệt đó là khả năng truyền tải thông điệp tức thì và mang tính cá nhân hóa, do vậy việc tác động đúng thời điểm sẽ tác động đúng vào nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó doanh nghiệp cần phát huy khả năng tương tác của điện thoại di động khi kết hợp với các hình thức Marketing truyền thống khác.
KẾT LUẬN
Thế giới không ngừng vận động theo sự tiến bộ của công nghệ. Sự phát triển không ngừng của công nghệ đã mang đến cho thế giới những bước đột phá về mọi lĩnh vực, trong đó có thương mại. Cùng với sự ra đời của công nghệ di động, hoạt động Marketing đã tiếp nhận một kênh mới đó là Marketing trên nền tảng của công nghệ di động – Mobile Marketing. Đi sâu vào nghiên cứu Marketing, bài khóa luận “ Thực tiễn áp dụng Mobile Marketing tại các TNCs trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam ” đã tìm hiểu được ra những vấn đề sau.
Thứ nhất, Mobile Marketing là một kênh truyền thông mới trong đó sử dụng điện thoại di động và các phương tiện không dây khác để tương tác với khách hàng trong các hoạt động Marketing như quảng cáo sản phẩm/ dịch vụ, khuyến mãi, quảng bá thương hiệu, chăm sóc khách hàng, nghiên cứu thị trường. Mobile Marketing đã sử dụng nhiều phương tiện dựa trên công nghệ di động như SMS, MMS, Bluetooth, WAP, các ứng dụng di động, LBS, mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động Marketing của hoanh nghiệp như: thu thập được cơ sở dữ liệu cần thiết về khách hàng, tiết kiệm chi phí, thời gian, tiếp cận với một thị trường khách hàng rộng lớn…
Thứ hai, từ thực tiễn áp dụng Mobile Marketing tại các TNCs có thể thấy rằng, các TNCs đã vận dụng một cách sáng tạo các phương tiện của Mobile Marketing để thu hút, nhu cầu của người tiêu dùng. Các chiến dịch Mobile Marketing đã tạo được sự phản hồi mạnh mẽ từ phía khách hàng làm gia tăng nhận thức về thương hiệu, tạo mối tương tác, đối thoại trực tiếp giữa khách hàng và doanh nghiệp từ đó thúc đẩy doanh thu bán hàng.
Thứ ba, từ những nghiên cứu về hệ thống hạ tầng cơ sở kỹ thuật, hệ thống pháp lý ở Việt Nam thì có thể thấy tuy còn một số hạn chế về công nghệ nhưng các doanh nghiệp có thể triển khai Mobile Marketing dưới nhiều hình thức khác
nhau. Tuy nhiên, do tâm lý còn e dè cộng với sự hiểu biết chưa sâu về Mobile Marketing đã khiến cho việc triển khai Mobile Marketing ở một số doanh nghiệp Việt Nam còn đơn điệu, chủ yếu vẫn chỉ là những tin nhắn quảng cáo. Mặt khác, việc một số doanh nghiệp không tuân thủ những quy định về luật chống thư rác đã khiến cho một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng không có thiện cảm với hình thức này. Từ thực tiễn áp dụng Mobile Marketing của các TNCs trên thế giới, và thực trạng áp dụng ở Việt Nam, tác giả đã rút ra một số bài học chủ yếu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là muốn thực hiện một chiến dịch Marketing thành công trước hết phải có sự hiểu rõ về khách hàng để từ xây dựng nội dung truyền tải thông tin đến khách hàng như là thu hút khách hàng bằng những thông tin có ích, gắn liền với hoàn cảnh của họ, biến khách hàng trở thành những nhà sáng tạo nội dung. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải có sự kết hợp một cách thích hợp giữa kênh truyền thông di động và các kênh truyền thông truyền thống.