Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực giữ vai trò là một nguồn lực quan trọng trong hệ thống các nguồn lực. Vai trò của nguồn lao động có cơ sở khoa học, khách quan và bắt nguồn từ mối quan hệ giữa lao động, việc làm, thu nhập với quy mô, trình độ tổng cung – tổng cầu nền kinh tế. Bất cứ một sự phát triển nào cũng cần có động lực, nhưng chỉ có nguồn nhân lực mới tạo ra động lực phát triển, những nguồn lực khác muốn phát huy tác dụng phải thông qua nguồn nhân lực.
Khi sản xuất ngày càng phát triển, phân công lao động ngày càng cao, hợp tác ngày càng chặt chẽ, con người chuyển dần hoạt động cho máy móc thiết bị thực hiện, làm thay đổi bản chất của lao động từ lao động thủ công sang lao động cơ khí, lao động trí tuệ. Cho đến khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại như hiện nay thì cũng không thể tách rời nguồn lực con người bởi những lý do như: con người đã tạo ra máy móc thiết bị, con người chế ngự tự nhiên bằng những kiến thức và trí tuệ của mình; máy móc thiết bị hiện đại, nếu thiếu sự điều khiển, kiểm tra của con người, sự tác động của con người, thì chúng cũng là vật vô tri vô giác. Chỉ có tác động của con người, thì mới đưa chúng vào hoạt động, mới phát huy khả năng của máy móc. Các công trình nghiên cứu và thực tế phát triển của các nước đều khẳng định vai trò có tính quyết định của nguồn nhân lực đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đặt biệt là quá trình đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là sự nghiệp cách mạng của quần chúng, trong đó lực lượng cán bộ khoa học – công nghệ, khoa học quản lý và công nhân lành nghề đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong quá trình phát triển, CNH, HĐH đòi hỏi phải có đầy đủ nguồn nhân lực về số
lượng, đảm bảo về chất lượng và có trình độ cao. Để đáp ứng đòi hỏi đó phải coi trọng con người và đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế. Phải coi trọng việc đầu tư cho giáo dục, đào tạo là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển; giáo dục đào tạo phải thật sự trở thành quốc sách hàng đầu.
Một trong các đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 là: Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Vì vậy, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tây Ninh với hơn 80% dân số nông thôn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, trình độ kỹ thuật tay nghề thấp, lao động qua đào tạo thấp cho nên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Tây Ninh.