Nguyên nhân của hạn chế trong hoạt động bảo lãnh tại Vietcombank

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển hoạt động bảo lãnh ngân hàng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) (Trang 67 - 72)

2.4.1 Nguyên nhân bên trong

2.4.1.1 Về con người

Vấn đề con người tuy luôn được Vietcombank quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chính sách đãi ngộ tuy đã có những chuyển

biến tích cực, song vẫn chưa tạo được động lực thực sự cho người lao động. Cụ thể, tuy mức lương có tăng, nhưng các vấn đề như kinh nghiệm, trình độ học vấn của nhân viên chưa được quan tâm nên không khuyến khích được người lao động nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, theo quy chế mới, lương được trả theo năng lực và công việc thực hiện; tuy nhiên, trong thực hiện đã nảy sinh bất cập. Năng lực của nhân viên thể hiện qua công việc nhưng chịu sự đánh giá của lãnh đạo, điều này dễ dẫn đến những đánh giá chủ quan, không đúng với năng lực thực tế của nhân viên và gây ức chế trong công việc nếu lãnh đạo không công tâm. Bên cạnh đó, phần lương công việc được trả như nhau cho nhân viên trong cùng bộ phận nên không tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, không khuyến khích nhân viên nâng cao trách nhiệm và kỹ năng nghiệp vụ. Mặt khác, vấn đề bảo mật về lương, thưởng chưa được chú trọng. Ngoài ra, chế độ thưởng phạt còn nặng tính hình thức. Do những bất cập trên nên tình trạng chảy máu chất xám tại Vietcombank vẫn tiếp diễn và không phát huy được đầy đủ tiềm năng của đội ngũ lao động.

Trong hoạt động bảo lãnh, tuy phần đông nhân viên tác nghiệp được đào tạo bài bản và có trình độ, nhưng thường thiếu các kiến thức chuyên sâu về bảo lãnh. Bên cạnh đó, tuy đã có Trung tâm Đào tạo đặt tại Hội sở, nhưng công tác đào tạo chưa được chú trọng đúng mức. Các nhân viên tác nghiệp bảo lãnh chủ yếu tự mày mò, đúc kết kinh nghiệm qua thực tế theo kiểu “nghề dạy nghề”, chứ chưa nhận được sự hỗ trợ từ việc hệ thống hóa các kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động này như một cẩm nang nghiệp vụ. Mặt khác, công tác trao đổi kinh nghiệm giữa các chi nhánh tuy có nhưng theo kiểu tự phát, riêng lẻ; chưa có chủ trương khuyến khích và chưa tổ chức rộng rãi dù đây là hoạt động rất hữu ích và góp phần quan trọng trong việc hạn chế rủi ro về tác nghiệp và quản lý. Ngoài ra, nhân viên mới ít được đào tạo lại một cách

bài bản sau khi được tuyển dụng nên không nắm được tổng quát các sản phẩm ngân hàng hiện có, do đó chưa tiếp thị một cách đầy đủ đến khách hàng.

2.4.1.2 Về nghiệp vụ

Một hạn chế dễ nhận thấy nhất về nghiệp vụ trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng tại Vietcombank là tác nghiệp bảo lãnh chưa được chuẩn hóa. Nguyên nhân là do Vietcombank chưa ban hành quy trình nghiệp vụ bảo lãnh bằng văn bản để áp dụng trên toàn hệ thống. Điều này làm cho việc tác nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi chi nhánh nên không tạo được sự đồng nhất, chuyên nghiệp trong cách thức thực hiện và chưa rút ngắn được thời gian phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, do chưa có quy trình cho nghiệp vụ bảo lãnh nên Vietcombank cũng chưa xây dựng được cơ chế về quản lý rủi ro trong hoạt động này.

Mặt khác, Vietcombank cũng chưa thực hiện chuyên môn hóa rộng rãi trong hoạt động bảo lãnh. Hiện nay, Vietcombank chỉ mới thực hiện chuyên môn hóa hoạt động bảo lãnh tại Sở Giao dịch (Hà Nội) và chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh bằng việc tổ chức phòng bảo lãnh hoạt động độc lập và có tính chuyên môn cao. Các chi nhánh còn lại vẫn chưa tổ chức được bộ phận chuyên trách về bảo lãnh, nhân viên tác nghiệp phải kiêm nhiệm nhiều việc khác như: xuất nhập khẩu, cho vay, thẩm định khách hàng, … Điều này làm tăng áp lực của nhân viên và giảm hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, việc thiếu chuyên môn hóa sẽ làm gia tăng rủi ro trong tác nghiệp và giảm chất lượng phụ vụ khách hàng. Mặt khác, công tác kiểm tra, kiểm soát về bảo lãnh còn khá sơ sài. Ngoài ra, Vietcombank cũng chưa có bộ phận phụ trách hỗ trợ về pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế cho hoạt động bảo lãnh. Các cam kết bảo lãnh được phát hành đều có tham chiếu luật áp dụng; do đó, việc thiếu bộ phận có chuyên môn về pháp luật để hỗ trợ hoạt động bảo lãnh đã làm giảm tính chuyên nghiệp và làm tăng bất lợi cho ngân hàng này khi có tranh chấp xảy ra.

