III. Nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển du lịch Ninh Bình
1. Nhóm các giải pháp quản lí vĩ mô của Nhà nước Hoàn thiện môi trường pháp lí
1.1. Hoàn thiện môi trường pháp lí
Nhằm đảm bảo cho hoạt động đầu tư phát triển du lịch Ninh Bình, ngoài việc phải có một chiến lược rõ ràng, phù hợp với từng thời kì phát triển thì cần phải có hệ thống các chính sách và pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, nhằm tạo môi trường thuận lợi. Luật Du lịch số 44/2005/QH11 được Quốc hội thông qua tại kì họp thứ 7, khóa XI được ban hành thay thế Pháp lệnh du lịch, Nghị định số 92/2007/NĐ-CP của Chính Phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, các khung pháp lí có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật Thuế… cũng đã ban hành và ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó các Bộ, ngành ở Trung ương cũng đã ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đây là cơ sở cho các hoạt động đầu tư du lịch, đồng thời đã tạo ra một hệ thống khung pháp lí tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản pháp lí có liên quan mới chỉ giới hạn ở từng lĩnh vực cụ thể mà chưa có sự liên kết vững chắc, đôi khi còn chồng chéo, các văn bản hướng dẫn thi hành luật về lĩnh vực du lịch của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch chưa mang tính tổng thể, chưa bao quát được những vấn đề cụ thể trong hoạt động lĩnh vực này.
Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành du lịch cần tiếp tục được quan tâm thỏa đáng. Song song với đó là tổ chức tốt việc thực hiện luật Du lịch, tạo môi trường pháp lí cho công tác quản lí hoạt động du lịch, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch phù hợp với tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế cả nước.
1.2. Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các địa bàn du lịch trọng điểm điểm
Trong những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ Ninh Bình đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu du lịch Tam Cốc – Bích Động ( đây là 1 trong 16 khu du lịch chuyên đề của Quốc gia), xây dựng cơ sở hạ tầng Khu hang động Tràng An gắn với cố đô Hoa Lư và chùa Bái Đính. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các địa bàn trọng điểm du lịch, các khu du lịch quốc gia, các điểm du lịch có tiềm năng phát triển trên cơ sở khai thác các tiềm năng và thế mạnh của từng khu vực, gắn kết các nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực từ các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển du lịch theo chủ trương xã hội hóa phát triển du lịch đã tạo cho du lịch Ninh Bình một diện mạo mới.
Tuy nhiên, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế- xã hội nói chung và du lịch nói riêng rất cần sự quan tâm thỏa đáng từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước (bao gồm cả vốn ODA), trong bối cảnh Ninh Bình là một trong những địa phương chưa cân đối được thu chi ngân sách hàng năm. Đặc biệt đối với việc nâng cấp giao thông nối các điểm du lịch khu vực Tam Điệp và đường nối thành phố Ninh Bình với huyện Kim Sơn nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch làng nghề và điểm du lịch đặc thù của Ninh Bình là nhà thờ đá Phát Diệm.
1.3. Mở rộng phạm vi liên kết giữa các tỉnh, thành trong cả nước để nâng giá trị gia tăng cho ngành du lịch: gia tăng cho ngành du lịch:
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần chủ trì trong việc thiết lập các khu tam giác liên kết du lịch với mục tiêu giữ chân du khách lưu lại Việt Nam lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. Trong đó lấy du lịch từ văn hóa làm trọng tâm gắn kết các địa phương trên cơ sở đa dạng hóa các tour du lịch, nhóm các tour theo chuyên đề nhằm đem lại cho du khách sự ngạc nhiên, thú vị, kích thích sự tò mò khám phá của họ, đặc biệt là khách nước ngoài.
1.4. Chuẩn bị định hướng cho hội nhập, hợp tác quốc tế về du lịch và cùng với các thành phần kinh tế xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch: các thành phần kinh tế xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch:
Chuẩn bị các điều kiện để hội nhập du lịch ở mức cao, trước hết là chuẩn bị các điều kiện để khai thác những yếu tố về du lịch trong việc thực thi Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, cũng như cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO. Kết hợp linh hoạt các hình thức tuyên truyền như: hội chợ, hội thảo, triển lãm… và các phương tiện thông tin tuyên truyền khác để xúc tiến du lịch phù hợp với định hướng phát triển thị trường du lịch ở trong và ngoài nước. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài và hỗ trợ quốc tế để phục vụ công tác xúc tiến quảng bá du lịch hiệu quả.
1.5. Kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Hệ thống đào tạo hiện nay không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành du lịch. Do vậy Nhà nước cần xem xét tổ chức và tổ chức lại hệ thống đào tạo nghề ở các cấp bậc cho phù hợp, như: Đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học về du lịch; Đổi mới cơ bản công tác quản lí và tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo theo chuẩn hóa quốc gia cho ngành du lịch; gắn lí thuyết với thực hành, đào tạo với nghiên cứu để nâng cao chất lượng giảng dạy và trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy.