Các dạng rủi ro trong hoạt động bảo lãnh

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển hoạt động bảo lãnh ngân hàng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) (Trang 64 - 66)

2.3.1.1 Đối với hoạt động bảo lãnh nước ngoài

Trong hoạt động này, gian lận, lừa đảo và giả mạo thường tinh vi, trị giá khá lớn, thường được tổ chức quy mô và nhằm vào những công ty xuất nhập khẩu mới thành lập, chưa thông thạo trong thương mại quốc tế để mời chào bằng những món lợi lớn, những thương vụ mang lại hiệu quả cao. Trong các dạng rủi ro trên, lừa đảo quốc tế xuất hiện nhiều nhất.

Trường hợp 1: Một công ty T mới được thành lập tại tỉnh A trở thành

mục tiêu của tổ chức lừa đảo dưới danh nghĩa của Công ty Alpha Trading (Thụy Sĩ). Sau thời gian tìm cách tiếp xúc, tạo mối quan hệ ban đầu rất tốt với Công ty T, Alpha Trading đặt mua 100.000 tấn gạo với giá 270 USD/tấn, cao hơn giá cùng thời điểm trên thị trường khoảng 15 – 20 USD/tấn. Khi ký hợp đồng, Alpha Trading yêu cầu Công ty T phải giao một bảo lãnh thực hiện hợp đồng trị giá 1,35 triệu USD (tương đương 5% hợp đồng) theo mẫu của họ và trong đó không có điều khoản ràng buộc việc mở L/C của Alpha Trading. Khi Công ty T đến làm việc với Vietcombank, bằng kinh nghiệm trong hoạt động thanh toán quốc tế và bảo lãnh nước ngoài, nhận thấy các điều khoản trong hợp đồng cũng như trong mẫu bảo lãnh có nhiều điểm bất lợi cho bên bán và nguy cơ rủi ro khá cao, Vietcombank đã tư vấn và cảnh báo cho Công ty T về nguy cơ rủi ro và từ chối bảo lãnh. Tuy nhiên, vì quá tin tưởng vào thiện chí

hợp tác lâu dài với Alpha Trading và lợi nhuận từ thương vụ này, nên Công ty T đã chấp nhận mọi rủi ro và thực hiện yêu cầu của Alpha Trading thông qua một ngân hàng khác. Sau đó, bằng thủ thuật tinh vi, Alpha Trading đã gài bẩy Công ty T vi phạm hợp đồng và rút tiền từ cam kết bảo lãnh rồi biến mất. Trong khi đó, chờ mãi không thấy Alpha Trading mở L/C, Công ty T tìm hiểu mới biết đã bị lừa đảo.

Trường hợp 2: Một tổ chức có tên gọi Briton Finance đã thông qua một

nhà môi giới ở Tp. Hồ Chí Minh tìm đến Công ty B để làm quen, giao thiệp một thời gian rồi mời chào cho Công ty B vay một khoản tín dụng gần 20 triệu USD, lãi suất 6,25%/năm, thời gian cho vay 10 năm, thời gian ân hạn 2 năm và Công ty B phải cung cấp một bảo lãnh ngân hàng có thể chuyển nhượng, không hủy ngang và thanh toán vô điều kiện theo mẫu của Briton Finance. Trước thiện chí của đối tác và lợi ích to lớn từ việc hợp tác này, Công ty B yêu cầu ngân hàng X phát hành cam kết bảo lãnh theo như yêu cầu của Briton Finance. Tuy nhiên, do ngân hàng X chưa được phép thực hiện bảo lãnh nước ngoài nên đã nhờ Vietcombank xác nhận bảo lãnh. Khi xem xét hợp đồng và nội dung yêu cầu phát hành, nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo nên Vietcombank đã cảnh báo đến ngân hàng X, Công ty B và từ chối xác nhận bảo lãnh trên. Sau đó, tổ chức lừa đảo trên đã bị phát hiện và bắt giữ.

Hiện nay, tình hình khó khăn do nền kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, các thủ đoạn lừa đảo quốc tế nói chung và lừa đảo, gian lận và giả mạo trong bảo lãnh nước ngoài nói chung ngày càng nhiều. Các tổ chức lừa đảo thường lợi dụng tâm lý rất cần đầu ra của các nhà xuất khẩu cũng như tâm lý nhập hàng rẻ của các nhà nhập khẩu để đưa ra các điều khoản bất lợi và đầy rủi ro khi hợp tác. Bên cạnh các trường hợp kể trên, trong thời gian qua, Vietcombank đã phát hiện và từ chối thanh toán nhiều bảo

lãnh giả mạo, đồng thời báo cáo cho cơ quan chức năng và phát cảnh báo đến các ngân hàng bạn.

Qua các trường hợp gian lận, lừa đảo và giả mạo trong hoạt động bảo lãnh nước ngoài bị phát hiện tại Vietcombank trong thời gian gần đây cho thấy các thủ đoạn trên dù có tinh vi đến đâu cũng sẽ có những khe hở nhất định. Những khe hở đó có thể là những món lợi lớn từ thương vụ, các thỏa thuận hợp tác quá dễ dàng nhưng hiệu quả lại rất cao; hoặc đó có thể là các điều khoản bất lợi trong mẫu bảo lãnh yêu cầu phát hành; hoặc các lỗi “đỏ” về chính tả, ngữ pháp hoặc văn phong trong cam kết bảo lãnh giả mạo đã được phát hành dưới tên các ngân hàng lớn.

2.3.1.2 Đối với hoạt động bảo lãnh trong nước

Hoạt động bảo lãnh trong nước cũng đối mặt với những rủi ro về gian lận, lừa đảo và giả mạo. Khác với bảo lãnh nước ngoài, các thủ đoạn trên không tinh vi bằng và giá trị không lớn. Trong các thủ đoạn trên, các trường hợp bị phát hiện trong hoạt động bảo lãnh trong nước tại Vietcombank cho thấy bảo lãnh giả mạo được sử dụng nhiều nhất. Đa số các cam kết bảo lãnh bị làm giả chủ yếu để phục vụ cho các tổ chức phát hành để tránh sử dụng đến ngân quỹ, chẳng hạn: dự thầu, thực hiện hợp đồng, bảo hành,... Các trường hợp này thường ít được phát hiện, tuy rất dễ nhận biết, bởi bên nhận bảo lãnh trong nước thường ít chú trọng đến cam kết bảo lãnh và thường xem đó như một thủ tục. Đây là điều rất bất lợi cho bên nhận bảo lãnh và dễ bị lợi dụng. Rõ ràng, trong trường hợp này, việc phối hợp giữa ngân hàng phát hành và bên nhận bảo lãnh là phương pháp hiệu quả để phát hiện các rủi ro này.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển hoạt động bảo lãnh ngân hàng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)