2.4.1.3 Về công nghệ

Công nghệ tin học đã được áp dụng trong thao tác và quản lý hoạt động bảo lãnh, nhưng vẫn còn thô sơ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Hiện tại, Vietcombank đang áp dụng phần mềm tin học chuyên dùng cho tài trợ thương mại (Trade Finance – TF), trong đó có mảng ứng dụng trong công tác bảo lãnh, nhưng phần mềm này đã bộc lộ nhiều điểm yếu. Các thông tin về việc phát hành bảo lãnh đều phải được cập nhật vào hệ thống này, tuy nhiên, chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu truy xuất thông tin đầy đủ về cam kết bảo lãnh đã phát hành. Bên cạnh đó, công nghệ này tuy được sử dụng để bước đầu tạo ra sự chuẩn hóa trong mẫu thư/điện bảo lãnh được phát hành, nhưng trên thực tế ứng dụng này đã không thể sử dụng được và các cam kết bảo lãnh đều phải soạn thảo thủ công. Đây là hạn chế lớn nhất. Điều này làm gia tăng thời gian phục vụ khách hàng và không tạo được sự thống nhất trong mẫu biểu sử dụng trên toàn hệ thống Vietcombank.

2.4.1.4 Một số yếu tố khác

Chính sách marketing:

Marketing đang là một trong những điểm yếu của Vietcombank. Các hoạt động có nhiều thế mạnh như thanh toán quốc tế, bảo lãnh nước ngoài chưa được chú trọng khai thác để quảng bá rộng rãi đến khách hàng. Bên cạnh đó, các kênh truyền thông như báo chí, phát thanh, truyền hình, internet ít được sử dụng. Trang thông tin điện tử còn rất sơ sài và thiếu sinh động. Điều này là do Vietcombank chưa chú trọng đúng mức đến chính sách marketing. Hoạt động quảng bá về ngân hàng chưa có chiến lược cụ thể và chưa chú trọng đến nhóm khách hàng là cá nhân. Cùng với đó, Vietcombank chưa có đội ngũ nhân viên marketing chuyên nghiệp. Ngoài ra, sự bó buộc trong quy chế tài chính trong hoạt động này từ các quy định hiện tại của các cấp quản lý cũng là một cản trở không nhỏ trong hoạt động này.

Chính sách phí

Một trong những nguyên nhân làm giảm lợi thế cạnh tranh của Vietcombank trong hoạt động bảo lãnh hiện nay là chính sách phí chưa hợp lý. Mức phí bảo lãnh hiện tại của Vietcombank cao hơn mặt bằng chung của các ngân hàng. Điều này tác động đến số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ này do chi phí gia tăng. Cụ thể, từ khi mức phí mới được áp dụng, một số khách hàng có nhu cầu phát hành bảo lãnh thường xuyên nhưng do đặc trưng ngành nghề nên giá trị từng bảo lãnh không cao, như các công ty dược phẩm, các công ty xây dựng nhỏ, đã không sử dụng dịch vụ này của Vietcombank. Rõ ràng, mức phí bảo lãnh hiện tại đã cản trở việc thu hút và giữ chân khách hàng.

Bên cạnh đó, chính sách phí được áp dụng đồng nhất toàn hệ thống Vietcombank trên cả nước cũng gây ra những bất cập do mặt bằng phát triển kinh tế từng khu vực không giống nhau. Việc áp một mức phí cho cả hệ thống tạo nên sự cứng nhắc và làm giảm tính cạnh tranh tại từng khu vực. Cùng với đó, tuy có biểu phí có quy định những ưu đãi nhất định thông qua các mức giảm, nhưng lại bó buộc trong các bước giảm 25%, 50%, 75% và 100%. Điều này làm giảm tính linh hoạt và tự chủ của từng chi nhánh.

Quy mô vốn

Với mức vốn tự có 13.790.042 triệu đồng (tương đương khoảng 860 triệu USD) (đến ngày 31/12/2008), quy mô vốn hiện tại của Vietcombank còn khá nhỏ so với các ngân hàng nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Theo quy định hiện hành của pháp luật, tổng số dư bảo lãnh của TCTD đối với khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của TCTD, do đó, với quy mô vốn này, Vietcombank bị hạn chế trong việc phát hành các cam kết có giá trị lớn.

Điểm tín nhiệm

Dù đã có sự ghi nhận của các tổ chức quốc tế trong việc xếp hạng tín nhiệm; tuy nhiên, Vietcombank chưa là ngân hàng được các tổ chức lớn trên thế giới ưu tiên lựa chọn do điểm tín nhiệm trong xếp hạng ngân hàng quốc tế chưa cao. Với điểm xếp hạng ở mức BB/B, triển vọng ổn định và năng lực nội tại ở mức D theo kết quả xếp hạng của S&P năm 2007, Vietcombank vẫn còn là ngân hàng được xếp hạng khá thấp trong khu vực Đông Nam Á do chịu ảnh hưởng bởi chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, và độ an toàn về vốn còn hạn chế so với chuẩn mực quốc tế.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển hoạt động bảo lãnh ngân hàng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) (Trang 67 - 72)